Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt trong buổi sáng hôm sau khi lấy tràng ( vợ nhặt - kim lân)

2 câu trả lời

Trước tiên, ta thấy người vợ nhặt là nạn nhân của nạn đói với cuộc sống trôi nổi, bấp bênh. Là nhân vật vô danh, người vợ nhặt là đại diện chung của số phận của những người phụ nữ không may sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh. Người phụ nữ ấy không tên, không tuổi, không quê hương, không quá khứ. Từ đầu đến cuối tác phẩm, Kim Lân chỉ ban tặng cho nhân vật này những cách gọi tên rất chung chung như “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”, “nàng dâu mới”, “nhà tôi”. Thị xuất hiện một cách bạo dạn, đáng thương trong hai lần gặp Tràng. Thị “ngồi vêu ra” lẫn trong đám con gái ngồi chờ nhặt hạt thóc rơi. Thị ton ton chạy lại đẩy xe tiếp Tràng với hi vọng được “kiếm ăn” nhưng thất bại. Từ sự cong cớn, liếc mắt cười tít, Thị chuyển sang vẻ tiều tụy, hốc hác vì cái đói trong lần gặp thứ hai “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Tràng dường như không thể nhận ra thị. Cùng với sự thay đổi về hình thức, cái đói đã xóa đi cái hồn nhiên hóm hỉnh của thị khi gặp Tràng, chị biến thành một người phụ nữ “đon đả”, táo bạo và liều lĩnh. Thị đói đến mức cắm đầu ăn bốn bát bánh đúc liền “Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng”. Kim Lân đã khắc họa hình ảnh một người phụ nữ thật đáng thương! Từ ngoại hình đến cử chỉ, hành động, thị đều hiện lên trên trang giấy với sự khắc khổ, nhếch nhác, tội nghiệp. Cái đói chẳng những tàn hại dung nhan mà còn tước đoạt cả tính cách và nhân phẩm của thị. Vì đói mà trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “sưng sỉa”.. Cái đói khiến thị quên đi việc giữ gìn ý tứ và lòng tự trọng của con gái. Càng tội nghiệp hơn khi cái đói buộc thị phải trở thành “người vợ nhặt” sau một câu nói nửa đùa nửa thật “này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cũng về”. Thế là xong một câu chuyện tình, một cuộc hôn nhân! Sự lãng mạn chỉ là điều không tưởng. Đang trên bờ vực của cái chết, thị còn lựa chọn nào hơn? Trong suy nghĩ của thị, Tràng như một cái phao cứu sinh, cứu thị ra khỏi sự đói khát của thế kỉ. Cái đói đã làm cho thị và biết bao người dân lúc bấy giờ rẻ rúng như vậy. Có ai ngờ được hạnh phúc lứa đôi được xây đắp bằng bốn bát bánh đúc và một lời nói bông đùa? Nhưng trong hoàn cảnh “người chết như ngả rạ”, “không khí ẩm lên mùi ẩm thối của rác tưởi và mùi gây của xác người” thì hạnh phúc tầm thường, đơn sơ kia cũng đáng quý biết bao.

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Kim Lân

+ Kim Lân được mệnh danh là cha đẻ của đồng ruộng, là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam.

+ Lần đầu tiên có một nhà văn xắn quần lội xuống bùn để lằng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai, của cuộc sống con người để tái hiện mồn một trên mỗi trang viết.

+ Văn Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, lối kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo.

- Giới thiệu tác phẩm: Vợ nhặt

+ "Vợ nhặt" in trong tập "Con chó xấu xí" xuất bản năm 1962.

- Giới thiệu khái quát về nhân vật người vợ nhặt trong buổi sáng hôm sau khi lấy Tràng.

B. Thân bài

1. Lí luận về nhân vật trong tác phẩm truyện ngắn

2. Giới thiệu khái quát về nạn đói 1945

- Câu chuyện mở ra bằng một nạn đói khủng khiếp năm 1945 xảy ra lan tràn khắp nơi trên cả nước.

+ Cái đói ấy ập đến xóm ngụ cư như một con quỷ dữ nuốt chửng tính mạng của biết bao người.

+ Nó biến không khí vốn trong lành, tươi mát của một làng quê thanh bình thành không khí ẩm thối của mùi rác rưởi và xác chết: “người chết như ngả rạ”, “ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”,…Cái đói ấy đã cướp đi tiếng nói cười hồn nhiên của những đứa trẻ trong làng. 

3. Vài nét về nhân vật thị

- Người vợ nhặt có cuộc sống nghèo đói, thê thảm, bi đát, điển hình cho số phận của những người nông dân trong nạn đói 1945.

- Tên gọi: Nhà văn Kim Lân không hề đặt tên cụ thể cho nhân vật của mình mà chỉ gọi là "người vợ nhặt" hoặc "thị".

- Ngoại hình:

+ Thân hình "gày sọp"

+ Bộ quần áo rách như "tổ đỉa"

+ "Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt"

+ "Hai con mắt sâu trùng hoáy"

4. Phân tích người vợ nhặt trong buổi sáng hôm sau khi lấy Tràng

- Buổi sáng hôm sau, thị dậy rất sớm để cùng bà Tứ quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng.

- Mấy chiếc quần áo đã được đem ra sào hong, hai cái ang được đổ đầy ắp nước. Đống mùn đã được hót sạch.

- Người vợ nhặt đã tạo nên một sự thay đổi mới mẻ rất ý nghĩa cho ngôi nhà nhỏ của mình.

- Âm thanh tiếng chổi thị quét sàn kêu "sàn sạt trên mặt đất".

+ Những âm thanh này đã tạo nên một không khí sinh hoạt rất giản dị đời thường nhưng ấm áp yêu thương. 

=> Tác giả đã sử dụng những hình ảnh gần gũi, bình dị đơn sơ, biện pháp liệt kê, đối lập tương phản cùng cách miêu tả chi tiết, cụ thể để khắc họa rõ nét những thay đổi về cảnh vật trong căn nhà ấy. Đặc biệt là hình ảnh “ánh nắng”. Nó không chỉ diễn tả thời gian buổi sáng mà còn gợi ra thời gian, không gian thoáng đoãng. Có lẽ do chính người vợ nhặt đã đem đến ánh sáng, luồng sinh khí, hơi ấm, sự sống cho căn nhà Tràng. Đây chính là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn. Quang cảnh nhà Tràng dù vẫn là khung cảnh đơn sơ, nghèo khó nhưng nó không còn tuềnh toàng, thảm hại, lạnh lẽo, rúm ró như trước đây, nhưng bây giờ, nó thật ngăn nắp, gọn gàng, có bàn tay chăm lo của người phụ nữ. Nó không còn là không gian hiện thân cho sự tồn tại mà lúc này nó thực sự là không gian sống của con người.

- Những việc làm của thị đã tác động to lớn đến suy nghĩ và tâm trạng của Tràng.

+ “Chắp tay lững thững bước ra sân” trong trạng thái ung dung, bình thản. 

+ Cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống, lần đầu tiên Tràng có thể chạm lấy tới tình thương, cảm thấy niềm hạnh phúc mới mẻ, lạ lẫm khi ý thức được giá trị thiêng liêng của hai tiến “gia đình”.  

=> Mặc dù tác giả không miêu tả thị trực tiếp nhưng người đọc lại thấy được đôi bàn tay chăm lo vun vén từ người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, vô duyên, sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng chỉ vì miếng ăn. Thị đã thay đổi hoàn toàn, thị trở nên “hiền hậu đúng mực”, đảm đang, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Điều này cho thấy rằng chính con người có thể thay đổi được hoàn cảnh, đem đến hơi ấm mới cho gia đình.

C. Kết bài

- Khẳng định giá trị của tác phẩm

- Tình cảm của em dành cho tác phẩm

"Cái đẹp cứu vớt con người" (Đôxtôiepki). Vâng Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã có đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đsoi nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn người đọc chính là điểm sáng tuyệt vời nhất.