Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết: Ta về, mình có nhớ ta Ta về, ta nhớ những hoa cùng người Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Rừng thu trăng rọi hòa bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung Cảm nhận của anh/ chị về bức tranh thiên nhiên bốn mùa và con người Việt Bắc đươc tái hiện qua khổ thơ trên.

1 câu trả lời

Chào em, em tham khảo gợi ý:

* Cảnh và người Việt Bắc đẹp nhất trong bức tranh tứ bình qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Bức tranh này rất giàu màu sắc dân tộc: “Ta về mình có nhớ ta … Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

* 2 dòng thơ đầu: Ở đây, ta là người ra đi, mình là người ở lại. Người ra đi nhắn nhủ với người ở lại: “Ta về mình có nhớ ta - Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. “Nhớ những hoa cùng người” là nhớ những gì đẹp nhất của thiên nhiên và con người nơi đây. Chữ “cùng” đã đồng nhất hóa hoa và người bởi lẽ “người ta là hoa đất” (tục ngữ Việt Nam). 

* 2 dòng 3, 4: Bức tranh tứ bình có màu sắc tươi tắn, lung linh rất đầm ấm, được phác họa bởi bút pháp chấm phá của thơ ca cổ điển phương Đông với nét vẽ đầu tiên dành cho mùa đông Việt Bắc.

- Trong bạt ngàn của rừng xanh hùng vĩ trập trùng bất tận nổi bật lên gam màu đỏ tươi của những đóa hoa chuối rừng. Cảnh đơn sơ giản dị nhưng đậm đà sắc màu miền núi. Mùa đông Việt Bắc không lạnh lẽo hoang vu, trái lại tràn trề sức sống, lung linh sắc đỏ, những sắc màu tươi nguyên không pha tạp, thấm hồn dân tộc. 

- Trên nền bức tranh thiên nhiên hùng vĩ xuất hiện một dáng người tươi tắn trẻ trung trong ánh nắng mùa đông: “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Người lao động miền núi Việt Bắc như đứng giữa trời cao, lưng chừng đèo, giữa bát ngát rừng xanh. Ánh nắng mùa đông chớp lóe trên lưỡi dao rìu làm bừng sáng cả một khu rừng. Con người hiện lên với tư thế thật khỏe khoắn, tràn đầy sức trẻ, làm chủ thiên nhiên núi rừng. Vì thế, cảnh mùa đông không tĩnh lặng mà sống động lạ thường. 

* 2 dòng 5, 6: Hết mùa đông đến mùa xuân, xuân sang, thiên nhiên đất trời bừng lên sức sống. 

- Từ muôn thuở xưa, mùa xuân đã trở thành ngọn nguồn cảm hứng của thi nhân. Mỗi chúng ta hôm nay có lẽ đều nhớ đến mùa xuân đầy sức sống trong thơ Nguyễn Trãi: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi” (Bến đò xuân đầu trại), hay cảnh ngày xuân trên trang thơ của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Và mùa xuân trong thơ Mới muôn hình sắc, đó là mùa xuân của tình yêu đôi lứa trong những vần thơ của Xuân Diệu: “Của yến anh này đây khúc tình si”. Cũng có những nét vẽ rất êm đềm trong thơ Anh Thơ: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng” (Chiều xuân). 

- Nhưng đây mới là mùa xuân Việt Bắc, một màu trắng tinh khiết, dịu mát tràn ngập đất trời Việt Bắc. Những đóa hoa mơ mỏng manh dường như làm cả Việt Bắc êm dịu đi trong một sớm xuân nào. Và ngày nào cũng vậy, mơ đều nở trắng núi rừng, tươi mới, lung linh lạ thường. Tố Hữu đã kịp ghi lại linh hồn của tạo vật trong cảnh ngày xuân, hồn người chan hòa với cảnh. Câu thơ gợi nhớ trong ta giây phút thiêng liêng Bác trở về nước năm xưa, hoa mơ cũng nở trắng rừng, trắng bạt ngàn bất tận:

Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… Im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ

(Trích Trường ca theo chân Bác - Tố Hữu)

- Đồng bào Việt Bắc trong những ngày xuân cần cù chịu khó “chuốt từng sợi giang”. Đôi bàn tay mềm mại của người lao động Việt Bắc đang chau chuốt tỉ mỉ từng sợi giang. Cái nhịp nhàng trong lao động sản xuất hòa cùng cái nhịp nhàng của thiên nhiên tạo vật, cảnh và người hòa hợp đẹp đến lạ thường.

