Đọc đoạn trích sau: Bạn không cần phải trở thành người số một Vì bạn vốn đã là một người đặc biệt duy nhất Tôi ngắm nhìn vô vàn những bông hoa xếp trước cửa hàng Mỗi người đều có một loài hoa mình thích Nhưng bông hoa nào cũng rất đẹp Không có bông nào tranh giành ngôi số một Chúng chỉ đứng kiêu hãnh trong bình Vậy tại sao con người chúng ta lại phải so bì với nhau như thế? Tại sao chúng ta muốn trở thành người số một, khi tất cả chúng ta đều khác biệt? Đúng vậy, mỗi chúng ta đều là bông hoa duy nhất trên thế giới này Chúng ta đều có hạt giống của riêng mình Và chỉ cần cố hết sức để hạt giống ấy nở hoa. (Lời bài hát Bông hoa duy nhất trên thế giới, Noriyuki Makihara) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Tại sao tác giả lại khẳng định “Bạn không cần phải trở thành người số một” ? Câu 2. Xác định ý nghĩa của câu sau: Đúng vậy, mỗi chúng ta đều là bông hoa duy nhất trên thế giới này Câu 3. Phân tích tác dụng của phép tu từ trong hai câu: Chúng ta đều có hạt giống của riêng mình Và chỉ cần cố hết sức để hạt giống ấy nở hoa. Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về thông điệp được tác giả thể hiện trong hai câu: Vậy tại sao con người chúng ta lại phải so bì với nhau như thế ? Tại sao chúng ta muốn trở thành người số một, khi tất cả chúng ta đều khác biệt ?
1 câu trả lời
Câu1:
Tác giả khẳng định: “Bạn không cần phải trở thành người số một” Bởi vì “bạn vốn đã là một người đặc biệt duy nhất” trên trái đất này. Mỗi người trên thế giới này đều được sinh ra khác biệt, không thể giống bất kì ai trên cuộc đời này.
Câu 2:
Ý nghĩa của câu “Đúng vậy, mỗi chúng ta đều là bông hoa duy nhất trên thế giới này” là: Mỗi chúng ta đều đã sinh ra khác biệt với những vẻ đẹp riêng, chúng ta không cần phải so sánh với bất kì ai, hãy luôn kiêu hãnh, tự tin với chính vẻ đẹp của mình.
Câu 3:
Trong hai câu hát:
“Chúng ta đều có hạt giống của riêng mình
Và chỉ cần cố hết sức để hạt giống ấy nở hoa”
tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ và điệp từ qua từ “hạt giống”. “Hạt giống” là nguồn gốc để thực vật sinh sôi. Một “hạt giống” khoẻ mạnh sẽ mang đến những loài cây khoẻ mạnh. “Hạt giống” ở đây chính là một tài năng, một phẩm chất được ẩn giấu trong mỗi con người chúng ta. Tài năng ấy sẽ giúp ta trưởng thành mạnh mẽ. Điều chúng ta cần phải làm là phát huy hết tài năng ấy để đạt tới thành công, để đưa bản thân toả sáng, để việc chúng ta sống là đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Biện pháp “ẩn dụ” được sử dụng trong câu làm tăng hiệu quả thuyết phục cho sự diễn đạt, đồng thời giúp cho ý nghĩa câu hát trở nên cụ thể hơn, sinh động hơn. Việc lặp lại từ “hạt giống” hai lần còn nhấn mạnh vai trò của “hạt giống” trong mỗi con người, “hạt giống ấy – tài năng ấy” vẫn luôn tồn tại và chờ đợi được phát huy mạnh mẽ để mang lại thật nhiều sắc hương rực rỡ cho đời.
Câu 4:
Hai câu cuối trong lời hát trên đã để lại cho cuộc đời một thông điệp vô cùng ý nghĩa, đó là chúng ta không cần trở thành số một vì ta đã là duy nhất trên thế giới này:
“Vậy tại sao con người chúng ta lại phải so bì với nhau như thế ?
Tại sao chúng ta muốn trở thành người số một, khi tất cả chúng ta đều khác biệt?”
Trước hết ta hiểu “số một” là cách con người so sánh, xếp hạng bản thân qua việc đánh giá những điểm chung, những điểm tương đồng, từ đó để chứng tỏ ai giỏi nhất. Còn“khác biệt” là khi ta không có đặc điểm giống bất kì ai. Vậy mỗi chúng ta đã không giống bất kì ai, đã là duy nhất thì việc so bì ai giỏi nhất là điều vô nghĩa trong cuộc đời. Ở trên phương diện học vấn, người này giỏi hơn nhưng ở phương diện nghệ thuật lại không có năng khiếu. Điều đó chúng tỏ mỗi người sinh ra vốn đã có cái riêng cho mình. Chính vì vậy ta không cần so bì với bất kì ai. Điều ta cần làm là phát triển tài năng của ta, “hạt giống” của ta để nó đâm chồi nảy nỏ thành cây hoa rực rỡ sắc màu – những sắc màu của riêng ta. Có thể mọi người sẽ cho rằng, ta có thể đem tất cả những người giỏi trên cùng một phương diện để so sánh với nhau. Đó vẫn là điều không thể. Khi Tolstoy giỏi viết tiểu thuyết và có được kiệt tác “Chiến tranh và hoà bình” nhưng ông không phải là người viết tiểu thuyết giỏi nhất, ông đang toả sáng với hạt giống của riêng ông, đó là những trang viết về cuộc sống và nhân dân của ông. Không thể có ai có cách nhìn về người dân Nga trùng lặp với Tolstoy và viết được những trang văn giống ông, chính vì vậy Tolstoy là Tolstoy duy nhất. Chúng ta chỉ có một cụ Nguyễn Du, một cụ Nguyễn Trãi. Dù xã hội có phát triển, có rất nhiều người tài, nhưng mỗi người đều có cách toả sáng riêng. Chính vì vậy, thông điệp của tác giả đặt ra trong bài hát vô cùng đúng đắn và ý nghĩa “ta không cần phải so bì với bất kì ai vì ta chính là duy nhất”. Tất cả những điều ta cần làm là phát huy hết sức tài năng của riêng mình để toả sáng, và thành công theo cách riêng của ta.