1. Hình tượng người anh hùng Lê Lợi được giới thiệu qua những hình ảnh, chi tiết nào? 2. Em hãy nêu những khó khăn của buổi đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh? 3. Nhận xét về chiến thuật phản công và tất thắng của quân dân ta? Đây là câu hỏi trong văn bản Đại cáo Bình Ngô, đoạn 3 nha.

2 câu trả lời

1. Hình tượng người anh hùng Lê Lợi được giới thiệu qua những hình ảnh, chi tiết nào?

a. Sơ lược về thân thế Lê Lợi:

- Lê Lợi (1385-1433), quê gốc tại Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa), vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, nối nghiệp cha làm chúa trại tại Lam Sơn.

- Đầu năm 1416, ông cùng với 18 người bạn thân thiết, chung chí hướng đã lập hội thề Lũng Nhai, quyết chí lập nên nghĩa quân Lam Sơn, chống giặc Minh xâm lược, cứu nước.

b. Vẻ đẹp từ đức độ, tấm lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc:

- Cách xưng hô thân tình "ta" thể hiện sự khiêm nhường, gần gũi, nhưng cũng thể hiện ý thức của nhân vật về vị trí và tầm vóc của mình trong nghĩa quân, thể hiện dáng vẻ của một vị lãnh tụ có đủ đức, đủ tài.

- Chọn "núi Lam Sơn dấy nghĩa", làm điểm khởi đầu của nghĩa quân, đây là một lựa chọn chính xác, bởi hơn ai hết với vai trò là một chúa trại (Lê Lợi hiểu rất rõ địa hình quê hương, gần với gia đình ông, có thể dễ dàng tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm).

- Có tấm lòng vì nghĩa lớn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, an nhàn của một chúa trại, từ chối lời dụ dỗ quan tước của nhà Minh để vào "chốn hoang dã nương mình".

- Tất cả những hành động, ý chí cao đẹp ấy của Lê Lợi đều xuất phát từ một lý do duy nhất là lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc "Ngẫm thù lớn há đội trời chung/Căm giặc nước thề không cùng sống".

c. Tâm huyết và những nỗi lòng sâu kín của chủ soái Lê Lợi trong những ngày nghĩa quân mới được thành lập:

- Mang vẻ đẹp của một con người mưu cao chí rộng, đức độ vô cùng với những tâm trạng "đau lòng, nhức óc, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, những trằn trọc trong cơn mộng mị...".

- Lê Lợi thấu hiểu đạo lý, phàm là làm việc lớn ắt không thể nóng vội, thế nên ông một lòng nuôi quân, trăn trở "đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời". Có lòng kiên nhẫn "Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối"

- Chính vì sứ mệnh nặng nề, trách nhiệm to lớn của mình mà Lê Lợi luôn "trằn trọc trong cơn mộng mị/chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi".

d. Những khó khăn của nghĩa quân và vẻ đẹp ý chí, sự thông thái của chủ soái Lê Lợi:

- Lực lượng còn non yếu, "nhân tài như lá mùa thu/tuấn kiệt như sao buổi sớm".

- Thiếu thốn cả quân đội, thiếu cả lương thực, Lê Lợi vẫn không hề nao núng "Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối".

-"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào", bộc lộ khả năng hiệu triệu sức mạnh toàn dân của Lê Lợi, thu phục được nhân tâm, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Bộc lộ vẻ đẹp của sự tài trí, thao lược trong lĩnh vực quân sự khi "Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều", vận dụng rất tốt điểm mạnh của nghĩa quân vào chiến đấu, thực hiện chiến tranh du kích vừa hay hiệu quả lại khắc phục được nhược điểm quân lực mỏng manh của ta.

2. Em hãy nêu những khó khăn của buổi đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh?

– Những khó khăn:

+ Thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu nhân tài.

+ Kẻ thù có lực lượng lớn mạnh, hung bạo, được trang bị đầy đủ.

+ Sức mạnh giúp quân ta chiến thắng chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân.

3. Nhận xét về chiến thuật phản công và tất thắng của quân dân ta?

- Giai đoạn quân ta phản công:

+ Trận thắng đầu tiên mở ra trường kì thắng lợi thật vang dội: "Trận Bồ Đằng... chẻ tro bay"

+ Các trận thắng tiếp theo ở Đông Đô, Tây Kinh: "Ninh Kiều máu chảy thành sông... nhơ để ngàn năm"

=> Hình ảnh có phần ghê rợn nhưng diễn tả chân thực hình ảnh những trận đánh lịch sử

- Hình ảnh quân ta hùng dũng, càng đánh lại càng hăng, đánh cho giặc tan tác, tuy thắng nhưng không đuổi cùng giết tận mà đã cho giặc một con đường lui, cấp thuyền, cấp ngựa cho chúng về nước => Tinh thần nhân nghĩa và kế sách hòa hoãn sáng suốt, tránh mối hiểm họa sau này của cha ông.

- Hình ảnh của giặc:

+ Hèn nhát "nghe hơi mà mất vía", ham sống sợ chết "nín thở cầu thoát thân", "bó tay để đợi bại vong... lực kiệt"... khác xa với hình ảnh ngang ngược hung hăng trước đó

+ Kẻ chịu"bêu đầu", kẻ "đành bỏ mạng", tên Vương Thông muốn gỡ thế nguy khốn nhưng "lửa cháy lại càng cháy"

+ "Liễu Thăng cụt đầu; Lương Minh bại trận tử vong; Lí Khánh cùng kế tự vẫn"...

+ Quân giặc đầu hàng, giẫm đạp lên nhau xin bỏ trốn...

Trong 9 tác gia văn học nổi tiếng của Việt Nam, Nguyễn Trãi là một trong số những nhà văn trung đại kiệt xuất, cuộc đời của ông gắn bó với sự biến đổi khôn lường của 3 triều đại là Trần - Hồ - Hậu Lê. Trong số đó với triều Hậu Lê Nguyễn Trãi đã trở thành bậc khai quốc công thần, là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất đóng góp to lớn vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đánh tan 15 vạn quân Minh xâm lược, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, một kỷ nguyên độc lập vững bền. Trong mảng văn chương, đặc biệt là các tác phẩm chính luận Nguyễn Trãi viết để phục vụ cho quá trình gây dựng đất nước và hoạt động đối ngoại, thì tác phẩm nào cũng được xem là áng văn chính luận mẫu mực bậc nhất. Nổi bật nhất trong số đó chính là tác phẩm Bình Ngô đại cáo, được viết sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, là áng thiên cổ hùng văn nghìn đời khó có. Trong tác phẩm ngoài việc nêu luận đề chính nghĩa, tố cáo tội ác của giặc Minh, ca ngợi sức mạnh đoàn kết của nghĩa quân, tường thuật lại cuộc khởi nghĩa thì Nguyễn Trãi cũng không quên dành một đoạn thơ khá dài để khắc họa hình tượng chủ tướng Lê Lợi, một con người tài năng, đức độ, lãnh đạo nghĩa quân từ những ngày khổ tận cho đến ngày cam lai.