Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng thực phẩm bẩn

2 câu trả lời

Sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã đem đến nhiều thành tựu về khoa học - kĩ thuật cũng như sự tiến bộ trong cuộc sống con người. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau như vấn đề ô nhiễm môi trường, hiện tượng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính,..... Một trong số những vấn đề mang tính thời sự đó, "thực phẩm bẩn" trở thành vấn đề nan giải bởi những hậu quả mà nó gây ra.

"Thực phẩm bẩn" là cụm từ dùng để chỉ những sản phẩm - đồ ăn và thức uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứa những vi sinh vật có hại và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe con người. Đó có thể là những sản phẩm đã bốc mùi hôi thối nhưng được hô biến bằng những chất tẩy nhuộm, phụ gia để trở thành những sản phẩm hấp dẫn, xanh tươi và đẹp mắt hoặc vô số loại rau, củ phát triển một cách nhanh chóng do tác dụng của các loại thuốc kích thích, các sản phẩm từ thịt chứa những hooc - môn nguy hiểm đối với con người do sử dụng thuốc tăng trọng hay vô số những thực phẩm chế biến sẵn có chứa những chất cấm, chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép so với quy đinh trong ngành sản xuất thực phẩm,.... Từ những biểu hiện cụ thể trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thực phẩm bẩn đang được sản xuất và bày bán một cách tràn lan, vượt xa tầm kiểm soát. Vậy thì nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này?

Thật không khó để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vì sao thực phẩm bẩn lại được bày bán một cách công khai và tràn lan, thậm chí lấn át thực phẩm sạch. Điều này xuất phát từ chính ý thức cũng như hành động, thái độ của con người. Do tâm lí buôn bán "một vốn bốn lời", để thu về lợi nhuận cao từ việc buôn bán thực phẩm, các thương lái sẵn sàng sử dụng chất cấm, chất bảo quản để tăng thêm thời hạn sử dụng của các loại rau, củ, quả. Người trồng muốn đẩy nhanh sự sinh trưởng của cây trồng và rút ngắn thời gian chăm sóc nên không hề đắn đo, ngần ngại khi sử dụng những loại thuốc kích thích, tăng trưởng. Thậm chí, dù người cung cấp và người buôn bán đều biết rõ nguồn thực phẩm đang gặp những vấn đề về an toàn nhưng vẫn thỏa hiệp và tung ra thị trường. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thịt lợn bị nhiễm sán nhưng không hề bị đem đi tiêu hủy mà vẫn xuất hiện trên các kệ bày bán. Và việc sản xuất, cung cấp thực phẩm bẩn chắc chắn xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, bởi có "cung" ắt hẳn phải do "cầu".

Việc chuộng những sản phẩm có giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt mà không hề quan tâm đến chất lượng, quy trình sản xuất là tâm lí chung của người tiêu dùng. Chính điều này đã làm giảm đi những giá trị bền vững mà thực phẩm sạch mang lại. Không chỉ dừng lại ở đó, không ít người tiêu dùng mang trong mình quan điểm "ăn bẩn sống lâu" đầy lạc hậu để ngụy biện cho hành vi sử dụng thực phẩm bẩn và thờ ơ với chính sức khỏe - tài sản vô cùng quý giá đối với mỗi một con người. Như vậy, vì lợi ích trước mắt mà con người đã vô tình thỏa hiệp và đặt những bước chân của mình vào thế giới của bệnh tật đầy những hiểm nguy do thực phẩm bẩn gây ra bằng con đường dạ dày. Ngoài ra, việc quản lí lỏng lẻo, kiểm định vệ sinh không chặt chẽ cũng tạo ra một môi trường thuận lợi cho thực phẩm bẩn xuất hiện và tồn tại.

Ít ai có thể ngờ rằng, sự qua loa và thờ ơ trong việc lựa chọn thực phẩm lại dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không kém hậu quả do những vấn đề như chiến tranh và ô nhiễm môi trường gây ra. Trước hết, sử việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc và chứa các chất độc hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,.... Không chỉ dừng lại ở đó, các chất hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, chất bảo quản còn ngấm dần và thấm sâu vào tế bào và cơ thể con người, trở thành nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh vô cùng nguy hiểm, trong đó có ung thư. Theo số liệu thống kê của Bộ y tế vào năm 2015, số người mắc bệnh ung thư do thực phẩm bẩn gây ra chiếm khoảng 35% trên tổng số 150.000 người mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Như vậy, thực phẩm bẩn chính là tác nhân gây hại đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người. Thậm chí, nó còn là mầm mống phá hủy giống nòi và tương lai của nhân loại. Trong thời gian gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là thịt lợn bị nhiễm sán gạo nổi đầy hạch trắng hay thịt gà đông lạnh từ lâu xuất hiện trong bữa ăn và thực đơn của các em nhỏ tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy, chính sự nhẫn tâm, vô trách nhiệm trong việc chọn lọc và kiểm soát nguồn thức ăn đã vô tình khiến các em nhỏ gặp những mối nguy hại khôn lường về sức khỏe.

Những hiểm họa do thực phẩm bẩn gây ra đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe và tính mạng con người. Tuy nhiên, làm như thế nào để phòng và tránh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại là câu hỏi không dễ gì tìm ra đáp án. Trước hết, để thực hiện được điều này, mỗi một con người cần nâng cao ý thức của chính bản thân mình qua những hành động cụ thể. Chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với thực phẩm bẩn bằng việc tự trồng hoặc lựa chọn nguồn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ và minh bạch trong vấn đề kiểm định vệ sinh an toàn.

Dàn ý Nghị luận xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Mở bài:

_Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận

_Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nhức nhối, gây xôn xao dư luận.

2. Thân bài:

a) Giải thích

_Vệ sinh thực phẩm là một khái niệm khoa học để chỉ. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm.

_Vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.

b) Thực trạng và dẫn chứng:

*Thực trạng

_Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn.

*Dẫn chứng

_Thịt heo nạc bất thường do lạm dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, măng tươi được tẩm, nhuộm Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm

c) Nguyên nhân & hậu quả:

*Nguyên nhân:

_Doanh nghiệp, nhà sản xuất: Vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

_Người tiêu dùng: Thiếu hiểu biết, ham của rẻ mà tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc.

_Cơ quan có thẩm quyền: Quản lý còn lỏng lẻo và chưa có biện pháp xử lý nghiêm.

*Hậu quả:

_Sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa. Dẫn chứng: Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết.

_Tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người.

_Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.

d) Giải pháp:

_Nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn.

_Đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

_Đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe

3. Kết bài:

_Bài học & liên hệ bản thân

_Bản thân cần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cần có trách nhiệm với vấn nạn chung với xã hội, không thực hiện hay tiếp tay cho hành vi sản xuất, chế biến, lưu hành thực phẩm bẩn.

_Góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người xung quanh về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm