Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ tứ và người đàn bà hàng chài qua 2 đoạn trích sau: - Bà lão cúi đầu nín lặng ..... Chứ biết thế nào mà lo cho hết được( vợ nhặt Kim lân) - mong các chú cán bộ hiểu cho đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần người đàn ông để chèo chống khi phong ba.....vui nhất là khi đàn con tôi chúng nó được ăn no.( Chiếc thuyền ngoài xa- nguyễn minh châu) " Các bạn làm nhanh giúp mình nha"

1 câu trả lời

I,MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

         Nêu giới hạn đoạn trích và VĐNL

II, TB

 1. Giới thiệu chung

 - HCST "Vợ nhặt": 

 - HCST "Chiếc thuyền ngoài xa":

 2, Phân tích 

  a, Nhân vật bà cụ Tứ 

   *Khái quát: Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo, lam lũ nhưng có tấm lòng nhân hậu. Điều này được thể hiện thông qua việc nhà văn Kim Lân đặt nhân vật vào một tình huống: trong nạn đói bỗng dưng Tràng đưa một người phụ nữ lạ mặt về nhà.
  * Phân tích:

    - Buồn , tủi vì xót thương cho số kiếp con trai mình, thương con dâu.

     + Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn lên làm nổi , những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này.

     + Lo lắng cho con: Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u lo quá “ bà cụ nghẹn lời nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng

-> Không hề phản đối cuộc hôn nhân chớp nhoáng của Tràng, thậm chí bà đã ngầm chấp nhận thị làm con dâu, cái khiến bà trăn trở chỉ là gia cảnh khốn khó, bà sợ con khổ, rồi làm khổ cả người khác nữa. Bà biết ơn thị, thấu hiểu cho hoàn cảnh của thị, cũng ý thức rõ được hoàn cảnh của con mình, thế nên bà chọn cách tác hợp, với hy vọng về một mối lương duyên tốt đẹp cho con trai

=>Tấm lòng bà mẹ bao la như biển cả. 

b, Nhân vật người đàn bà hàng chài

- Người phụ nữ với những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và lẽ sống.

 + Người đàn bà hiểu rõ hơn ai hết cuộc đời của những người vạn chài lênh đênh phá nước. + Chị hiểu rõ về sự hi sinh vì gia đình của mình.

+ Chị thấu hiểu các lẽ đời khi chính mình là người trong cuộc. 

+ Gia đình vạn chài cần có một cột buồm vững chãi để chống chọi với phong ba- đó là người đàn ông (“trên thuyền phải có một người đàn ông vì cũng có khi biển động sóng gió”)

+ Chức phận của người đàn bà ở thuyền: sống cho con chứ không sống cho mình. (“Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không sống cho mình”).

-> Kiên quyết không bỏ chồng, dù chồng mình là “lão đàn ông tàn độc nhất thế gian”. 

=>Người đàn bà rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Chị biết chắt chiu hạnh phúc từ những nhọc nhằn, lam lũ của đời thường. Đó là người phụ nữ nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha

- Người mẹ thương con: vui nhất khi thấy con được ăn no

 3. Đánh giá chung

- Điểm chung; đều là biểu tượng người phụ nữ thương con, giàu đức hi sinh

- Điểm khác: 

   + Hoàn cảnh: bà cụ Tứ mất chồng sớm, 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Người đàn bà hàng chài thì phải chịu sự bạo hành của chồng 

 III, KB; Khẳng định vẻ đẹp của 2 nhân vật 

*bài viết

 Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã trở thành đề tài trong các tác phẩm văn học. Mỗi nhà văn, nhà thơ lại chọn  cho mình 1 hướng khai thác riêng, gắn người phụ nữ vào từng hoàn cảnh khác nhau. Người phụ nữ xuất hiện trong văn học bên cạnh các vấn đề nhân sinh, các vấn đề thời cuộc. Nếu như trong "Vợ nhặt", ta ấn tượng với hình ảnh nhân vật bà cụ Tứ, đặc biệt qua đoạn trích "Bà lão cúi đầu nín lặng ..... Chứ biết thế nào mà lo cho hết được". Thì đến với "Chiếc thuyền ngoài xa", ta chẳng thể nào quên được hình ảnh người đàn bà hàng chài, đặc biệt trong đoạn "Mong các chú cán bộ hiểu cho đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần người đàn ông để chèo chống khi phong ba.....vui nhất là khi đàn con tôi chúng nó được ăn no". 

Trước hết nói về bà cụ Tứ, là người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong buổi đất nước có nhiều biến chuyển, thực dân Pháp xâm lược, chế độ phong kiến tàn lụi thối nát, đặc biệt nhất là đến thuở gần đất xa trời cứ ngỡ là sẽ được an hưởng tuổi già thì phát xít Nhật lại đem đến cái nạn đói khủng khiếp, hành hạ con người ta đến độ khốn khổ. Bà lão là người nghèo khó, chồng cụ có lẽ đã chết từ lâu, vì nạn đói, bệnh tật hay phu dịch gì đó, một mình bà vất vả nuôi lớn Tràng. Đến lúc Tràng có vợ, cũng là lúc tâm trạng cũng như vẻ đẹp tâm hồn  bà cụ Tứ một lần nữa được khăc sâu. 

Con trai có vợ bà vui một nhưng buồn mười, trước cái cảnh đói kém, mạng người như rơm rác, cứ lâu lâu lại có một ai đó ngã xuống vì đói thì cái bà lo nhiều nhất là "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không". Như vậy có thể thấy rằng, bà cụ Tứ không hề phản đối cuộc hôn nhân chớp nhoáng của Tràng, thậm chí bà đã ngầm chấp nhận thị làm con dâu, cái khiến bà trăn trở chỉ là gia cảnh khốn khó, bà sợ con khổ, rồi làm khổ cả người khác nữa. Một người mẹ thương con và thấu hiểu lẽ đời là vậy. Và sự thấu suốt ấy còn thể hiện rõ ràng thông qua phân cảnh bà nhìn thị mà nghĩ ngợi "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mấy lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. Thôi bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con...Chẳng may ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?". Thật tình chẳng mấy người mẹ có thể nghĩ được như bà cụ Tứ, cứ nhìn cái cảnh rách rưới, lại theo không về làm vợ người ta của thị không khéo chắc chẳng ai muốn nhận. Nhưng cụ Tứ lại khác, bà thậm chí biết ơn thị, thấu hiểu cho hoàn cảnh của thị, cũng ý thức rõ được hoàn cảnh của con mình, thế nên bà chọn cách tác hợp, với hy vọng về một mối lương duyên tốt đẹp cho con trai. Bởi lẽ, ngăn cấm chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí khiến cả con trai lẫn thị khổ sở.

Về người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, ta lại thấy một số kiếp khác, một cuộc đời khốn khổ khác.Phải nói rằng người đàn bà trong truyện có một số phận bất hạnh vô cùng, xấu xí, cuộc sống lam lũ vất vả hơn cả nửa đời người để hy sinh cho gia đình, thế nhưng vẫn bị chồng bạo hành không thương tiếc. Cũng như bà cụ Tứ, người đàn bà làng chài cũng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc nhưng sự yêu thương này ngoài lòng bao dung thì điểm nhấn lại chính là tính hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng của người phụ nữ. 

Những lời bộc bạch sắc bén của chị đã khiến cả Phùng và Đẩu phải nín lặng, phải đổi cách nghĩ về cuộc đời, chị nói một câu "Là bởi vì các chú không phải đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông". Hóa ra chị nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bạo hành của chồng mà vẫn không chịu ly hôn là vì gần chục đứa con của mình. Phải nói rằng chẳng có gì có thể thiêng liêng và rộng lớn hơn tình mẹ cả, chị đã nguyện hy sinh cuộc đời, hy sinh sức khỏe, lòng tự trọng để hòng cho những đứa con bé bỏng được khôn lớn trong một gia đình đầy đủ. "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được", chị cũng tự ý thức cho mình trách nhiệm cao cả của người phụ nữ với hơi hướng rất truyền thống "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ". Có thể nói rằng mỗi câu chữ của người đàn bà làng chài tuy mộc mạc giản đơn vậy, nhưng lại đều có lý lẽ riêng cả, trong đó chứa đựng sự thấu hiểu và từng trải sâu sắc của một người đàn bà đã quá nửa đời người. Là những cái lý mà Đẩu và Phùng không thể nào phản bác, bởi vì nó thật sự đúng, ông bà ta đã nói "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" là vậy, đời nay đâu ai có thể giống ai mà phán xét hay thay nhau quyết định. Nhưng cái thấu hiểu của người đàn bà làng chài không chỉ dừng lại ở sự hy sinh, nhẫn nhục và chịu đựng mà còn là tấm lòng bao dung, vị tha vô cùng. Chị lý giải việc lão chồng mình trở nên nóng nảy và cục cằn là bởi chị đẻ nhiều quá, bấy nhiêu miệng ăn khiến cuộc sống khó khăn đè nặng lên vai của người chồng, khiến ông ta trở nên đổi tính. Chị vẫn luôn nghĩ về người chồng đã cứu vớt chị khỏi những tháng ngày tăm tối nhất của cuộc đời, nghĩ về người con trai hiền lành như cục đất độ hơn chục năm về trước. Những ký ức đẹp đẽ và cả lòng biết ơn đã tiếp thêm sức mạnh khiến chị cố gắng trụ vững, nhẫn nhịn để nhà cửa được êm ấm, con cái được ăn no, mặc ấm thì bao nhiêu khổ cực chị cũng chịu được.

Cả bà cụ Tứ và người đàn bà làng chài đều là những hình ảnh đại diện cho một thế hệ phụ nữ Việt Nam ta những năm trước cách mạng và những năm đầu đất nước được độc lập. Ở họ tồn tại những nỗi niềm, những bất hạnh, khốn khổ riêng nhưng lại luôn có những cái chung nhất ấy là tình yêu thương con vô bờ bến, là tấm lòng thấu hiểu lẽ đời, với bà cụ Tứ nổi bật là tấm lòng bao dung, vị tha còn ở người đàn bà làng chài là sự hy sinh, nhẫn nhục vì con cái. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng bà cụ Tứ không có sự hy sinh, hay người đàn bà làng chài không có sự bao dung, ở họ đều có tất cả những đặc điểm ấy, chỉ là nó không được bộc lộ rõ nét trong tác phẩm mà thôI.

Bà cụ Tứ trong Vợ nhặt và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh đói nghèo, thế nhưng trong bóng tối của đói nghèo, trong nghịch cảnh của số phận ở họ vẫn tỏa sáng những phẩm chất sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam.