Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4: Đối với những vấn đề chưa giải quyết, sẽ có nhiều ý kiến, nhiều giả thuyết khác nhau. Sẽ có tranh luận, có trao đổi. Không tranh luận, không trao đổi, không có khoa học. Không có gì nguy hiểm bằng là không bao giờ được nghe một ý kiến khác ý của mình. Nghe mà phải tôn trọng, dù điều ấy có thể làm sụp đổ bao nhiêu suy nghĩ mà mình đã công phu xây dựng lên. Chỉ muốn nghe những người nhất trí với mình, những điều thuận tai là một thái độ phản khoa học. Vì vậy, khoa học không chỉ lấy uy quyền mà giải quyết, óc khoa học nhất định phải đi đôi với óc dân chủ. Một người khoa học bao giờ cũng hành động và suy nghĩ theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Trong hành động thì tinh thần tổ chức kỉ luật rất cao, chính vì biết rõ quan hệ chặt chẽ giữa ý kiến kiến và hành động, biết rõ ý kiến là cơ sở của hành động, không thể vì chủ quan mà gây nên tai họa cho người khác và xã hội. Nhưng khi suy nghĩ thì hoàn toàn giữ quyền độc lập và cố gắng tìm hiểu ý kiến của người khác. Nếu chưa được thuyết phục và nếu đủ lí để nghĩ rằng ý của mình đúng hơn, thì dù có phải tranh luận với bất kì ai, có khi bị cả một số đông phản đối vẫn bảo vệ lấy ý riêng. Khoa học phải đi đôi với dũng khí. Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm) Câu 2. Theo tác giả, “dũng khí” trong làm khoa học có nghĩa là gì? (0,5 điểm) Câu 3. Nêu nội dung cơ bản của đoạn trích. (1,0 điểm) Câu 4. Từ quan điểm của tác giả: “Không tranh luận, không trao đổi, không có khoa học”, anh/chị rút ra được bài học gì cho quá trình học tập của mình? (1,0 điểm)

1 câu trả lời

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Phương thức nghị luận

Câu 2.

Theo tác giả, “dũng khí” trong làm khoa học có nghĩa là:

- Độc lập trong suy nghĩ;

- Tìm hiểu ý kiến của người khác, nếu chưa thấy thuyết phục và có đủ lí để nghĩ rằng ý của mình đúng hơn thì phải tranh luận đến cùng để bảo vệ ý riêng.

Câu 3.

Nội dung cơ bản của đoạn trích:

- Vấn đề dân chủ trong tranh luận khoa học;

- Dũng khí lên tiếng của nhà khoa học.

Câu 4.

- Bài học về nhận thức: Khẳng định điều cần thiết của trao đổi và tranh luận; nhìn nhận, suy nghĩ vấn đề một cách đa chiều.

- Bài học hành động: Trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết để có được những lí lẽ, minh chứng bảo vệ ý kiến của mình; tranh luận đến cùng để tìm ra chân lí...)

 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm