I. Phương pháp lắng, gạn và lọc
- Phương pháp lắng dùng để tách các chất rắn lơ lửng nặng hơn ra khỏi các chất nhẹ hơn.
- Phương pháp lọc dùng để tách chất rắn không tan khỏi hỗn hợp của chúng.
- Gạn là đổ khẽ để lấy phần chất lỏng trong (nước trong) và để lại chất rắn (cặn).
Ví dụ:
Nước đục do bị lẫn bùn, đất, khi để yên, các hạt bùn, đất nặng hơn nước sẽ lắng xuống đáy. Gạn lấy lớp nước ở phía trên ta được nước trong hơn.
Khi các chất rắn lơ lửng, khó lắng xuống, ta có thể lọc để tách chúng ra khỏi chất lỏng hoặc chất khí.
Để lọc chất rắn ra khỏi chất lỏng, thường dùng phễu lót giấy lọc. Giấy lọc chứa những lỗ nhỏ li ti, khi chất lỏng chảy qua giấy lọc, những hạt chất rắn có kích thước lớn hơn sẽ bị giữ lại.
Hình a. Gấp giấy lọc.
Hình b. Đặt giấy lọc vào phễu. Đặt phễu lọc lên bình tam giác và làm ướt giấy lọc bằng nước.
Hình c. Để cát trong hỗn hợp lắng xuống.
Hình d. Rót từ từ hỗn hợp cát và nước xuống phễu lọc, tráng cốc và đổ tiếp vào phễu.
Hình e. Chờ cho nước chảy xuống bình tam giác.
II. Phương pháp cô cạn
Phương pháp cô cạn dùng để tách chất rắn tan, khó bay hơi, bền với nhiệt độ cao ra khỏi dung dịch của nó.
Hay nói cách khác, phương pháp cô cạn dùng để tách chất rắn ra khỏi dung dịch hoặc huyền phù bằng cách làm cho dung môi bay hơi, thu được chất rắn còn lại.
Ví dụ: Thu muối ăn từ nước muối bằng cách đun nóng dung dịch này cho đến khi nước (dung môi) bay hơi hết, còn lại muối (chất rắn).
III. Phương pháp chiết
Phương pháp chiết dùng để tách các chất lỏng không hòa tan vào nhau.
Hay nói cách khác, phương pháp chiết dùng để tách các chất lỏng ra khỏi hỗn hợp lỏng không đồng nhất.
Ví dụ: Dầu ăn và nước là hỗn hợp không đồng nhất, để tách riêng hai chất này, ta sử dụng phương pháp chiết như hình dưới đây.