1 câu trả lời
guyễn Tuân là một người con của đất thủ đô Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học. Con người ông ưa thích “chủ nghĩa xê dịch”, với lối sống, lối viết phóng khoáng, vượt ra khỏi khuôn khổ của thời đại, quan niệm “đời là một trường du hí”, ông viết văn trước hết là để khẳng định cái tôi bản ngã của mình. Trong sáng tác, Nguyễn Tuân cho rằng lao động là một hình thức nghệ thuật, nghiêm túc thậm chí người viết phải chịu “khổ hạnh” mới có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị, có lẽ vì quan điểm đặc sắc này mà người ta cho rằng: “Cái tôi của Nguyễn Tuân chính là một định nghĩa đích thực về nghệ sĩ”. Nói đến đặc điểm của nhà văn này người ta vẫn thường khắc ghi mấy chữ tài hoa, uyên bác, ông không chỉ có biệt tài văn chương, bậc kỳ tài trong thể loại bút ký mà còn là người có am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực, từ đó đem đến cho tác phẩm của mình những góc nhìn mới mẻ và toàn diện khiến độc giả không khỏi trầm trồ kinh ngạc vì cách sử dụng câu từ điệu nghệ và vốn tri thức phong phú của ông. Nguyên Tuân có nhiều sáng tác phân chia ra làm hai giai đoạn, trong đó các tác phẩm sau cách mạng tháng tám nổi bật nhất chính là tùy bút Sông Đà (1960), được viết trong chuyến thực địa về miền Tây Bắc xa xôi của tác giả. Người lái đò sông Đà là đoạn trích được lược trong tập tùy bút này với hai hình tượng trung tâm là dòng sông Đà và người lái đò trên sông.
Lời đề từ Nguyễn Tuân cũng tỉ mỉ soi xét, mượn của Phan Huy Chú câu “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu”, để nói về cái quái tính của con sông này, bao dòng sông khác chọn xuôi về hướng đông, chỉ riêng sông Đà chọn cho mình lối chảy ngược ngạo, khác thường về phương Bắc. Có lẽ chính cái cá tính thích độc lai độc vãng, riêng mình ta một lối này có gì đó tương đồng với cái tôi đậm chất “ngông” của Nguyễn Tuân thế nên khi viết ta có cảm giác Nguyễn Tuân rành rọt và thiết tha với con sông này lắm. Mượn thơ của Phan Huy Chú chưa đủ, nhà văn còn mượn thêm một dòng thơ của thi sĩ người Tây Ban Nha rằng: “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông” gợi ra cái vẻ đẹp phóng khoáng thơ mộng của Đà giang bên cạnh cái vẻ ngang tàng, hùng vĩ vốn có bao đời nay của một dòng sông miền rừng núi Tây Bắc.
Sông Đà đã hiện lên trong tác phẩm với một dáng vẻ rất sống động, tựa một sinh thể, cũng có linh hồn, có nội tâm có cả cuộc đời, với xuất xứ từ tận Trung Quốc xa xôi, chảy qua hơn 400km với tìm về được biên giới nước ta, rồi nhập tịch tại Mường Tè, Lai Châu, mang tên độc một chữ “Đà”. Bỗng người ta có cái liên tưởng về cuộc đời đầy sóng gió của một kiếp nhân sinh, thế nên khi đến dải đất hình chữ S này, sông Đà mới bộc lộ cái bản tính khó hiểu, đỏng đảnh làm mình làm mẩy với cả vùng Tây Bắc, lúc thì hung bạo, dữ dội như đang giận dỗi gì, lúc lại dịu dàng, nên thơ lãng mạn vô cùng. Đầu tiên ấy là cái quái tính hung bạo, hùng vĩ, một dòng sông, đổ dọc Tây Bắc cái nhiều nhất ở khúc thượng nguồn có lẽ là ghềnh và thác, Nguyễn Tuân có chuyến đi thực nghiệm dài và cũng lại là người ưa cái “khổ hạnh” tìm tòi khai thác, thế nên sông Đà trong tác phẩm mới có được những