Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: (1) Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống... Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng. (2) Một người bạn của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó kể cả khi hành động không ảnh hưởng đến ai, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được những định kiến, gièm pha ác ý. Vậy tại sao ta không bình thản bước qua nó mà đi? (3) Như vậy đó thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi và thử nghe theo chính mình? (Theo Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn) Câu 1. Trong đoạn trích tác giả đã rút ra được kinh nghiệm gì trong cách nhìn nhận, đánh giá người khác? Câu 2. Theo anh/chị, nhân vật được nhắc đến trong đoạn (2) đã nghe thấy điều gì từ người khác khiến chị phải khóc? Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp câu hỏi tu từ trong đoạn (3). Câu 4. Anh/chị có cho rằng nếu cuộc sống của chúng ta bị chi phối bởi những định kiến là một điều rất tệ không? Vì sao?

1 câu trả lời

Câu 1:

Theo tác giả, thái độ để đối mặt với những định kiến của người khác đó chính là phớt lờ những định kiến đó cũng như đừng bao giờ phán xét người khác quá dễ dàng.

Câu 2:

Theo em, nhân vật người bạn đó có thể đã nghe thấy những lời gièm pha, bình luận ác ý về việc đi từ thiện của chị. Dù cho nó không ảnh hưởng đến ai, nhưng có thể họ đã nói xấu chị về việc chị đi từ thiện để đi đánh bóng bản thân hoặc giả tạo chẳng hạn,...trong khi sự thật không phải vậy.

Câu 3:

Câu hỏi tu từ có trong đoạn 3 có tác dụng: như một lời kêu gọi con người ngưng sợ hãi với những định kiến của chính bản thân mình và đến từ những người xung quanh. Câu hỏi tu từ góp phần tăng sắc thái biểu cảm cho vấn đề nghị luận.

Câu 4:

Theo tác giả "Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều". Đây là một ý kiến đúng đắn về thái độ sống ở đời. Ở đời mỗi người có một cuộc sống và quan điểm sống hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, có những người dễ dàng phán xét người khác chỉ dựa trên quan điểm của bản thân và sự so sánh sự khác biệt với chính mình. Những định kiến mà họ đưa ra cho chúng ta chính là những tấm lưới mà bản thân ta ko nên sa ngã vào. Bởi vì từ trong chính bản thân chúng ta cũng đã có những giới hạn, định kiến mà chúng ta tự đặt ra cho mình rồi. Vậy nên, việc vượt qua được những định kiến của bản thân và người khác để sống cuộc đời do chính mình lựa chọn là điều cần thiết. Khi ấy, mỗi người sẽ nhận thức được cuộc sống còn tươi đẹp biết bao mà trước nay chúng ta vẫn bị gò bó bởi người khác và chính mình. Tóm lại, việc vượt qua được những định kiến rào cản của bản thân và những người khác chính là để sống một cuộc sống tự chủ, tự do.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm