Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về bài học trong lối sống con người được gửi gắm qua bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh
2 câu trả lời
Tôi hỏi người:–Người sống với người như thế nào?
Câu hỏi mà nhà thơ Hữu Thỉnh đặt ra trong bài thơ Hỏi của mình vẫn luôn da diết, khắc khoải như một kết thúc mở đầy ám ảnh, gợi ra muôn vàn phong ba trong lòng người đọc. Cuộc sống là một cuộc hành trình đầy khó khăn thách thức nhưng cũng là một trò chơi thú vị, một món quà lớn, đầy bất ngờ mà một cá nhân không bao giờ khám phá hết được. Người sống với người như nào? Câu hỏi mà tất cả chúng ta cần suy ngẫm và tìm câu trả lời. Một lúc nào đó khi bình tâm quan sát cuộc sống và nghĩ suy về nó, ta sẽ có được câu trả lời ta của riêng mình, dù có thểcòn chưa đầy đủ.
Con người đã sống với nhau như đất. Đất thì tôn trọng nhau còn con người thì dựa vào nhau, nâng đỡ nhau mà sống. Cuộc đời biết bao gian nan, trắc trở đôi khi ta khó mà vượt qua được. Giữa lúc ấy có những bàn tay luôn sẵn sàng chìa ra cho ta nắm, có những tấm lòng luôn rộng mở và ta biết mình may mắn và hạnh phúc nhường nào! Họ có thể là bạn nhưng cũng có thể là người chỉ từng quen biết. Đôi khi, tình người cao quý được xây đắp vô cùng tự nhiên như vậy. Đi hết quãng đường đời, lúc bạn thật sự chán nản là khi bên mình không còn ai, không có lấy một tấm lòng, một sự giúp đỡ, chia sẻ. Con người cần có nhau để sống tốt cuộc sống của mình và còn làm cho cuộc đời chung thêm tươi đẹp, như một bài ca muôn điệu mà những nốt nhạc lòng được ngân lên từ mọi nẻo trên thế gian này. Trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, những bà cụ từ tâm như mẹ (Bầm ơi! – Tố Hữu) đã cưu mang, đùm bọc các chiến sĩ, tạo thêm niềm tin cho các anh góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc:
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài.
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé bên đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
“Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ”
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.
(Hơi ấm ổ rơm – Nguyễn Duy)
Các anh đi đến đâu cũng được nhân dân che chở, yêu mến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm: “Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng” (Tiếng hát con tàu). Quả thật, tình cảm mà con người dành cho nhau cũng mộc mạc như đất mà thôi, nồng ấm mà đơn sơ, chân thành mà bền chắc. Chính tình cảm ấy đã “tôn cao” con người, làm cho những cá nhân nhỏ bé cũng trở nên cao cả, đẹp đẽ. Dân gian có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có những sự giúp đỡ đúng lúc, kịp thời có thể cứu sống một sinh mạng. Cuộc đời có lúc thăng trầm và con người là bạn đồng hành của nhau trên con đường gian nan ấy, có khi nâng đỡ, có khi giúp bạn đường của mình tiến xa hơn mà không ngại hi sinh.
Con người đã sống với nhau như nước. Nước làm đầy nhau, nước tràn từ trên cao đến nơi thấp, từ sông hồ ra biển cả mênh mông, hòa vào nhau để dâng lên theo từng con sóng. Người với người “làm đầy nhau” bằng tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ. Hơn thế nữa, con người xoa dịu, khỏa lấp được những nỗi đau đớn, những vết thương lòng của nhau bằng liều thuốc từ trái tim mình. Suốt cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng, dù nhiều hay ít, được sống trong tình yêu thương kì diệu ấy. Từ những lời ru âu yếm của mẹ lúc ta lọt lòng, tâm hồn ta được làm đầy bởi những câu ca ngọt ngào, êm dịu, có cánh cò trắng rập rờn bay, trái tim ta được bồi đắp bởi tình mẹ bao la, sâu sắc. Càng lớn lên, hiểu biết nhiều điều về thế giới xung quanh, ta càng có được nhiều bạn bè, sống và chia sẻ với nhau lúc vui, lúc buồn và chính ta cũng chủ động hòa mình vào cuộc sống này, hòa mình vào dòng chảy mênh mông của cuộc đời. Tình cảm con người dành cho nhau cũng mát lành và hiền hòa tựa như dòng nước kia, nó có thể len lỏi vào những tâm hồn sắt đá nhất, làm tan đi băng giá những trái tim cứng rắn và phá đi cánh cửa của những tấm lòng còn đồng khép. Dòng nước còn có thể đi rất xa mang tình yêu thương khắp năm châu bốn bể bởi lẽ ở nơi đâu con người cũng là bạn, không phân biệt màu da chủng tộc hay ngôn ngữ, chỉ cần thôi: một tấm lòng…
