Tây tiến hùng vĩ được hiện lên qua những hình ảnh nào

2 câu trả lời

Thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ

Bằng những cái tên cụ thể của từng địa danh, Quang Dũng không chỉ gợi nhắc những nơi đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc mà trước hết có lẽ là những ấn tượng về một vùng thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến ấy đã bao lần làm xao xuyến tâm hồn những người chiến sĩ trên bước đường hành quân:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Làn sương dày đặc, màn đêm hơi lạnh giá nơi núi rừng Sài Khao, Mường Lát đã gây ra rất nhiều những trở ngại, khó khăn đối với những người lính. Trên chặng đường hành quân vạn lí, đoàn quân đã “mỏi” hay sự bất lợi của điều kiện thiên nhiên càng làm cho sự mỏi mệt ấy thêm trĩu nặng. Tuy nhiên, sương phủ, đêm lạnh chưa phải là tất cả những khó khăn mà người lính Tây Tiến phải vượt qua mà họ còn phải đối diện với địa hình trắc trở, gập ghềnh của núi rừng Tây Bắc:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

Những câu thơ đã tạo nên vẻ trùng điệp đầy hiểm trở của núi rừng. Bên trên làn sương giăng kín là sự tiếp nối của “dốc thăm thẳm”, bủa vây người lính không chỉ là màn đêm đầy hơi lạnh mà còn là sự hiểm nguy của vực sâu. Trải qua hành trình “ngàn thước lên cao”, tưởng chừng đã có lúc mũi súng của người lính như chạm tới cả độ cao của vùng núi non bốn mùa mây phủ qua hình ảnh “súng ngửi trời” rất đặc sắc của nhà thơ.

Lên đến đỉnh cao vời vợi thì cũng là lúc bên dưới chân họ hiện ra sự thăm thẳm của vực sâu. Khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến, ta thấy câu thơ “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” với nhịp thơ 4/3 đã tạo nên cảm giác như con đường hành quân của người lính bị ngắt đôi giữa một bên là núi rừng ngút ngàn và một bên là vực sâu hun hút. Chính điều đó càng diễn tả sự chênh vênh, cheo leo của nơi có địa hình không chỉ vừa “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, mà còn “hun hút” và “lên” – “xuống” gập ghềnh.

Nhưng thách thức với người lính cũng không dừng lại ở đây, phía trước họ còn có cả sự rợn ngợp của núi rừng và hiểm nguy của thú dữ:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.

Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ đã khiến cho người lính phải đương đầu với biết bao thách thức, gian nguy nhưng với họ sự hoang sơ, hùng vĩ thậm chí là dữ dội, rợn ngợp ấy của thiên nhiên đất trời đôi khi lại tạo cho cơ hội rèn luyện ý chí và lòng quyết tâm của bản thân.

Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến thơ mộng và trữ tình

Tuy hùng vĩ, dữ dội là những đặc tính đặc trưng của miền Tây Bắc nhưng đã có lúc vùng đất này lại xuất hiện trên dòng viết của Quang Dũng với những nét vẽ hết sức thơ mộng, trữ tình:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến, ta thấy cảnh mưa xa xa nơi Pha Luông mà người lính có dịp dừng chân lại phóng tầm mắt để cảm nhận lại là giây phút họ có thể lắng lòng mình lại sau những mỏi mệt của đèo cao, thác dữ. Chính lúc này, họ có thể nhẹ nhõm đắm mình để tìm về cảm giác thân thương nhờ những mái nhà xa xa, biết đâu những lúc như vậy, hình ảnh quê nhà lại tìm về để rồi họ có thêm động lực để tiếp bước hành quân.

Cảm giác về vùng đất Tây Bắc thơ mộng còn gợi nên qua hình ảnh:“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đóa hoa trong đêm hơi có thể gợi rất nhiều những liên tưởng. Đó có thể là đóa hoa thật đang hé mở trong đêm sương, có khi là hoa đuốc soi sáng con đường hành quân nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp là hình ảnh của nàng thơ nào đó trong tâm trí người lính trẻ. Dù thể hiện ý nghĩa nào thì có lẽ hình ảnh tươi đẹp ấy cũng là một cách xoa dịu đi những mỏi mệt, vất vả, thể hiện chút bay bổng, lãng mạn của những người chiến sĩ trên đường hành quân.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Chỉ với bốn câu thơ nhưng khung cảnh của một miền sông nước huyền ảo, nhẹ nhàng đã làm dâng lên trong lòng người đọc cảm giác mênh mang, xao xuyến… Không gian hiện hữu trong sự hài hòa của cảnh vật và con người. Nếu như con người xuất hiện với sự duyên dáng trên chiếc thuyền “độc mộc” xinh xinh là điểm nhấn của bức tranh thì ngọn lau trên bãi bờ và cánh hoa “đong đưa” dưới dòng nước lại điểm tô thêm cho bức tranh sự sinh động bởi những sự vật ấy như cũng có linh hồn riêng của nó. Cái hồn của cảnh ấy và người ấy chính là một trong những yếu tố quan trọng góp vào bức tranh thiên nhiên Tây Bắc nét vẽ trữ tình, thơ mộng.

Bài thơ Tây Tiến qua ngòi bút của nhà thơ Quang Dũng thể hiện sâu sắc nỗi nhớ nhung vô hạn của các đồng đội, chiến trường xưa. Tây Tiến – một bài thơ kháng chiến bất hủ. Thể hiện rõ lý tưởng, sự hi sinh cao cả của người lính Tây Tiến là công lao vô cùng to lớn đối với dân tộc ta, đất nước ta.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm