Trình bày cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp hào hùng và hào hoa trong hình tượng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ sau: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành”… (Trích: Tây Tiến – Quang Dũng) ---------Hết--------
1 câu trả lời
Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, Tây Tiến là một hồi tưởng rất đẹp, những kỉ niệm đầy sống động về người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến. Hồi tưởng của một anh lính tài hoa có tinh thần xả thân vì nghĩa lớn - Quang Dũng. Cho nên, khác với vẻ đẹp của các bài thơ cùng thời, vẻ đẹp của Tây Tiến là vẻ đẹp hài hoà, hào hoa, bi tráng. Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi dồn chứa tâm trạng, thoạt đầu đọc lên có vẻ lạ lùng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Hai câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau. Không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Tuy nhiên, chỉ có độc giả mới nhận ra rõ điều đó, còn đối với nhà thơ, khi ông nói xa rồi là khi những hình ảnh của một quá khứ chưa xa, nó đang ập tới; nhấc bổng ông khỏi mảnh đất thực tại, để hồn thơ lơ lửng, chơi vơi trong cõi nhớ cũng xa rồi chứ đâu chỉ “Sông Mã”.
Vậy là, chẳng cần đến sự dẫn dắt dềnh dàng nhằm chuyển vùng không gian cho người đọc, một thời Tây Tiến đã hiện lên tức khắc trước mắt ta. Trong kí ức nhà thơ, các ấn tượng hãy còn nóng hổi, tươi nguyên và cái nặng nhọc, vất vả ngày nào dường như còn chưa tan hẳn, ta thấy các địa danh được hiện lên, tất cả hãy còn đây rành rành trong tâm trí.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỗi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Sự hiện tại hóa quá khứ dưới tác động của một kí ức sâu mạnh đã vẽ nên một bức tranh đầy ấn tượng về thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng tràn đầy thơ mộng. Thiên nhiên ấy thường vần thử thách các chiến sĩ, đôi khi muôn vùi lấp những sinh mạng bé nhỏ trong những khoảnh khắc của thung lũng sương mù. Nhưng cũng chính khung cảnh này, khiến tâm hồn của các chàng trai gốc Hà Nội được một phen bay bổng. Nếu “sương lấp” lạnh lùng, nặng nề đe dọa bao nhiêu thì “hoa về” lại nhẹ nhõm, tươi tắn, ấm áp bấy nhiêu. “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” - câu thơ nhiều thanh bằng diễn tả một trạng thái lâng lâng. Dĩ nhiên là cái lâng lâng vừa đến sau một chặng đường mỏi mệt. Khung cảnh rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến đã bước chân qua, vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ. Một bức tranh làm xao động lòng ta như một bức tranh thủy mặc hiện đại: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Lại có những nét vẽ thật táo báo, câu thơ như bẻ gãy làm đôi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Có lúc, hình ảnh núi rừng rộn lên bởi tiếng hô gầm thét, lại có lúc hình ảnh nên thơ, duyên dáng về một cô gái cùng con thuyền độc mộc trên dòng sông chảy xiết.. Cám hứng lãng mạn của Quang Dũng không làm hạn hẹp đề tài, trái lại, qua cảm hứng này, tâm hồn ông rộng mở với toàn cảnh của núi rừng Tây Bắc, khiến tâm hồn ta đẹp một cách phóng khoáng.
Kết thúc đoạn thơ, đợt sóng cồn của kí ức bị đánh thức đột ngột hình như tan dần. Đợt sóng mới chưa được hình thành nên lúc này kí ức được kéo giãn ra. nhẹ nhàng lan tỏa để các hình ảnh tươi tắn hơn. Độc giả lại được dịp “nghỉ ngơi” để có thể nghiêng ngả theo điệu múa trong đêm liên hoan văn nghệ với Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” và được thả hồn “đong đưa” theo cánh hoa tươi trên dòng nước lũ.
Thiên nhiên trong Tây Tiến bao giờ cũng là một nhân vật quan trọng, tràn đầy sinh lực và thấm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế của tác giả “bắt” rất nhạy một làn sương chiều mỏng, một dáng hoa lau núi phất phơ đơn sơ bất chợt. Rồi nhà thơ thổi hồn mình vào đó và để lại mãi trong ta một niềm bâng khuâng, thương mến. Và một ánh thơ đẹp xuất hiện như mây chiều biên ải:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.
Tây Tiến hiện lên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ với đủ cả núi cao, vực thẳm, dốc đứng, thác gầm cùng cồn mây heo hút, dòng lũ hoa trôi với khói lên, sương lấp, mưa xa khơi... Trên cái nền thiên nhiên kì vĩ, dữ dội ấy, nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến “nhỏ bé” như bị ngập hút đi. Nhưng chính sự đối chọi, tương phản đó càng tăng thêm khí phách anh hùng của đoàn quân Cách mạng, mà kẻ thù, cũng như gian khổ không thế khuất phục nổi. Hình ảnh những người lính qua nét vẽ của Quang Dũng thật khác thường. Khác thường ở sự gian khổ cùng cực: ăn đói, mặc rét, bệnh tật, sốt rét đến xanh da, trụi tóc. Khác thường ở chỗ tác giả cố ý không miêu tả một gương mặt chiến sĩ riêng biệt với tên tuổi cụ thế nào, ông đã dồn các phẩm chất tốt đẹp cùa những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt chung của cả một đoàn quân.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mau lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Ta có thể hiểu, đây là hình ảnh khá chân thật về diện mạo bên ngoài người lính mũ cài lá ngụy trang, thân thể xanh xao vì sốt rét. Nhưng cảm hứng ở đây lại tràn đầy một nỗi niềm thân quen. Từ thân quen mà thấy cái anh hùng của họ. Câu thơ tạo nên hình ảnh đối lập, bề ngoài thì xanh như lá, thiếu sức sống, nhưng bên trong người chiến sĩ thế hiện một phong độ anh hùng, oai như hùm nơi “rừng thiêng nước độc". Câu thơ “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” đã gợi được dũng khí cùa người chiến binh thuở ấy. Nó mang cái dáng dấp kiêu hùng của người coi thường gian khổ. hi sinh để giữ cái thế hiên ngang của đoàn quân Tây Tiến. Với bút pháp lãng mạn và cảm hứng say nồng, Quang Dũng đã dựng nên cái tương phản trong hình ảnh để rồi hòa hợp với tâm hồn làm cho ta thấu hiểu và cảm thông, tìm thấy ở đây một hình ảnh đẹp.
Người Hà Nội trở thành người chiến binh thì cái oai phong cũng rất Hà Nội. Quang Dũng đã viết đúng hình ảnh người lính Tây Tiến từ Hà Nội chiến tranh mà ra đi:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiểu thơm
Thực ra hai câu thơ ấy chỉ là nỗi lòng của nhà thơ muốn bộc lộ thật đậm, thật rõ chất lính của người thanh niên Hà Nội tài hoa lãng mạn. Lại có người nói: thời chiến chinh ác liệt nói về giấc mơ “dáng kiều thơm" là xa rời tinh thần chiến đấu. Thực ra cuộc đời con người vô cùng phong phú,tâm trạng cùa chàng trai Hà Nội lại càng có những nét hào hoa và tình cảm riêng. Cho nên nói người lính Tây Tiến “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, chỉ tô đậm cái đẹp của những con người ấy mà thôi. Hơn nữa, vẻ đẹp chân thực không bao giờ làm cho con người giảm sút lòng chiến đấu. Phẩm chất người lính qua hồi tưởng của Quang Dũng đã hiện lên vừa hào hùng, hào hoa và cũng vừa bi tráng. Nhà thơ đã nhìn thẳng vào những tổn thất, hi sinh để viết những câu thơ :
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiên trường đi chẳng tiếc đời xanh
Câu thơ có cái gì xót xa gợi niềm cảm thương trong lòng người đọc. Miền đất biên ải xa xôi đã yên nghỉ bao cuộc đời người lính. Nơi đó có chút gì hoang vắng ghê rợn trước những nấm mồ viễn xứ. Nhưng rồi sau đó cảm hứng thơ lại bừng lên những suy nghĩ thật hào hùng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, thể hiện một sự quên mình của lớp trẻ thanh niên đầy nghĩa khí. Phương châm sống của họ cao đẹp mà giản dị. Thời ấy không ít thơ viết về người chiến sĩ nhưng chỉ có Tây Tiến của Quang Dũng mạnh dạn nói đến cái chết. Cái chết tạo nên vinh quang của tuổi xanh thầm lặng mà cao cả hiến mình cho dân tộc.
Nét đặc sắc của Quang Dũng trong Tây Tiến còn thể hiện ở một ngòi bút sắc sảo tinh tế. Viết về chiến tranh, nhưng cả bài thơ không có một chữ nào về trận đánh, về tiếng súng, về máu đổ hay về kẻ thù. Người đọc vẫn hình dung rất rõ gương mặt và không khí của chiến tranh. Điều lạ lùng là bài thơ có ba lần nói đến cái chết cùa người chiến sĩ trong các trường hợp khác nhau, nhưng không một lần nhà thơ nhắc tới từ “chết” hoặc “hi sinh”. Nhà thơ đã thay thế từ “chết” bàng các cụm từ giản dị “về đất”, “bỏ quên đời”, “hồn về”... Đến đoạn thơ cuối lí tướng cách mạng và tuổi trẻ đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất anh hùng ngang tàng và cả chất men say lãng mạn đáng yêu. Ngay cả khi họ chết cũng phảng phất vẻ nghệ sĩ — tài tử, cái đẹp bi tráng chứ không bi lụy.
Để tiễn người lính Tây Tiến hi sinh, Quang Dũng không cần đến một lời ngợi ca sáo mòn nào, cũng không cần đến một giọt nước mắt... Ông chỉ để cho trời đất chứng giám, thu nhận thể xác và linh hồn người lính vào lòng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” tiếc thương đưa người lính Tây Tiến vào cõi bất tử. Bởi vì, kể từ đây khúc độc hành” tiếc thương đưa người lính Tây Tiến vào cõi bất tử. Bởi vì, kể từ đây hồn các anh đã hòa quyện vào cỏ cây, sông núi đế trở thành “hồn thiêng đất nước”.
Nhà phê bình Phong Lan nhận định: “Tây Tiến một tượng đài bất tử về người lính vô danh”. Bất tử bởi chính vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng này. Và do vậy, người lính Tây Tiến qua bài thơ cùng tên của Quang Dũng sẽ sống mãi trong cõi vĩnh hằng và trong thế giới nhân sinh.