phân tích việt bắc 43-52 ko chép mạng hay đừng dài quá

2 câu trả lời

I, Dàn ý tham khảo

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu câu 43 đến 52

2, Thân bài

* Bức tranh tứ bình của thiên nhiên Việt bắc

- Đông, xuân, thu, hạ.

=> Con người và thiên nhiên Việt Bắc qua nỗi nhớ của người ra đi hiện lên rất đỗi đẹp, bình dị mà đặc trưng của vùng núi Việt Bắc.

3, Kết bài

- Tình cảm của em dành cho tác phẩm.

II, Bài văn tham khảo

Có người đã từng nói :Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca đã trào ra bao nỗi nhớ thương vô vàn. “Việt Bắc” chính là những rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Trong bài thơ, tác gải đã tái hiện những ngày tháng kháng chiến gian khổ và sức mạnh hào hùng của quân dân Việt Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua câu 43 đến 52.

Toàn bộ đoạn thơ là những câu hỏi da diết, hoài nghi của người ở lại. Và để giải đáp những hoài nghi ấy, người kháng chiến đã nhiều lần khẳng định:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”

Hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc vào mùa đông qua những nét chấm phá tinh tế. Trước hết, cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của người ra đi đẹp tựa như một bức họa. Có người đã từng nói “Thơ là họa, là nhạc”. Và có lẽ bức họa về thiên nhiên của Tố Hữu đã phản ánh rõ nét điều đó. Bức họa ấy được Tố Hữu phối màu thật tinh tế, khéo léo: giữa màu xanh u tịch nổi lên màu đỏ tươi của hoa chuối tựa như những bông hoa rực rỡ. Nhờ có sự phối màu này mà cái hoang lạnh, hắt hiu lau xám của miền sơn cước trong ngày đông trở nên thật ấm áp, rực rỡ. Chúng ta cũng từng bắt gặp cách phối màu tương tự trong thơ ca trung đại:

“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

hay

“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

Bức họa về thiên nhiên mùa đông còn được phác họa bởi những đường nét đối lập đầy ấn tượng. Giữa cái hùng vĩ bao la của núi rừng là cái đơn sơ nhỏ bé của hoa chuối. Nhưng không vì thế mà gợi cảm giác yếu đuối, đơn độc. Trái lại bức tranh mùa đông ấy vẫn thật khỏe khoắn, giàu sức sống.

Trong khung cảnh của thiên nhiên mùa đông, con người Việt Bắc  xuất hiện cũng là một điểm nhấn “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Trong thơ Tố Hữu cũng hay miêu tả con người nhưng xuất hiện ở đây là những con người chất phác, cần cù với công việc lao động rất bình dị: làm nương, làm rẫy. Hơn nữa, những con người giản dị ấy lại được xuất hiện trong không gian kì vĩ của đèo cao, vực sâu, xuất hiện lồng lộng, tự tin, kiêu hãnh với tư thế làm chủ, mang tầm vóc của cả một dân tộc, một thời đại hào hùng chứ không hề nhỏ bé yếu ớt như trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:“Lom khom dưới núi tiều vài chú”. Không chỉ dừng lại ở đó, con người Việt Bắc còn được xuất hiện trong một ánh sáng huy hoàng, lộng lẫy. Đó là ánh sáng được phản chiếu bởi ánh sáng của chiếc dao gài lấp lánh dưới ánh chiều nhẹ nhàng. Vì thế không quá khi nói rằng đó chính là ánh sáng của tinh thần lao động, ánh sáng tràn đầy tinh thần khỏe khoắn, lạc quan.

Cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc tiếp tục thay đổi trong những ngày xuân. Trước hết thiên nhiên Việt Bắc như được thay da đổi thịt. Nếu thiên nhiên mùa đông gây ấn tượng với người đọc bởi sắc đỏ rực rỡ của hoa chuối thì sang màu xuân lại là sự trỗi dậy đầy viên mãn của rừng mơ. Tố Hữu đã sử dụng phép đảo trong cụm từ “trắng rừng” vừa như thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng, choáng ngợp vừa khiến cho cả không gian núi rừng tràn ngập một sắc trắng tinh khôi trong trẻo và lãng mạn. Đặc biệt động từ “nhớ” càng nhấn mạnh rõ hơn sức sống mãnh liệt cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của rừng mơ trong cảm nhận của Tố Hữu. Quang Dũng cũng có cách nói tương tự “Mường Lát hoa về trong  đêm hơi”. Nếu “hoa về” của Quang Dũng đầy sinh động, mang bóng con người thì hoa của Tố Hữu mang sức sống lan tỏa của rừng mơ.

Con người Việt Bắc trong bức tranh mùa xuân cũng được hiện lên không kém phần quyến rũ trong câu thơ “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Động từ “nhớ” được đặt ở đầu câu thơ như nhấn mạnh cảm xúc nhớ thương da diết của người ra đi dành cho người Việt Bắc. Đó chính là cảm xúc chủ đạo của toàn bộ đoạn thơ. Và cũng từ nỗi nhớ ấy, tác giả gợi nhắc cho người đọc về hình ảnh chiếc nón lá. Đây là hình ảnh thân thuộc gợi nhiều cảm xúc với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng dưới ngòi bút của Tố Hữu, nhà thơ lại đi vào đặc tả từng động tác của người đan nón “chuốt từng sợi giang”. Ý thơ tựa như một thước phim ngợi ca từng động tác đan nón tỉ mẩn, khéo léo, chau chuốt chi tiết của người dân Việt Bắc. Và dường như người dân Việt Bắc dồn biết bao tâm huyết, tình yêu thương, sự nâng niu chắt chiu vào từng sản phẩm lao động. Có lẽ vì thế chiếc nón trở thành chiếc nón nghĩa tình, chiếc nón của người yêu thương.

Tóm lại, với bốn câu thơ, Tố Hữu đã hài hòa trong câu lục tả cảnh, câu bát tả người. Và sự hài hòa ấy tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy màu sắc. Qua đó, Tố Hữu bộc bạch được tình cảm của mình với thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và sự thủy chung son sắt với những con người chất phát, hiền hòa nơi đây.

Hè về, Việt Bắc hiện lên đầy sinh động với những âm thanh, màu sắc và đường nét:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Vang vẳng trong không gian là tiếng‘ve kêu’ đặc trưng cho mùa hè. Dù Tố Hữu không đi vào miêu tả trực tiếp, cụ thể âm thanh của tiếng ve nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận được sự náo nức vang vong, rộn rã làm sống động của một không gian núi rừng vốn tĩnh lặng, quạnh hiu. Điểm thêm trong bức tranh thiên nhiên mùa hè là sắc ‘vàng’ của ‘rừng phách’ đầy rực rỡ, lộng lẫy và kiêu sa. Và sắc vàng ấy không phải lan tỏa một cách chậm rãi, nhàn tản mà nó diễn ra một cách nhanh chóng, mau lẹ Động từ ‘đổ’ là động từ mạnh diễn tả sư chuyển biến đầy bất ngờ, đột ngột qua đó người ta như cảm nhận được chỉ trong chớp mắt sắc vàng đã được lan tỏa một cách diệu kì khắp không gian. Một hình ảnh âm thanh đặt bên cạnh một hình ảnh thị giác càng khiến cho thiên nhiên hiện lên sinh động, gợi cảm và lãng mạn.Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn dường như làm cho ánh nắng của mùa hè và cả tiếng ve kêu râm ran kia nữa cũng trở nên óng ả.Đây chính là một bức tranh sơn mài được khắc họa bằng hoài niệm, bức tranh ấy lung linh với ánh sáng, rực rỡ với màu sắc và rộn rã với âm thanh.Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa, mà còn có tài trong việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật. Chỉ trong một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luân chuyển sống động: tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến và cây phách ngả sang màu vàng rực rỡ. Đây chính là một biểu hiện đặc sắc của tính dân tộc.

Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng chiến hiện lên trong miền kí ức của thi nhân: "Nhớ cô em gái hái măng một mình". ‘Hái măng một mình’ mà không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn, hiu hắt như bóng dáng của người sơn nữ trong thơ xưa; trái lại rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương tha thiết. Hình ảnh thơ cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu khó chịu thương của cô gái. Đằng sau đó, ẩn chứa biết bao niềm yêu mến, trân trọng của tác giả dành cho con người Việt Bắc.

Khép lại bức tranh tứ bình là hình ảnh mùa thu Việt Bắc đầy ngọt ngào, lãng mạn:

Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Không gian bao la tràn ngập ánh trăng. Nhờ ánh trăng của đêm thu, thiên nhiên Việt Bắc hiện lên thật trong sáng, rạng ngời với tất cả sự huyền bí, đẹp đẽ tựa như cõi thơ, cõi mộng. Câu thơ làm ta liên tưởng đến cảnh đêm rừng Việt Bắc trong bài ‘Cảnh khuya’ của Hồ Chí Minh: ‘Trăng lồng cộ thụ bóng lồng hoa’ Dường như không khí se lạnh của trời thu đã theo ánh trăng như bao phủ vạn vật, cỏ cây, ngấm vào nỗi nhớ của những con người gắn bó sâu nặng với Việt Bắc. Và ánh trăng ấy cũng chính là ánh trăng của tự do, của hòa bình đem đến sự bình yên, êm ả của quê hương đất nước từ chiến khu Việt Bắc xa xôi khiến cho lòng người không khỏi trở nên bình lặng sau những tháng ngày chiến đấu đầy gian khổ mà hào hùng.Hình ảnh ‘rừng thu trăng rọi hòa bình’ chính là một hình thơ tuyệt đẹp được khắc họa bởi hồn thơ Tố Hữu.

 Trong không gian đêm tĩnh lặng nơi núi rừng cùng mặt trăng tròn vành vạnh trên bầu trời ngân vang đâu đây ‘tiếng hát ân tình thủy chung’. Một tiếng hát xa xăm, không hề rõ câu từ nhưng ta lại có thể cảm nhận được cả cái tình, nỗi niềm ẩn dấu. Nhà thơ sử dụng đại từ ‘ai’ khiến hình ảnh con người hiện lên đầy mơ hồ, mờ ảo. Chỉ với đại từ phiến chỉ ‘ai’ đã gợi ra được cái ngọt ngào, tha, da diết mà không kém phần tinh tế của khúc hát đối đáp trao duyên.Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thủy chung ân tình và cũng là tiếng hát của Việt Bắc của núi rừng của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn nồng. Qua đó, nhà thơ như ngầm khẳng định vẻ đẹp con người nơi ‘thủ đô gió ngàn’: một lòng thủy chung son sắt với cách mạng, với dân tộc.

 Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.

Bài thơ Việt Bắc đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Thật cảm ơn nhà thơ Tố Hữu đã để lại cho đời những áng văn bất hủ như thế này.

"Việt Bắc" - bài thơ lục bát mang tầm vóc một trường ca dài 150 câu thơ, cảm xúc dâng lên mênh mông dào dạt. Bài thơ ra đời vào tháng 10 năm 1054, ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Qua bài thơ, Tố Hữu nói lên một cách thiết tha mặn nồng mối tình Việt Bắc, mối tình cách mạng và kháng chiến.

Đoạn thơ 10 câu dưới đây trích từ câu 43 đến câu 52 trong bài thơ "Việt Bắc" nói lên bao nỗi nhớ vô cùng thắm thiết thủy chung đối với Việt Bắc:

"Ta về mình có nhớ ta,
...
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

Hai câu thơ đầu là lời hỏi - đáp của "ta", của người cán bộ kháng chiến về xuôi, ta hỏi mình "có nhớ ta". Dù về xuôi, dù xa cách nhưng lòng ta vẫn gắn bó thiết tha với Việt Bắc: "Ta về, ta nhớ những hoa cùng người". Chữ "ta", chữ "nhớ" được điệp lại thể hiện một tấm lòng thủy chung son sắt. Nỗi nhớ ấy hướng về "những hoa cùng người", hướng về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và con người Việt Bắc thân yêu:

"Ta về, mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người".

Hai chữ "mình - ta" xuất hiện ở tần số cao trong bài thơ, cũng như ở trong hai câu thơ này đã thể hiện một cách rất đẹp tình cảm lứa đôi hòa quyện trong mối tình Việt Bắc, đồng thời làm cho giọng thơ trở nên thiết tha bồi hồi như tiếng hát giao duyên thuở nào. Đó là sắc điệu trữ tình và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.

Tám câu thơ tiếp theo, mỗi cặp lục bát nói lên một nỗi nhớ cụ thể về một cảnh sắc, một con người cụ thể trong 4 mùa đông, xuân, hè, thu.

Nhớ mùa đông nhớ màu "xanh" của núi rừng Việt Bắc, nhớ màu "đỏ tươi" của hoa chuối như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh. Nhớ người đi nương đi rẫy "dao gài thắt lưng" trong tư thế mạnh mẽ hào hùng đứng trên đèo cao "nắng ánh...". Con dao của người đi nương rẫy phản quang "nắng ánh" rất gợi cảm:

"Rừng xanh, hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh gao gài thắt lưng".

Màu "xanh" của rừng, màu "đỏ tươi" của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của "nắng ánh" từ con dao; màu sắc ấy hòa hợp với nhau, làm nổi bật sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của thiên nhiên Việt Bắc, của con người Việt Bắc đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời trong kháng chiến. Tố Hữu đã có một cái nhìn phát hiện về sức mạnh tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân ta do cách mạng và kháng chiến mang lại. Người lao động sản xuất thì hào hùng đứng trên "đèo cao" ngập nắng và lộng gió. Đoàn dân công đi chiến dịch thì "bước chân nát đá muôn tàn lửa bay". Người chiến sĩ ra trận mang theo sức mạnh vô địch của thời đại mới:

"Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo".
("Lên Tây Bắc")

Nhớ ngày xuân Việt Bắc là nhớ hoa mơ "nở trắng rừng". Chữ "trắng" là tính từ chỉ màu sắc được chuyển từ loại thành bổ ngữ "nở trắng rừng", gợi lên một thế giới hoa mơ bao phủ khắp mọi cánh rừng Việt Bắc màu trắng thanh khiết mênh mông và bao la. Cách dùng từ tài hoa của Tố Hữu gợi nhớ trong lòng ta câu thơ của Nguyễn Du tả một nét xuân thơ mộng, trinh bạch trong "Truyện Kiều":

"Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".

Nhớ "mơ nở trắng rừng", nhớ người thợ thủ công đan nón "chuốt rừng sợi giang". "Chuốt" nghĩa là làm bóng lên những sợi giang mỏng mảnh. Có khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ mới có thể "chuốt từng sợi giang" để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ kháng chiến, để anh bộ đội đi chiến dịch có "ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". Người đan nón được nhà thơ nói đến tiêu biểu cho vẻ đẹp tài hoa, tính sáng tạo của đồng bào Việt Bắc. Mùa xuân Việt Bắc thật đáng nhớ:

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang".

Nhớ về Việt Bắc là nhớ mùa hè với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, là nhớ màu vàng của rừng phách, là nhớ cô thiếu nữ đi "hái măng một mình" giữa rừng vầu, rừng nứa, rừng trúc:

"Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình".

Một chữ "đổ" tài tình. Tiếng ve kêu như trút xuống "đổ" xuống thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho rừng phách thêm vàng. Xuân Diệu cũng có câu thơ sử dụng chữ "đổ" chuyển cảm giác tương tự: "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá..." (Thơ duyên - 1938). Câu thơ "Nhớ cô em gái hái măng một mình" là câu thơ đặc sắc, giàu vần điệu, thanh điệu. Có vần lưng: "Gái" vần với "hái". Có điệp âm qua các phụ âm "m": "măng - một - mình". Đây là những vần thơ nên họa nên nhạc, tạo nên một không gian nghệ thuật đẹp và vui, đầy màu sắc âm thanh. "Cô em gái hái măng một mình" vẫn không cảm thấy lẻ loi, vì cô đang lao động giữa nhạc rừng, hái măng để góp phần "nuôi quân" phục vụ kháng chiến. Cô gái hái măng là một nét trẻ trung, yêu đời trong thơ Tố Hữu.

Nhớ mùa hè rồi nhớ mùa thu Việt Bắc, nhớ khôn nguôi, nhớ trăng ngàn, nhớ tiếng hát:

"Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

Trăng xưa "vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân". Trăng Việt Bắc trong thơ Bác Hồ là "trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa". Người cán bộ kháng chiến về xuôi nhớ vầng trăng Việt Bắc giữa rừng thu, trăng "rọi" qua tán lá rừng xanh, trăng thanh mát rượi màu "hòa bình" nên thơ. "Ai" là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, "nhớ ai" là nhớ về tất cả, về mọi người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa thủy chung, đã hi sinh quên mình cho cách mạng và kháng chiến.

Đoạn thơ trên đây dào dạt tình thương mến. Nỗi thiết tha bồi hồi như thấm sâu vào cảnh vật và lòng người, kẻ ở người về, mình nhớ ta, ta nhớ mình. Tình cảm ấy vô cùng sâu nặng biết bao ân tình thủy chung. Năm tháng sẽ qua đi, những tiếng hát ân tình thủy chung ấy mãi mãi như một dấu son đỏ thắm in đậm trong lòng người.

Đoạn thơ mang vẻ đẹp một bức tranh tứ bình đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc. Mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mùa đông năm 1946, đến mùa thu tháng 10 - 1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng - Tố Hữu cũng thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc qua bốn mùa: đông - xuân - hè - thu, theo dòng chảy lịch sử. Mỗi mùa có một nét đẹp riêng dạt dào sức sống: màu xanh của rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối, màu trắng của hoa mơ, màu vàng của rừng phách, màu trăng xanh hòa bình. Thiên nhiên Việt Bắc trong thơ Tố Hữu rất hữu tình, mang vẻ đẹp cổ điển. Con người được nói đến không phải là ngư, tiều, canh, mục mà là người đi nương đi rẫy, là người đan nón, là cô em gái hái măng, là những ai đang hát ân tình thủy chung. Tất cả đều thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của đồng bào Việt Bắc: cần cù, làm chủ thiên nhiên và làm chủ cuộc đời trong lao động, kiên nhẫn, khéo léo, tài hoa, trẻ trung lạc quan yêu đời, ân tình thủy chung với cách mạng và kháng chiến.

Một giọng thơ ngọt ngào, tha thiết bồi hồi cứ quyện lấy tâm hồn người đọc. Nỗi nhớ được nói đến trong "Việt Bắc" cũng như trong đoạn thơ này cho thấy một nét đẹp trong phong cách thơ Tố Hữu: chất trữ tình công dân và tính dân tộc, màu sắc cổ điển và tính thời đại được kết hợp một cách hài hòa.

Hình tượng đẹp, phong phú, gợi cảm. Một không gian nghệ thuật đầy sức sống, với những đường nét, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, cấu trúc cân xứng hài hòa, để lại trong tâm hồn ta một ấn tượng sâu sắc như Bác Hồ đã viết: "Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay..."

Thơ đích thực "là ảnh, là nhân ảnh..., từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la" (Nguyễn Tuân). Đoạn thơ trên đây gợi lên trong lòng ta tình mến yêu Việt Bắc, tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Đoạn thơ "nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp", để ta thương, ta nhớ về mối tình Việt Bắc, mối tình kháng chiến.
Tkhao@

Câu hỏi trong lớp Xem thêm