Cảm nhận về vẻ đẹp của người nông dân trong đoạn trích " sáng hôm sau mặt trời lên cao bằng con sào.........làm ăn có cơ khấm khá hơn"

1 câu trả lời

I, Dàn ý tham khảo

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu chung về đoạn văn

2, Thân bài

- Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đoạn văn 

- Phân tích đoạn văn

+ Những thay đổi trong ngôi nhà của Tràng

+ Thay đổi trong tính cách của những thành viên trong nhà: Tràng, thị, bà cụ Tứ

=> Gía trị nhân đạo: cảm thông với những người trong nạn đói 1945, tố cáo bọn phát xít Nhật đã chà đạp lên quyền sống của con người. Thể hiện niềm tin vào chiến thắng, niềm tin vào cách mạng, niềm tin vào sự sống ở phía trước.

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của tác phẩm

II, Bài văn tham khảo

Kim Lân được mệnh danh là cha đẻ của đồng ruộng, là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam. Lần đầu tiên có một nhà văn xắn quần lội xuống bùn để lằng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai, của cuộc sống con người để tái hiện mồn một trên mỗi trang viết. Văn Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, lối kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo. Tác phẩm "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách đó của ông. Trong truyện ngắn, ông đã khắc họa thành công hình ảnh của nhân vật Tràng, thị và bà cụ Tứ trong hoàn cảnh hết sức đáng thương. Điều này được thể hiện rõ nhất qua đoạn văn "Sáng hôm sau... khấm khá hơn".

Câu chuyện mở ra bằng một nạn đói khủng khiếp năm 1945 xảy ra lan tràn khắp nơi trên cả nước. Cái đói ấy ập đến xóm ngụ cư như một con quỷ dữ nuốt chửng tính mạng của biết bao người. Nó biến không khí vốn trong lành, tươi mát của một làng quê thanh bình thành không khí ẩm thối của mùi rác rưởi và xác chết: “người chết như ngả rạ”, “ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”,…Cái đói ấy đã cướp đi tiếng nói cười hồn nhiên của những đứa trẻ trong làng. Còn Tràng – nhân vật chính của truyện là một chàng trai xấu xí, thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng đã quen với một cô gái. Sau một câu nói nửa thật nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ.

Đoạn văn trên đã miêu tả khung cảnh nhà Tràng nằm ở phần đầu của tác phẩm là một đoạn văn ngắn nhưng lại có sức ảm ảnh và lay động người đọc. Miêu tả ngôi nhà Tràng, tác giả đã quan sát từ ngoài vào trong, từ bao quát đến cụ thể kết hợp với việc sử dụng hệ thống các từ láy “rúm ró”, “lổn nhổn”, “bừa bãi”  và hình ảnh chân thực “những búi cỏ dại”, “tấm phên rách” đã cho thấy hình ảnh một căn nhà thật méo mó, thảm hại, đơn sơ, lạnh lẽo, rúm ró. Thông thường, căn nhà đón nàng dâu mới dù giàu nghèo cũng phải có sự chuẩn bị tươm tất nhưng ngôi nhà Tràng lại thiếu sức sống, bàn tay chăm lo của con người. Tuy nhiên, khung cảnh ấy không hề xa lạ với tình cảnh “cái đói và cái chết đang cận kề, người chết như ngả rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma”. Bức tranh cảnh vật ấy in đậm dấu vết của nạn đói 1945. Và cũng qua chi tiết này, tác giả như đang nói lên một sự thật hiển nhiên là trong cái đói nghèo, sự chết chóc có thể đến bất cứ lúc nào, con người ta không còn nghĩ đến cái đẹp, không còn trân trọng ngôi nhà của mình, cứ mặc cho nó bừa bộn, bẩn thỉu. Cái ám ảnh nhất trong đầu họ lúc này là làm sao được sống, làm sao để được tồn tại, làm sao để thoát khỏi nạn đói này.

Khi nhìn thấy cảnh vật ấy, phản ứng của các nhân vật đã thay đổi và có sự chuyển biến. Trước hết là thị. Người đàn bà ấy đã “đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài”. Nhà văn Kim Lân đã thể hiện ngòi bút tài hoa của mình khi khắc họa thành công diễn biến tâm lí của thị. Nếu như trước đây, cô sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng, cong cớn, chủ động làm quen, đẩy xe cho Tràng, ăn một chặp bốn bát đúc rồi theo Tràng về nhà, để kéo dài sự sống của mình. Nhưng giờ đây, thị lại tỏ ra hụt hẫng khi nhìn thấy phao cứu sinh của mình cũng chẳng kém gì mình. Mặc dù vậy, thị vẫn chấp nhận, không muốn để lộ ra, chỉ giữ cho riêng mình, không muốn người cưu mang mình phải buồn lòng. Động từ “nén” đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Qua đây, ta thấy rằng thị cũng là người đàn bà ý tứ, tế nhị, biết điều, biết suy nghĩ cho người khác. Còn Tràng, khi dẫn thị vào nhà, tâm trạng và thái độ của chàng cũng có những diễn biến phức tạp. Bắt đầu là “xăm xăm bước vào trong nhà”, dọn dẹp sơ qua. Từ láy “xăm xăm” thu dọn đã cho thấy Tràng đã bắt đầu có ý thức thay đổi, cải thiện lại không gian sống của mình. Hơn thế nữa, nó còn cho thấy sự lịch sự, tôn trọng của Tràng đối với người vợ mà mình đã “nhặt” về. Bên cạnh đó, Tràng còn thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà. Hành động ấy thật ngượng nghịu nhưng nó lại rất đỗi chân thật, mộc mạc. Người ta thường nói, trong nạn đói, con người có thể trở nên ích kỷ, hẹp hòi thậm chí độc ác để tranh giành miếng ăn. Thế nhưng, ở đây, khi dẫn thị về nhà, Tràng lại ngượng ngùng đi thu dọn nhà cửa, không hề nghĩ tới miếng ăn, không hề nghĩ tới việc phải làm cách nào để được sống. Điều đó đã chứng tỏ trong tình cảnh cái đói, con người ta vẫn giữ được phẩm chất cao đẹp. Đây chính là đặc điểm của văn Kim Lân.

Nếu buổi chiều hôm trước đã diễn tả sự nghèo đói mà vợ chồng Tràng phải đối mặt thì đến sáng ngày hôm sau, nhà văn đã mở ra một bầu không khí hoàn toàn khác biệt. Ngôi nhà Tràng “đều được quét tước thu gọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy bộ quần áo đã được đem ra sân hong. Đống mùn rác được quét sạch…”, tác giả đã sử dụng những hình ảnh gần gũi, bình dị đơn sơ, biện pháp liệt kê, đối lập tương phản cùng cách miêu tả chi tiết, cụ thể để khắc họa rõ nét những thay đổi về cảnh vật trong căn nhà ấy. Đặc biệt là hình ảnh “ánh nắng”. Nó không chỉ diễn tả thời gian buổi sáng mà còn gợi ra thời gian, không gian thoáng đoãng. Có lẽ do chính người vợ nhặt đã đem đến ánh sáng, luồng sinh khí, hơi ấm, sự sống cho căn nhà Tràng. Đây chính là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn. Quang cảnh nhà Tràng dù vẫn là khung cảnh đơn sơ, nghèo khó nhưng nó không còn tuềnh toàng, thảm hại, lạnh lẽo, rúm ró như trước đây, nhưng bây giờ, nó thật ngăn nắp, gọn gàng, có bàn tay chăm lo của người phụ nữ. Nó không còn là không gian hiện thân cho sự tồn tại mà lúc này nó thực sự là không gian sống của con người.

Hơn thế nữa, trong đoạn văn một, nhà văn miêu tả Tràng “xăm xăm bước vào” diễn tả sự vội vàng, hấp tấp thì lần này anh lại “chắp tay lững thững bước ra sân” trong trạng thái ung dung, bình thản. Không chỉ miêu tả hành động, Kim Lân còn diễn tả tâm lý nhân vật. Cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống, lần đầu tiên Tràng có thể chạm lấy tới tình thương, cảm thấy niềm hạnh phúc mới mẻ, lạ lẫm khi ý thức được giá trị thiêng liêng của hai tiến “gia đình”.  Bên cạnh đó, mặc dù tác giả không miêu tả thị trực tiếp nhưng người đọc lại thấy được đôi bàn tay chăm lo vun vén từ người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, vô duyên, sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng chỉ vì miếng ăn. Thị đã thay đổi hoàn toàn, thị trở nên “hiền hậu đúng mực”, đảm đang, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Điều này cho thấy rằng chính con người có thể thay đổi được hoàn cảnh, đem đến hơi ấm mới cho gia đình.

Đoạn văn đã diễn tả khung cảnh nghèo khổ, mang đậm dấu vết của nạn đói. Đồng thời, hai chi tiết đều mở ra không gian hiện thực có tính khách quan, từ một căn nhà, xóm ngụ cư mà thấy được bức tranh của nông thôn Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Đoạn văn đã mang giá trị nhân đạo hết sức cao cả, thể hiện tình thương, sự cảm thông, khát vọng sống mãnh liệt của con người.

Thật cảm ơn nhà văn Kim Lân đã đem đến cho người đọc một tác phẩm tuyệt vời đến như thế này!

Chúc bạn Học Tốt. Vote mình 5 sao và ntlhn nhé.