Thân phận của người phụ nữ sống trong chế độ phong kiến thời xưa thường phải chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh. Họ thường bị khoác lên mình những thuần phong mỹ tục, những phong tục cổ hủ lạc hậu, gò ép bản thân làm theo ý kiến người khác, phục tùng tuân lệnh mà không hề có cơ hội phản kháng.
Ngay đến hạnh phúc của bản thân mình, việc dựng vợ gả chồng quyết định tình cảm cũng không có cơ hội lựa chọn mà phải tuân theo lời cha mẹ sắp xếp.
Trong lịch sử đã chứng minh có nhiều người phụ nữ xưa, có tài, có sắc nhưng cuộc đời lại chịu nhiều bất hạnh, phải làm kỹ nữ mua vui hoặc làm vợ lẽ, làm thê thiếp cho những người có chức quyền có tiền bạc. Cuộc sống cơ cực tủi nhục, bị ghẻ lạnh, bị chèn ép dẫn tới cái chết như nàng Thúy Kiều, nàng Tiểu Thanh, Đạm Tiên…
Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, được sinh ra trong gia đình lễ nghĩa có học thức nhưng lại phải trải qua kiếp hồng nhan đa truân, long đong mười hai bến nước, phải năm lần bảy lượt rơi vào chốn lầu xanh ăn chơi, nơi mua vui cho kẻ khác. Cuộc đời nàng bị rất nhiều kẻ lừa dối hãm hại.
Thúy Kiều cũng nhiều lần tìm tới cái chết để kết thúc cuộc éo le, nhơ nhuốc của mình nhưng không thành công.
Nàng cũng phải làm vợ lẽ, là người hầu kẻ hạ cho người ta. Sống cuộc sống buồn tủi đúng như người xưa đã từng nói rằng:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi giếng ngọc, hạt ra ruộng cày
Thân em như giếng giữa làng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân
Số phận của những người phụ nữ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, vào cha mẹ, vào người mai mối, người chồng tương lai. Họ không được quyền quyết định hạnh phúc lứa đôi. Luôn phải nghe theo những quy tắc nhất định như “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
Nếu ở nhà thì phải nghe lời cha mẹ, lớn lên lấy chồng phải nghe lời chồng, chẳng may chồng qua đời thì phải nghe theo lời con. Như vậy, cuộc sống của người phụ nữ lúc nào thì được sống cho mình, có lẽ tới lúc chết họ cũng chẳng thể nào sống theo ý mình được. Chính vì vậy những người phụ nữ mới ví von mình rằng:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Những câu ca dao như lời than thở, oán hận chứa chan nước mắt của những người con gái đang tuổi xuân thì, chưa từng một lần biết tới tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Họ phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, nên mọi sự dự định cho tương lai hạnh phúc của mình đều phải do người trên quyết định.
Những người con gái này ví von thân mình như một tấm lụa đào, rất nhiều người yêu thích muốn mua về may quần áo. Một tấm lụa đào mong manh yếu đuối, nhưng lại được treo giữa chợ phất phơ trước gió, nơi đông người chẳng biết đâu mà lường trước.
Câu ca dao thể hiện sự hoang mang của người con gái trước tương lai của mình, không biết sẽ rơi vào tay ai, vào chốn nhung lụa giàu sang, hay vào địa ngục trần gian, vào vũng trâu đằm cũng phải chịu đắng cay mà sống hết kiếp người.
Ca dao thời xưa chính là một nét văn hóa của người lao động Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Nó chính là những tâm tư tình cảm của người dân gửi gắm vào trong đó. Nó thể hiện ước mơ, nỗi lòng của con người muốn được bộc lộ ý nguyện ước mong của mình.
Những người phụ nữ thời xưa luôn chịu mọi sự trói buộc của lễ giáo hà khắc, sống cảnh tam tòng tứ đức, thờ chồng yêu con. Mọi việc trong gia đình dù lớn hay nhỏ cũng phải tuân theo lời người chồng, người cha trong gia đình, người phụ nữ không có quyền lên tiếng.
Hai từ “Thân em” đã thể hiện sự nhỏ bé yếu đuối của những số phận người con gái, phụ nữ trong hoàn cảnh éo le của chế độ.
Người xưa cũng vô cùng tinh tế khi sử dụng nghệ thuật so sánh, độc đáo để ví von người phụ nữ với tấm lụa đào làm tăng vẻ mong manh yếu đuối của thân phận người phụ nữ lên.
Từng câu nói trong bài ca dao đều toát lên vẻ ai oán, cay đắng của người phụ nữ trong cuộc sống. Nó là tiếng lòng thầm kín của người con gái trong chế độ “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” tức là một con trai cũng là có, còn mười con gái cũng như không. Một chế độ hà khắc mà thân phận người con gái chỉ như bọt bèo trôi mà thôi, không thể nào có được hạnh phúc.
Bài 2
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Bài ca dao có vẻ đẹp chân mộc, chắc thiệt, thực sự mang bản chất của gừng cay, muối mặn.
Hai dòng thơ đầu tiên nói về đặc tính của muối và gừng - những đặc tính mà hầu như con người ta ai cũng biết. Như vậy, giá trị của chúng không phải là cung cấp thông tin, vì những thông tin kia chẳng có gì mới cả. Điều quan trọng là chúng dọn đường cho ta đi tới chỗ cảm nhận được quyết tâm của nhận vật trữ tình: sống có tình, có nghĩa, mãi thủy chung với người yêu - người bạn đời đã cùng mình nếm trải bao buồn vui, sướng khổ. Phải từ hai dòng thơ sau nhìn ngược lên ta mới thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tái khẳng định chân lí gừng cay, muối mặn. Một sự khẳng định trong trạng thái trầm tư, mang tính chất của hành động lòng tự dặn lòng. Việc tạo ra một cặp đối xứng gồm: “Muối ba năm muối đang còn mặn" và "Gừng chín tháng gừng hãy còn cay", về bản chất, giống như một hình thức trùng điệp, có tác dụng khắc đậm ý niệm về sự bề lâu. Thông tin quan trọng ở đây dồn tụ vào hai cụm từ đang còn, hãy còn, chứ không phải vào hai từ cay và mặn. Chính ý niệm về sự bền lâu ấy mới quyết định khả năng xứng hợp của hai đối tượng khác nhau là muối và gừng trong lời nói của nhân vật trữ tình. Nó cũng là điểm mấu chốt có thể gắn kết hai nửa của bài ca dao lại với nhau thành một chỉnh thể. Tất nhiên, người đọc ngày nay vẫn muốn tìm thấy một cái gì khác hơn nữa đã đảm bảo tính lô-gích của liên tưởng đi từ chuyện muối, gừng sang chuyện đôi ta. Nếu thấu hiểu những nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam xưa, ta sẽ thấy những đòi hỏi có lí trên được giải tỏa nhẹ nhàng. Muối và gừng không chỉ tồn tại như một thứ gia vị quen thuộc, thậm chí tối cần thiết trong các món ăn mà còn tồn tại như một vị thuốc dân dã cần dùng trong nhiều trường hợp như đau ốm. Chẳng thế mà trong một bài ca dao khác, người xưa từng nói: "Tay nâng chén muối, đĩa gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau". Thì ra thế! Nhân vật trữ tình đãtrải qua những ngày được chăm sóc yêu thương bởi tay người bạn đời. Muối và gừng, do vậy, ngoài hương vị vốn có của nó, còn tỏa ra hương vị của tình yêu, tình chồng vợ. Thật hoàn toàn tự nhiên khi nói chuyện muối, gừng, ta có thể nghĩ đến chuyện thủy chung son sắt và ngược lại.
Dòng cuối của bài ca dao nêu một giả định: (dù) có xa nhau... Nếu thực sự hiểu đời, ta hẳn phải biết rằng: trong cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi và nhiều thứ hạnh phúc khác luôn chịu những tác động và ngược chiều có tính chất "phá ngang". Tuy đang sống bình yên, người ta vẫn có thể phải nghĩ tới thời gian phía trước với bao thử thách. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này cũng vậy. Anh (hay chị) ấy đã thấy, đã thốt lên (dù) có xa nhau, nhưng ngay lập tức, chính anh (hay chị) lại đã khẳng định: "ba vạn sáu ngàn ngày mới xa". Ba vạn sáu ngàn ngày là một trăm năm - con số ước định chỉ giới hạn một đời người. "Ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” nghĩa là đến chết mới xa, cũng có nghĩa là chẳng bao giờ xa cả.
Một sự khẳng định không dựa trên cảm xúc bồng bột mà đặt cơ sở trên những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời! Đây là một trong các lí do chính đã khiến bài ca dao để lại được trong lòng người tiếp nhận, người đọc bao thế hệ những ấn tượng tốt đẹp về tình - nghĩa - Việt Nam.