I. Lực và sự đẩy, kéo
Khi vật A đẩy hoặc kéo vật B ta nói vật A tác dụng lực lên vật B.
=> Tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác gọi là lực.
Ví dụ: Lực của tay khi mở cửa, lực của con bò khi kéo xe, lực của chân cầu thủ khi đá bóng,…
II. Tác dụng của lực
1. Lực và chuyển động của vật
Lực có tác dụng làm thay đổi tốc độ, hướng chuyển động của vật.
Ví dụ: Cầu thủ đá vào quả bóng đang đứng yên làm quả bóng chuyển động.
2. Lực và hình dạng của vật
Lực tác dụng lên vật làm biến dạng vật.
Ví dụ: Lực của tay ấn quả bóng xuống làm quả bóng bị biến dạng.
Kết luận:
Lực tác dụng lên vật có thể làm thay đổi tốc độ, hướng chuyển động, biến dạng vật.
Lưu ý:
Khi có lực |
Khi không có lực |
Nhận xét |
Vật có thể chuyển động nhanh dần |
Vật không thể chuyển động nhanh dần |
Chuyển động với tốc độ không đổi. |
Vật có thể chuyển động chậm lại |
Vật không thể chuyển động chậm lại |
Chuyển động với tốc độ không đổi. |
Vật có thể đổi hướng chuyển động |
Vật không thể đổi hướng chuyển động |
Chuyển động thẳng |
Vật có thể dừng lại |
Vật không thể dừng lại |
Tiếp tục chuyển động |
Suy ra: Khi không có lực tác dụng, vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều.
III. Lực tiếp xúc và lực không tiếp xúc
- Lực được phân thành lực tiếp xúc và lực không tiếp xúc:
+ Lực xuất hiện khi vật gây ra lực tiếp xúc với vật chịu tác dụng lực gọi là lực tiếp xúc.
Ví dụ: Lực của tay khi mở cửa, lực của tay khi đẩy xe lên dốc, …
+ Lực xuất hiện khi vật gây ra lực không tiếp xúc với vật chịu tác dụng lực gọi là lực không tiếp xúc.
Ví dụ: Lực hút của nam châm khi để gần các mẩu sắt vụn, …