2 câu trả lời
A.MỞ BÀI
"Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Đến với truyện ngắn "Làng” của nhà văn Kim Lân, ta càng thêm thấm thía chân lí ấy. Kim Lân là gương mặt tiêu biểu trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và mảng đề tài về nông thôn Việt Nam. Vốn gắn bó và am hiểu cuộc sống thôn quê nên hầu như Kim Lân chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Trong số những tác phẩm thành công về đề tài ấy, "Làng" là một truyện ngắn xuất sắc. Nổi bật trong truyện là nhân vật ông Hai. Đó là một người nông dân có tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần cách mạng sâu sắc. Vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm ấy ở ông Hai được thể hiện chân thực và xúc động ở đoạn trích kể về tâm trạng của ông khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.
“Ông lão náo nức bước ra khỏi phòng thông tin....Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi”
B.THÂN BÀI
Truyện ngắn “Làng” được Kim Lân viết vào năm 1948, trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, tác phẩm đã thể hiện chân thực, sâu sắc, cảm động tình yêu làng quê, lòng yêu đất nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư. Nét tư tưởng chủ đề ấy được thể hiện tập trung ở nhân vật ông Hai. Vẻ đẹp của ông Hai được bộc lộ trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ông Hai yêu tha thiết cái làng Chợ Dầu quê ông nhưng nghe theo lời kêu gọi xây dựng làng kháng chiến, ông buộc phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, lúc nào ông cũng nhớ về làng và tự hào khoe làng ông là làng kháng chiến. Bỗng ông Hai đột ngột nghe tin làng Chợ Dầu quê ông đã Việt gian theo Tây phản bội Tổ quốc. Trong tình cảnh ấy, ông Hai chỉ biết tâm sự với con về lòng yêu làng và niềm tin tuyệt đối vào Cách mạng, vào Bác Hồ. Khi tin làng theo giặc được cải chính, ông Hai sung sướng đi khắp nơi khoe làng ông không theo giặc và nhà ông bị Tây đốt nhẵn. Đoạn trích này thuộc phần đầu tác phẩm, kể về tâm trạng bàng hoàng, đau đớn, xấu hổ, nhục nhã của ông Hai ngay khi nghe tin làng Chợ Dầu quê ông đã đi theo giặc. Từ tình huống căng thẳng có ý nghĩa thử thách ở nội tâm nhân vật, nhà văn đã thể hiện thật sống động tâm trạng của ông Hai để làm sáng lên vẻ đẹp của lòng yêu làng quê, yêu đất nước và tinh thần cách mạng trong tâm hồn người nông dân này.
Tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần cách mạng của ông Hai ngời sáng ở tâm trạng vui sướng, tự hào của ông khi nghe tin thắng lợi của quân dân ta , ở tấm lòng của ông luôn hướng về làng Chợ Dầu yêu dấu. Khi nghe được tin quân ta thắng giặc, ông Hai vô cùng vui sướng. Niềm hạnh phúc đó được biểu hiện ở niềm vui “náo nức” của ông khi từ phòng thông tin ra. Phải chăng, với người nông dân ấy, tin tức kháng chiến chính là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được. Tâm trạng "náo nức”, vui vẻ này chính là biểu hiện chân thực nhất cho tấm lòng của ông dành cho làng, cho nước. Niềm vui của ông Hai còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động rất đời thường: “Hút một điếu thuốc lào, uống một hụm chè tươi nóng, ông chóp chép cái miệng ngẫm nghĩ: bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc.” Trong niềm “vui thích” của ông Hai có cả niềm tự hào về sự đóng góp của làng Chợ Dầu cho Cách mạng, cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong tâm trạng vui sướng ấy, những âm thanh hỗn độn của “tiếng quạt, tiếng thở, tiếng trẻ con khóc” được ông Hai cảm nhận thành những tiếng "râm ran”, náo nức. Cảnh vật nơi tản cư trong cái nhìn của ông cũng trở nên đẹp đẽ, thơ mộng: “những thửa ruộng lúa xanh mượt, uốn quanh co dưới trời nắng, lấp loáng như một khúc sông”. Cái tài của nhà văn Kim Lân là miêu tả ngoại cảnh mà lại hé mở bao nhiêu niềm vui trong lòng nhân vật. Tin tức thắng lợi của quân ta khiến cho tinh thần ông Hai vui vẻ, phấn chấn hẳn lên: “Ông lão rít một hơi thuốc lào nữa, gật gù cái đầu” rồi nhận định “Hừ, đánh nhau cứ đánh nhau, cày cấy cứ cày cấy, tản cư cứ tản cư...Hay đáo để”. Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, nhà văn Kim Lân đã nhập vào dòng suy nghĩ của ông Hai để diễn tả chân thực tâm trạng vui sướng, tự hào, phấn khích của người nông dân ấy trước tin thắng lợi của quân dân ta.
Đặc biệt, tấm lòng của ông Hai luôn hướng về làng Chợ Dầu yêu dấu. Bởi vậy, chỉ cần nghe thấy hai tiếng “Chợ Dầu” trong lời nói của một người đàn bà tản cư là ông Hai đã xúc động “quay phắt lại lắp bắp hỏi” . Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đủ cho thấy, tình yêu, nỗi nhớ ông Hai dành cho làng Chợ Dầu lớn đến nhường nào. Trong lòng người nông dân ấy không lúc nào nguôi nhớ, thôi yêu làng quê yêu dấu. Hơn thế nữa, ông luôn tin tưởng tuyệt đối làng mình. Bởi thế, khi nghe tin giặc vào làng Chợ Dầu, ông mới hỏi lại “Thế ta giết được bao nhiêu thằng”. Chưa bao giờ ông Hai có suy nghĩ làng ông theo giặc, phản bội Tổ quốc. Lúc nào ông cũng tin tưởng và tự hào làng ông là làng kháng chiến, trung thành với cách mạng, với Bác Hồ. Bằng những hình ảnh chân thực, giản dị, đời thường về cuộc sống của ông Hai ở nơi tản cư, nhà văn Kim Lân đã cho ta cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, cháy bỏng trong lòng ông Hai.
Sự hòa quyện giữa tình yêu làng quê với lòng yêu đất nước và tinh thần kháng chiến ở ông Hai được thể hiện thật xúc động qua tâm trạng sững sờ, bàng hoàng, tủi hổ của ông khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Đang phấn chấn trước tin thắng lợi của quân ta, cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đến với ông Hai quá đột ngột khiến ông sửng sốt, đau đớn vô cùng. Nét tâm trạng này của ông Hai được nhà văn miêu tả rất chân thực "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ." Miêu tả nỗi đau tinh thần chuyển thành nỗi đau thể xác, nhà văn Kim Lân đã làm bật lên tâm trạng đau đớn, bàng hoàng, hụt hẫng ở ông Hai trước tin dữ. Ông Hai vốn rất yêu và tự hào về làng Chợ Dầu quê ông. Với ông, làng Chợ Dầu không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn đi về mà còn là danh dự, là chỗ đứng làm người. Bởi vậy cái tin làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây mới gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai. Đây là phản ứng tâm lí tự nhiên của một người quá yêu làng. Qua nét tâm trạng này của ông Hai, nhà văn Kim Lân đã khẳng định người nông dân có thể thiếu cơm, rách áo nhưng không thể mất danh dự. Ở họ, sự trong sạch, tinh thần tự trọng luôn được giữ gìn. Đây chính là cơ sở của lòng yêu nước.
Song một người yêu làng như ông Hai thì không thể tin ngay vào lời đồn đại được, bởi vậy ông đã lắp bắp hỏi lại, giọng lạc hẳn đi "Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại ... ". Ông không cam tâm chấp nhận ngay sự thực phũ phàng ấy bởi ở ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào làng và những người dân quê ông. Ông hỏi lại là để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng có một sự nhầm lẫn và đó chỉ là tin đồn vô căn cứ. Hi vọng này ở ông Hai cho ta hiểu rằng trong tâm hồn người nông dân trong sạch và tự trọng ấy, tình yêu làng sâu sắc, mãnh liệt không dễ bị lung lay.
Khi cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được người đàn bà tản cư khẳng định chắc chắn bằng sự việc thằng chánh Bệu thì trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, trở thành nỗi ám ảnh, day dứt. Mặc dù bề ngoài ông cố ra vẻ bình thản song vẫn không che giấu nổi sự đớn đau, xấu hổ, nhục nhã. Mặc cảm là người làng Việt gian khiến ông Hai dù đã “lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng” nhưng ông vẫn có cảm giác “tiếng cười nói xôn xao” của đám người tản cư vẫn “dõi theo” mình. Ông vẫn nghe rõ tiếng chửi bọn Việt gian bán nước của người đàn bà tản cư “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”. Nỗi ám ảnh là người làng Việt gian khiến ông Hai có cảm giác tiếng chửi rủa của người đàn bà là ám chỉ ông. Ông như thấy có mình trong hai chữ “chúng nó” ấy. Có phải vì thế mà “ông cúi gằm mặt xuống mà đi". Trong cái cúi mặt này có biết bao nhiêu xấu hổ, nhục nhã, đau đớn. Ông thấy nhục vì là người làng Việt gian, ông thấy mình như có lỗi, có tội, có một phần trách nhiệm trong việc làng ông phản quốc. Nỗi nhục ấy khiến ông không thể ngẩng mặt lên được. Với ông Hai, cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không chỉ làm mất danh dự của làng ông mà còn là danh dự của công dân trước Tổ quốc. Ta hiểu rằng ông Hai đã đồng nhất danh dự của cá nhân ông với danh dự của làng ông. Đây chính là nét tâm lí cộng đồng, là ý thức danh dự công dân của người nông dân Việt Nam trong thời đại cách mạng. Nỗi đau đớn, xấu hổ, nhục nhã và sự ám ảnh, day dứt bởi mặc cảm là kẻ Việt gian bán nước trong nội tâm nhân vật ông Hai chính là biểu hiện cao đẹp của tình yêu làng, yêu nước thiết tha sâu nặng và tinh thần kháng chiến trong trái tim ông.
III. KHÁI QUÁT CUỐI BÀI
Trong đoạn trích, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của nhân vật ông Hai đã được nhà văn Kim Lân thể hiện thành công bằng nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Tác giả đã đặt ông Hai vào một tình huống căng thẳng có ý nghĩa thử thách ở nội tâm để từ đó làm sáng lên ở nhân vật vẻ đẹp của một tâm hồn chân thật, ngay thẳng, tự trọng, giàu lòng yêu làng, yêu nước. Đặc biệt lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, gần gũi cùng ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ và ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo đã giúp nhà văn thể hiện thật sống động thế giới tâm hồn bình dị của người nông dân trọng ý thức danh dự công dân. Tất cả những nét nghệ thuật ấy đã góp phần làm nổi bật sự chuyển biến trong nhận thức của ông Hai. Đó là tình yêu làng và lòng yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của người nông dân này. Với những nét đẹp ấy, nhân vật ông Hai đã trở thành biểu tượng đẹp cho người nông dân Việt Nam trong thời đại cách mạng. Qua nhân vật ông Hai, nhà văn Kim Lân đã biểu dương những đóng góp to lớn của người nông dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời khẳng định tình yêu quê hương đất nước là vẻ đẹp truyền thống của con người Việt Nam và tình cảm ấy lại càng ngời sáng trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy.
C.KẾT BÀI
Trong nền văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm viết về tình yêu quê hương đất nước như “Quê nội” của Võ Quảng, “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh, “Quê hương” của Đỗ Trung Quân. So với những tác phẩm ấy, truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân có những nét riêng, mới mẻ trong cách thể hiện tình cảm quê hương đất nước. Đó là tình yêu làng được đặt trong sự hài hòa, thống nhất với lòng yêu đất nước và tinh thần chống Pháp. Những tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện nhưng lòng yêu nước được đặt cao hơn, rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm làng quê. Đây chính là đóng góp riêng của nhà văn Kim Lân. Những trang văn chân thực, cảm động của Kim Lân viết về tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc đã nuôi dưỡng trong em tình yêu quê hương, xứ sở, đã giúp em nhận thức được trách nhiệm của thế hệ mình đối với quê hương, đất nước. Phải chăng chính những ý nghĩa cao đẹp ấy đã giúp thiên truyện vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian để trở thành tác phẩm đi cùng năm tháng.
Nhà văn Kim Lân được biết đến là nhà văn của nông thôn Việt Nam, với các tác phẩm gần gũi với đời sống người nông dân. Đến với truyện ngắn “Làng”, qua hình tượng nhân vật ông Hai, bạn đọc lại bắt gặp hình ảnh một người nông dân chất phác, hiền lành, mang trong mình một tình yêu quê hương, yêu đất nước vô cùng sâu sắc.
Ông Hai là một người nông dân hiền lành, chất phác. Khi giặc Pháp đến càn quét, gia đình ông Hai phải đi tản cư. Ông cùng vợ con phải xa rời làng, xa quê hương để tản cư đến làng khác. Ông Hai giữ trong mình nét chân chất thôn quê của người nông dân. Dù là nơi ở mới, ông thường đến nhà hàng xóm để kể chuyện về làng của mình, để giãi bày tâm sự, để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Ông cũng có thói quen đi nghe báo, đi nghe nói chuyện, dễ dàng bắt chuyện với mọi người. Ông không biết chữ, nên rất thích những anh nào đọc báo mà lại đọc rõ to như cho tất cả mọi người đều nghe thấy. Khi nghe tin cải chính làng mình không theo giặc, ông Hai vui sướng đi khoe với tất cả mọi người. Điều đó cho thấy rõ ông Hai là một người nông dân mang bản tính hiền lành, chất phác.
Ông Hai là một người có tình yêu làng sâu sắc và mãnh liệt. Đến nơi tản cư mới, ông không lúc nào nguôi nỗi nhớ về làng. Ông nhớ về những kỉ niệm đào hào, đắp ụ ở quê, đi đâu cũng khoe về cái dinh tổng, ông tự hào về làng lắm. Và thật trớ trêu khi một tình huống đặt ra: ông Hai nghe tin làng chợ Dầu của mình theo giặc. Mới nghe thấy tin đó thôi mà “cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân”. Một cảm giác tủi hổ và thất vọng tràn trề đã khiến ông Hai cứ cúi gầm mặt xuống mà đi, không dám nhìn thẳng vào ai, không dám đi đâu trong mấy ngày liền. Vì quá yêu làng, nên ông Hai rất khó tin vào việc làng mình theo Tây, nên ông rất xấu hổ và cảm thấy tủi nhục. Và điều tuyệt vời nhất, là khi tin làng chờ Dầu theo Tây được cải chính, ông lão mừng vui khôn tả xiết. Cảm giác như viên đá đè nặng tâm trạng ông bao nhiêu ngày qua đã được gạt bỏ, để ông lấy lại được tâm trạng vui tươi, phấn khởi xen lẫn tự hào. Ông lại đi từ nhà dưới lên nhà trên, lại khua chân múa tay, kể về việc làng ông đã có tinh thần chống giặc như thế nào, kể chân thực đến mức như chính ông là người tham gia cuộc chiến đó vậy. Ông Hai còn đi đâu cũng khoe việc nhà mình bị đốt. Đối với bình thường, một gia đình người nông dân, gia tài lớn nhất là nhà, là nơi chốn đi về, gia đình quây quần, mất đi nhà là mất đi cả một gia tài lớn. Theo lẽ thường, đáng ra khi nhà bị đốt thì ông Hai sẽ phải buồn rầu tiếc nuối, nhưng không, ông lại còn đi khoe hết người nọ người khia về việc nhà mình bị đốt. Đó như là một minh chứng rõ ràng cho việc làng chợ Dầu đã kiên cường chống trả giặc như thế nào, và ông Hai tự hào về điều đó. Những tài sản của cá nhân không đáng gì so với việc cải chính tin làng chờ Dầu theo giặc. Theo đó, ta mới thấu hiểu được tình yêu làng của ông Hai to lớn, sâu sắc đến nhường nào.
Ông Hai còn là một người nông dân mang trong mình tình yêu đất nước sâu sắc. Ai cũng biết ông Hai vô cùng yêu làng chợ Dầu của mình. Nhưng tình huống trớ trêu đặt ra là có tin làng chợ Dầu theo giặc. Ông Hai đã phải đứng trước lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu đất nước. Ông băn khoăn, day dứt và khổ tâm không tài nào diễn tả được. Cuộc trò chuyện xúc động giữa ông Hai và cậu con trai đã thể hiện rõ tư tưởng của ông. Ông tâm niệm “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Vậy là, dù cho tình yêu làng lớn như thế nào, nhưng tình yêu đất nước vẫn bao hàm và lớn lao hơn rất nhiều. Ông Hai một lòng vẫn tin vào ánh sáng của Đảng, vẫn tin vào lý tưởng của cụ Hồ. Đó là một niềm tin đúng đắn, thể hiện tư tưởng cách mạng vững vàng, tiêu biểu cho tư tưởng của người nông dân Việt Nam thời bấy giờ.
Với nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, cùng miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật đặc sắc, nhà văn Kim Lân đã tái hiện chân thực hình ảnh người nông dân Việt Nam-qua hình ảnh ông Hai- với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Ông Hai vốn là người nông dân hiền lành, chất phác, và ẩn sâu bên trong, ông mang một tình yêu lớn lao, sâu sắc đối với quê hương và đất nước.
Chúc e học tốt!