phân tích tài năng của ông lái đò tren sông đà

2 câu trả lời

Người lái đò Sông Đà trích trong tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, sáng tác năm 1960. Đây là kết quả chuyến đi thực tế của tác giả ở Tây Bắc năm 1958. Phong cách, con người Tây Bắc đã đi vào trang sách với một niềm vui sống bao trùm lên tất cả, xen lẫn những cảm tưởng và xúc cảm trữ tình trước vẻ đẹp kì vĩ, lạ lùng của non sống Tây Bắc.

Tác phẩm lấy người lái đò làm nhân vật chủ thể của câu chuyện về Sông Đà nhưng thực chất là cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của Nguyễn Tuân. Mượn lời ông lái đò già nhưng chính là tác giả miêu tả con sống từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó bộc lộ tâm tư tình cảm của mình đối với con sông đại diện cho thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Với lối viết của Nguyễn Tuân, Sông Đà đã trở thành Sông Đà – Nguyễn Tuân. Đó là con sông có độ dày lịch sử, tạo ra những con người anh hùng của riêng nó. Sông Đà được vẽ nên bằng ngòi bút biến hóa tài tình, độc đáo, thể hiện sự gắn bó với đất nước đến mức sâu xa nhất của tâm hồn tác giả.

Sông Đà dữ, Sông Đà anh hùng ca, bản chất của Sông Đà là vậy. Tài ba của nhà văn càng làm cho bản chất ấy nổi bật lên. Sông Đà hung bạo ở những đoạn có thác dữ, những quãng lòng sông hẹp, bị kẹp giữa hai vách núi cao hay những chỗ có xoáy nước khủng khiếp, hút tất cả những gì sa vào đó và dìm xuống đáy sông.

Ở đoạn này có nhiều chi tiết chính xác, khoa học xen lẫn cảm xúc dạt dào tính trữ tình của tác giả. Sông Đà khi thì dữ dội, nguy hiểm trong cái hùng vĩ không ngờ: nào là chét lại thành cái yết hầu, nào là vách đá dựng đứng cao vút, đúng ngọ mới thấy mặt giời… mùa hè vẫn lạnh… Khi thì pha chút huyền thoại trong những nét nên thơ như con nai, con hổ vọt từ bờ này sang bờ kia, tưởng như lòng sông chỉ còn là dải yếm trong ca dao xưa.

Cái gì của Sông Đà cũng dữ. Cát, gió, đá, thác ghềnh, sóng nước phối hợp với nhau : Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió và gió cứ cuồn cuộn từng luồng. Chỉ nghe tiếng nước ở những quãng lắm thác cũng đã đủ ghê người. Tiếng reo của nước lúc nghe như là oán trách, rồi lại như là van xin, rồi lại là như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo… Rồi bỗng dưng không biết chuyện gì mà nó rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn. Hoặc có lúc nó reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ. Nhưng không đâu tiếng nước nghe lạ như ở những cái hút xoáy. Ở đó nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào.

Tiếng nước đã ghê, sức nước còn đáng sợ gấp bội. Mặt sóng cũng có ổ gà như mặt đường kạn, đi vào ổ gà sống là thuyền bị giật xuống bị trồi lên. Thuyền đi vào luồng nước thì chết ngay, hoặc đi không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh. Những quãng hiểm trở của Sông Đà mang diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một của con người: hung hãn, nham hiểm và xảo quyệt.

Sông Đà dữ quả là không sai với tiếng đồn. Cát, đá, nước, gió, sóng hùa nhau bẫy người vào chỗ chết. Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút trăm màu để miêu tả hàng loạt những hình ảnh khác nhau mà luôn luôn đắc sách, vừa có chất trí tuệ vừa có tính tạo hình, vượt xa những thủ pháp mà người ta quen gọi là nhân hóa, đi vào bản chất sâu xa nhất, độc đáo nhất của sự vật, tạo thành những trang viết biến hóa khôn lường. Do thế mà cái dữ dội của Sông Đà trở nên môi trường anh hùng ca vô cùng độc đáo.

Sông Đà dữ dội nhưng Sông Đà cũng rất trữ tình. Đó là ở những đoạn xuôi chèo êm ả. Nhìn từ máy bay xuống, Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.

Nước Sông Đà màu sắc thay đổi theo mùa: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích,… mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ. Trên sông, những chiếc thuyền then đuôi én xuôi dòng, tạo cho sông vẻ thơ mộng riêng của nó. Là sông mà nó nói với con người bao điều. Nguyễn Tuân nhìn Sông Đà như nhìn một cố nhân, một người thân cũ lâu ngày gặp lại. Nhà văn say mê ngắm màu nắng giòn tan vàng như hổ phách trên sông mà chợt liên tưởng tới màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” trong bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của thi hào Lý Bạch đời Đường bên Trung Quốc.

Bên trên là thái độ đối với Sông Đà, còn đây là tình cảm của tác giả đối với con người, sản phẩm của dòng sông ấy. Ông lái đò là sản phẩm của Sông Đà được tác giả tập trung mô tả trong cuộc vật lộn với thác nước Sông Đà. Cái dữ dội của Sông Đà đã có ông lái trị được. Hình ảnh ông lái đò: cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi mà vẫn cưỡi lên con thác, nắm chặt lấy bờm sóng, ghì cương, đè sấn lên mà chặt đôi con thác… rất sinh động và ấn tượng.

Lên thác phải chống bằng sào. Trên vai người lái đò, đầu sào in vào một khoanh bầm, đó là hình ảnh thực. Tác giả bình thêm: Cái đồng tiền tụ máu cũng là cái hình ảnh quý giá của một thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò Sông Đà. Con người dũng cảm, thông minh đã chiến thắng được thiên nhiên dữ dội. Ở người lái đò này, có cái gì mà không in dấu con sông, không là sản phẩm của Sông Đà? Sông Đà đối với ông lái đò quả là một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm câu và những đoạn xuống dòng, ông lái đò đã trở thành một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh. Nguyễn Tuân gọi tài nghệ của ông là tay lái ra hoa.

Đọc văn Nguyễn Tuân, nhất là tùy bút, có người cho rằng như soi trong Ống kính trăm màu. Thực ra, ngòi bút tác giả không chỉ bảy màu mà trăm ngàn màu sắc. Nguyễn Tuân đi rất sâu vào bản chất của sự vật, sự việc, con người để tìm hiểu, khám phá và nắm bắt kì được cái cốt lõi, tinh túy, cái hồn của nó. Đồng thời có sự kết hợp giữa trình độ hiểu biết uyên bác, tác phong làm việc nhanh nhạy, tỉ mỉ, khoa học, giàu chất trí tuệ và cảm xúc đậm đà chất trữ tình được thể hiện dưới những hình thức ngôn ngữ sáng tạo rất độc đáo, rất Nguyễn Tuân, không thể lẫn với bất kì ai khác.

Tùy bút Sông Đà phần nào chứng tỏ bút lực già dặn cùng phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân – cây đại thụ của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Đây nha bạn Xin ctlhn!!!

Ông lái đò năm nay khoảng chừng bảy mươi tuổi, ông sinh ra và lớn lên ngay bên bờ sông Đà “quê ông ở ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh”. Ông có một ngoại hình đặc biệt, mang đậm dấu ấn nghề nghiệp : thân hình ông cao lớn “gọn quánh như chất sừng, chất mun”, “tay dài lêu nghêu như cái sào”, “chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như gò lại kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng” rồi “giọng ông ào ào như tiếng nước thác”. Mọi thứ của ông giờ đây như đã hòa nhịp với con sông lúc hung hãn lúc lại dịu êm này, họ hòa vào nhau theo năm tháng , hòa vào nhau trong từng hơi thở nhịp nhàng, ăn ý một cách đến lạ lùng.

Đối với ông lái đò thì sông Đà như một bản trường  thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng. Ông “nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào trong lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”, “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá”, làm chủ được dòng sông. Đó là tư thế và sự hiểu biết của con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ hoàn cảnh. Ông hiểu về con sông cặn kẽ như hiểu chính bản thân mình vậy, có hiểu ông mới ngự trị, mới làm bạn được với nó. Thật đúng là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” giống như cách mà nhà văn Nguyễn Tuân vẫn nói.

Nếu ai đó nghĩ rằng chở đò là một nghề dễ dàng chỉ cần đến sức khỏe thì chắc hẳn người đó đã nhầm. Chở đò là một nghệ thuật đòi hỏi ở người lái đò sự thông minh, khôn khéo, trí dũng, tài ba. Cuộc chiến giữa ông lái đò và sông Đà là một cuộc chiến không cân sức. Bởi sông Đà có một lực lượng hùng hậu nào thì vách đá, nào thì những cái hút nước xoay tít sâu hun hút và cả những hàng chông đá nằm ngầm dưới lòng sông nữa. Ấy vậy mà ông lão chỉ có một mình “đơn phương độc mã” chiến đấu, vũ khí duy nhất có trong tay là cán chèo. Để chiến đấu với một Sông Đà quỷ quyệt trong việc bày binh bố trận thì ông lái đò càng phải nắm chắc tay chèo, giữ vững tinh thần và đặc biệt phải “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá” thì mới có thể thắng được trong trận đấu sinh tử này.

Trận thủy chiến diễn ra căng thẳng đến nghẹt thở với ba “hiệp đấu”. Ở vòng vây thứ nhất thác Sông Đà mở ra “năm cửa trận”, có bốn “cửa tử”, một “cửa sinh”. Cửa sinh nằm “lập lờ ở phía tả ngạn”. Khi con thuyền xuất hiện, phối hợp với đá, nước thác reo hò làm “thanh viện” cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Có hòn đá trông nghiêng thì y như là đang hỏi cái thuyền “phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”. Hòn đá khác thì lùi lại một chút và “thách thức” cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Không một chút nao núng, ông đò hai tay giữ mái chèo để khỏi bị hất lên khi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Nhìn thấy con thuyền và người lái đò, mặt nước “hò la vang dậy”, ùa vào mà “bẻ gãy cán chèo”. Sóng nước thì như thể quân liều mạng, vào sát nách mà “đá trái mà thúc gối” vào bụng và hông thuyền, có lúc chúng “đội cả thuyền lên”. Nước bám lấy thuyền như đô vật “túm lấy thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra”. Ông đò đã bị thương, nhưng ông “cố nén vết thương”, hai chân vẫn “kẹp chặt lấy cuống lái”. Cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt, sóng nước “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm” vào chỗ hiểm. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy “ngắn gọn tỉnh táo” của người cầm lái. Và ông lái đò đã phá xong cái “trùng vi thạch trận” vòng thứ nhất của thác Sông Đà.

Không một chút nghỉ tay, ông lái đò tiếp tục phá luôn vòng vây thứ hai của thác Sông Đà. Ở vòng thứ hai này, thác Sông Đà lại “tăng thêm nhiều cửa tử” để đánh lừa con thuyền. Vẫn chỉ có một cửa sinh. Nếu ở vòng thứ nhất, cửa sinh nằm “lập lờ phía tả ngạn”, thì ở vòng thứ hai này, cửa sinh lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Đó chính là khó khăn, thách thức đối với người lái đò. Nhưng ông lái đò đã “thuộc qui luật phục kích” của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Ông hiểu rằng cưỡi lên thác Sông Đà phải “cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Cuộc chiến của ông lái đò ở vòng thứ hai đã bắt đầu. Nắm chặt cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái bám chắc lấy luồng nước đúng mà “phóng nhanh vào cửa sinh” rồi “lái miết một đường chéo” về phía cửa đá ấy. Thấy con thuyền tiến vào, bốn năm bọn thủy quân bên bờ trái liền “xô ra” định níu con thuyền “lôi vào tập đoàn cửa tử” mà tiêu diệt. Nhưng ông lái đò vẫn “nhớ mặt” bọn này, đứa thì ông tránh mà “rảo bơi chèo lên”, đứa thì ông “đè sấn lên mà chặt đôi ra” để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền, chỉ còn vẳng tiếng reo hò của của sóng thác luồng sinh. Tuy vậy, bọn chúng vẫn “không ngớt khiêu khích”, dù cái thằng đá tướng đứng ở cửa vào đã “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” vì bị thua cái thuyền du kích nhỏ bé.

Vượt qua vòng thứ hai, ông lái đò còn phải vượt qua vòng thứ ba nữa. Ở vòng vây thứ ba này, thác Sông Đà ít cửa hơn nhưng bên phải bên trái đều là “luồng chết” cả. Cái “luồng sống” ở chặng thứ ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ. Ông lái đò đã hiểu điều đó. Ông cứ “phóng thẳng thuyền” chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền của ông đò “vút qua” cổng đá cánh mở cánh khép với ba tầng cửa: cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng. Con thuyền của ông đò “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái lượn được”. Vượt qua vòng vây thứ ba cũng là vượt qua hết thác Sông Đà. Ông lái đò như một người chỉ huy lão luyện, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm. Ông là một nghệ sĩ tài hoa với nghề vượt thác leo ghềnh.

Ông lái đò quả thật là một chiến tướng nhưng cũng là một tay lái tài hoa. Mỗi đường chèo của ông đều là nghệ thuật làm đẹp cho đời và trong lao động. Sau chiến thắng ông lái đò lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị. Ông cùng với nhà đò “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh…, cũng chả thấy ai bàn thêm lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Bởi lẽ với họ những trận chiến như vừa rồi đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ, có gì mà phải bàn tán, phải suy ngẫm, tất cả đã trở thành máu thịt, là sợi dây kết nối và gắn bó họ với nơi này.

Thông qua việc miêu tả trận thủy chiến tác giả Nguyễn Tuân đã cho người đọc thưởng thức cái “thú chơi ngôn từ” độc và lạ của ông. Một loạt các động từ được sử dụng dày đặc, kèm theo đó là hàng loạt các tính từ diễn tả cơn cuồng nộ của dòng Đà giang cũng như tài trí của ông lái đò. Đó là một cuộc hỗn chiến giữa người và sông nước đến nghẹt thở. Nguyễn Tuân còn vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghề để soi chiếu đối tượng, tạo cảm giác về một trận thủy chiến đầy kịch tính, đầy sôi động và không hề kém phần hấp dẫn.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm