Đóng vai nhân vật ông Hai kể lại diễn biến tâm trạng của ông Hai từ lúc nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc cho đến khi tin đó được cải chính. 1. Mở bài: Đóng vai ông Hai (xưng tôi): - Lời giới thiệu của tôi (tên, quê quán, gia cảnh,…) - Lí do phải tản cư. - Ông Hai giới thiệu câu chuyện định kể (Câu chuyện về một lần “tôi” nghe được tin làng Chợ Dầu của “tôi” theo Tây). - Cảm xúc của ông Hai về câu chuyện của mình. 2. Thân bài: * Tình cảm của ông Hai với làng chợ Dầu - Tình cảm của tôi với làng. - Niềm yêu thương và nỗi nhớ của tôi đối với ngôi làng Chợ Dầu ở nơi mới. * Tâm trạng đau khổ của tôi khi nghe tin dân làng Dầu theo giặc. + Thấy đám người tản cư từ dưới xuôi lên, tôi nóng ruột hỏi thăm tin tức. Nghe tin mụ đàn bà kia khẳng định làng Chợ Dầu đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho giặc, tôi bàng hoàng, sững sờ “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:” + Lúc đầu tôi nghi ngờ, cho rằng có thể đây là một sự nhầm lẫn nào đó. Kiểm điểm trong óc, tôi thấy người làng mình ai cũng quyết tâm chống giặc. Sau khi nghe người ta khẳng định lần nữa, tôi rơi vào tâm trạng đau đớn, tủi hổ, bàng hoàng. + Tôi đã giả vờ lảng tránh ra về “Hà, nắng gớm, về nào…”. + Về đến nhà tôi nằm vật ra giường, nhìn lũ con tủi hổ “Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…”. → Căm giận lũ người theo giặc. + Cuộc trò chuyện giữa tôi và vợ. + Tâm trạng của tôi mấy ngày sau lúc nào cũng luôn dằn vặt, tủi hổ, ám ảnh… + Tin đồn lan rộng, bà chủ nhà nơi tản cư có ý định đuổi gia đình tôi không chấp chứa dân làng Chợ Dầu “phản động”. Tôi lâm vào tình thế đầy mâu thuẫn, ở lại làng cũng không được mà về theo “giặc” cũng không xong. Sự đau khổ biến thành căm giận, tôi nguyền rủa những kẻ hèn nhát, phản bội. + Tôi chẳng dám trò chuyện cùng ai, chỉ bộc bạch, chia sẻ với đứa con nhỏ. * Niềm vui sướng hạnh phúc tột cùng của tôi khi biết chính xác tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính + Tôi nghe đích thân chủ tịch xã lên thông báo tin làng Chợ Dầu bị giặc phá, nhà tôi bị giặc đốt, du kích làng tôi đã anh dũng đẩy lùi cuộc tấn công của giặc… Tôi vội vã thông báo, cải chính với mọi người rằng tin đồn kia chỉ là “láo hết”. .. + Nỗi khổ, niềm vui của tôi không bó hẹp trong phạm vi cá nhân và gia đình mà gắn liền với cái làng Chợ Dầu mà tôi yêu quý, tự hào. 3. Kết bài: Bài học về niềm tin của mỗi con người về sự chung thủy của những người sống ở làng…. (Bài viết chú ý sử dụng các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm).

1 câu trả lời

        Là một người nông dân gắn bó sâu nặng với làng quê nên tôi vô cùng yêu quý và tự hào về cái làng Chợ Dầu quê tôi. Có một việc xảy ra đã cho tôi hiểu tình yêu tôi dành cho làng sâu đậm đến nhường nào. Đó là ở nơi tản cư tôi đột ngột nghe tin làng Chợ Dầu mà tôi vẫn tự hào là làng kháng chiến đã Việt gian theo Tây phản bội Tổ quốc.

       Nghe theo lời kêu gọi của Cụ Hồ xây dựng làng kháng chiến, tôi cùng gia đình rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư tôi vẫn luôn nhớ về làng và lúc nào cũng tự hào khoe làng tôi là làng kháng chiến. Ngày nào tôi cũng lên phòng thông tin nghe tin tức về kháng chiến và làng Chợ Dầu quê tôi.

     Hôm ấy, sau khi làm xong việc nhà, tôi đến phòng thông tin để nghe đọc báo. Tôi nghe được bao nhiêu là tin hay về chiến thắng của quân ta. Ruột gan tôi cứ múa cả lên, vui quá! Rời phòng thông tin, tôi ghé vào một quán nước, hút điếu thuốc lào, uống bát chè xanh. Bỗng tôi giật mình nghe thấy một người đàn bà nói oang oang:

  - Nó rút qua Bắc Ninh, về Chợ Dầu nó khủng bố ông ạ.

   Nghe thấy hai tiếng “Chợ Dầu”, tôi quay phắt lại lắp bắp hỏi:

  - Nó ...nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?

  Người đàn bà cong môi lên đỏng đảnh:

  - Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây rồi, còn giết gì nữa.

   Nghe người đàn bà nói thế, cổ họng tôi nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Tôi lặng đi, tưởng như không thở được. Một lúc sau tôi mởi hỏi lại, giọng lạc hẳn đi:

 - Có thật thế không hở bác? Hay là chỉ lại...

   Tôi hỏi lại để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng có một sự nhầm lẫn và đó chỉ là tin đồn vô căn cứ. Nhưng trước sự khẳng định chắc chắn của người đàn bà tản cư thì tôi không thể không tin. Bà ta lại còn kể cả chuyện thằng chánh Bệu làng tôi đưa vợ con lên vị trí với giặc thì tôi còn nghi ngờ gì nữa. Không còn mặt mũi nào ngồi đấy, tôi đứng dậy lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng. Song tôi có cảm giác tiếng cười nói xôn xao của đám người tản cư vẫn cứ dõi theo tôi. Bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng người đàn bà tản cư chửi bọn Việt gian bán nước :

 - Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp, ăn trộm bắt được người ta còn thương chứ cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!

   Tôi có cảm giác tiếng chửi của người đàn bà tản cư là nhằm vào tôi. Tôi thấy mình như có lỗi, có tội, có một phần trách nhiệm trong việc làng tôi phản quốc. Đau đớn quá! Xấu hổ, nhục nhã quá! Tôi chỉ còn biết cắm mặt xuống mà đi.

     Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi thương con vì chúng nó là trẻ con làng Việt gian. Nghĩ đến việc chúng nó sẽ bị người ta hắt hủi, xua đuổi, tôi lại càng thêm đau đớn và căm hận cái lũ Việt gian bán nước. Tôi nắm chặt hai tay lại mà rít lên:

 - Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

   Tôi bỗng ngờ ngợ lời mình nói không được đúng lắm. Tôi kiểm điểm lại từng người trong óc và thấy ai cũng có tinh thần cả. Tôi tin người dân làng Chợ Dầu quê tôi dù có chết cũng không ai cam tâm làm điều nhục nhã đấy. Nhưng rồi tôi lại phân vân. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Chao ôi! Cực nhục quá, cả làng Việt gian theo Tây! Tôi lại càng lo sợ hơn khi nghĩ đến việc không ai làm ăn buôn bán với người làng Việt gian. Bởi suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước. Gia đình tôi rồi biết đi đâu về đâu? Biết làm ăn buôn bán ra sao bây giờ? Bao nhiêu ngươi làng Chợ Dầu tan tác ở nơi khác không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? Nỗi đau đớn , tủi nhục lại dâng trào trong lòng tôi, như bóp nát trái tim tôi.

     Từ lúc ấy, bao nhiêu ý nghĩ đen tối cứ rối bời trong lòng tôi. Gia đình tôi biết đi đâu bây giờ? Biết nơi đâu người ta chứa bố con tôi mà đi bây giờ? Thật là tuyệt đường sinh sống! Tôi sợ rằng đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà dẫu có vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu. Không hiểu sao cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí tôi "Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây.” Chưa bao giờ tôi thấy đau khổ, bế tắc và tuyệt vọng như lúc này.

   Trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ “Hay là quay về làng?”. Nhưng vừa chớm nghĩ như vậy tôi đã phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Tôi hiểu về làng lúc này là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây, để chúng ức hiếp, đè nén. Cả cuộc đời đen tối lầm than cũ như hiện ra trước mắt tôi khiến tôi rợn cả người. Không, không thể quay về làng được. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.

    Mặc dù đã dứt khoát phải thù làng nhưng trong thẳm sâu tâm hồn tôi vẫn không thể nào dứt bỏ được tình cảm với làng Chợ Dầu yêu quý của tôi. Bởi vậy tôi càng thêm đau khổ và bế tắc. Tôi ôm thằng con út vào lòng, nói chuyện với nó cho vơi bớt nỗi niềm. Tôi khẽ hỏi con:

      - Nhà con ở đâu ?

      - Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

           - Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?

      Thằng bé nép đầu vào ngực tôi trả lời khe khẽ:

             - Có.

          Nghe con trả lời, tình yêu, nỗi nhớ làng trong lòng tôi lại dâng trào. Tôi hỏi con mà như đang tự hỏi chính lòng mình. Tôi muốn con và cũng là chính mình phải luôn ghi lòng tạc dạ rằng dù thế nào thì làng Chợ Dầu cũng vẫn là quê hương bản quán, là nơi chôn rau cắt rốn của mình.

         Ôm khít con vào lòng, một lúc lâu tôi lại hỏi:

          - À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

   Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

          - Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

     Nước mắt tôi giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Tôi thủ thỉ nói với con trong nước mắt:

           - Ừ đúng rồi! Ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ!

    Nói ra được đôi câu như vậy, nỗi khổ trong lòng tôi cũng vợi đi được đôi phần. Tôi nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con tôi. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con tôi. Cái lòng bố con tôi là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Trong đau đớn và bế tắc, tôi vẫn giữ vững lòng yêu làng, vẫn tin tưởng tuyệt đối vào Cách mạng và kháng chiến.

     Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khoảng ba giờ chiều hôm ấy, một người quen ở làng Chợ Dầu đến tìm tôi. Hắn thì thầm với tôi rằng có tin vui về làng Chợ Dầu và bảo tôi tức tốc cùng hắn lên huyện. Tôi đóng khăn áo chỉnh tề, tất tả đi theo hắn. Lên đến phòng thông tin trên huyện, tôi đã thấy chật ních bao nhiêu là người, lại còn có cả ông chủ tịch làng tôi nữa. Cả phòng thông tin như vỡ òa khi ông chủ tịch làng Chợ Dầu thông báo cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là sai sự thật.

   Khi ấy tôi thấy cuộc đời mình như được lật sang một trang mới. Vui thế này thì phải khao cả nhà mới được. Tôi rẽ vào chợ, mua cho con chục chiếc bánh rán đường. Mặc dù đi bộ mãi sẩm tối mới về đến nhà nhưng tôi không hề thấy mỏi mệt mà lòng tôi vui như mở hội. Về đến nhà, tôi chia vội quà cho con rồi lật đật đi thẳng sang bên nhà bác Thứ, ông bạn già tối nào cũng ngồi tán chuyện với tôi.

     Chưa đến bực cửa, tôi đã hồ hởi thông báo:

    - Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi theo giặc. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.

    Không để bác Thứ nghe thủng câu chuyện, tôi lại lật đật bỏ lên nhà trên. Tin này phải thông báo cho ông chủ nhà nữa chứ:

    - Tây nó đốt nhà tôi rồi, ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính ...cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả.

     Cũng chỉ được bằng ấy câu, tôi lại lật đật bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho người khác biết nữa chứ. Tôi cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người. Ai cũng mừng cho tôi. Ngay cả mụ chủ nhà, người mà tôi yên trí nghe tin này cũng sa sầm mặt xuống, cũng tỏ vẻ rất vui sướng, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Mụ lại còn mời vợ chồng tôi ở lại nữa chứ.

    Tối hôm ấy, tôi lại sang gian nhà bác Thứ, lại ngồi trên chiếc chõng tre, lại vén quần lên đến bẹn mà say sưa kể về cái làng Chợ Dầu quê tôi...

     Sự việc này đã giúp tôi nhận ra tình yêu tôi dành cho làng Chợ Dầu lớn lao, sâu đậm như thế nào. Với tôi, làng Chợ Dầu không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn đi về mà còn là danh dự, là lẽ làm người. Làng Chợ Dầu là nơi chân tôi có thể rời đi nhưng trái tim tôi thì sẽ mãi mãi thuộc về nơi đó.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm