Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt để thấy được giá trị nhân đạo mà Kim Lân thể hiện.

2 câu trả lời

Nhà văn Kim Lân viết tác phẩm “Vợ nhặt” ở hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp trong nạn đói năm 1945. Tác phẩm đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc không chỉ ở việc xây dựng hình tượng các nhân vật độc đáo, mà còn là ở việc xây dựng một tình huống truyện độc, lạ. Tình huống truyện của truyện ngắn “Vợ nhặt” đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

Trong mỗi tác phẩm văn học, việc xây dựng một tình huống truyện độc đáo chính là một trong những nghệ thuật làm nên thành công cho một tác phẩm văn học. Tính huống truyện là hoàn cảnh mà tác giả đặt ra cho nhân vật, để nhân vật của mình hành động, suy nghĩ, thể hiện tính cách, cái nhìn riêng. Một tình huống truyện độc đáo là nó mang lại những khám phá mới, gây những bất ngờ, thú vị cho người đọc. Và tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện mới lạ, độc đáo, tạo dấu ấn mạnh trong lòng người đọc.

Tình huống truyện “Vợ nhặt” có sự độc đáo ngay ở việc đặt tên nhan đề tác phẩm. Vợ từ trước đến nay luôn được nhắc đến với một vị trí quan trọng trong gia đình, vậy mà tác phẩm lại đặt nhan đề là “Vợ nhặt”. Điều này tạo ra cho lòng độc giả những câu hỏi: Ai nhặt vợ? Vợ được nhặt như thế nào? Và từ đó, sự hứng thú cũng như tò mò khám phá những thắc mắc mà nhan đề tác phẩm đặt ra của độc giả được khơi gợi.

Tình huống truyện “Vợ nhặt” được tác giả đặt ra là tình huống trớ trêu bởi vì ngay trong nạn đói năm 1945, Tràng lại lấy được vợ. Nạn đói năm ấy như len lỏi vào từng ngõ ngách, xóm chợ. Câu mở đầu “cái đói tràn đến xóm này tự lúc nào”, “người chết như ngả rạ”, “tiếng quạ đưa tiễn buổi hoàng hôn của đời vào đêm tối của địa ngục”… Cái đói tràn ngập khắp các nẻo. Trong hoàn cảnh như thế, người ta chỉ còn nghĩ đến chuyện đủ ăn từng bữa, chứ ai nghĩ gì đến việc cưới vợ. Nhưng điều nghịch lý ấy lại xảy ra. Trong cái đói lay lắt, anh Tràng-một người vừa ngờ nghệch, thô, “lưng to bè như lưng gấu”…, con nhà nghèo, lại là dân xóm ngụ cư, lại có thể có vợ một cách dễ dàng. Mà càng đặc biệt hơn nữa, lại là vợ theo không về. Từ xưa đến nay, việc dựng vợ gả chồng được coi là một trong những việc trọng đại nhất của cuộc đời mỗi con người. Việc cưới xin phải có sự góp mặt của bà con hàng xóm, anh em gần xa để minh chứng. Nhưng, trong tình huống truyện “Vợ nhặt”, Tràng lại có vợ một cách quá dễ dàng. Khởi nguồn là từ những câu tầm phơ tầm phào mà anh chàng hò trong những lúc làm mệt. Sau đó là Tràng mời thị ăn một bữa bánh đúc. Vậy mà thị chấp nhận theo không anh Tràng về làm vợ. Tình huống truyện mang đến cho người đọc những ái ngại về sự éo le, về số phận con người trong nạn đói. Số phận đã đưa đẩy họ đến những lựa chọn trọng đại của cuộc đời chỉ qua những suy nghĩ chóng vánh. Một cuộc hôn nhân được hình thành trên nền cái đói thảm thiết, trên những màu xám xịt của cái chết lảng vảng xung quanh. Tuy nhiên, tình huống truyện ấy lại mở ra cho người đọc nhiều niềm tin và hy vọng. Rằng trong nghèo đói, con người ta vẫn luôn khát khao được sống, được cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh của màn đêm, bóng tối chìm ngập. Qua câu chuyện và tình huống của tác phẩm, nhân vật có cuộc đời như được sang trang mới. Hình ảnh kết thúc tác phẩm là hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới. Đây chính là dấu hiệu về sự chuyển biến tích cực, đặt ra niềm hy vọng vào cuộc sống, vào tương tai của nhân vật.

