1. Phân tích vai trò của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam. ??? giúp t với ạ
2 câu trả lời
A. Vài nét về đạo Phật
Đạo phật ra đời trong hoàn cảnh rối ren của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Thế kỷ VI trước Công nguyên, lúc này Ấn Độ đang trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Sự phân chia đẳng cấp ngặt nghèo sâu sắc; Thời kỳ này xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp cách biệt nhau
Sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam
Xét về mặt địa lý Việt Nam nằm ở bán đảo Đông Dương, là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu tiếp xúc với các nước trong khu vực. Ấn Độ và Trung Hoa là hai nước có nền văn minh lớn cổ xưa. Việt Nam nằm cạnh hai nước, cho nên chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh này. Trong những năm đầu Công nguyên, Việt Nam đang ở thời kỳ Bắc thuộc, về tôn giáo tầng lớp trên của xã hội bắt đầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, tầng lớp dưới có quan niệm về ông trời – đấng gây phúc họa cho con người và quan niệm đa thần giáo trong tín ngưỡng dân gian.
Đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, đến nay đã gần 2000 năm. Trong khoảng thời gian dài đó, do sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, đạo Phật cũng trải qua một số bước phát triển và hình thành nên một số giai đoạn tương đối rõ rệt.
Phật giáo đã tồn tại và phát triển khá vững vàng ở Việt Nam. Nhiều người dân tự nguyện đến với đạo Phật, có người lấy danh nghĩa Phật như Lý Phật tử… để tập hợp quần chúng gắn bó với nhau. Đạo Phật đã trở thành tiền đề cho việc trở thành quốc giáo ở giai đoạn lịch sử sau này.
au chiến thắng Bạch Đằng năm 938, kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng đất nước được mở ra cho dân tộc Việt Nam. Phật giáo lan rộng khắp nơi, nhiều trung tâm Phật giáo mới được hình thành. Các nhà sư thời nhà Đinh, Lê mà sau này cả nhà Lý, Trần cũng chú trọng phát triển Phật giáo, nhiều nhà sư trở thành quan trong triều hay được sử dụng vào việc ngoại giao với sứ Trung Quốc. Giáo lý nhà Phật lên đến đỉnh cao, các vua Lý đều tôn trọng Phật giáo. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo. Các lễ hội mang tính Phật giáo phát triển, chùa vừa là nơi cúng Phật vừa là nơi hội tụ lễ hội, dạy học của dân làng. Về giáo lý tiếp tục phát triển hai phái thiền và xuất hiện một phái mới là Thảo Đường. Về thờ cúng trong Phật giáo cũng được hòa đồng với tín ngưỡng dân gian.
Thời kỳ hậu Lê, Phật giáo dung hòa 3 yếu tố: Tịnh, Thiền, Mật kết hợp cả tự độ, tự giác và giác tha. Bên cạnh đó nhà Lê hạn chế tổ chức thi cử, một số lễ giáo, xây dựng chùa chiền… Nhìn chung vai trò Phật giáo thời hậu Lê đã bị giảm sút so với trước. Phật giáo không trực tiếp tham gia vào việc triều chính như trước mà chủ yếu ảnh hưởng trong đời sống dân chúng.
Từ năm 1528 nước ta bước sang giai đoạn lịch sử mới với nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế xã hội…Điều này cũng tác động không nhỏ đến đạo Phật
Thời kỳ này Phật giáo đã hình thành một số môn phái mới, các sư sãi khá đông. Chùa chiền ở cả Nam – Bắc đều phát triển và đã xây dựng được một số chùa lớn như: chùa Thiên Mụ....
Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, đạo Phật được xem là quốc giáo với hệ tư tưởng chủ đạo là Phật giáo vào hai thời kỳ: Nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400). Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc với nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như: kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, đồ thờ cúng,… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và nhiều nghi lễ Phật giáo khác. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng giản dị, hài hòa, gần gũi. Ảnh hưởng của Phật giáo với dân tộc và nền văn hóa dân tộc rất sâu rộng nên trong bài viết này chỉ dám nêu vài nét để cùng nhau trao đổi.
Trong bối cảnh gần nghìn năm Bắc thuộc, Phật giáo Việt Nam đã hòa mình, gắn bó với dân tộc thông qua việc vận động tín đồ, Phật tử và nhân dân đoàn kết để phò vua, cứu nước, đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Lịch sử dân tộc chứng minh rằng, Phật giáo đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tín đồ, Phật tử cũng hiểu rằng đất nước có độc lập thì Phật giáo mới ổn định, phát triển và hưng thịnh… Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vua triều Lý – Trần trong trị nước, an dân mặc dù Đạo giáo và Nho giáo ở thời kỳ này cũng phát triển. Các vị vua tài đức đã tạo nên một triều đại lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị và luôn sống vì dân nên đã cố kết lòng dân để vua tôi, dân chúng đoàn kết chung lòng chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Hành đạo từ bi, đạo đức trong dân chúng nên đời sống xã hội đời Lý – Trần trở thành thuần từ và đẹp đẽ, làm cho dân giàu nước mạnh. Thực sự, an được dân thì nước sẽ cường thịnh, an được dân chính là yêu nước và giữ nước. Việc an dân là truyền thống của Phật giáo nên được các triều đại đương thời giao phó và coi trọng.
Về văn hóa, với lịch sử gần 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã thấm sâu vào trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng hành cùng dân tộc là một nét đặc trưng nổi bật trong truyền thống và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật đã thấm vào lòng dân Việt Nam từ lâu đời và những người theo đạo Phật đều hiểu rằng Bụt đã hóa thân vào nền văn hóa dân gian. Trong văn hóa dân gian, hình ảnh ông Bụt hiện lên như một vị thần hiền từ, luôn cứu khổ cứu nạn và do đó, trong dân gian đã có câu nói không biết tự bao giờ: “Hiền như Bụt”. Vào thời Lý, truyện Ỷ Lan được nhân dân ca tụng là Quan Âm Nữ và được xem là truyện dân gian cô Tấm ở miền Kinh Bắc. Ông Bụt hiền lành là hình tượng Đức Phật trong dân gian Việt Nam, là một kết quả rất đặc sắc của Phật giáo hội nhập vào nền văn hóa dân gian Việt Nam. Người Việt Nam sợ thần thánh, ma quỷ,... nhưng lại không sợ ông Bụt, bởi vì ông Bụt tuy có quyền năng vô hạn “Phật Pháp vô biên” nhưng luôn cứu giúp con người. Người Việt Nam luôn hình dung một ông Bụt giàu lòng thương người, đặc biệt là người cô đơn, bị ức hiếp. Chẳng hạn chuyện Tấm Cám, cứ mỗi lần nghe Tấm khóc nức nở, Bụt lại hiện lên an ủi, cứu giúp,… hay những nhân vật: người em út trong truyện Cây khế, người xấu xí trong truyện Sọ dừa,... Ông Bụt trong dân gian Việt Nam hiền lành, nhân hậu tới mức không biết giận là gì, cho nên, người ta chỉ gọi là Bụt, nhưng rất đỗi thân thương: Gần chùa gọi Bụt bằng anh/Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi. Ðức Phật còn hòa nhập vào người thành ra những ông Bụt mang thân người, như các vua: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông - vua Trần Nhân Tông thường được gọi là vua Bụt (Phật Hoàng).
Một trong những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo là ngôi chùa, rất đặc biệt mà cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân. Chùa đã hòa nhập vào làng xã mà biến thành chùa làng. Chùa làng là chùa của làng, nhiều nơi lấy tên làng để đặt tên cho chùa và thường không phải là chùa của sư, tuy rằng vẫn có sư trụ trì chùa. Chùa đã vào làng thì theo lệ làng và được người dân gọi bằng cái tên dân làng ưa thích. Vai trò của ngôi chùa làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân vì ngôi chùa góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho dân làng, trong đó phải kể đến vai trò to lớn của nhà sư: “Chùa có sư như nhà có nóc”. Bởi vậy, một trong những điều đặc biệt là đất nước bị xâm chiếm nhưng làng xã Việt Nam không mất, các sinh hoạt trong cộng đồng làng xã, trong đó có ngôi chùa vẫn cơ bản giữ được truyền thống, ít bị đồng hóa. Người dân từ nhiều đời đã coi ngôi chùa là trung tâm văn hóa, là trường học góp phần giáo dục nền đạo đức, lòng từ bi nên khi vừa dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều chùa và tuyển chọn hàng nghìn người ở kinh thành Thăng Long xuất gia đi tu. Vì thế, thời Lý - Trần, trung tâm sinh hoạt văn hóa dân gian ở các làng xã là quanh các ngôi chùa; sang thời Lê, khi những ngôi đình xuất hiện và phát triển thì chùa làng vẫn không giảm đi phần quan trọng. Theo các nhà nghiên cứu thì 95% nền văn hóa Việt Nam hình thành từ làng xã, do đó, văn hóa Phật giáo trong đó có chùa làng góp phần không nhỏ.
Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm. Đó là chính dân gian Việt Nam và sự ảnh hưởng của Phật giáo đã chuyển hóa giới tính Bồ Tát Quan Thế Âm từ nam tính của Ấn Độ sang nữ tính ở Việt Nam. Bồ Tát Quan Thế Âm trong Đại thừa Phật giáo từ Ấn Độ là một vị Phật đàn ông. Theo quan niệm, Phật hiển hiện ở khắp mọi nơi và không chỉ đản sinh làm đàn ông mà tùy theo từng trường hợp có thể là nữ giới. Vì vậy, Bồ Tát Quan Thế Âm chuyển từ trong tiềm thức nhân dân mà trở thành Phật Quan Âm. Ở chùa Hương Tích (Hà Tây cũ), sự tích Bà Chúa Ba rất đậm chất dân gian và đỉnh cao của sự Việt Nam hóa và dân gian hóa Bồ Tát Quan Thế Âm là truyện Quan Âm Thị Kính. Thời Lý, chùa Diên Hựu (Một Cột) chỉ thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Sang thời Lê, những pho tượng đẹp nhất được thờ ở nhiều Phật điện vẫn là tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn.
Theo lịch sử, các triều đại thời Lê có khuynh hướng thiên về Nho giáo mà không coi trọng Phật giáo như các vị vua thời Lý - Trần, thậm chí Vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh không cho xây dựng chùa mới nữa, chỉ cho sửa sang những ngôi chùa cũ. Tuy nhiên, vua vẫn đi thăm các di tích danh thắng là những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương Tích - “Nam thiên đệ nhất động”, chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Non Nước (Ninh Bình),… nổi tiếng từ thời Lý và các đời vua cũng không thể ngăn cản được các hoàng hậu, cung phi đi chùa lễ Phật. Vào thời Mạc, nhiều ngôi chùa được xây dựng lại như chùa Phổ Minh, chùa Dâu,… Vua Minh Mạng có tiếng đề cao Nho giáo nhưng giữa cung đình Huế vẫn có nơi riêng thờ Phật.
Qua đó cho thấy, Phật giáo luôn gắn bó với người dân Việt Nam trong các thời kỳ mặc dù có lúc thăng trầm chính vì Phật giáo đã được dân gian hóa: “Đất của Vua, Chùa của Làng” hay “Đất Vua, Chùa làng, phong cảnh Bụt”. Các ngôi chùa cũng qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, chùa thời Lý – Trần có nhiều ngôi chùa mang tính “nhà nước” đương thời nhưng thời Lê – Mạc – Nguyễn, chùa về cơ bản là chùa làng theo đúng nghĩa. Theo đó, đi chùa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa dân gian trên đường trở về (quy) của một đời người nên dân gian mới thường nói: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Vì thế, người Việt Nam từ xưa tới nay đã sẵn tâm góp tiền, góp sức xây dựng chùa ở khắp vùng miền và đã được nhân dân đúc kết: Làm chùa, tô tượng, đúc chuông/Trong ba việc ấy, thập phương nên làm.
Những lời Đức Phật dạy cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi là “khuôn vàng, thước ngọc” để giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức và vì thế đã hòa nhập với văn hóa Việt Nam, ngày càng sâu rễ, bền gốc trong lòng dân tộc Việt Nam. Các triều vua Lý - Trần thấy được giá trị nhân bản của văn hóa Phật giáo nên đã tự tu và dạy cho dân chúng tu, hình thành cốt cách văn hóa Đại Việt. Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng đang có dấu hiệu bị phai nhạt. Nhiều người không hiểu giáo lý Phật giáo mặc dù đi chùa thường xuyên, trong đó có giới trẻ. Trong khi đó, sự cám dỗ về vật chất ngày càng lớn, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, tệ nạn xã hội tràn lan, gây bất ổn cho không ít gia đình và phức tạp cho xã hội, nhưng nhiều người lại không tu học, không hiểu nhiều, hiểu sâu về văn hóa Phật giáo để giúp định hướng cho cuộc sống của mình. Đó là vấn đề cần quan tâm, trong đó việc phát huy tinh hoa văn hóa Phật giáo.
GHPG Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng do có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và với tinh thần: “Trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”. Sự đoàn kết, hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống hòa quyện giữa Phật giáo với Dân tộc trên con đường phát triển của mình, chắc chắn Phật giáo đã, đang phát triển và sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc và giữa nền văn hóa dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên, trước thực trạng xã hội hiện nay, vai trò của văn hóa Phật giáo trong giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo để góp phần tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là rất quan trọng, không để bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Trong thời gian qua, ở một số nơi đã có những việc làm không phù hợp với văn hóa Phật giáo như đưa “dị vật” vào chùa: chẳng hạn tượng lạ, sư tử hay có những sinh hoạt hoàn toàn không đúng với văn hóa Phật giáo. Đó cũng là vấn đề cần được quan tâm để giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Phật giáo ở Việt Nam./.