* 2 dòng 7, 8: Theo bước chân của thời gian, xuân qua, hạ tới. Mùa hè đến, Việt Bắc thật rộn rã: 

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

- Các thi nhân xưa thường dành cho mùa hạ nước Việt những vần thơ rất đẹp. Trên trang thơ Nguyễn Trãi, mùa hè tràn trề nhựa sống: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ - Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Nguyễn Du cũng lưu lại hình ảnh của hoa lựu đỏ với lời thơ giàu chất tạo hình: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. 

- Lần đầu tiên, người đọc ngỡ ngàng trước sắc hạ vàng của Việt Bắc. Khi tiếng ve bắt đầu tấu lên khúc nhạc vào hạ cũng là lúc rừng phách nở hoa, để một màu vàng óng ả sóng sánh. Từ “đổ” là động từ mạnh, đột ngột mang theo cảm giác choáng ngợp, say mê của thi sĩ trước sự chuyển đổi bất ngờ của cảnh sắc thiên nhiên. Tố Hữu đã sử dụng nghệ thuật tương giao rất tài tình và tinh tế. Thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hùng vĩ, tráng lệ. Câu thơ của Tố Hữu giàu chất hội họa. 

- Nhớ mùa hạ Việt Bắc cũng là nhớ cô em gái hái măng một mình. Con người đi giữa rừng vắng mà không cô đơn. Đó là núi rừng Việt Bắc: “Gió thổi rừng tre phấp phới” (Nguyễn Đình Thi), núi rừng như xôn xao theo bước chân người thiếu nữ, cảnh đượm hơi ấm con người. 

* 2 dòng thơ cuối: Bức tranh tứ bình khép lại với cảnh mùa thu Việt Bắc - mùa thu thơ mộng bậc nhất của nước Việt: “Rừng thu trăng rọi hòa bình - Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. 

- Mùa thu trong thơ ca xưa thường thấm đẫm nỗi buồn. Mùa thu gắn với nỗi sầu biệt li, tàn phai muôn thuở. Mùa thu trong thơ Mới vẫn vang vọng đâu đây với “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư và hình ảnh “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô”. Mùa thu trong thơ Chế Lan Viên lại càng buồn thương hơn nữa. Chỉ trong Việt Bắc mới thật tươi vui trọn vẹn. Lần đầu tiên sau 9 năm kháng chiến trường kì, vầng trăng tỏa ánh sáng hòa bình đến muôn nơi. Trăng rừng huyền ảo làm tôn lên vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc trầm mặc linh thiêng. 

- Cảnh mùa thu Việt Bắc vang vọng tiếng hát ân tình, thủy chung:

+ Tiếng hát của tình quân dân.

+ Tiếng hát chung đôi của kẻ ở người đi, thấm tình đồng bào đồng chí thủy chung son sắt. 

* Sức hấp dẫn của đoạn thơ đến từ nhạc điệu trầm bổng du dương rất cân đối hài hòa. Câu 6 tiếng tả cảnh thiên nhiên đan xen với câu 8 tiếng tả vẻ đẹp của con người. Lời thơ giàu tính tạo hình đạt đến độ mẫu mực cổ điển hiếm thấy. Tứ thơ vận động, ban đầu là cảnh mùa đông và kết thúc với màu thu hòa bình. Giống như thiên nhiên và con người Việt Bắc đồng hành với kháng chiến bắt đầu từ mùa đông năm 1946 và khép lại vào mùa thu năm 1954 thắng lợi vẻ vang. Tứ thơ đi từ những ngày đầu kháng chiến gian khổ đến hòa bình, đậm đà khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm