Giải SGK Sinh học 11 Ôn tập chủ đề 2 (Cánh diều)

Chúng tôi giới thiệu Giải bài tập Sinh học lớp 11 Ôn tập chủ đề 2 chi tiết sách Cánh diều giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn Sinh học 11. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Sinh học lớp 11 Ôn tập chủ đề 2

II. Câu hỏi và bài tập

Giải Sinh học 11 trang 100

Câu hỏi 1 trang 100 Sinh học 11: Hãy cho biết những khẳng định dưới đây về cảm ứng ở sinh vật là đúng hay sai. Giải thích.

A. Ở thực vật, hướng động bao gồm hướng động âm và hướng động dương.

B. Ở động vật, một cung phản xạ gồm 3 khâu: tiếp nhận kích thích, dẫn truyền kích thích, trả lời kích thích.

C. Thụ thể chỉ có vai trò tiếp nhận kích thích ở môi trường ngoài.

D. Quá trình truyền tin qua synapse hóa học là quá trình dẫn truyền một chiều, từ đó, tạo nên đặc điểm dẫn truyền một chiều của một phản xạ ở động vật.

Lời giải:

A. Đúng. Dựa vào sự phản ứng trả lời kích thích của thực vật, hướng động có thể chia thành hướng động âm và hướng động dương.

B. Sai. Ở động vật, một cung phản xạ gồm 5 khâu: tiếp nhận kích thích và hình thành xung thần kinh; dẫn truyền xung thần kinh đến trung ương thần kinh; trung ương thần kinh xử lí thông tin và đưa ra quyết định trả lời kích thích, lưu giữ thông tin; dẫn truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời; cơ quan trả lời phản ứng lại kích thích.

C. Sai. Thụ thể có vai trò tiếp nhận kích thích cả ở môi trường ngoài và môi trường trong.

D. Đúng. Quá trình truyền tin qua synapse hóa học là quá trình dẫn truyền một chiều do chất truyền tin hóa học chỉ có ở màng trước synapse, từ đó, tạo nên đặc điểm dẫn truyền một chiều của một phản xạ ở động vật.

Câu hỏi 2 trang 100 Sinh học 11: Nêu một số biện pháp làm tăng năng suất cây trồng dựa trên hiểu biết về cảm ứng ở thực vật.

Lời giải:

Một số biện pháp làm tăng năng suất cây trồng dựa trên hiểu biết về cảm ứng ở thực vật:

- Ứng dụng của tính hướng sáng: trồng xen canh cây ưa sáng và cây ưa bóng, dùng đèn ánh sáng nhân tạo, khi cây nhỏ trồng cây với mật độ dày rồi tiến hành tỉa thưa khi cây lớn,…

- Ứng dụng của tính hướng nước: tưới nước vào rãnh xung quanh rễ, tưới nước nhỏ giọt, tưới nước vào buổi sáng hoặc buổi chiều,…

- Ứng dụng của tính hướng tiếp xúc: sử dụng giàn để thúc đẩy sinh trưởng của cây họ Bầu bí.

- Ứng dụng của tính hướng hóa: bón phân nông cho cây có rễ chùm, bón phân sâu cho cây có rễ cọc,…

Câu hỏi 3 trang 100 Sinh học 11:Chó thường mừng khi chủ về và sủa khi khách lạ đến. Hãy cho biết phản xạ này của chó là loại phản xạ gì (phản xạ có điều kiện hay không điều kiện), thuộc loại tập tính gì (bẩm sinh hay học được).

Lời giải:

- Chó sủa khi khách lạ đến là phản xạ không điều kiện, thuộc loại tập tính bẩm sinh.

- Chó mừng khi chủ về là phản xạ có điều kiện, thuộc loại tập tính học được.

Câu hỏi 4 trang 100 Sinh học 11:

Hãy cho biết những khẳng định liên quan đến cơ chế cảm giác ở người dưới đây là đúng hay sai. Giải thích.

A. Nếu tế bào thụ cảm âm thanh ở ốc tai bị tổn thương thì thính lực sẽ giảm.

B. Ánh sáng từ vật qua giác mạc, thủy tinh thể và luôn được hội tụ ở võng mạc.

C. Chất liên kết với các thụ thể đau làm ức chế truyền tín hiệu có thể được sử dụng làm chất giảm đau.

D. Tổn thương dây thần kinh hướng tâm gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể.

Lời giải:

A. Đúng. Khi các tế bào thụ cảm âm thanh bị tổn thương, tùy mức độ tổn thương, sẽ hạn chế hoặc làm mất khả năng hình thành xung thần kinh để truyền tới trung khu thính giác, dẫn đến việc cảm nhận âm thanh bị hạn chế (giảm thính lực).

B. Sai. Ánh sáng từ vật qua giác mạc, thủy tinh thể có thể không được hội tụ ở võng mạc trong nhiều trường hợp như ở người bị cận thị, ánh sáng hội tụ ở trước võng mạc hoặc ở người bị viễn thị, ánh sáng hội tụ ở sau võng mạc.

C. Đúng. Chất liên kết với các thụ thể đau làm ức chế truyền tín hiệu sẽ giúp ức chế cảm giác đau nên có thể được sử dụng làm chất giảm đau.

D. Sai. Những ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể thường có nguyên nhân là tổn thương dây thần kinh vận động (dây thần kinh li tâm).

Câu hỏi 5 trang 100 Sinh học 11: Tại sao khi nghe âm thanh cường độ cao thường xuyên sẽ làm giảm thính lực?

Lời giải:

Khi nghe âm thanh cường độ cao thường xuyên sẽ làm giảm thính lực vì: Âm thanh với cường độ cao thường xuyên có thể làm tổn thương các tế bào thụ cảm âm thanh. Khi các tế bào thụ cảm âm thanh bị tổn thương, tùy mức độ tổn thương, sẽ hạn chế hoặc làm mất khả năng hình thành xung thần kinh để truyền tới trung khu thính giác, dẫn đến việc cảm nhận âm thanh bị hạn chế (giảm thính lực).