I. Đơn vị khối lượng
- Khối lượng là số đo lượng chất của vật. Mọi vật đều có khối lượng.
- Trong hệ đơn vị đo lường hợp pháp của nước ta, đơn vị cơ bản đo khối lượng là kilôgam, kí hiệu là kg.
- Ngoài ra, người ta còn dùng một số đơn vị khác thường gặp như: tấn, tạ, yến, lạng, gam, miligam:
1 miligam (mg) = 0,001 g
1 gam (g) = 0,001 kg
1 hectôgam (1 lạng) = 100 g
1 yến = 10 kg
1 tạ = 100 kg
1 tấn = 1000 kg
II. Dụng cụ đo khối lượng
- Người ta dùng cân để đo khối lượng.
- Một số cân thường dùng là: cân đòn, cân tạ, cân đồng hồ, cân tiểu li, cân y tế, cân Rô-béc-van,…
- Công dụng của một số loại cân:
+ Cân Roberval: cân các vật có khối lượng từ vài trăm gam đến vài chục kilôgam.
+ Cân đồng hồ: cân các vật có khối lượng nhỏ, từ vài chục gam đến vài kilôgam.
+ Cân điện tử (dùng trong phòng thực hành): cân các vật có khối lượng nhỏ, từ vài miligam đến vài trăm gam với độ chính xác cao.
III. Cách đo khối lượng
1. Dùng cân đồng hồ
Bước 1: Ước lượng khối lượng của vật để chọn cân có GHĐ và ĐCNN thích hợp.
Bước 2: Vặn ốc điều chỉnh để kim cân chỉ đúng vạch số 0.
Bước 3: Đặt vật cần cân lên đĩa cân
Bước 4: Mắt nhìn vuông góc với vạch chia trên mặt cân ở đầu kim cân.
Bước 5: Đọc và ghi kết quả đo khi cân ổn định.
2. Dùng cân điện tử
Bước 1: Ước lượng khối lượng cần đo để chọn đơn vị thích hợp
Bước 2: Đặt mẫu vật cần cân nhẹ nhàng trên đĩa cân
Bước 3: Sử dụng kẹp hoặc găng tay để đặt bình đựng hóa chất/ dụng cụ đựng vật mẫu lên đĩa cân, bàn cân.
Lưu ý: Tùy vào từng loại cân mà chúng ta có các cách sử dụng khác nhau.