cảnh đắt giá, khiến người ta chỉ đọc thôi nhưng cũng đủ thấy cái tầm vóc, cảm giác rét lạnh giữa lòng sông. Nguyễn Tuân miêu tả khúc sông này với những hình ảnh rất hấp dẫn “cảnh đá bờ sông dựng vách thành”, rồi thì “đúng ngọ mới có mặt trời”, chỗ lại “chẹt lòng sông như yết hầu”, sinh động với những “con nai con hổ đã có lần vọt qua bờ bên kia”, tạo cảm giác”đang màu hè mà cũng cảm thấy lạnh”. Tất cả những hình ảnh ấy, khiến độc giả nghĩ dòng sông tựa như một nhân vật bí hiểm, lạnh lùng, đang dùng đôi mắt sắc bén cùng cái khí thế âm u để quan sát, nghiên cứu tất cả những con người bước vào giữa lòng sông, mang đến áp lực vô hình và khó lường. Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho cái quái tính ghê gớm của con sông này, người ta phải thực sự thấy nó khủng khiếp và hung tợn khi đọc những âm thanh mà Nguyễn Tuân đã vắt kiệt vốn từ Việt của mình để chế ra. Quãng mặt ghềnh Hát Loóng là cảnh “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Rồi quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La thì lại có cảnh nước “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Hoặc có khúc quái dị, với điệu bộ “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”, khiến người ta phải dè chừng, khiếp sợ nắm chắc tay chèo hơn nữa. Đến chỗ đổ thác dường như dòng sông biến thành một loài quái thú, nước chỗ ấy “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa như nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”. Làm người ta mường tượng ra cảnh một con thủy quái đang quẫy mình sôi nổi, giận dữ, hoặc là đói mồi hoặc là kẻ nào đã lỡ tay chọc vào chiếc vảy ngược mới khiến lồng lộn cả lên như thế. Chung quy lại tiếng nước trong miêu tả của Nguyễn Tuân quả thực là hấp dẫn và thu hút vô cùng, nó làm nổi bật hẳn lên cái vẻ hầm hố, khó chịu của con sông khúc thượng nguồn này.
Dĩ nhiên diện mạo hung bạo, hùng vĩ của sông Đà không chỉ dừng lại ở bấy nhiêu ấy mà còn ấn tượng hơn với hình ảnh những cái hút nước “đặc sản” của những dòng sông có độ dốc lớn như sông Đà. Trong lăng kính của Nguyễn Tuân những hút nước ấy được miêu tả bằng nhiều hình ảnh gợi sự liên tưởng sâu rộng cho người đọc tỉ như những hình ảnh rất độc lạ “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, hay “mặt giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh”, rồi lại tựa “Cốc pha lê nước khổng lồ”, rồi thì “Từ đáy hút nước nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải”,... Qua những hình ảnh gợi cảm ấy người ta thấy sông Đà có những cái xoáy nước rất mỹ lệ, rất đẹp trong trẻo, xanh ngắt thế nhưng cũng ẩn chứa hàng vạn mối nguy hiểm cho kẻ nào lỡ may sảy chân rơi vào đấy thì chỉ có tan xác. Thật ứng với câu “càng đẹp càng độc” của cổ nhân bao đời. Và có lẽ tác giả sẵn có máu điện ảnh trong người, thế nên ông lại càng muốn tác phẩm của mình thêm nổi bật và độc giả có được góc nhìn độc đáo bằng việc vẽ ra viễn cảnh một anh quay phim liều mạng nào đó đặt cả mình cả máy vào xoáy nước được bắt trọn cái khoảnh khắc quay tít như chiếc gậy đánh phèn của cái hút nước. Quả thực khiến người đọc phải rùng mình và không khỏi thán phục về cái cách Nguyễn Tuân đưa điện ảnh vào văn của mình.
Cái diện mạo của dòng sông Đà cáu bẳn, khó tính này có lẽ được thể hiện sinh động hơn cả là trong những hình ảnh về đá và những cái “trùng vi thạch trận” mà binh pháp “thần sông thần đá” đã bày ra để nuốt chửng bất kỳ kẻ nào dám khiêu khích. Với những hình ảnh sinh động của thứ đá mà Nguyễn Tuân nói rằng đã mai phục ở đây hàng nghìn năm, trực chờ tên liều mạng nào đi qua với bộ dạng sốt sắng “nhổm cả dậy” để vồ lấy thuyền, rồi thì dáng vẻ “ngỗ ngược”, diện mạo “nhăn nhúm”, “méo mó”, tư thế đứng, ngồi, nằm, nghiêng,... đều đủ cả, khiến người ta phải kiêng dè trước cái khí thế mà chúng tỏa ra. Thêm nữa đá ở đây đâu có dễ dàng cho ai lọt lưới, chúng chọn cho mình riêng một nhiệm vụ, đứa thì dàn hàng ngang, đứa thì đòi đánh giáp lá cà, lại có cả đứa giả bộ lộ sơ sở, để những đứa còn lại phục kích đánh úp cho thuyền bè không kịp trở tay. Thế mới thấy lũ đá này ghê gớm thế nào, và chúng không chỉ dàn trận mà còn bày cả “trùng vi thạch trận” có tới 3 lớp, lớp sau càng nhiều cửa tử, ít cửa sinh, luồng sống hẹp, luồng chết dày, dường như là không để cho kẻ địch một cơ hội sống còn nào cả. Không biết là dòng sông này khó ở, thích trêu ngươi hay là đã mang thù hằn truyền kiếp gì với con người ở đây mà lại mang một diện mạo khủng khiếp, ngươi sống ta chết như vậy.
Thế nhưng, khác hẳn với cái vẻ hung dữ, thô lỗ, cục cằn nơi thượng nguồn thì vùng hạ lưu người ta lại phải nhìn sông Đà bằng một đôi mắt khác. Dòng sông hiện lên với dáng vẻ hiền hòa, từ điểm nhìn cao và xa trên tàu bay, dòng chảy như một sợi dây thừng ngoằn ngoèo, mềm mại trải khắp vùng Tây Bắc. Nhìn gần hơn thì nó lại mang dáng vẻ của một mỹ nhân xinh đẹp, yêu kiều với dòng chảy “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa Ban, hoa Gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, quyến rũ và hấp dẫn vô cùng. Bên cạnh vẻ mềm mại dịu dàng người ta còn thấy một sông Đà với nhiều dáng vẻ với những gam màu nổi bật, lãng mạn theo mùa, ví như “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô”, còn “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Nguyễn Tuân yêu và gắn bó với quê hương đất nước, đặc biệt là với con sông Đà ngược ngạo, khó chiều này, ông xem dòng sông ấy như là một “cố nhân” để liên tưởng đến “màu nắng tháng ba Đường thi” trong thơ Lý Bạch với câu thơ nổi tiếng “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”, tức là màu hoa nở rực rỡ mùa xuân gắn với sương khói mặt sông khiến người ta không khỏi thổn thức một nỗi niềm thân thuộc. Ấy rồi có lúc sông Đà lại như là “người tình chưa quen biết” trong cái cảnh nương ngô, đàn hươu, bờ sông hoang dại với nỗi niềm cổ tích thuở xa xưa,... khiến lữ khách xuôi dòng xúc động.
