Đặc điểm của Tiếng Việt thời kì dựng nước

1 câu trả lời

Tiếng Việt trong thời kì dựng nước:

Tiếng Việt có lịch sử phát triển lâu đời. Cùng với nền văn minh lúa nước có nguồn gốc từ xa xưa, phát triển thêm một bước dưới thời Văn Lang – Âu Lạc, tiếng Việt đương thời chắc hẳn đã có một kho từ vựng phong phú và những hình thức diễn đạt uyển chuyển, đáp ứng yêu cầu giao tiếp xã hội mà dấu vết mờ nhạt còn có thể thấy được qua những thiên truyền thuyết cổ xưa được lưu truyền rộng rãi đến tận ngày nay như: Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng,...

Vì giới nghiên cứu chưa tìm được những chứng tích chữ viết rõ ràng nên diện mạo tiếng Việt thời kì này chỉ có thể tìm hiểu một cách khái quát qua một số vấn đề chủ yếu như: nguồn gốc, quan hệ họ hàng, tiếp xúc với ngôn ngữ văn tự Hán ở thời kì đầu.

- Nguồn gốc tiếng Việt

Những kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều nhà Việt ngữ học đã chứng minh tiếng Việt có nguồn gốc bản địa. Nguồn gốc và tiến trình phát triển của tiếng Việt gắn bó với nguồn gốc và tiến trình phát triển của dân tộc Việt - cộng đồng người đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến tạo nền văn minh lúa nước trên địa bàn Đông Nam Á tiền sử, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay. Tiếng Việt được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.

- Quan hệ họ hàng của tiếng Việt

Trong nhiều thiên niên kỉ, qua sự tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ thuộc các họ ngôn ngữ khác, họ ngôn ngữ Nam Á đã phân chia thành một số dòng, trong đó có dòng Môn – Khmer phân bố ở vùng cao nguyên Nam Đông Dương và miền phụ cận vùng núi Bắc Đông Dương. Hai ngôn ngữ Môn và Khmer được lấy làm tên gọi cho dòng vì đó là hai ngôn ngữ sớm có chữ viết; những dân tộc nói hai ngôn ngữ này đã xây dựng nên những nền văn hoá khá phát triển. Từ dòng Môn – Khmer đã tách ra tiếng Việt Mường chung (tiếng Việt cổ) và cuối cùng tách ra thành tiếng Việt và tiếng Mường. Quá trình này để lại nhiều dấu vết có thể khảo sát được qua việc đối chiếu tiếng Việt với tiếng Mường, tiếng Khmer và với một số ngôn ngữ Môn – Khmer khác như tiếng Ba-na, tiếng Ca-tu,... Trong tiếng Việt hiện đại, những từ như chim, sông, cá, chân, tay,... đã được chứng minh là có nguồn gốc Môn – Khmer. Đối chiếu tiếng Việt với tiếng Mường, có thể tìm thấy sự tương ứng về ngữ âm, ngữ nghĩa của nhiều từ. Ví dụ: Việt - Mường:

ngày – ngài

mưa – muơ

trong - tlong

Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Việt thời xưa chưa có thanh điệu; trong hệ thống âm đầu, ngoài phụ âm đơn còn có phụ âm kép như tl, kl, pl,... trong hệ thống âm cuối còn có các âm như –l, -h, -s,... Về mặt ngữ pháp, từ được hạn định đặt trước, từ hạn định đặt sau (ví dụ như: cây cao, hoa đẹp, cỏ xanh,...). Đó là một nét riêng biệt của tiếng Việt khi đem so sánh với tiếng Hán - một thứ tiếng có quan hệ giao lưu tiếp xúc khá sâu rộng với tiếng Việt qua hàng ngàn năm lịch sử.

Vấn đề nguồn gốc tiếng Việt và diện mạo tiếng Việt ở thời kì đầu hiện đang được giới nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục đi sâu tìm hiểu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng: Ngay từ thời dựng nước, trong quá trình giao hoà với nhiều dòng ngôn ngữ trong vùng, tiếng Việt với cội nguồn Nam Á đã sớm tạo dựng được một cơ sở vững chắc để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trước sự xâm nhập ồ ạt của ngôn ngữ văn tự Hán ở những thế kỉ đầu Công nguyên.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm