Tả quang cảnh một phiên chợ theo tưởng tượng của em. Viết ra vở, dài dài dài dài tí nhá .-. Khổ là e ngu Văn

2 câu trả lời

Một ngày mới bắt đầu với tiếng gà gáy nhộn nhịp - dấu hiệu cho sự khởi nguồn. Tôi vùng dậy ra sân tập thể dục và bắt gặp đoàn người gánh gồng hàng hóa qua đường. Tôi chợt nhận ra hôm nay là ngày họp chợ - nơi nằm giữa trung tâm thị trấn Lộc Bình. Tôi bất giác liên tưởng đến bầu không khí vui tươi đang diễn ra. Sự sầm uất không thể thiếu trong mỗi phiên chợ. Một thoáng bồi hồi tôi nhận ra: Chợ quê tôi sao mà đẹp quá.

Quả thật nếu ai có dịp đến với Lộc Bình thì như có phép màu làm họ không muốn rời khỏi nơi đây, bởi chợ nằm bên con sông Kỳ Cùng đã tạo cho khu chợ cảm giác vui tươi qua từng nhịp chảy của nó. Chợ thường họp năm ngày một lần từ sớm tinh mơ khi gà chưa gáy đến khi bóng mặt trời đã xế tà. Tờ mờ sáng những người nông dân đã cần cù mang hàng hóa ra chợ bán, họ mong tìm được chỗ ngồi tốt và bán được nhiều hàng. Khoảng 6h sáng chợ đã đông vui tấp nập. Nào người lái buôn, người bán hàng, người mua, tất cả đang đổ dồn về phía trung tâm thị trấn. Ở ngay đầu chợ cũng có thể cảm thấy được sự vui tươi đang diễn ra ở bên trong. Hương gạo nếp, mùi bánh phở nghi ngút bốc ra như mời gọi thực khách rẽ vào quán ăn. Quả thật phở Lộc Bình vừa rẻ vừa ngon khiến ai cũng muốn dừng chân để vào quán thưởng thức món ăn của quê hương. Mặt trời nhô cao dần rồi nhú lên cho kì hết, chiếu rọi những ánh nắng chói chang, rừng rực xuống nhưng vẫn không ngăn cản được dòng người ở phía dưới. Đối với trẻ thơ, đi chợ cùng cha mẹ như một thú vui, các em được bố mẹ mặc cho những bộ quần áo đẹp, nhiều màu sắc sinh động để cùng hòa mình vào dòng người tấp nập. Tiếng trò chuyện hòa vang cùng tiếng rao làm vang động khắp khu chợ. Các bà, các mẹ, các chị đang lựa chọn để mua những hạt gạo thơm ngon nhất về cho gia đình. Các em bé tập chung tại hàng bánh kẹo, lựa chọn cho mình những loại kẹo ngon nhất. Hàng điện dân dụng không ngớt khách. Hàng hoa quả là nơi tôi thích nhất. Khi nhìn những quả mận còn nguyên phấn trắng, sương còn đọng trên những chiếc lá là tôi lại cảm nhận được nỗi thức khuya dậy sớm của người nông dân để có thành quả là những trái mận to tròn, mọng nước như vậy. Những quả táo đỏ hồng, những quả cam sành trĩu nặng được người lái buôn mang về đây để phục vụ cho người dân. Phía dưới nữa là những cửa hàng bán đồ dùng học tập như: Bút, thước, màu... Những quán chè là nơi dừng chân lí tưởng để giảm bớt sự nóng bức của mùa hè. Hàng quần áo phục vụ cho cả người già, người trung niên và người trẻ đủ màu sắc xanh đỏ, tím vàng .. rất ưa nhìn. Chợ càng đông hơn khi xuống đến nơi mua bán gia súc, gia cầm, những chú lợn con hồng hào đang kêu éc éc như đang nhớ mẹ. Những "bé" gà, "bé" vịt lông ánh vàng trông đáng yêu làm sao. Hàng thịt còn tươi roi rói, màu hồng đào. Tất cả những hàng hóa được bày bán ở đây đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng cỏ nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất rồi như cất lên trời cùng thưởng thức. Cũng có những người đi chợ không mua sắm mà họ đi ngắm, đi bình phẩm hoặc đi chơi chợ. Đến cuối chiều, khi mặt trời khuất sau núi chợ mới tan.

Ai cũng có một miền quê sinh ra do đó ai cũng có hình ảnh của phiên chợ quê trong lòng. Ai cũng có tuổi ấu thơ từng mong bà, mẹ, chị về để có quà, có khi chỉ là một cái kẹo, củ khoai có khi còn ngon hơn cả đặc sản đắt tiền. Tôi sẽ không thể quên được khu chợ quê - nơi tôi sinh ra. Nó đã để lại những ấn tượng không bao giờ phai trong tâm trí tôi.

                  Bài mk nhé bn.

Quê hương luôn là mảnh đất mang đến cho em thật nhiều điều thú vị. Một trong số ấy là phiên chợ mỗi tháng chỉ họp hai lần vào ngày 15 và 30 hàng tháng.

Phiên chợ bắt đầu từ lúc sáng sớm. Khi ông mặt trời còn chưa thức dậy, những tia nắng đầu tiên còn chưa chiếu xuống mặt đất. Màn đêm vẫn còn bao phủ khắp không gian và làn sương trắng mỏng như tấm màn vẫn chưa tan hết. Bầu trời vẫn còn tối đen, mọi người đã lục đục sắp xếp và đến chợ để lựa chọn cho mình những chỗ ngồi tốt. Vì đây là chợ phiên, mỗi tháng chỉ họp vài lần nên sẽ không có chỗ ngồi cố định mà ai đến trước sẽ ngồi trước.

Nói là chợ nhưng thực chất đây là một bãi đất trống, bằng phẳng và rộng rãi. Vì phiên chợ họp thường xuyên nên có những cái lán được người ta dựng lên, dù không phải tạm bợ nhưng cũng không phải là kiên cố, vững chắc. Lán được dựng bằng những thân cây lớn bằng hai bắp chân người, cao khoảng chừng 2 mét, phía trên được lợp mái bằng cỏ khô, lá cọ phòng khi trời mưa, người ta còn có chỗ trú. Những chiếc lán ấy trở thành địa điểm lý tưởng cho những người bán hàng. Vì thế mà trong trí nhớ của em, mỗi lần đến phiên chợ, bà và mẹ đều phải thức dậy thật sớm để đến chợ để có thể ngồi trong những cái lán ấy. Em cũng đã có lần theo chân bà và mẹ đi phiên chợ sớm.

Đó là một buổi sáng đẹp trời. Vẫn như mỗi ngày phiên chợ họp, trời vẫn còn tối đen nhưng chợ đã đông người lắm rồi. Bà và mẹ đến sớm nên ngồi trong cái lán gần lối vào của chợ - một địa điểm đẹp để buôn bán. Mẹ và bà mang theo ngô, giỏ do ông và bố đan cùng với trứng và vài con gà để bán. Mẹ sắp xếp gian hàng thật gọn gàng và đẹp mắt để chờ đón những vị khách đầu tiên.

Ông mặt trời đã thức dậy, tỏa những tia nắng xuống mặt đất. Nắng lên khiến cho những làn sương mỏng tan dần, chỉ còn lai những giọt nước trong veo đọng trên cỏ, long lanh như những hạt ngọc. Giữa không gian tinh khôi của buổi sớm, em hít một hơi thật sâu để không khí trong lành lấp đầy trong phổi. Quả thực là dễ chịu! Trên cành cây, chim chóc đã bắt đầu cất tiếng hót bắt đầu một ngày mới. Những chú ong bướm cũng đã rời tổ đi kiếm mật. Hoa bắt đầu hé nở, tỏa ra mùi hương thơm mát. Phía xa xa, từng đám mây trắng vẫn lững lờ lưng chừng núi như chẳng muốn tiếp tục cuộc hành trình của mình nữa.

Người đến chợ ngày càng đông. Đủ mọi mặt hàng được bày bán. Phía cuối chợ là hàng cá của những cô chú hàng chài. Những con cá tươi ngon, vảy bạc trắng, miệng vẫn còn ngáp ngáp để thở được bày trên những cái mẹt được lót lá chuối hoặc là một tấm lưới giống như chiếu nhưng được đan dày hơn. Trước mẹt cá là những chiếc chậu nhỏ, đầy cua, ốc và cả những con trai béo mập, to tướng. Lũ trẻ con theo bà, theo mẹ đi chợ thích nhất là nhìn những con cua đen trũi với cái càng to chạy loạn trong chậu. Người bán hàng là một người phụ nữ khoảng tầm 30 tuổi. Nước da của cô ấy ngăm ngăm, khuôn mặt tròn tròn bầu bĩnh và miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn dù rất nhiều khách hàng hỏi. Ngồi gần đó là cô hàng rau. Những mớ rau xanh non, mát mắt được bó thành từng bó nhỏ nhỏ xinh xinh và được sắp xếp gọn gàng. Rau nào ra rau ấy chứ không phải vứt lên sạp một cách bừa bộn. Sạp hàng của cô nho nhỏ mà lại đầy màu sắc. Góc bàn cô bày nào rau muống, nào rau cải, nào rau ngót, chính giữa là những túi nhỏ đựng các loại rau thơm, túi nào cũng đầy đặn, phủ một lớp nước trên bề mặt. Gần cô hơn là những quả cà chua đỏ chót, những quả chanh xanh rì, quả chuối xanh, quả ớt đỏ vàng. Chỉ là một sạp bán rau thôi mà cũng có đủ thứ màu sắc rồi. Cô bán hàng như một người nghệ sĩ, chỉ cần ai đó nói muốn mua rau gì, tay cô lại thoăn thoắt, vừa lấy rau, vừa gói lại cẩn thận, miệng thì trò chuyện, tươi cười. Chao ôi, sao mà cô ấy có thể làm được thế nhỉ?

Trong chợ cũng có những cô, những bà bán đồ ăn. Nào xôi, nào bánh cuốn, nào bánh đúc. Có cả một bác bán phở ở góc bên phải của chợ. Bác có một gánh phở, được sắp xếp rất khéo. Bà em bảo, bác là người Hà Nội lên đây nên phở bác nấu và cách bác bày biện cho gánh phở cũng mang phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch của người Hà Nội. Bát phở ngày ấy cũng chẳng cầu kỳ. Bác có một chiếc đĩa to, trên đó đặt nhân của phở có thịt gà, thịt lợn, bung, mọc. Ngoài rìa của đĩa là rau thơm, hành hoa, rau mùi cắt nhỏ. Bên kia của gánh là chiếc bếp than hồng với nồi nước dùng thơm lừng nghi ngút khói. Bác không làm sẵn mà chỉ có người ăn bác mới tráng phở, bỏ nhân, rau thơm vào rồi chan nước dùng là bát phở nóng hổi đã sẵn sàng. Em vẫn còn nhớ mùi vị ngọt thanh, thơm thơm, miếng thịt xíu mềm mềm đủ vị của bác mà bà đã từng mua cho em ăn. Mùi vị ấy đến giờ em không còn được nếm thử nữa, vì không biết bác bán phở đã chuyển đi đâu mất rồi.

Chợ càng lúc càng đông người, mọi người ai cũng cười nói vui vẻ. Theo phía sau các bà các mẹ vẫn là những đứa bé mập mạp với khuôn mặt háo hức, nụ cười thường trực trên môi. Trên tay mỗi đứa cũng đang cầm đồ ăn, ăn với vẻ hài lòng. Chao ôi, chúng nó ăn mới ngon lành làm sao. Em còn nhớ mãi khuôn mặt của một bé gái với khuôn mặt bầu bĩnh. Chắc bé chỉ khoảng ba tuổi thôi. Trên mặt lấm lem những đất cát, chắc vừa chơi cùng với mấy đứa trẻ kia. Trên khuôn mặt non nớt ấy nổi bật đôi mắt to, tròn, trong veo. Em yêu đôi mắt của bé ấy quá. Nhìn thấy nó em như thấy cả một bầu trời đầy sao lấp lánh vậy. Bé đang cầm một chiếc kẹo mật nhỏ xíu, cho trong miệng ăn ngon lành. Đôi môi bé xinh cứ hé ra hợp vào mút chiếc kẹo. Nhìn bé em chỉ muốn tiến lại gần, thơm lên đôi má núng nính ấy một cái mà thôi.

Em ngồi trong lán quan sát phiên chợ còn bà và mẹ thì mải bán hàng. Hai người chỉ dặn em không được đi xa vì có thể sẽ bị lạc. Bà và mẹ thì luôn tay, em chỉ có thể giúp gói đồ, buộc lại đưa cho các bác đang đứng ngoài, chứ cũng không biết bán thế nào. Chợ cứ đông đúc như thế cho đến tận giữa trưa. Mặt trời lên đến đỉnh đầu nên người đến chợ cũng thưa dần, mọi người cũng chuẩn bị thu dọn đồ đạc để về nhà. Nhà ai cũng cách chợ 5-6 cây số nên phải về nhà sớm, trước khi mặt trời lặn. Bà và mẹ đã bán gần hết số đồ đạc hai người mang đi, chỉ còn lại một ít trứng và mấy cái giỏ. Em giúp hai người thu dọn những thứ linh tinh, quét sạch rác rưởi trong và xung quanh lán rồi theo bà và mẹ trở về nhà.

Phiên chợ đã hết nhưng ấn tượng của nó thì vẫn sẽ còn lại mãi trong tâm trí của em với sự nhộn nhịp, dân dã và bình dị ấy. Bây giờ em đã lớn, chợ phiên cũng họp thường xuyên hơn nên em cũng không còn háo hức như ngày còn bé nữa. Nhưng dù thế nào, phiên chợ ở quê em vẫn sẽ là kỉ niệm đẹp mà em mang theo trong suốt quãng đời sau này.

                   Vote cho mk câu tlhn nhé bn.

                                Chúc bn học tốt !.