Bạn không cần phải thắng bằng mọi giá Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là: “Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?”. Trong nhiều trường hợp, hai điều này thường không đi cùng nhau. Việc tỏ ra mình là người luôn đúng - nghĩa là người khác sai - sẽ đẩy chúng ta vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm. Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ khiến đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao nhãng với cuộc sống xung quanh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh (hay bảo vệ) quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai. Vô tình hay hữu ý, nhiều người tin rằng việc đưa ra ý kiến riêng “đúng đắn” sẽ giúp người khác điều chỉnh họ và học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, điều này hoàn toàn sai. Bạn hãy nhớ lại xem, đã bao giờ bạn bị ai đó “sửa lưng” và bạn nói với họ: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”. Hoặc đã bao giờ có ai đó nói cảm ơn khi bạn phản đối họ hay chứng tỏ bạn đúng họ sai. Sự thật là đa phần chúng ta đều không thích bị người khác vạch ra sai lầm của mình. Con người luôn mong muốn người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh. (Richard Carlson - Tất cả đều là chuyện nhỏ, NXB Tổng hợp Thành phố HCM, trang 35) Từ nội dung đoạn trích, anh (chị ) hãy viết 1 đoạn văn ( khoảng 200 chữ ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói : Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai Mn giúp e với ạ, e cảm ơn

2 câu trả lời

Câu nói "Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai" là một câu nói thể hiện sự ứng xử tuyệt vời trong giao tiếp giữa người với người. Thật vậy, câu nói cảm ơn này không phải ai cũng nói được khi có người chỉ ra cho mình những sai lầm trong ý kiến. Khi cảm ơn người khác vì đã chỉ cho mình những lỗi sai, điều này có nghĩa là con người đã có ý thức hiểu được thiếu sót trong ý kiến mà mình đưa ra và biết ơn những người đã chỉ bảo cho mình. Theo em, đây có lẽ là thái độ sống rất hiếm xuất hiện ở mọi người, và câu nói này cho thấy một tâm hồn luôn cởi mở, cầu tiến, sẵn sàng đưa ra những giải pháp tốt nhất cho vấn đề chung. Tuy nhiên, trên thực tế, con người không cần phải lúc nào cũng bảo vệ ý kiến của mình là đúng đắn bằng cách chỉ ra những sai lầm cho những người xung quanh. Đứng trước một vấn đề, chỉ có cách giải quyết tốt hơn và không tốt bằng, chứ không có giải pháp nào là vô dụng hoàn toàn. Sự đúng sai chỉ mang tính chất tương đối trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó mà thôi. Chính vì vậy, những người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của những người xung quanh sẽ thường nhận được yêu mến hơn những người chỉ biết chỉ ra lỗi sai của người khác. Tóm lại, câu nói "Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều sai" là câu nói thể hiện cho một tâm hồn cởi mở, luôn sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp nhất.

GỢI Ý
* Yêu cầu về hình thức:
- Đảm bảo bố cục đoạn văn: câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn
- Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa
* Yêu cầu về nội dung:
- Giải thích câu nói: là lời cảm ơn cần thiết khi có ai đó vạch ra lỗi sai của chính mình
- Phân tích ý nghĩa của câu nói:
+ Câu nói đã khẳng định rằng: không phải mọi lúc bản thân mình luôn đúng. Do đó, khi được người khác chỉ ra sai lầm của mình cần biết lắng nghe để sửa lỗi
+ Biết nói lời cảm ơn khi có người giúp bạn sửa sai và hoàn thiện chính mình. Đó là lối ứng xử văn hóa
- Bàn luận:
+ Trong giao tiếp, không ai luôn đúng hoặc luôn sai. Chúng ta nhất thiết cần phải lắng nghe quan điểm của người khác và nhìn thấy chỗ sai của mình.
+ Trên thực tế, nhiều người luôn cố tỏ ra mình luôn đúng và phủ nhận người khác. Khi bị vạch ra sai lầm thì luôn cảm thấy khó chịu, ấm ức. Đó là thái độ tiêu cực, cần loại bỏ khi giao tiếp.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Luôn học hỏi, lắng nghe từ người khác
+ Luôn cầu thị, tự sửa lỗi để hoàn thiện mình
+ Không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá trong giao tiếp. Luôn khiêm tốn với chính mình, luôn khéo léo trong cách chỉ ra lỗi sai của người khác.