Đó là dòng sông, nhưng trong trích đoạn Người lái đò sông Đà, hình tượng chính yếu nổi bật nhất phải là hình ảnh ông lái đò mới đúng. Nguyễn Tuân khúc này chắc cũng có nhiều phần tương tự đại thi hào Nguyễn Du, sông Đà là Thúy Vân còn người lái đò chính là Thúy Kiều, lấy cái dữ dội, hùng vĩ của dòng sông để làm nổi bật lên dáng vẻ hùng dũng trong lao động của con người. Ông lái đò quả thật xứng đáng khi nhận danh xưng “chất vàng mười Tây Bắc”, ông không có tên, không rõ diện mạo, người ta chỉ có thể nhận định ông thông qua công việc lái đò đầy nặng nhọc và vất vả, cái công việc mà theo như Nguyễn Tuân nhận xét ông đã làm đạt đến tầm của một nghệ sĩ, một nghệ sĩ trong công cuộc vượt thác sông Đà. Người đàn ông ấy, đã ở tầm cái tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng vẫn miệt mài với công cuộc lao động, giống như Nguyễn Khoa Điềm đã nói “không ai nhớ mặt đặt tên”, nhưng họ vẫn sống và đóng góp cho đất nước từng ngày. Ông lão hiện lên với dáng vẻ đậm mùi sông nước mênh mông, vẻ khắc khổ,“tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,…”.
Nói ông lái đò là một nghệ sĩ mang chất vàng mười của Tây Bắc bởi lẽ ông lão ấy không đơn thuần chỉ là một người lao động bình thường, mà ở người đàn ông này còn hiện lên hai vẻ đẹp nổi bật ấy là vẻ đẹp của một chiến binh dũng cảm trên chiến trường sông nước, ngày ngày chiến đấu giành giật miếng cơm manh áo và vẻ đẹp của một người nghệ sĩ tài hoa hăng say trong lao động, là bậc thầy trong nghệ thuật chèo đò ngày ngày viết nên những bản trường ca bất tận về công cuộc lao động không ngừng nghỉ. Người ta cũng phần nào tò mò, vì sao hình ảnh mà Nguyễn Tuân để ý lại là một ông lão mà không phải một thanh niên trai trẻ. Thế nhưng có câu “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, biết bao kinh nghiệm chinh chiến trên con sông khó chiều, hung hiểm này đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, bằng trải nghiệm và bằng cả cuộc đời của ông lão, để ngày hôm nay dẫu có già cả nhưng ông lại thực sự trở thành một tay chèo đò lão luyện, nhà nghề thứ mà chẳng có thanh niên nào có được. Hơn thế nữa, vẻ đẹp của ông lão còn đến từ sự liều lĩnh, dám nghĩ dám làm, ông bảo đã có trên dưới trăm lần ngược xuôi ở khúc sông này, và trên 60 lần cầm lái chính, thử hỏi mấy ai đã đủ dũng khí để đương đầu với sóng nước như ông? Rồi thêm vào đó cái chất vàng, chất nghệ sĩ của ông lão nó còn nằm ở lòng hăng say, niềm đam mê trong công việc lao động, ông làm không chỉ vì mưu sinh dù nó là tất yếu mà quan trọng hơn cả vẫn là ông thực sự có niềm đam mê mạo hiểm, thích cảm giác mạnh. Ông nói: “Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ” thế mới thấy ông lão cũng là người nhiệt thành, dũng cảm, có tâm hồn tươi trẻ, sôi động chẳng thua kém gì ai bao giờ. Dẫu rằng cái bản tính hiếu chiến, đam mê khám phá, chinh phục gian nan thử thách ấy có nhiều lần khiến ông phải lao đao vì cái tính cáu bẳn của sông Đà, người đầy vết “củ nâu”, thế nhưng ông cũng chẳng bao giờ lùi bước, hay lấy đó làm sợ hãi mà ngày càng trở nên kiên gan lì lợm hơn cả. Nguyễn Tuân thấu hiểu cái cá tính tính này của ông lái đò, bởi chính bản thân tác giả cũng là người có cá tính như vậy thế nên ông rất trân trọng mà ví von những vết tích “củ nâu” ấy là những “huân chương lao động siêu hạng”.
Hình ảnh ông lái đò trong lao động thực sự nổi bật khi Nguyễn Tuân cất công miêu tả cảnh chèo đò vượt thác của ông lão quả thực đó là một trận chiến không khoan nhượng khi “cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một”. Ở đây người ta thấy cái chất nghệ sĩ trong tâm hồn của ông lão chèo đò hiện lên một cách rõ rệt, hết sức nghiêm túc, tỉ mẩn, miệt mài và kiên nhẫn với công việc. Dòng sông Đà trong lòng ông đã trở thành một bản trường ca vĩ đại mà người nghệ sĩ dành hết tâm tư của cả một đời chỉ để nghiên cứu, tập dượt, sao cho nhuần nhuyễn, điệu nghệ đến mức nằm lòng “từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng”, khắc sâu vào tâm khảm như “đóng đanh vào lòng” từng nhịp từng pháp, không thiếu đến nửa dấu. Đồng thời dòng sông cũng lại trở thành một chiến trường quen thuộc với vị tướng đã dành cả cuộc đời để chinh phạt, nơi đó ông được phép thi triển hết bao tài năng, tâm huyết, cả thứ binh pháp ông vẫn hằng tâm niệm nhằm đối đầu với lũ đá, với những cái hút nước kinh người. Ông lão xông pha chiến trường với tinh thần mạnh mẽ, hiên ngang, mái chèo thay đao, chiếc đò duy nhất thay cho chiến mã, dẫu đơn độc thế nhưng khí thế oai hùng của người lái đò cũng chẳng kém cạnh gì so với sự ghê gớm, dữ dội của con sông Đà. Đối mặt với những “trùng vi thạch trận” giăng mắc, ông lão cũng chẳng ngại ngần mà nắm chặt mái chèo vượt qua sự thách thức, uy hiếp của lũ đá khó nhằn. Chinh chiến thì sau tránh khỏi thương tích có những lúc sông Đà tung đòn hiểm, người lái đò “mặt méo bệch đi” thế nhưng ông vẫn “cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái” “lên tiếng chỉ huy ngắn gọn” cho những tay lái phụ an toàn vượt qua trùng vi thạch trận thứ nhất. Rồi lập tức bước vào ải thứ hai, cuộc chiến giữa người và sông tựa như một bộ phim hành động mà càng về hồi sau càng trở nên gay cấn, hồi hộp. Ải này cửa tử lại càng nhiều hơn, cửa sinh thì lệch hẳn về bên hữu ngạn, thế nhưng với ông lái đò thì đã là quen thuộc, “ông đã nắm chắc cái bình pháp của thần sông thần đá”, “thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải này”, thế nên ông lão tự tin lấn lướt “ghì cương lái” vọt vào cửa sinh trước vẻ mặt xanh lè tức giận của lũ đá dàn trận. Còn cửa ải cuối, cũng là cửa khó nhằn nhất, toàn cửa tử, cửa sinh nằm giữa, ông lão chỉ việc nhắm thẳng mũi đò phóng vào đó là xong ải thứ ba, rồi khải hoàn trở về xuôi xuống vùng hạ lưu. Qua ba cửa ải sinh tử ấy, người ta thấy ông lão hiện lên với bản chất dũng mãnh, lòng kiên cường đã tôi luyện cả cuộc đời của một người lính chiến, và lòng hăng say lao động, chinh phục thiên nhiên của một người nghệ sĩ điêu luyện có “bàn tay lái ra hoa”.
Người lái đò sông Đà quả là một trích đoạn xuất sắc trong tập tùy bút Sông Đà, tác phẩm tiêu biểu nhất trong trong văn đàn Việt Nam ở thể loại tùy bút, cũng như là trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân. Ở đó người ta thấy hiện lên hai hình ảnh vô cùng ấn tượng ấy là hình ảnh con sông Đà với vẻ hùng vĩ, dữ dội và kiêu ngạo, đồng thời nó cũng mang trong mình những nét uyển chuyển, mềm mại, lãng mạn. Từ hình ảnh con sông, thì hình tượng người lái đò đã hiện lên một cách sống động, rõ nét và nổi bật với ba vai trò kéo, người lao động bình thường, người chiến sĩ dũng cảm và người nghệ sĩ với tài năng điêu luyện bậc thầy.