Nhà văn Kim Lân đã rất tinh tế khi đặt ra cho nhân vật của mình một tình huống truyện éo le mà độc đáo. Qua tình huống truyện, người đọc có thể hiểu được bức tranh thôn quê Việt Nam thời bấy giờ, có sự đồng cảm sâu sắc với số phận, cuộc đời của con người trong hoàn cảnh ấy. Tình huống truyện “Vợ nhặt” chính là sự lên tiếng cho số phận hẩm hiu của con người, đồng thời là sự ca ngợi: dù trog bất kì hoàn cảnh nào, con người vẫn luôn có quyền yêu thương và hy vọng về hạnh phúc.

A.MB: Giới thiệu tác giả tác phẩm

        Nếu VĐNL: Truyện đã xây dựng thành công tình huống truyện đặc sắc qua đó làn nổi bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân

B..TB

  1, Giaỉ thích

   - Tình huống truyện là gì? Là hạt nhân của thể loại truyện ngắn. Nó là lát cắt của đời sống nhưng nhìn vào lát cắt ấy, người ta hình dung được diện mạo của cả đời sống, xã hội. Hay nói cách khác, tình huống truyện là sự kiện đặc biệt ,là hoàn cảnh có vấn đề mà ở đó tính cách nhân vật, tư tưởng của nhà văn được bộc lộ rõ nét. 

  - Vợ nhặt đã tạo ra được 1 tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Đó là tình huống nhân vật Tràng, một anh nhà nghèo xấu xí, dân ngụ cư, bị người làng khinh bỉ giữa lúc đói khát lại lấy được vợ

 - giá trị nhân đạo là gì? là giá trị cơ bản của 1 tác phẩm văn học. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với những nỗi đau của con người và cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự nâng niu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người dù. Đó còn là lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người.

II. Phân tích

  1.  Tình huống truyện độc đáo trong “Vợ nhặt”:

Đó là việc Tràng “nhặt” được vợ- một tình huống đầy kịch tính, xưa nay chưa từng có; vừa lạ lại vừa éo le:

– Lạ:

+ Người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí lại có vợ theo. Tràng:

• Xấu xí

• Tính cách có phần hơi dở hơi

• Nghèo, dân ngụ cư

→ Hội tụ đầy đủ những yếu tố để Tràng khó, thậm chí không lấy được vợ.

+ Giữa lúc đói khát, nuôi thân còn chẳng xong vậy mà Tràng lại dám “đèo bòng”, “rước cái của nợ đời ấy về”.

+ Tràng lấy vợ, nhặt được vợ cũng chỉ qua hai lần gặp tình cờ, chỉ với mấy câu nửa đùa nửa thật vậy mà người đàn bà đã theo Tràng về.→ Cái công việc mà xưa nay người ta vẫn cho là khó lại vô cùng tình cờ, dễ dàng đối với Tràng.

– Éo le:

+ Tràng lấy vợ- hưởng cái hạnh phúc lớn nhất của một dời người giữa cảnh “tối sầm lại vì đói khát”, giữa cái lúc mà cái chết và sự sống ranh gới mong manh, tưởng như âm- dương không có sự cách biệt→ Chen vào hạnh phúc là nỗi lo chạy trốn cái đói, nỗi lo níu kéo sự sống.

+ Duyên cớ để đưa họ đến với nhau cũng thật buồn lòng: đó là cái đói.Ở đây, mấy bát bánh đúc thay cho trầu cau dẫn cưới. Nếu không vì cái đói đưa đẩy thì Tràng cũng khó lòng lấy được vợ.→ Sự thật đáng buồn.

* Phản ứng của mọi người trước sự kiện độc nhất vô nhị này:

– Những người dân trong xóm ngụ cư:

+ “Người trong xóm lạ lắm”, họ “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán”→ Ngạc nhiên tột độ.

+ Sự kiện lạ lùng ấy đem đến một “cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối” của họ, làm những khuôn mặt “hốc hác, u tối” bỗng dưng “rạng rỡ hẳn lên”.

+ Họ “cười rung rúc”.

+ Rồi có ngưới thở dài.

+ Tất cả cùng “nín lặng” khi có người nói “ Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”

– Bản thân Tràng:

+ Mọi chuyên nhanh chóng quá đến mức chính Tràng – người trong cuộc cũng cảm thấy ngạc nhiên. Khi đã đưa người vợ nhặt về nhà, nhìn thị ngồi giữa nhà mà Tràng “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”

– Bà cụ Tứ- mẹ Tràng:

+ Vô cùng ngạc nhiên trươc thái độ vồn vã, khác thường của đứa con trai, bà “hấp háy hay con mắt nhìn Tràng” rồi băn khoăn hỏi Tràng “có việc gì thế vây?”

+ Ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn thấy người đàn bà trong nhà:

● Bà “đứng sững lại”→ Quá đỗi ngạc nhiên.

● Trong đầu bà cụ hiện lên một loạt những câu hỏi : “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “sao lại chào mình bằn u?”….→ Băn khoăn, ngạc nhiên.

+ Khi đã hiểu rõ cơ sự bà lão “cúi đầu nín lặng”, thương xót cho số kiếp đứa con mình.

+ Tủi thân, xót xa vì chưa làm tròn bổn phận làm cha mẹ “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này, còn mình thì..”→ Độc thoại nội tâm thể hiện tâm lí nhân vật.

+ Sau đó là “mừng lòng”,chấp nhận con dâu, khuyên nhủ các con đầy lạc quan…

 2. Gía trị nhân đạo

    * Tác phẩm thể hiện niềm cảm thông, chia sẻ với cuộc sống bi thảm của người dân trong nạn đói 1945 => Thông qua tình hướng Tràng lấy vợ, Kim Lân không chỉ nói lên được thực trạng đen tối của xã hội VN trước CM mà còn thể hiện thân phận đói nghèo của người nông dân. Qua đó nhà văn bày tỏ tấm lòng thương cảm với những khổ đau, bất hạnh mà người dân phải gánh chịu

 * Lên tiếng tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân, phát xít đối với nhân dân đẩy nhân dân ta vào con đường cùng không lối thoát

 * Tác giả còn đi sâu khám phá , nâng niu và trân tọng vẻ đẹp của tình người, của khát vọng hạnh phúc của con người trong nạn đói

 * Niềm hi vọng về một sự đổi đời của các nhan vật

 3. Đánh giá chung

 -ND

 -NT

C. KB: Khẳng định lại vấn đề

  * bài làm tham khảo

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận xét "Là học trò của cụ Nguyễn Tuân tôi vẫn không tin Nguyễn Tuân viết " Chữ người tử tù" cũng như Kim Lân viết "Làng". Đó khôg phải người viết mà là thần viết, thần mượn tay người viết nên những trang bất hủ". Chỉ xét trong truyện ngắn "Vợ nhặt" Kim Lân cũng xứng đáng với lời ca ngợi của Nguyễn Khải. Có thể nói ở thiên truyện sáng giá này, Kim Lân đã snags tác được một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn để qua đó làn nổi bật tư tưởng nhân đạo của ông.

Vợ nhặt diễn ra trên bối cảnh của nạn đói năm 1945. Cái họa chết đói năm ấy là một cái họa khủng khiếp, không chỉ đói xóm, đói làng mà đói nửa đất nước từ Trung Bộ đến Bắc Bộ, từ thu đông năm 1944 đến xuân hè năm. Hậu quả là hơn hai triệu rưỡi đồng bào ta chết đói. Cái nghèo, cái đói đã từng được văn học đề cập đến. Nhưng cái nghèo, cái đói trong những tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nam Cao làm ta thương cảm rơi nước mắt, còn cái đói trong tác phẩm của Kim Lân đã hiện hình cái chết. Cái chiết khiến ta kinh khiếp rụng rời. Cuộc sống đã bị đẩy đến thế cùng. Ngay từ đầu truyện đã hiện lên màu sắc tang thương của tử khí. Cái chết hiện thành hình “những xác người nằm còng queo, sáng nào đi chợ cũng thấy vài ba cái thây”. Cái chết hiện ra trong màu xanh xám của những người đang sống. Cái chết hiện ra trong “mùi gây của xác người, mùi khét của những đống rấm ở những nhà có người chết”. Cái chết hiện ra trong âm thanh thê thiết của tiếng quạ trên những cây gạo, tiếng hờ khóc tỉ tê như “vẳng lên từ cõi âm”. Cuộc sống bị bao vây trong không khí của sự chết chóc. Kẻ sống thì ủ rũ, hốc hác, bủng beo, gầy xọp, xám xịt. Đến Tràng, một người to béo, lưng rộng như lưng gấu cũng bước từng bước một đầu chúi về đằng trước như bị cái đói đè hẳn xuống. Cái chết lan tràn mọi nơi, cái sống chỉ còn thoi thóp, leo lét.
 
Giữa khung cảnh đó, Tràng, một người nông dân ở xóm ngụ cư vừa xấu vừa thô lại nghèo đói, không ai thèm để ý vậy mà bỗng dưng lại “nhặt” được vợ. Đây là một tình huống truyện đặc sắc, hấp dẫn. Từ tình huống này, truyện nổi bật ý nghĩa hiện thực và ý nghĩa nhân bản cao đẹp.
 
Tràng là một nhân vật có ngoại hình xấu. Trên “gương mặt thô kệch” là “hai con mắt nhỏ tí”, “quai hàm bạnh ra”. Đã thế, hình như Tràng còn dở người bởi “hắn có tật vừa đi vừa nói nhảm”, đôi khi “ngửa cổ lên cười hềnh hệch”. Tất cả những đường nét ấy cùng với dáng đi lầm lũi mỗi khi trở về xóm ngụ cư đã thể hiện rõ thân phận nghèo hèn của Tràng. Lời ăn tiếng nói của Tràng cũng cộc cằn, thô kệch như chính ngoại hình của anh ta, khi thì “rích bố cu", khi thì “làm đếch gì có vợ”, lại còn chửi cả những con chó “mẹ bố chúng mày”. Gia cảnh của Tràng cũng rất ái ngại: bố mất, mẹ già, nhà nghèo phải đi kéo xe bò thuê kiếm ăn. Nguy cơ “ế vợ” đã rõ. Đã vậy lại gặp năm đói khủng khiếp, cái chết luôn luôn đeo bám. Trong lúc không một ai (kể cả Tràng) nghĩ đến chuyện vợ con của anh ta thì đột nhiên Tràng có vợ. Một buổi chiều nhập nhoạng, có người đàn bà theo Tràng về làm vợ. Họ lủi thủi đi vào xóm ngụ cư trong khung cảnh tràn ngập tử khí, bóng đen của cái chết đói bao phủ mọi ngõ ngách. Trong hoàn cảnh đó, Tràng “nhặt” được vợ là nhặt thêm một miệng ăn cũng đồng thời là nhặt thêm tai họa cho mình, đẩy mình đến gần hơn với cái chết. Vì vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt. Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, họ tò mò bàn tán: “Ai đấy nhỉ?”. Họ mừng cho Tràng, muốn chia sẻ với Tràng nhưng nguy cơ chết đói có thể ập xuống ngay nên họ lại lo cho anh: “biết có nuôi nổi nhau sóng qua được cái thì này không?”. Mọi người lo cho Tràng là lo cho cái sống bởi lúc này cái sống đang phải đối mặt với cái chết. Cái sống - cái chết đang giành giật nhau xung quanh cái ăn. Mọi người cùng nín lặng.
 
Bà cụ Tứ, mẹ Tràng lại càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy người đàn bà đứng ngay đầu giường con mình lại chào mình bằng u. Bà lão chẳng hiểu gì, mãi đến khi Tràng nhắc: “Nhà tôi đấy u ạ. Nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”, bà lão mới “cúi đầu nín lặng” với nỗi lo riêng mà rất chung: “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.
 
Bản thân Tràng cũng bất ngờ với chính hạnh phúc của mình: “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ”. Thậm chí sáng hôm sau Tràng vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
Tình huống truyện mà Kim Lân xây dựng vừa bất ngờ lại vừa hợp lí. Nếu không phải giữa năm đói khủng khiếp ấy thì ai chịu lấy Tràng. Vả lại, Tràng lấy vợ có cheo cưới gì đâu. Tràng “nhặt” được vợ còn người vợ thì “theo không” Tràng. Nhưng nghịch cảnh lại chính là ở đó. Người như Tràng nuôi thân chẳng xong, nguy cơ chết đói đang rình rập mà Tràng còn dám lấy vợ.
 
Việc lấy vợ của Tràng cũng là nghịch cảnh của tình huống. Người Việt Nam bao đời nay coi việc lấy vợ là một trong ba việc lớn của đời người. Bởi vậy lấy vợ phải được tiến hành một cách thận trọng, tổ chức một cách long trọng. Ở đây thì ngược lại, Tràng lấy vợ mà như nhặt được một đồ vật bị ai đó đánh rơi hay vứt đi. Nhặt vợ là cái khốn cùng của cuộc sống. Cái đói quay quắt dồn đuổi đến mức người đàn bà chủ động gợi ý đòi ăn: “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Chỉ vì đói quá mà người đàn bà tội nghiệp này ăn luôn và “ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc”. Chỉ cần vài lời nửa đùa nửa thật: “Này, nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng cùng về” thị đã chấp nhận theo không Tràng. Giá trị con người bị phủ nhận khi chỉ vì cùng đường đói khát mà phải trở nên trơ trẽn, liều lĩnh, bất chấp cả e thẹn. Cái đói đã bóp méo cả nhân cách con người. Thật đau đớn khi chỉ với bốn bát bánh đúc đã se duyên được hạnh phúc. Đám cưới cũng thật là cả một sự mỉa mai. Con đường “đón dâu” chỉ có hai người với một gia sản tòng teng côi cút trong buổi chiều chạng vạng. Về nhà, cảnh hoang toàng với “một bát cháo loãng thếch”, một nồi “chè khoán” (thực chất là cháo cám) mà chỉ cần gợm một miếng cho vào miệng đã thấy “đắng chát, nghẹn bứ”. Một nỗi tủi hờn leo vào tâm trí mọi người. Họ cắm mặt ăn mà không dám nhìn nhau. Cái mong manh của sự sống, cái nguy cơ chết đói hiện ra trong bữa ăn đầu tiên.
 
Hạnh phúc của con người thật mỏng manh, tội nghiệp. Cái đói, cái chết đến gõ cửa cả làng, cả nước, hủy hoại cả ước mơ, khát vọng của con người đến nỗi “nhặt” được vợ mà còn lo “không biết có qua nổi”. Cái hạnh phúc “trời cho” của Tràng, của gia đình bà cụ Tứ cứ phải diễn ra giữa không khí thê lương, ảm đạm của chết chóc, của tiếng hờ khóc tỉ tê, tiếng quạ kêu trên những cây gạo... Kim Lân nói với chúng ta tất cả những điều đó để chúng ta chua xót cho cuộc đời, cho số phận con người.
 
Tóm lại, đặt nhân vật vào tình huống truyện đặc sắc, tình cảnh trớ trêu, éo le đó, Kim Lân đã làm nổi bật ý nghĩa hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ mà không cần tới những lời kết tội bọn thực dân, phát xít.
 
Tình huống truyện độc đáo cũng đã bộc lộ giá trị nhân đạo tích cực của tác phẩm. Điều mà Kim Lân muốn nói là: trong bối cảnh bi thảm, giá trị nhân bản không mất đi, con người vẫn cứ muốn được là con người, muốn được nên người và muốn cuộc đời thừa nhận họ như những con người. Nhà văn đã viết về “một nỗi khổ êm ái” bởi trong cảnh cùng cực đói khát và chết chóc, con người vẫn hướng tới sự sống. Tràng lấy vợ là để tiếp tục sự sống, để sinh con đẻ cái, để hướng đến tương lai. Đó chính là sức sống bất diệt của Vợ nhặt. Người đàn bà đi theo Tràng cũng để chạy trốn cái đói, cái chết để hướng đến sự sống. Bà cụ Tứ, một bà lão nhưng lại luôn nói đến chuyện tương lai, chuyện sung sướng về sau, nhen lên niềm hi vọng cho dâu con. Đó chính là sức sống bất diệt của Vợ nhặt.
 
