Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau: Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi: -Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai? -Là con thầy mấy lị con u. -Thế nhà con ở đâu? -Nhà ta ở làng chợ Dầu.             -Thế con có thích về làng chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ: - Có. Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi: -À thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt: -Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ: -Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được vài câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần. DÀN Ý 1/ Mở bài: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm. - Khái quát tinh thần yêu làng, yêu nước của ông Hai trong đoạn trích “Ông lão ôm thằng con út … khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần” 2/ Thân bài: 2.1/ Khái quát về tác phẩm và đoạn trích: -      Hoàn cảnh sáng tác. -      Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm. (Tóm tắt dựa trên tình huống truyện) -      Vị trí đoạn trích. 2.2/ Cảm nhận về tâm trạng và tình yêu làng yêu nước của ông Hai khi trò chuyện cùng con trai út: *Luận điểm 1: Ông Hai trò chuyện với đứa con út (thằng cu Húc), giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu: -  Trong tâm trạng dồn nén vì bế tắc, ông chỉ còn biết trút bỏ nỗi lòng mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con còn ngây thơ: - Những điều ấy ông đã biết, vẫn muốn cùng con khắc cốt ghi tâm, muốn cùng con hướng về cội nguồn.  Những lời tâm sự ấy thực chất là những lời ông tự nhủ với chính mình, khẳng định tình yêu sâu nặng với làng. *Luận điểm 2: Tấm lòng thuỷ chung son sắc với cuộc kháng chiến, với cụ Hồ: - Ông Hai luôn ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cụ hồ, luôn có niềm tin vào cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến. -  Ông Hai nói với đứa con như thể nói với anh em đồng chí, để minh oan cho tấm lòng thành thật của mình và còn để “nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần”. - Những suy nghĩ của ông như những lời nguyện thề son sắt: “Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. => Đó chính là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng mà chân thành, bền vững của ông Hai-một người nông dân với quê hương, đất nước, với Cách mạng và Bác Hồ và các tình cảm đó không chỉ còn là niềm tự hào mà còn là niềm tự tôn, là danh dự của ông Hai. 2.3/ Nghệ thuật: Tình huống đầy thử thách, khai thác chiều sâu tâm trạng của nhân vật -Nhân vật được khắc họa thành công qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm và nghệ thuật miêu tả - Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói và thế giới tinh thần của người nông dân 3/ Kết bài: -      Khẳng định tinh thần yêu nước của ông Hai trong đoạn trích. -  Đánh giá sự thành công của tác phẩm/Liên hệ bản thân. (LÀM THÀNH BÀI VĂN THEO DÀN Ý GỬI Ở TRÊN Ạ)

1 câu trả lời

MB:

Kim Lân là gương mặt tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn với lối viết bình dị, đời thường. Sở dĩ gắn bó và am hiểu sâu sắc về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ người nông dân sau lũy tre làng nên ông viết rất thành công mảng đề tài nông thôn. Nhà văn Nguyên Hồng có nhận xét: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất với người với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Trong số những tác phẩm viết về đề tài ấy, “Làng” là một truyện ngắn tiêu biểu. Tác phẩm đã ca ngợi nhân vật ông Hai – hình tượng người nông dân trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, một người nông dân có tình yêu làng, yêu nước tha thiết và có tinh thần kháng chiến. Trong tác phẩm, em đặc biệt ấn tượng đoạn trích kể về cuộc trò chuyện của ông Hai với con: “...Ông Hai ôm thằng con út lên lòng ... trong lòng ông cũng vơi đi được đôi phần”.

TB:

Truyện ra đời trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Ra đơi trong hoàn cảnh đó, truyện kể về ông Hai – người sinh ra ở làng chợ Dầu và làng luôn là niềm tự hào của ông. Trong kháng chiến, ông phải cùng gia đình đi tản cư. Truyện ngắn Làng được nhà văn Kim Lân xây dựng một tình huống hết sức bất ngờ, kịch tính đó là tác giả tung cái tin làng chợ Dầu theo giặc giữa lúc ông đang rất tự hào về làng và náo nức về kháng chiến. Tình yêu quê hương và tình yêu đất nước của ông Hai bị đặt vào thử thách, ông phải đấu tranh tâm lí quyết liệt để lựa chọn đường đi đúng đắn cho bản thân mình. Nằm ở phần cuối của truyện, đoạn trích kể lại diễn biến tâm trạng và tình yêu làng yêu nước của ông Hai khi trò chuyện với đứa con nhỏ.

Khi biết tin từ người tản cư, về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con. Ông thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân làng Việt gian, thấy nhục nhã đau khổ tột cùng. Kết quả là, suốt mấy ngày hôm sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở xó nhà, nghe ngóng tình tình bên ngoài. Những ngày đó, tâm trạng của ông luôn nơm nớp lo sợ, xấu hổ và nhục nhã. Khi nghe tin mụ chủ nhà có ý định đuổi gia đình ông đi nơi khác, ông  bị rơi vào tâm trạng khủng hoảng, bế tắc, tuyệt vọng hoàn toàn. Ông đã nảy ra ý nghĩ “Hay là quay về làng?”. Vừa chớm nghĩ như vậy, ông phản đối ngay và ông nghĩ rằng “Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, về làng tức làm nô lệ cho thằng Tây. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Rõ ràng, ông Hai có sự yêu ghét rõ ràng, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm làng quê, nhưng sâu trong ông vẫn là tình cảm với làng nên ông càng đau xót hơn.

Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ biết tâm sự với đứa con út để vơi đi nỗi lòng và khẳng định tình cảm của mình với làng chợ Dầu đồng thời cũng để củng cố niềm tin vào cách mạng, vào kháng chiến. Đầu tiên, ông hỏi con: “Thế nhà con ở đâu?” ngay tức khắc đứa con trả lời: “Nhà ta ở làng chợ Dầu”. Tưởng như một câu hỏi “lẩn thẩn” nhưng nó lại gói chọn một tấm lòng sâu nặng đối với nơi mà bố con ông sinh ra. Ông hỏi con cũng như nhắc nhở con và bản thân mình phải khắc cốt ghi tâm không bao giờ quên quê hương bản quán. Bởi nơi ấy là nơi bố con ông được sinh ra, được nuôi lớn trưởng thành. Vì vậy, lúc làng mình gặp cảnh ngộ ngang trái, bị nói xấu, nguyền rủa, bị coi là làng Việt gian bán nước hại dân nhưng người nông dân này quyết không chối bỏ gốc gác của mình, vẫn gắn bó sâu nặng. Và ông Hai là như vậy, ông yêu làng tha thiết, giãi bày nỗi lòng của mình nhưng cũng là để truyền lại bản lĩnh và cốt cách đó cho con. Nhà văn Nguyễn Trung Quân đã từng viết:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lời nổi thành người”

Tâm sự với con ông cũng bày tỏ tấm lòng với kháng chiến với cách mạng, với Bác Hồ khi hỏi con: “ Con ủng hộ ai?”; “ Ủng hộ cụ Hồ con nhỉ”. Và đứa con rành rọt nói: “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”, nước mắt ông giàn ra chảy ròng ròng trên hai má, giọng nói nghẹn lại. Tác giả Kim Lân dường như đã lách sâu ngòi bút để khám phá thế giới nội tâm của ông Hai như để ngỏ lòng mình, minh oan cho bản thân. Lần ông tâm sự với con cũng giúp ông với đi được phần nào nỗi khổ tâm. Lời nói của con chính là điều ông muốn khẳng định chắc chắn cho sự lựa chọn của mình. Chính lời nói đó đã khắc sâu vào trái tim người nông dân phải hết lòng vì kháng chiến, vì đất nước. Ông không chỉ nhắc nhở con yêu quê hương, nhớ về quê hương mà còn giáo dục con ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cụ Hồ, truyền cho con tình yêu đất nước. Như vậy, tình cảm yêu làng, yêu nước đã hòa quyện vào là một. Điều đáng trân trọng ở ông là đã đặt tình yêu đất nước cao hơn tình cảm với làng quê yêu dấu, lương tri của người nông dân ấy luôn hướng tới điều đúng đắn với lẽ phải với chính nghĩa. Đây chính là nét đẹp tiềm tàng của người nông dân xưa và nay. Nếu trước cách mạng tháng 8, những người nông dân hiền lành chất phác nhưng cuộc đời của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ, bền cùng bế tắc. Còn nhân vật ông Hai đã được giác ngộ, được tỏa sáng khi là người nông dân kháng chiến, người nông dân của cụ Hồ thì họ đã biết một lòng một dạ đi theo Đảng và Bác để giải phóng cuộc đời họ khỏi ách nô lệ của bọn thực dân đế quốc. Đây chính là điểm mới nhà văn đã nhận ra ở người nông dân.

Đoạn trích đã làm nên thành công của thiên truyện, để lại dư âm cho người đọc về một lão nông chất phác, yêu mến, gắn bó với làng quê. Nhà văn chọn tình huống ông hai nói chuyện với con đã là sự thử thách bộc lộ chiều sâu của tâm trạng, diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, cảm giác, ngôn ngữ, hành vi gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng nhân vật. Lối kể truyện tự nhiên, giản dị, gần gũi, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, ngôn ngữ khẩu ngữ quen thuộc, kết hợp hài hòa ngôn ngữ độc thoại, đối thoại. Những điều này đã chứng tỏ Kim Lân là một người rất am hiểu về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

KB:

Đoạn trích cũng như toàn bộ truyện ngắn “Làng” được viết lên từ trải nghiệm, bài văn miêu tả sự gắn bó quý trọng người nông dân của nhà văn Kim Lân. Gấp trang sách lại, người đọc không thể quên nhân vật ông Hai với tâm trạng tủi nhục, đau đớn khi nghe tin làng theo giặc. Tình yêu quê hương, tình yêu đất nước ở ông mộc mạc mà sâu sắc, tha thiết biết mấy. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân Việt nam trong kháng chiến chống Pháp. Những trang viết của Kim Lân đã lan tỏa đến chúng em một điều giản dị về tình yêu quê hương, đất nước sâu thẳm trong trái tim và cách tin tưởng, hòa nhập với cuộc đời, với đất nước. Mỗi chúng ta cần phải tiếp nối và phát huy truyền thống của cha ông trong tình hình dịch bệnh covid ngày nay.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

ĐỀ 1: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu cho dưới: Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh,…ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là “căn bệnh” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay. Trao đổi vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại Học California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kì 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay (…), anh Hiếu chỉ ra. Theo anh Hiếu sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng. (…) Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần hai yếu tố là phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong. Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lí thời gian,…việc không quản lí quỹ thời gian của mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cũng cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này qua ngày khác. (…) Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân. (…)Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm? (Lần lữa -“căn bệnh” khó chữa của người trẻ - Hoa Nữ) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính. Câu 2: Theo bài viết, nguyên nhân chủ yếu nào đã khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa? Câu 3: Vì sao Lê Đình Hiếu cho rằng việc chưa “sẵn sàng nghiêm túc với bản thân” và “nuông chiều cảm xúc” sẽ khiến giới trẻ “tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá”?

1 lượt xem
2 đáp án
3 giờ trước