Viết một bài văn nghị luận ngắn về một hiện tượng (vấn đề) đang được dư luận xã hội quan tâm. (Yêu cầu: Trong bài phải sử dụng thao tác lập luận so sánh.)

1 câu trả lời

Bạn tham khảo !!!!

 Bác Hồ đã từng nói :

                                          " Dân ta phải biết sử ta

                            Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"

    Lịch sử dân tộc từ xa xưa đến nay luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, xã hội không những ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên toàn Trái đất. Mỗi một quốc gia sẽ có những nguồn gốc lịch sử riêng để bảo tồn và phát triển. Những trang lịch sử đã lưu giữ những trận đánh vẻ vang mà dân tộc ta đã có được khi chiến thắng các kẻ thù xâm chiếm bờ cõi nước ta. Lịch sử dạy cho ta thấy được sự tự hào về tổ quốc, về những trang lịch sử vể vang của dân tộc. Người ta nói :”Lịch sử là người thầy của tương lai.” Nhưng cho đến hiện nay thì người thầy này đang dần mất đi vị trí quan trọng của nó trong xã hội. Nhiều người trẻ hiện nay đã dần quên đi vẻ đẹp, giá trị của lịch sử mang lại. Nhiều học sinh đã quên đi lịch sử hào hùng của dân tộc từ những kiến thức đơn giản nhất. Và còn nghiêm trọng hơn nữa là hiện nay, bộ môn Lịch Sử này lại  được bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định trở thành một môn  học tự chọn đối với học sinh THPT (từ lớp 10 đến lớp 12). Đây có thể xem như là một quyết định  chưa đúng đắn đối với học sinh THPT. Vì hiện nay không chỉ riêng ở THPT mà ngay cả trung học, đại học vẫn còn rất nhiều các bạn học sinh đang trong tình trạng quên dần đi những kiến thức Lịch Sử. Và ngay trong các kì thì THPT quốc gia hàng năm, điểm Sử của mỗi học sinh đều rất thấp.Và hôm nay, tôi xin phát biểu những suy nghĩ,ý kiến của bản thân và cũng như là góc nhìn của chính tôi cùng những bạn trẻ khác về vấn đề xã hội này.

     Đầu tiên thì phải hiểu lịch sử là gì? Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, ghi lại toàn bộ quá trình hoạt động của loài người. Nó còn là những nét văn hóa, cội nguồn mà ông cha ta đã để lại cho dân tộc ta, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không những vậy, lịch sử còn là những nét đẹp tinh thần của dân tộc về những bài học quý báu, là niềm tự hào lớn lao của mỗi dân tộc và đồng thời cũng giúp chúng ta biết về cội nguồn dân tộc, tổ tiên. Thứ nhất, nó cho ta thấy, biết quá trình hình thành của đất nước và những vị anh hùng đã có công dựng nước, giữ nước để từ đó ta biết trân trọng những gì ông cha ta để lại cho ta đến ngày nay và không những thế, nó còn khiến cho chúng ta tự hào, tự tôn dân tộc, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước. Thứ hai, nó còn là  sự minh chứng cho sự thay đổi của Việt Nam và thế giới, kết nối con người Việt Nam với thế giới. Thứ ba, Lịch Sử còn là một bộ môn kĩ năng bởi chúng ta học từ sai lầm trong quá khứ để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho chính mình. Lịch sử có thể coi là một cây cầu nối giữa hiện tại và tương lai. Như vậy, lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội con người.

    Nhưng đến hiện nay, những tính chất được nêu phía trên dường như đang bị  phai mờ đi trong giáo dục và xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Những thế hệ trẻ mới đang ngày dần chán đi môn Lịch Sử và theo đó cũng dần dần không nhớ các kiến thức cơ bản, nền tảng.Và cho đến năm nay thì  Bộ giáo dục đã quyết định đưa môn Lịch Sử trở thành một môn học tự chọn đối với học sinh THPT. Vậy môn tự chọn là gì?  Theo tôi hiểu, môn tự chọn là môn học chứa những nội dung cần thiết cho định hướng nghề nghiệp và nó sẽ được mỗi học sinh đăng kí để học. Và bộ GD&ĐT đã cho rằng với cách bố trí như hiện nay thì môn Lịch Sử đã có thể đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục Lịch Sử cho học sinh phổ thông. Cụ thể là ở chương trình phổ thông mới thì bộ GD&ĐT đã sắp xếp cân đối thời gian, nội dung cho môn Lịch Sử. Bộ GD&ĐT cũng đã đảm bảo trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông,cơ bản, cốt lõi của Sử thế giới và Sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cân đại và hiện đại. Và đối với học sinh THCS thì đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam một cách đầy đủ và toàn diện. Còn đối với cấp THPT thì là một giai đoạn hướng nghiệp của mỗi học sinh. Môn Lịch Sử được bố trí nằm trong tổ hợp xã hội và các nội dung cuả Lịch Sử ở cấp THPT sẽ sâu sắc, chuyên sâu vào hơn nội dung ở cấp THCS. Học sinh có thể lựa chọn theo học nhóm môn tự chọn. Nếu như học sinh chọn tổ hợp xã hội sẽ bao gồm cả môn Lịch Sử còn nếu như học sinh chọn tổ hợp tự nhiên thì vẫn phải chọn một môn ở xã hội để học và tùy từng học sinh sẽ chọn môn nào liên quan để phục vụ cho định hướng nghề nghiệp mà học sinh quyết định chọn. Và theo như thông tin tôi tìm hiểu thì bên cạnh đó, trong chương trình phổ thông tổng thể còn dành 20 % thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn và giảng dạy. Những nội dung này tiếp tục được đưa vào giảng dạy cho học sinh bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 12. Chương trình này có nhiệm vụ giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp  học sinh rút ra được những bài học trong cuộc sống thông qua những bài giảng dạy. Tóm lại, theo bộ GD&ĐT thì các nội dung cơ bản của Lịch Sử đã đảm bảo tốt để trang bị tri thức cho học sinh.

    Nhưng sau khi có quyết định này thì bắt đầu trên một số diễn đàn, nhà quản lý giáo dục đã cảm thấy lo ngại về việc đưa Lịch Sử trở thành môn học tự chọn. Vì điều này có thể "xóa sổ" môn học này vì từ lâu nay, học sinh vốn đã "sợ" môn Lịch Sử. Và chính bản thân  tôi  cũng phản đối việc đưa Lịch Sử trở thành môn học tự chọn.Thực ra, học sinh không "sợ" môn học này mà chỉ đang "sợ" cái cách giảng dạy khô khan từ giáo viên bộ môn này. Bởi vì một tiết học chỉ có 45 phút và trong thời gian ngắn ngủi này, giáo viên chỉ có thể kịp nhồi nhét vào đầu của mỗi học sinh những nội dung, kiến thức bởi vì chương trình quá dài mà thời gian lại rất ít nên không thể cho học sinh thảo luận,giảng giải cho học sinh hiểu và có cái nhìn đa chiều hơn  . Và cũng một phần là do trong tâm thức của mỗi học sinh và phụ huynh là môn Lịch Sử chỉ là môn học thuộc, không cần phải suy nghĩ, nhìn nhận nó nên học sinh đã dần trở nên thiếu hứng thú, không chú trọng và dành quá nhiều thời gian để học thuộc nó.Học sinh chỉ nghĩ rằng chỉ cần học thuộc rồi làm cho đủ điểm để có thể tốt nghiệp mà thôi. Nhưng điểm Sử trong kì thi tốt nghiệp THPT cũng đã báo động đỏ. Vì hầu hết các năm thi tốt nghiệp THPT thì điểm Sử luôn rất thấp như năm 2016, điểm thi Sử trung bình là 4,49; đến năm 2017 thì lại càng thấp hơn nữa vì điểm trung bình chỉ có 4,6; năm 2018 thì điểm trung bình chỉ được 3,8 (thấp hơn so với 2 năm trước); nhưng đến năm 2019 thì lại được tăng thêm nhưng vẫn chưa vượt quá điểm trung bình là 5 điểm với số điểm trung bình là 4,3; năm 2020 là 4,5 rồi cuối cùng đến năm 2021 với điểm trung bình là 4,97. Đây chính là môn học có kết quả "đội sổ" trong các kì thi tốt nghiệp THPT.  Vì vậy, mặc dù Lịch Sử rất quan trọng đối với toàn xã hội nhất là đối với một dân tộc nhưng do cách dạy Lịch Sử của đất nước ta quá nhàm chán, khô khan và ôm nặng việc học thuộc, những tiết học như ru ngủ học sinh nên đã khiến cho học sinh không thích và ngày càng thiếu hứng thú với bộ môn này. Không những vậy, một yếu tố quan trọng góp phần khiến cho Lịch Sử có thể sẽ bị học sinh lãng quên và không thích lựa chọn bởi vì hiện nay, trong khi xã hôi đang ngày càng phát triển, nhu cầu của xã hội ngày một cao mà môn Lịch Sử lại không thể áp dụng vào thực tế, không cần phải tư duy nên đã khiến cho môn Lịch Sử ít có cơ hội hơn. Đối với học sinh THPT hiện nay chính là những người trưởng thành, cần có một công ăn việc làm ổn định sau này mà đa số các ngành nghề hot hiện nay mà các học sinh hướng tới lại không liên quan gì tới Lịch Sử và không yêu cầu phải học giỏi Sử nên học sinh cũng không quá chú trọng vào môn này. Và tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa, học sinh hiện nay chỉ hướng tới mục tiêu đó chính là làm những công việc kiếm ra thật nhiều tiền mà những công việc đó lại hầu như không liên quan tới Lịch Sử. Và đương nhiên khi Lịch Sử có ít tiếng nói thì những người học giỏi Sử sẽ càng ít có cơ hội để kiếm việc làm rồi từ đó những người giỏi Sử sẽ ngày càng ít đi thì môn này sẽ không còn hấp dấn học sinh nữa. Đam mê sự thành công và giàu có thì đó luôn là ước mơ của biết bao nhiêu học sinh và họ có quyền làm những điều gì có lợi cho bản thân. 

   Và với vấn đề xã hội này, theo quan điểm của tôi cùng nhiều bạn trẻ khác thì Bộ giáo dục cùng toàn thể mọi trường học cần phải thay đổi phương pháp dạy học. Chính bản thân tôi cảm nhận rằng  môn Lịch Sử mà vào môn tự chọn thì sẽ gần như không học sinh nào chọn vì cách dạy quá nhàm chán, nên cải cách và cho môn Lịch Sử trở thành môn học bắt buộc.Và theo đó, cũng có một số cách giải quyết, đó chính là thay vì ghi nhớ các mốc thời gian, sự kiện thì các giáo viên nên đưa ra những câu hỏi để học sinh tự tìm hiểu những kiến thức Lịch Sử thì sẽ tốt hơn. Hoặc các giáo viên thay vì chỉ dạy theo giáo án, theo chương trình nhất định, chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức cho học sinh thì hãy nên tìm hiểu những cách dạy học mới lạ, thú vị để thu hút, hấp dẫn học sinh đến với bộ môn này hơn.  Thực ra thì học sinh ai cũng rất thích Lịch Sử  đấy, như chính tôi cũng rất thích được nghe kể về thời kháng chiến, những trận đấu chính nghĩa để bảo vệ đất nước khỏi những kẻ muốn xâm lăng đất nước,...Nhưng lại vô cùng chán ghét học môn này vì quá khô khan,dài dòng như ru ngủ vậy. Vậy nên hãy thay đổi cách dạy học để học sinh có thể hứng thú hơn để từ đó sẽ càng tự hào về mảnh đất máu đỏ da vàng này. 

   Cuối cùng, tôi mong rằng Bộ GD&ĐT hãy suy xét lại việc cải cách cách truyền tải kiến thức của giáo viên đến với học sinh ở môn Lịch Sử. Có như vậy thì mỗi học sinh ai cũng thích học và càng muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc để từ đó càng tự hào hơn về dân tộc mình và đồng thời cũng biết ơn ông cha ta đã đánh đổi biết bao nhiêu xương máu để dựng nước và giữ nước hòa bình đến tận bây giờ; để chúng tôi có thể được sống trong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên như bây giờ. 

`#Tâm`

Câu hỏi trong lớp Xem thêm