Cảm nhận của anh/chị về hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu
2 câu trả lời
Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm " Chiếc thuyền ngoài xa"
- Giới thiệu về hai phát hiện của người nghệ sĩ Phùng : bức tranh chiếc thuyền tươi đẹp và cảnh tượng từ trên thuyền bước xuống , người đàn ông đánh vợ mình một cách dã man.
B. Thân bài
1. Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ
- Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã đến một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh.
- Sau nhiều ngày phục kích, anh đã chụp được bức ảnh ứng ý mà có lẽ cả 1 đời cầm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp một lần :" Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha chút hồng hồng ..."
- Toàn bộ khung cảnh , đường nét và màu sắc đều đẹp, 1 vẻ đẹp toàn bích khiến cho người nghệ sĩ khi nhìn vào cứ ngỡ đây là 1 bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ.
* Tâm trạng của người nghệ sĩ :
- Bối rối , "trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào"
=> Người nghệ sĩ thực sự rung động trước cái đẹp
- Trong giây lát , anh như khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện , toàn mĩ, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
=> Người nghệ sĩ cảm nhận được cái chân , cái thiện của cuộc đời, thấy tâm hồn mình được gột rửa , được thanh lọc. Nói cách khác, cái đẹp chính là đạo đức.
2. Phát hiện thứ hai
- Bước xuống từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí , mệt mỏi , một người đàn ông to lớn , dữ dằn và một cảnh tượng tàn nhẫn.
- Gã đàn ông đánh đập người đàn bà một cách thô bạo
- Đứa con vì bảo vệ mẹ rồi đánh lại cha để rồi nhận về hai cái tát ngã nhào xuống cát.
* Tâm trạng của Phùng :
- Chứng kiến cảnh tượng đó , Phùng kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu cứ há hốc mồm ra mà nhìn. Bởi vì anh không thể ngờ rằng đằng sau vẻ đẹp của tạo hóa lại là bi kịch cuộc đời, là cái xấu, cái ác.
- Vừa mới lúc trước anh cảm thấy bản thân cái đẹp chính là đạo đức , anh còn thấy được chân lí của sự toàn thiện. Thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn cái gì là đạo đức, cái chân , cái thiện của cuộc đời.
=> Thông điệp : Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lý. Mỗi chúng ta cần có cái nhìn đa diện , nhiều chiều để phát hiện ra bản chất thật bên trong của hiện tượng.
3. Nhận xét
- Thứ tự đặt 2 phát hiện trong bài rất hợp lí
- Không thể đảo hai phát hiện cho nhau vì nhà văn đã có dụng ý để người nghệ sĩ phát hiện ra cảnh đẹp thiên nhiên trước. Thiên nhiên đẹp như lớp vỏ bọc bên ngoài để che đi cái tối bên trong. Qua đó , nhà văn gửi đến bạn đọc đừng nhầm lẫn giữa bản chất và hiện tượng ở cuộc sống này.
- Chiếc thuyền ngoài xa mang vẻ đẹp rất riêng, 1 vẻ đẹp toàn bích. Nhưng khi chiếc thuyền lại gần ta mới thấy chiếc thuyền chứa đựng những nghịch lý mà ở ngoài xa ta không nhìn thấy được.
C. Kết bài
- Chi tiết hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng là một chi tiết đắt giá của tác phẩm
- Chi tiết đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn đa diện , nhiều chiều về cảnh vật và những thông điệp cuộc sống sâu sắc.
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông “thuộc một trong số nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc). Sự tinh anh và tài năng của Nguyễn Minh Châu được thể hiện qua quá trình tư duy nghệ thuật.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một phát hiện về đời sống con người theo hướng đổi mới tư duy ấy. Bao nghịch lí cuộc đời, bao nghiệt ngã của cuộc sống được mở ra, được vỡ lẽ từ một tờ lịch “tĩnh vật” thuần tuý của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong một chuyến đi thực tế. Qua đó, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.
Trước năm 1975 trong văn học cách mạng , thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến hi sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện trong các mối quan hệ với kẻ thù, đồng chí đồng bào.
Nhưng sau năm 1975 văn học có cái nhìn mới ,
trở về với đời thường, đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự.
Người nghệ sĩ phải nhìn cho ra, phát hiện, nhận diện những mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt để từ đó hướng người đọc nhận thức cuộc sống, hình thành nhân cách. Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn như thế, ông đã gửi gắm ý tưởng của mình, những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống qua nhân vật Phùng — một nghệ sĩ nhiếp ảnh: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”.
- Trở lại vùng biển nơi chiến trường xưa, Phùng đã từng chiến đấu, anh có nhiệm vụ hoàn thành một tấm ảnh nghệ thuật: thuyền và biển vào bộ lịch năm ấy. Phùng đã “phục kích” mấy buổi sáng sớm anh mới “chộp” được một cảnh “đắt” như trời cho.
- Trên mặt biển còn mờ sương, một chiếc thuyền thu lưới đang tiến vào bờ mới đẹp làm sao! Nó đẹp, thơ mộng như “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Hình ảnh chiếc thuyền “in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…” Toàn bộ khung cảnh từ đưòng nét đến ánh sáng đều hài hoà đẹp đến mê hồn. Có lẽ đây là cảnh đẹp có một không hai trong cuộc đời cầm máy của anh. Trái tim anh rung động, niềm hạnh phúc tràn ngập tâm hồn trước cảnh đẹp tạo hoá ban tặng. Dường như ngắm nhìn hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trong mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận thiện tận mĩ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi. Trong khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt đỉnh ấy, người nghệ sĩ bấm liên thanh một hồi một phần tư cuốn phim. Và có thể gác máy trở về ngay cơ quan không còn muốn “săn” thêm một cảnh nào nữa.
- Nhưng một tình huống bất ngờ, trớ trêu xảy ra, dường như tạo hoá cũng như một trò đùa quái ác. Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ kia bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, cam chịu cùng một gã đàn ông thô kệch, dáng độc dữ. Hắn đã rút thắt lưng của lính ngụy ngày xưa ra đánh vợ một cách tàn bạo, cốt để giải toả những ấm ức, cơ cực của cuộc sống. Phùng còn chứng kiến thằng Phác, đứa con trai của gia đình giật chiếc thắt lưng mà quật lại cha vì quá thương mẹ. Phút chốc Phùng xót xa, cay đắng nhận ra: cái xấu, cái ác, cái bi kịch trong gia đình thuyền chài kia, nó giống như một thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công săn đuổi, bỗng hiện hình thật khủng khiếp, ghê sợ.
- Ba hôm sau, Phùng lại chứng kiến tiếp cảnh đánh vợ của gã đàn ông lần thứ hai. Như một phản xạ tự nhiên, anh vứt máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới, phải chấm dứt hành động độc ác của gã đàn ông ấy. Thế rồi chính anh cũng trở thành nạn nhân.
=> Thực tế phũ phàng đã cho Phùng nhận ra nhiều điều:
+ Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa — một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thực cuộc đời lại rất gần, rất phũ phàng, đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời.
+ Phùng vốn là người lính vào sinh ra tử, anh căm ghét mọi áp bức, bất công, sẵn sàng vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền và biển trong buổi ban mai, trái tim anh cũng nhạy cảm, thắt lại trước nỗi đau của con ngưòi. Cái khoảnh khắc tràn ngập hạnh phúc trong tâm hồn kia, cái anh đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, bỗng chốc trong anh đã hoá thành nghịch cảnh. Thế ra đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” của thiên nhiên tạo hoá mà anh bắt gặp trên biển ngoài xa lại chẳng phải là “đạo đức”, là “chân lí của sự toàn thiện” mà người nghệ sĩ vẫn thường nhìn bằng đôi mắt mộng mơ của mình. Thật trớ trêu, cái ác vẫn hiện hữu ngay bên trong cái đẹp; hạnh phúc vẫn luôn tiềm ẩn những bi kịch, bất hạnh.
Những trăn trở, khúc mắc sẽ mãi theo Phùng nếu như anh không được chứng kiến câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại toà án huyện cùng người bạn chiến đấu của mình là anh Đẩu. Sự thật về một cuộc đời, những suy nghĩ và sự chịu đựng của người đàn bà đã giúp Phùng và Đẩu hoá giải được nguyên do của những điều tưởng như là vô lí.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài của người đàn bà xấu xí, thô kệch luôn bị chồng đánh đập hành hạ, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, lại kèm theo những lời chửi rủa độc địa, phũ phàng thì người ta có thể nghĩ: người đàn bà đó không bình thường chăng?
+ Tại toà án bà còn quỳ lạy xin quý toà bắt tội, phạt tù cũng được nhưng “đừng bắt con phải bỏ nó”, vì sao vậy?
