Bài mẫu tả người thợ cày - Bài văn mẫu số 1
Chú Tòng bố bạn Tùng là thợ cày. Chú Tòng 45 tuổi, rất khoẻ. Chú cao to như một lực sĩ, nặng trên 60 kg. Trán chú dô, mắt sâu, tóc rễ tre. Tiếng nói ồm ồm như lệnh vỡ. Lúc chú cởi trần, ngực căng ra như một vành cung, lưng đen nhẵn bóng.
Chú vui tính và lao động khoẻ. Hầu như suốt mùa vụ, cùng với con trâu, chú cày bừa 6 sào ruộng nhà, rồi đổi công hoặc làm thuê. Ai cần là chú giúp. Ai thuê là chú làm. Có hôm chú vừa cười vừa nói với bố mẹ em: “Hễ đặt lưng xuống giường là tôi đánh một một giấc đến gà gáy sáng. Còn ăn thì nổi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào...”. Chú sống mộc mạc, thích uống nước chè vối, thích hút thuốc lào. Hít một hơi dài rồi chú lim dim mắt, cho khói bay ra từ lỗ mũi, từ lỗ tai, trông thật lạ.
Chú làm hai con diều giấy, một con chú cho em, một con chú cho Tùng. Chú bảo cột diều vào cọc rào ở góc sân cho diều bay mà chơi cho vui.
Bố mẹ em quý chú lắm. Em cũng yêu quý chú như yêu mến cả Tùng.
Bài mẫu tả bác Chiến làm ruộng - Bài văn mẫu số 2
Bác Chiến là người láng giềng của ông bà ngoại em.
Lần nào theo mẹ về thăm quê ngoại ở Nghệ An, em cũng được gặp bác Chiến. Anh Hùng và chị Hòa đang học trường Trung học cơ sở là con của vợ chồng bác Chiến.
Vợ chồng bác làm ruộng và trồng rau. Mùa đông, em vẫn thấy bác Chiến mặc bộ quần áo nâu bình dị. Tóc bác cắt ngắn. Cặp mắt sâu. Bác cười to. Bắp chân, bắp tay cuồn cuộn. Nước da đen giòn. Bác Chiến mang vẻ đẹp và sức mạnh của một lực điền. Nhìn bác ngồi hút thuốc lào và uống nước vối với ông ngoại em, em không thể nào quên được. Khói thuốc lào từ miệng, từ mũi, từ hai lỗ tai bác bay ra mù mịt sau tiếng kêu “ro ro” của chiếc điếu cày.
Bác sống lạc quan và yêu đời. Mẹ em vẫn khen bác Chiến nghèo nhưng chất phác và tốt bụng. Mẹ em đã biếu bác gái chiếc áo len, bác trai chiếc áo bông mua ở chợ Tân Thanh - Lạng Sơn. Bác nâng niu, ngắm nghía hai chiếc áo rồi cảm ơn mẹ em rối rít.
Tả một người lao động chân tay mà em biết – Bài văn mẫu số 3
Hằng ngày đến trường, em đi qua một công trường đang xây dựng. Em thường bắt gặp ánh mắt vui tươi quen thuộc của chú Hưng làm nghề thợ xây.
Lần đầu tiên quen chú, em có cảm tình ngay với đôi mắt ánh lên niềm tự tin của con người nhiều nghị lực. Với thân hình khá vạm vỡ, chú khoan thai bước lên giàn giáo, bắt tay vào công việc quen thuộc hằng ngày. Chú cúi xuống xúc vữa, trải một lớp lên hàng gạch đã xây. Rồi chú cẩn thận xếp từng viên gạch màu hồng tươi lên trên. Thỉnh thoảng gặp khoảng trống cuối cùng của một hàng gạch, không đặt vừa viên gạch, chú lấy lưỡi bay chặt bớt đi. Chú dùng cán bay gõ nhẹ nhiều lần để gạch được ngay và gắn chặt vào nhau. Chú cẩn thận lấy thêm vữa lấp đầy khe và làm kĩ để vữa không rơi vãi. Đôi bàn tay thô rám của chú làm việc thật dẻo dai đều đặn và chính xác. Chú chăm chỉ làm như quên hết tiếng động ầm ĩ xung quanh. Thỉnh thoảng, chú dừng xây, lấy dây dọi xem bức tường có thẳng đứng không.
Nhìn chú làm việc khéo léo và vất vả, em ước nếu mình là họa sĩ mình sẽ vẽ một bức tranh miêu tả sự khó nhọc và nguy hiểm của người thợ đã tạo nên những ngôi nhà chọc trời, vững chãi, thách thức gió bão và thời gian.
Tả một người lao động chân tay mà em biết – Bài văn mẫu số 4
Hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, xí nghiệp May thêu của quán, nơi mẹ em làm việc, đã quyên góp tiền xây dựng một ngôi nhà tình nghĩ cho bà Sáu Trầu, mẹ của hai liệt sĩ thời chống Mĩ. Trưởng tốp thợ xây là chú Nam. Phụ việc cho chú là bốn, năm anh, chị thợ phụ khác.
Chú Nam là bộ đội xuất ngũ. Tuy tuổi đời mới ba mươi nhưng chú đã có hàng chục tuổi nghề, bởi trước khi đi nghĩa vụ chú đã làm thợ xây mấy năm. Bà con lối xóm quý mến chú Nam phần vì tính nết đàng hoàng, phần vì trình độ tay nghề khá cao của chú.
Với dáng người cao lớn, trông chú Nam càng thêm khỏe mạnh trong bộ đồ xanh của công nhân xây dựng. Nước da chú màu nâu óng, tay chân săn chắc. Gương mặt sáng sủa, ưa nhìn với đôi mắt đen luôn luôn nhìn thẳng và đôi môi thường nở nụ cười thân thiện.
Sáng nào, chú cũng đến nơi làm việc sớm nhất để sắp xếp công việc trong ngày. Chú nhắc nhở mấy anh chị thợ phụ chuẩn ị cát, xi măng, gạch, sắt, thép sao cho đầy đủ và thuận. Chú kiểm tra kĩ lưỡng việc trộn hồ cho đúng quy cách để đảm bảo chất lượng công trình.
Chú thường nói với các bạn rằng đây không chỉ là chuyện xây nhà đơn thuần mà còn là việc đền ơn đáp nghĩa những người đã hi sinh vì tổ quốc. Vì thế anh chị em phải ráng làm cho tốt.
Cắt đặt xong xuôi, chú bắt tay vào xây. Những xô vữa đầy được đổ vào chiếc thùng gỗ đặt sát dưới chân chú. Chồng gạch đỏ tươi xếp ngay tầm với. Tay phải chú cầm chiếc bay, xúc hồ đổ lên mặt hàng gạch xây dở hôm qua, rồi chú nhanh nhẹn gạt cho đều và phẳng. Tay trái chú nhặt từng viên gạch đặt ngay ngắn lên trên, rồi chú trở cán bay, gõ nhẹ mấy cái để viên gạch dính chặt xuống lớp hồ. Từng động tác của chú đều cẩn thận và khéo léo. Đường gach xây thẳng tắp cứ cao dần, cao dần. Nhìn chú say mê làm việc, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Vừa làm, chú Nam ân cần nhắc nhở, hướng dẫn những người thợ kế bên để nay mai họ cũng sẽ có tay nghề cao như chú.
Tả một người lao động chân tay mà em biết – Bài văn mẫu số 5
Để có một khu phố xanh, sạch, đẹp đó là nhờ công sức của các cô chú lao công.
Các cô, các chú lao công đã hi sinh, vất vả để làm cho đường phố thật đẹp, để trẻ con được vui đùa trên vỉa hè vào mỗi buổi chiều. Ngày nào cũng thế cứ vào 4 giờ sáng là em lại nghe thấy tiếng chổi tre của bác lao công đang quét trước cửa nhà, khi mà mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ thì các cô, các bác đã đi làm. Bác lao công có dáng người gầy, mảnh khảnh, mái tóc dài ngang lung, được buộc gọn gàng, làn da ngăm đen làm cho bác già hơn so với tuổi, đôi mắt bác ánh lên niềm hạnh phúc khi được làm đẹp cho môi trường, làm đẹp cho xã hội. Bác thường mặc đồ bảo hộ, đội mũ công nhân và đeo đôi gang tay để làm việc hiệu quả hơn. Bác rất chăm chỉ và chịu khó, dù trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè các bác vẫn miệt mài làm việc, không ngại khó khăn vất vả để làm đẹp cho đường phố.
Em rất yêu quý các cô, các bác lao công, vì nhờ có các cô, các bác mà được phố sạch đẹp hơn, trẻ con chúng em được chơi đùa thoải mái hơn trên những vỉa hè thật sạch. Em chúc các cô, các bác lao công có một sức khỏe thật tốt để làm việc hiệu quả hơn.