Tả bà yêu quý của em hay nhất (7 bài văn mẫu)

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 1

Cả thời thơ ấu, em sống gần bên bà ngoại. Được bà chắt chiu nuông chiều, nên hơn ai hết, em kính yêu ngoại vô cùng.

Ngoại em, năm nay, đã ngoài bảy mươi tuổi. Vóc người cao cao. Tuy lưng hơi còm nhưng bà vẫn đi lại bình thường. Tóc ngoại em đã rụng nhiều, lơ thơ phần trắng hơn phần đen. Bà thường ăn trầu nên môi lúc nào cũng thắm đỏ. Mắt bà không sáng lắm, nhưng khi đeo kính, bà vẫn vá được cho em những lỗ áo do đùa giỡn với bạn bè bị rách. Đôi tay bà nổi gân xanh, da nhăn lại và trổ đầy những hạt đồi mồi nho nhỏ đen.

Suốt ngày, chẳng lúc nào em thấy ngoại chịu ngồi không. Hết giúp mẹ làm công việc lặt vặt trong nhà, bà lại nhổ cỏ, nên quanh vườn nhà luôn sạch bóng.

Mỗi khi em làm điều gì lầm lỗi bị ba mẹ rầy, bà đều cười hiền lành bảo:

– Trẻ con, nó mới thế.

Được nước, em sà, vào lòng bà nũng nịu. Bà vuốt ve khuyên nhủ em phải ngoan ngoãn. Những lúc ấy, em thấy sung sướng dưới che chở của ngoại. Thường tối đến, em hay nằm kề bên để nghe ngoại kể chuyện. Giọng bà chậm rãi hiền hậu như bà tiên trong cổ tích và thoang thoảng hương trầu cau khiến bây giờ, mỗi khi nghe mùi ấy là em cảm thấy ấm áp và nhớ bà ngay.

Ước gì ngoại em cứ sống mãi bên em thì còn hạnh phúc nào hơn?

Ảnh đính kèm

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 2

Nếu có ai đó hỏi em: "Tuổi thơ của em có điều gì tuyệt vời nhất?", thì câu trả lời của em sẽ là "Tuổi thơ tuyệt vời nhất là có bà ngoại kính yêu!". Ai cũng khen bà ngoại của em đẹp lão và chính em cũng luôn thấy điều đó. Bà tuy đã gần bước sang tuổi 60 nhưng vẫn rất dẻo dai và khỏe mạnh, dáng đi của bà đầy khỏe khoắn, chắc hẳn là do sáng nào bà cũng dậy đi bộ tập thể dục, bắp chân vẫn chắc nịch và rắn rỏi. Mái tóc của bà vẫn còn đen lắm, ai cũng nghĩ là bà dùng thuốc nhuộm tóc nhưng không phải, tóc bà mới chỉ lốm đốm vài sợi bạc, vẫn bồng bềnh và suôn mượt lạ kì. Tóc của bà xoăn xoăn tự nhiên, bà lại hay búi thành hai bím tóc cho gọn gàng, em cũng rất thích được chải đầu và buộc tóc cho bà. Bà là một người rất vui vẻ, thường xuyên kể chuyện cười cho cả nhà cùng nghe, mỗi khi bà cười đó là một nụ cười tỏa nắng, mắt bà nheo lại, các nếp nhăn ở đuôi mắt xô lại nhìn rất phúc hậu. Đôi mắt bà vẫn còn trong và sáng, trong khi các bà cùng tuổi với bà ngoại mắt đã mờ phải đeo kính thì bà ngoại của em không cần đeo kính vẫn đọc báo và xỏ kim khâu quần áo một cách bình thường. Bà thường ngồi đọc báo ở bàn đá dưới gốc cây nhãn, khi đó trông bà thật hiền hậu. Mỗi chiều đi học về thấy bà đang ngồi em lại sà vào lòng bà thủ thỉ về những điều trên lớp, khi đó bà lại xoa đầu và khen em. Em rất yêu quý bà và mong sao cho bà cứ mãi khỏe mạnh, yêu đời và vui sống với con cháu.

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 3

Bà ngoại của em năm nay đã ngoài 50 tuổi, vì bà thường xuyên bị ốm phải đi bệnh viện theo dõi và thăm khám sức khỏe thường xuyên nên bố mẹ em đã đón bà từ quê lên ở cùng với gia đình để tiện cho việc ra bệnh viện. Bà ngoại của em quanh năm gắn bó với ruộng đồng, bà trồng rau và trồng ít củ quả vừa để phục vụ sinh hoạt lại vừa gửi lên cho con cháu. Dáng người bà gầy, lưng hơi còng nhưng vẫn giữ được vẻ dẻo dai, làn da sạm nắng, nhăn nheo của bà cho làm hiện lên rõ nỗi vất vả, cực nhọc của bà. Bà thường nói phải lao động để cải thiện sức khỏe nhưng đôi khi bà lại rất siêng năng trong công việc nhà cửa, vườn tược vì bà nói nếu ngồi không sẽ buồn bực chân tay. Mái tóc bà đã phai màu sương gió, tóc vẫn dài và mượt nhưng tóc trắng đã che hết tóc đen, chỉ có nụ cười của bà là che giấu được tuổi tác, bà cười rất tươi, tiếng cười hiền hậu và đầy hào sảng. Bà hay ốm nhưng không vì thế mà ủ rũ, buồn rầu, ngược lại bà rất yêu đời, rất kiên cường chống lại bệnh tật. Đã nhiều lần em gục đầu vào lòng bà, thương bà và lo cho sức khỏe của bà thì bà lại an ủi và vỗ về với em rằng: "Bà còn sống lâu nữa, phải sống để nhìn cháu của bà trưởng thành chứ!". Khi ấy em cảm thấy thật hạnh phúc biết bao, chẳng mơ ước điều gì chỉ mong bà có thật nhiều sức khỏe và sống thật lâu.

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 4

Bà ngoại tuy không sống chung với gia đình em nhưng là người mà em tôn trọng và yêu quý. Bà ngoại em năm nay gần 80 tuổi, mái tóc dày và bạc phơ. Thân hình bà hơi đậm, bước đi chậm chạp và phải chống gậy do bệnh người già và bệnh đau xương khớp ở chân. Gương mặt bà ngoại em rất hiền hậu, những nếp nhăn xô đẩy nhau trên mặt bà cũng không làm mất đi vẻ phúc hậu của bà. Đôi mắt bà tuy đã mờ đi rất nhiều nhưng còn rất trong, ở khóe mắt hằn vết chân chim vì sự nhọc nhằn vất vả thời còn trẻ. Mỗi lần bà xem tivi đều phải mang kính vì mắt bà nhìn không được rõ nữa. Bàn tay bà chai sạn, gầy gầy xương xương nhưng rất ấm áp. Mỗi khi nắm lấy tay em, em vẫn thấy được sự ấm áp đó của bà. Giọng nói của bà trầm ấm, mặc dù bà đã cao tuổi nhưng vẫn kể chuyện cổ tích cho em nghe. Giọng đọc của bà truyền cảm, dễ ru ngủ khi nghe. Tuy bà đã gần 80 tuổi nhưng răng của bà còn rất chắc. Bà bảo rằng đó là do di truyền từ cụ ngoại. Mỗi lần em đến thăm bà, tiếng gậy cọc cọc gõ lên nền nhà là em biết bà đang có ở nhà. Bao giờ bà cũng hỏi em hôm nay đi học được mấy điểm để bà cho ăn kem.

Những năm gần đây, bà ít đi ra ngoài vì chân tay đã không còn vững nữa. Mỗi lần bà đến thăm gia đình em cũng phải có người chở ra. Bà ngoại rất thương em, hay mua quà bánh cho em. Bà biết em rất thích ăn bánh trứng nên mỗi lần bà qua, bà đều mang cho em ăn. Tuy em đã lớn nhưng bà vẫn hay bảo em ngồi lên đùi để bà vuốt ve mái tóc. Cử chỉ ân cần đó khiến em rất vui vì có bà ở bên cạnh. Vì tuổi già nên bà ăn được rất ít cơm, mỗi bữa bà không ăn được một chén cơm, vì bà kêu không thể ăn nổi. Em mong sao bà sẽ luôn khỏe mạnh, sống lâu với con cháu để sau này lớn lên em sẽ đi thật nhiều nơi và mang về cho bà nhiều món ăn ngon hơn nữa.

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 5

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, ông ngoại đã anh dũng hy sinh, để lại mình bà ngoại tần tảo nuôi bốn người con khôn lớn. Thời gian đằng đẵng trôi qua, năm nay bà ngoại cũng đã 75 tuổi. Mái tóc bà bạc trắng, làn da bà đã ngăn nheo và cái lưng ngày một còng dần. Vậy nhưng đôi mắt bà vẫn tinh anh, và sáng lấp lánh tình thương yêu. Bà em hiền từ như những bà tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Niềm vui lớn nhất của bà là được quây quần bên đàn cháu nhỏ. Những đứa trẻ ríu rít như đàn chim sâu lại rất thích ngồi yên nghe bà kể chuyện. Em mong bà ngoại luôn mạnh khỏe để sum vầy cùng con cháu.

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 6

Bà em năm nay bảy mươi ba tuổi. Tuy đã có tuổi nhưng trông bà vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Trước kia, bà làm giáo viên, nay bà đã nghĩ hưu. Bà rất yêu quý em. Bà thường kể chuyện cổ tích cho em nghe. Mỗi khi em mắc lỗi, bà không mắng mà bà bảo ban em nhẹ nhàng. Có gì ăn, bà cũng để dành phần cho em. Em rất kính trọng và biết ơn bà. Em mong bà sống lâu trăm tuổi để dạy bảo em những điều hay, lẽ phải. 

Bài văn tả bà - Bài văn mẫu số 7

Bà nội của em là giáo viên đã về hưu. Tuy đã sáu mươi tuổi nhưng bà rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Hàng ngày, bà đi chợ, nấu ăn, làm việc nhà, đưa đón các cháu đi học rất tận tụy và cần mẫn. Bà có mái tóc ngắn lượn sóng, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt lúc nào cũng như cười. Thức ăn bà làm rất ngon nên cả nhà đều thích về nhà ăn cơm bà nấu. Bà còn kể chuyện rất hay nên các cháu luôn đòi bà kể chuyện mỗi đêm trước khi đi ngủ. Con cháu, nếu ai mắc lỗi, bà nghiêm khắc nhắc nhở, nhưng tất cả rất yêu quý và kính trọng bà.