1 câu trả lời
Kỹ năng 1: Khi xảy ra sự cố về cháy, nổ ở gia đình cần bình tĩnh. Đối với các cháu nhỏ phải làm theo sự chỉ dẫn của người lớn trong gia đình.
Kỹ năng 2: Để tránh bị ngạt khói, di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi. Trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất.
Một số kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy. (Ảnh: Cục Phòng cháy chữa cháy)
Kỹ năng 3: Khi thoát ra ngoài phòng cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ. Tuyệt đối không được chen lấn xô đẩy trong quá trình thoát nạn. Không được sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng lại bất cứ khi nào dẫn đến bị kẹt và ngạt khí gây tử vong.
Kỹ năng 4: Nếu phải mở cửa thì phải kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở. Khi mở cửa phải tránh sang một bên để đề phòng lửa tạt.
Kỹ năng 5: Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát, khói, khí độc bao trùm hành lang và không thể thoát ra ngoài cần bình tĩnh dùng chăn ẩm ướt, hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói khi độc tràn vào phòng và ở tại phòng chờ lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến để đưa ra nơi an toàn.
Kỹ năng 6: Cần di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ gọi to hoặc dùng khăn, áo mũ để ra hiệu cầu cứu.
Kỹ năng 7: Khi có lực lượng đến cứu, phải bình tĩnh làm theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Kỹ năng 8: Trong trường hợp chưa thể tiếp cận được các lối thoát nạn an toàn hoặc ra cửa sổ hay ban công để cầu cứu thì phải tìm những vị trí lãnh nạn tạm thời như Ban công hay cửa sổ chưa bị ngọn lửa hay khói , khí độc đe dọa để chờ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến giải cứu. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 600 vụ cháy, trong đó có hơn 300 vụ cháy xảy ra tại nhà dân. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố thiết bị điện (chiếm hơn 60%), mà điển hình là vụ chập điện gây cháy nhiều ngôi nhà ở đường Đê La Thành (gần Bệnh viện Nhi trung ương, quận Ba Đình) khiến 2 người tử vong.
Kỹ năng 9: Trong trường hợp quần áo bị bén lửa phải nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để làm tắt ngọn lửa.
Kỹ năng 10: Khi xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người (Trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim ...) việc đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên hướng dẫn thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn thuông thường như: Cầu thang bộ, nơi có đèn Exit – Lối ra là những nơi thoát nạn an toàn nhất.
Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy, nổ, cần cứu nạn cứu hộ hãy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết. Đồng thời gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số 114 (Số điện thoại 114 là số điện thoại gọi không mất tiền). Mọi công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ đã được nhà nước chi trả, người dân không phải mất một khoản chi phí nào