Và con người đã sống với nhau như cỏ. Cỏ đan vào nhau, làm nên những chân trời. Mỗi người, mỗi cá nhân riêng rẽ chỉ như cọng cỏ nhỏ bé kia mà thôi thế nhưng với tình yêu đan dệt từ những cọng cỏ ấy, con người đoàn kết một lòng tạo nên những chân trời vô biên. Làm thế nào để sống tốt cuộc sống của mình đã khó nhưng khó khăn hơn là làm thế nào để làm cho cuộc sống của những người ta yêu quý, của đồng loại ta tốt đẹp hơn dù biết sức mình là rất nhỏ bé, còn khó hơn rất nhiều. Bất cứ một tập thể nào cũng cần có sự đoàn kết. Từ những cầu thủ chơi chung một đội bóng đoàn kết với nhau để làm nên vinh quang cho màu cờ sắc áo cho đến một dân tộc đoàn kết chống lại kẻ thù. Từ ngàn xưa con người đã biết dựa vào sức mạnh của tập thể. Không chỉ đoàn kết mà con người còn cần phải học cách sống hài hòa trong cuộc sống chung, không tách mình ra khỏi tập thể mà mình gắn bó, hướng tới mục đích cao cả trong cuộc đời là cái thiện, cái đẹp, những giá trị chân thực mà cũng là vô giá. Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Bất chấp địa vị xã hội, bất chấp những khác biệt và hiểu nhầm, họ đã nhận ra tấm lòng của nhau và trở thành tri kỉ ngay khi Huấn Cao đã gần kề cái chết. Có thể nói, Huấn Cao đã toại nguyện và thanh thản vì đã không để phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Họ đã soi sáng những nét nhân cách tốt đẹp của nhau, cùng hướng đến một tình yêu cái đẹp chân thành, bền vững. Phải chăng đó chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống?
Con người đã sống với nhau như vậy đấy, nâng đỡ, yêu thương, hòa hợp cảm thông, chia sẻ. Đó là lí do vì sao loài người sinh sôi và tồn tại đến bây giờ. Thế nhưng con người không phải không mắc những sai lầm. Đôi khi vì mục đích cá nhân mà có kẻ bán rẻ cả bạn bè, hay vì nguồn lợi không chính đáng mà họ tàn sát các dân tộc khác, biến đồng loại của mình thành nô lệ. Có những điều đáng phải bị lên án như cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai, chính sách diệt chủng của bọn phát xít… Con người có không ít những phút mù quáng, sai lầm. Chính vì thế ta càng cần sống tốt với nhau để kéo họ ra khỏi sai lầm, để loài người lại tiếp tục đồng hành với nhau trên bước đường thời gian vô cùng, vô tận.
Có thể nói, một vài suy nghĩ về cuộc sống con người chưa thể trả lời đầy đủ cho câu hỏi mang đậm tính nhân văn sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Người với người sống với nhau như thế nào?”. Chỉ biết rằng, để tồn tại một cách có ý nghĩa, con người ta cần phải sống vì nhau, sống có tình yêu thương để vượt qua bao đau thương, bất trắc mà ta không thể lường trước được để cuộc sống thêm đẹp, bởi lẽ:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người, sống để yêu nhau.
(Một khúc ca xuân – Tố Hữu)
Bài thơ Hỏi của nhà văn Hữu Thỉnh đã gợi ra bài học về lối sống của con người một cách sâu sắc. Thật vậy, bài thơ với cách trình bày vấn đáp độc đáo đã làm người đọc phải suy ngẫm về thái độ sống ở đời. Khi tác giả hỏi đất sống với nhau như nào, đất trả lời là chúng tôi tôn cao nhau. Khi tác giả hỏi nước sống như nào, nước trả lời là chúng tôi làm đầy nhau. Khi tác giả hỏi cỏ sống như nào, cỏ trả lời là chúng tôi đan vào nhau. Tuy nhiên, khi hỏi con người sống với nhau như nào, dù hỏi mãi tác giả vẫn chẳng thể có lời hỏi đáp. Dùng những hình tượng trong tự nhiên, tác giả muốn gửi gắm con người về thái độ sống ở đời. Tác giả khuyên chúng ta hãy sống "tôn cao nhau" như những ngọn núi đất, "làm đầy nhau" như dòng sông chảy ra biển lớn, "đan xen nhau" như những thảm cỏ dài tít tắp. Bài học về thái độ sống cốt lõi ở đây là chúng ta hãy sống thật yêu thương, tử tế, đoàn kết với những người xung quanh. Chỉ khi chúng ta làm được điều đó, thì cộng đồng người mới có thể trường tồn vĩnh cữu như những ngọn núi, dòng sông, thảm cỏ mênh mông ngoài kia. Sự trường tồn của con người cũng phụ thuộc vào cách con người đối xử với nhau. Bài học mà tác giả muốn gửi gắm là hãy sống yêu thương, đoàn kết, cho đi rồi nhận lại ở con người.