Đặc biệt tình người, lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc của những con người nghèo đói là sức mạnh để họ vượt lên cái chết. Lời nói của Tràng có thể có ý đùa cợt nhưng thái độ của Tràng đối với người phụ nữ đói khát không hề là một sự đùa cợt. Xuất phát điểm là ở tình người. Bên trong con người có vẻ thô ráp xù xì là một tấm lòng nhân ái. Trong hoàn cảnh lúc ấy, nhường nhau miếng ăn là cả một nghĩa cử cao đẹp, hào hiệp. Thấy người phụ nữ quả quyết theo mình, Tràng rất lo nhưng lại không nỡ từ chối. Cái chặc lưỡi của Tràng là cái chặc lưỡi đầy tính nhân văn, đầy lòng nhân ái. Khi quyết định gắn mạng sống của mình với người phụ nữ ấy, trong Tràng nảy sinh những tình cảm mới mẻ. Nhà văn đã rất tinh tế khi miêu tả sự biến đổi này: cảm giác êm dịu của một anh Tràng lần đầu tiên đi cạnh cô vợ mới “cưới”; cảm giác lâng lâng hạnh phúc của anh ta khi sáng mai thức dậy thấy mình là người đã có gia đình. Chi tiết “hai hào dầu” thật cảm động và giàu ý nghĩa. Câu nói chân thật đến hồn nhiên của Tràng: “vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ” ẩn chứa cả một sự trân trọng con người hết sức lớn lao. Đâu phải cứ “vợ nhặt” thì thế nào cũng được, vứt đi cũng được.
 
Nên nhớ, một nhân vật của Nam Cao (Điền trong Giăng sáng) - trí thức hẳn hoi và cũng chưa rơi vào tình cảnh bi đát như Tràng nhưng đã lấy ánh sáng của đêm trăng để “tiết kiệm hai xu dầu” (2 hào gấp 10 lần 2 xu). Với Tràng, hai hào dầu không chỉ thể hiện sự trân trọng con người. Đó còn là sự trân trọng hạnh phúc bởi hạnh phúc thật đáng quý và cũng thật mong manh. Ánh sáng của ngọn đèn dầu đêm ấy sẽ là ánh sáng của tình người, sự ấm áp của hạnh phúc đồng thời cũng là ánh sáng của niềm tin và hi vọng. Tràng đã thắp lên trong ngôi nhà tồi tàn giữa xóm ngụ cư tăm tối một đốm sáng của niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
 
Người vợ nhặt của Tràng được Kim Lân miêu tả rất ít song đây là một nhân vật không thể thiếu. Sự có mặt của con người này đã là một đột biến, một bước ngoặt. Thiếu người phụ nữ này thì Tràng vẫn chỉ là anh cu Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn mòn mỏi, lặng thầm trong đau khổ và cả xóm ngụ cư nữa, chắc chắn không ấm áp lên được. Người phụ nữ xuất hiện không tên, không tuổi, không quê, trong tư thế “vân vê tà áo dài đã rách bợt” như “rơi” vào giữa thiên truyện để Tràng “nhặt” làm vợ. Từ chỗ nhân cách bị bóp méo vì cái đói, thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức khi người phụ nữ này quyết định gắn sinh mạng mình với Tràng. Chị cũng nảy sinh những tình cảm mới mẻ, cũng biết “trách yêu” chồng, đặc biệt là cách cư xử mộc mạc, dáng vẻ e thẹn khi về làm dâu nhà người, cách vun đắp, thu vén cho “căn nhà hạnh phúc”. Chính chị đã làm cho niềm hi vọng của mọi người trỗi dậy khi kể chuyện ở Bắc Giang, Thái Nguyên người ta đi phá kho thóc Nhật.
 
Khi nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc... ta dễ nghĩ đến những người trẻ tuổi nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo. Đó là bà cụ Tứ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn dành tới gần nửa thiên truyện để viết về bà cụ Tứ và cũng không phải vô tình mà bà cụ Tứ là nhân vật duy nhất nhà văn miêu tả không có những nét hài hước, sự kính trọng thấm đượm trong từng câu văn. Bà cụ Tứ là hiện thân của nỗi khổ con người: khổ vì nghèo, vì đói, vì chồng chết phải nuôi con một mình và khổ hơn vì sắp đi gặp ông nhà rồi mà vẫn không lo được vợ cho con. Người mẹ ấy đã nhìn cuộc hôn nhân éo le của con thông qua toàn bộ nỗi đau khổ của cuộc đời bà. Bà lo lắng trước thực tế quá nghiệt ngã. Bà mừng một nỗi mừng sâu xa. Từ ngạc nhiên đến xót thương nhưng trên hết vẫn là tình yêu thương, lòng nhân hậu. Bà nói với con những lời khuyên nhủ chân thành. Hai tiếng “u - con” vừa ấm cúng vừa chan chứa tình thương. Dường như bà cố giấu những lo lắng để mà vui, mà mừng. Bà đã chuẩn bị thêm cho đôi vợ chồng mới cưới một món ăn đặc biệt trong bữa cơm ảm đạm đầu tiên. Bà gọi là “chè khoán” cũng là để dâu con dễ nuốt cái món nấu bằng cám ấy. Rồi bà khen “ngon đáo để”, bà an ủi động viên, so sánh “xóm ta khối nhà còn chẳng có cám mà ăn”. Cho đến khi ai nấy “nghẹn bứ” không nuốt nổi nhưng rồi không ai nỡ nói ra vì họ đã cố tránh cho nhau những tổn thương, vì họ biết trân trọng tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Có được một bữa ăn dù là cám trong lúc cả xã hội đang chết đói là hạnh phúc đáng quý mà bà mẹ đã mang lại cho các con. Cũng chính bà cụ là người nói nhiều nhất về tương lai, một tương lai rất cụ thể thiết thực với những gà, lợn, ruộng, vườn... một tương lai khiến các con tin tưởng bởi nó không quá xa vời.
 
Tình cảm yêu thương, cưu mang, đùm bọc nhau của những con người cùng cảnh ngộ trong khi cái đói, cái chết đang rình rập là cái phần đẹp nhất trong mỗi nhân vật của Kim Lân. Giữa cái đói khủng khiếp, con người vẫn giữ được những tình cảm tốt đẹp, tấm lòng nhân hậu vị tha là điều không dễ dàng. Các nhân vật của Kim Lân khác với các nhân vật của Nam Cao ở chỗ đó. Nếu Nam Cao muốn rung những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ băng hoại tình người, băng hoại nhân cách con người và gửi đi thông điệp: “Hãy cứu lấy con người!” thì Kim Lân muốn khẳng định tình người cao đẹp và giá trị con người không bao giờ bị hủy diệt. Kim Lân muốn gửi đi thông điệp: “Hãy tin ở con người”.
 
Nhặt được vợ là thế cùng. Đoạn kết mở ra thế biến: “Ngoài đình làng bỗng dội lên một hồi trống dồn dập” và trong óc Tràng hiện lên “đám người đói đi trên đê sộp và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Kim Lân đã khéo léo mở ra đoạn kết vừa bất ngờ vừa hợp lí. Hình ảnh lá cờ đỏ trong tâm trí của mẹ con Tràng vừa xa vừa gần, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Hình ảnh ấy hứa hẹn một tương lai tươi sáng, tốt đẹp vượt khỏi cảnh ngộ bi đát. Điều này cũng góp phần lí giải tại sao nhà văn chọn bối cảnh không gian cho thiên truyện của mình từ một buổi chiều u ám đến một buổi bình minh tươi đẹp. Đây cũng chính là chỗ khác nhau cơ bản trong giá trị hiện thực và nhân đạo của văn học cách mạng so với dòng văn học hiện thực phê phán trước đó.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm