các thầy cô ơi ; các bạn ơi có thể giúp bài này đk ko ạ . lập dàn ý cho đề bài cảm nhận về âm thanh tiếng sáo trong truyện ngắn vợ chồng a phủ của tô hoài. em xin cảm ơn ạ
1 câu trả lời
A. Mở bài
1. Giới thiệu tác giả: Tô Hoài
- Tô Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám.
- Ông là một người có vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.
2. Giới thiệu tác phẩm: Vợ chồng A Phủ
- “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba tác phẩm được in trong tập truyện Tây Bắc – tác phẩm được giải Nhất giải thưởng hội Văn nghệ Việt Nam từ 1954 – 1955.
- Đó là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào Tây Bắc năm 1952.
3. Giới thiệu khái quát về âm thanh tiếng sáo
- Là một trong những chi tiết tiêu biểu, đặc sắc, góp phần tạo nên thành công của tác phẩm
B. Thân bài
1. Phân tích nghệ thuật miêu tả tiếng sáo
- Tiếng sáo xuất hiện trong đêm tình mùa xuân là âm thanh quen thuộc, đặc trưng của người Mèo ở vùng cao mỗi khi tết đến, xuân về. Đó là tiếng sáo gọi bạn yêu, là cầu nối cho các đôi lứa, giúp các chàng trai tỏ tình và giãi bày yêu thương. Âm thanh ấy cũng chất chứa nhiều khát vọng yêu thương cháy bỏng trong nhịp đập trái tim trẻ.
- Tiếng sáo là một trong những chi tiết được Tô Hoài dụng công miêu tả. Nó xuất hiện nhiều lần, trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau. Có khi là tiếng sáo vang vọng từ xa đâu đó, có khi lại lấp ló ẩn hiện đầu làng. Có khi lại tha thiết bồi hồi, có khi lại vang vẳng rành rọt đến da diết. Có khi lại mỏng tan lơ lửng như sương khói hoài niệm.
- Chi tiết “tiếng sáo gọi bạn yêu” thực sự là chi tiết nghệ thuật đầy công phu và tâm huyết. Nhà văn Tô Hoài đã miêu tả chi tiết tiếng sáo bằng những câu văn đầy chất thơ, lãng mạn, đẹp đẽ. Nó trở thành giai điệu thật đặc biệt vừa sống động, vừa có hồn, có sắc, có thanh.
=> Phải thực sự tinh tế và am hiểu sâu một sắc phong tục văn hóa của con người Tây Bắc, Tô Hoài mới có thể cảm nhận tiếng sáo một cách chân thực và gợi cảm đến vậy.
2, Luận điểm 2: Âm thanh tiếng sao trong đêm tình mùa xuân như một thứ thần dược làm trỗi dậy sức sống tiềm tàng trong Mị.
- Trước hết, tiếng sáo vang vọng trong đêm tình mùa xuân đã làm sống lại trong tâm hồn Mị những rung cảm mạnh mẽ.
+ Mị tha thiết bồi hồi, Mị ngồi nhẩm theo giai điệu bài hát của người đang thổi, lòng Mị thiết tha với những bản tình ca say đắm:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”
+ Tiếng hát cất lên từ trái tim tưởng như khô cằn, chai sạn của Mị. Mị trước đây sống không ý thức về thời gian, không gian, sự vật, trước mặt Mị luôn là một làn sương trắng mờ đục. Giờ đây tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn ngủ yên và an phận của Mị.
+ Tiếng sao rung lên trong trái tim Mị, những giai đoạn mở đầu của khát vọng được yêu, cái khát vọng bấy lâu nay được chôn chặt trong trái tim Mị. Mị đã bừng tỉnh mọi cảm nhận về cuộc sống, ý thức về cuộc sống đã trở lại trong Mị. Mị nhìn thấy, nghe thấy: trai gái, trẻ con ra sân chơi đánh pao, đánh quay, thổi khèn và nhảy, nhà Thống Lí Pá Tra đánh chiêng ầm ĩ.
+ Tiếng sáo đã gọi dậy những kỉ niệm ngọt ngào của thời thiếu nữ “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi, Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Điều này chứng tỏ Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị không còn sống một cách bất động, vô hồn ở nhà thống lí. Mị đã khẳng định sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn.
+ Mị như lãng quên hiện tại. Người ta hát mà Mị không nghe, người ta nhảy mà Mị không thấy, rượu tan lúc nào Mị cũng chẳng hay. Từ quá khứ trở về với thực tại, Mị càng thấm thía về cuộc đời bất hạnh của mình. “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi”. Tuy nhiên, khi ý thức về sự bất hạnh của cuộc đời, Mị lại thấy lòng mình “phơi phới trở lại”. Đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. “Mị nhận ra mình còn trẻ lắm và muốn đi chơi”, muốn bước ra ngoài cái ranh giới của căn buồng kín mít đã vây hãm cuộc đời Mị.
=> Tô Hoài đã sử dụng liên tiếp các câu văn ngắn để nhấn mạnh một sự thay đổi đang diễn ra mãnh liệt trong suy nghĩ, tâm trạng của Mị. Mị ý thức được giá trị và khát vọng của cuộc đời để được sống hạnh phúc, tốt đẹp. Đây là những suy nghĩ rất tích cực, là minh chứng sống động để khẳng định sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị.
+ Càng ý thức được giá trị bản thân và càng hiểu được hiện thực tăm tối đời mình, Mị lại càng khát khao sống. Mà đỉnh cao của điều đó là lúc Mị nghĩ đến cái chết “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Mị muốn chết không phải vì chán sống mà đó là biểu hiện của lòng ham sống và khát khao được sống tốt đẹp. Suy nghĩ của Mị tuy tiêu cực nhưng lại là biểu hiểu sâu sắc của sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
=> Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến hành động tự sát của Chí Phèo sau khi giết Bá Kiến. Đây là điều tiêu cực. Vì hành động tự sát của Chí cho thấy sự bế tắc không chỉ của nhân vật mà của chính nhà văn khi không thể nào tìm được lối thoát. Nếu Chí sống thì sẽ tiếp tục làm “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, nếu chết thì Chí sẽ được làm người.
- Tiếng sáo không chỉ khơi dậy những rung cảm, tiếng sáo ấy còn thôi thúc giục giã Mị hành động. + Trước hết, “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Đó là cách uống của người thưởng xuân? Chắc chắn không phải vậy. Uống rượu thưởng xuân phải uống từ từ từng bát một, nhấm nhá, nhấm nháp để tận hưởng và đón nhận hương vị xuân. Đó là cách uống của người khát rượu, thèm rượu? Không đúng, đã từ lâu Mị chẳng thèm khát gì.
+ Tô Hoài viết: “Ngày Tết Mị cũng uống rượu”, mọi người uống, Mị cũng uống. Mị uống theo thói quen ngày xuân của người Mèo. Cách uống ừng ực từng bát ấy giống như Mị uống cho bõ tức, cho nuốt hận tủi hờn. Hơn thế nữa, Mị còn “sửa soạn đi chơi: quấn tóc, lấy váy hoa”.
=> Chi tiết Mị quấn tóc, với tay lấy cái váy hoa không chỉ là hành động bản năng của người phụ nữ là thích làm đẹp mà còn thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.
+ Bao rạo rực mê say trong tâm hồn người con gái trẻ gửi trong hành động ấy. Hành động ngỡ như đột ngột, nhưng nó là kết quả tất yếu của sự tác động qua lại giữa hoàn cảnh và tâm lí nhân vật. Lời văn không còn đượm buồn hiu hắt mà như được sưởi ấm bằng chính tấm lòng đồng cảm mà nhà văn dành cho nhân vật của mình.
=> Tất cả những hành động trên tưởng như rất đơn sơ, thường nhật nhưng với Mị nó vô cùng đặc biệt. Hành động chuẩn bị đi chơi chính là hành động giải phóng chính mình ra khỏi những trói buộc vô hình ở nhà thống lí Pá Tra để có thể bước qua những giới hạn để khẳng định quyền sống, tự do của con người. Không chỉ vậy, tất cả những hành động này đều diễn ra trước mặt A Sử, nó cho thấy rõ sự phản kháng, sự thách thức của Mị trước kẻ đã tước đi quyền sống của mình.
=> Tiếng sáo mùa xuân tuổi trẻ đã thực sự ngân lên khát vọng tình yêu, hạnh phúc, tự do đang trào dâng trong Mị mà không kìm nén được. Song đây cũng là lúc nó bị vúi dập phũ phàng. A Sử đã quấn tóc, trói đứng Mị trong buồng tối, thản nhiên tắt đèn, khép cửa đi ra. Bị trói, Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo. Âm thanh của tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, nó như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống “Em không yêu, quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào…”.
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của âm thanh tiếng sáo
+ “Tiếng sáo gọi bạn yêu” thực sự là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nó mang vẻ đẹp sinh hoạt, phong tục văn hóa của con người Tây Bắc.
+ Hơn thế nữa, nó còn góp phần tô đậm thêm những giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn muốn ca ngợi và khẳng định sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động miền núi không có một thế lực nào có thể hủy diệt được. Và chỉ cần âm thanh của tiếng sáo ấy có thể làm thức dậy nguồn sức sống ấy. Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hòai xây dựng đẫm chất thơ.
+ Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ. Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, nhất là những từ láy liên tục biến đổi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo: lấp ló, văng vẳng, lửng lơ, rập rờn. Qua cách diễn đạt này độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"