+ Nguyên căn của mọi sự nhẫn nhục, chịu đựng ấy chính là lòng nhân hậu, vị tha, bao dung, đức hi sinh vô bờ bến của ngưòi đàn bà đôi vối những đứa con: “Phải sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Hơn nữa: “Các chú đâu phải người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc”, “các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…” Thì ra những người đàn bà sống nhờ biển, họ rất cần có ngưòi đàn ông để chèo chống với phong ba, “để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con”… chứ không phải vì một lí do nào khác. Trong khổ đau cũng có lúc họ thấy hạnh phúc, vui nhất là khi nhìn thấy đàn con được ăn no và vợ chồng cũng có lúc hoà thuận.
- Qua lời lẽ của người đàn bà hàng chài, Phùng đã hiểu:
+ “Tình thương con cũng như nỗi đau cũng như cái sự thăng trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra ngoài”, mà chỉ âm thầm nhẫn nhục chịu đựng, ở trong tình cảnh ấy, suy nghĩ và cách xử sự của bà là không thể nào khác được. Đó là sự hi sinh lớn lao của ngưòi mẹ đối với đàn con của mình mà không bút mực nào tả xiết. Đó là “hạt ngọc ẩn giấu” trong tâm hồn mỗi người mà ngưòi nghệ sĩ phải đào xới vào các tầng sâu lịch sử để kiếm tìm, ngợi ca, nâng đõ.
+ Qua đó Phùng và Đẩu cũng phải nhìn lại chính mình: không thể đánh giá bản chất con người, sự việc từ bề ngoài. Nếu cứ nhìn bề ngoài mà khuyên họ theo chủ quan của mình thì chẳng phải chính mình là người sống hời hợt, thiếu sâu sắc, thiếu thực tế? Người nghệ sĩ phải biết nhìn thấu suốt vấn đề, không thể đơn giản, dễ dãi trong mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.
+ Với người đàn ông độc dữ, Phùng cũng có phần cảm thông: có lẽ cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh với bao lo toan cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa thành người chồng vũ phu, độc ác. Hắn vừa là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao khổ đau cho chính những người thân trong gia đình của mình, đáng thương mà cũng đáng trách. Phải làm sao để nâng cao cái phần người, phần thiện trong kẻ thô bạo ấy đây? Đó là câu hỏi cần phải có giải pháp thiết thực để giải quyết nguyên nhân tận gốc, thay vì khuyên người ta bỏ nhau.
+ Với chị em thằng Phác, thằng Phác trở thành đứa con lỗi đạo với cha cũng chính từ nguyên nhân đói nghèo, thất học, từ những lục đục của cha mẹ mà chúng phải gánh chịu hậu quả. Chúng là những đứa trẻ đáng thương. Trong lòng chúng cũng tan nát vì đau đớn, thương tích sẽ hằn sâu kí ức tuổi thơ, lớn lên rồi chúng sẽ ra sao? Biết bao trăn trở trong lòng Phùng sau câu chuyện! Phải làm sao để những đứa trẻ ấy được no cơm, ấm áo, được học hành đầy đủ? Có như vậy, bi kịch trong mỗi gia đình mới không còn xẩy ra, xã hội mới bớt đi những gánh nặng.
+ Tấm ảnh của Phùng mang về đã làm hoàn thiện bộ lịch năm ấy, dâng tặng cho bao gia đình sành chơi nghệ thuật niềm hạnh phúc. Nhưng với Phùng, mỗi khi ngắm lại, hình ảnh người đàn bà làng chài lam lũ, khổ đau lại hiện ra đầy ám ảnh.
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mang đến cho người đọc một bài học triết lí về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: cuộc sống thật phức tạp, đa chiều, đòi hỏi mỗi người cần có cái nhìn toàn diện, phát hiện ra bản chất sau bề ngoài hiện tượng. Đối với người nghệ sĩ, chuyến đi thực tế đã cho Phùng một bài học đúng đắn: chiếc thuyền nghệ thuật, chiếc thuyền mộng mơ thì ở ngoài xa, nhưng sự thật cuộc đời trong chiếc thuyền cụ thể lại rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đòi, bởi lẽ nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ con ngưòi, vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, buồn vui trước mọi lẽ đời. Biết hành động để có cuộc sống xứng đáng với con người, chứ không chỉ biết săn đuổi một thứ nghệ thuật cao siêu, thuần tuý.