phân tích nhân vật người phụ nữ việt nam xưa thông qua hai bài thơ tự tình và thượng vợ từ đó liên hệ bản thân về người phụ nữ việt nam ngày nay

2 câu trả lời

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương

+ Hồ Xuân Hương (? - ?), là nhà thơ nữ sống vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.

+ Trần Tế Xương (1870 - 1907), là nhà thơ trào phúng sống vào khoảng cuối thế kỉ XIX.

- Giới thiệu hai bài thơ Tự tình II và bài thơ Thương vợ

+ Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình gồm có ba bài, bài thơ là nỗi sầu oán, đau đớn của người phụ nữ truân chuyên.

+ Thương vợ là bài thơ hay và cảm động mà Tú Xương viết về vợ mình. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng của Tú Xương dành cho người vợ tào khang của mình.

- Dẫn dắt vấn đề

+ Giới thiệu về hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung

+ Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương

II. Thân bài

* Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời và nội dung cơ bản của hai bài thơ

* Vẻ đẹp của người phụ nữa xưa chịu nhiều khổ cực

- Trong “Thương vợ”: bà Tú hằng ngày vất vả ngược xuôi buôn bán nuôi chồng, nuôi con, một nắng hai sương vì miếng cơm cho cả nhà.

- Trong “Tự tình II”: một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”, chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi, cuộc đời cô độc, tình duyên lận đận.

* Người phụ nữ với khao khát được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp

- Trong “Tự tình II”: người phụ nữ có niềm khao khát mạnh mẽ là được yêu thương

- Trong “Thương vợ”: người phụ nữ - một người vợ, người mẹ tần tảo, nhân hậu và chịu thương chịu khó, không ngải khó khăn hi sinh vất vả vì chồng vì con

*Liên hệ ngày nay:

-Người phụ nữ dc công nhận về nhan sắc và tài năng

-Người phụ nữ được đi học và giữ những chức vụ cao trong xã hội

-Tuy nhiên nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng "trọng nam khinh nữ"

III. Kết bài

- Hai bài thơ là những hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến: luôn chịu những bất công, gian khổ.

- Niềm cảm thông của người viết với người phụ nữ xưa

Nhà văn Tô Hoài đã từng nói: “Mỗi chữ phải là hạt ngọc rơi xuống trang bản thảo.” Quả đúng như vậy. Văn chương đích thực phải là thứ văn chương “chín đủ cảm xúc”, cũng là thứ văn mà khi đọc lên, ta như thấy được cả thế giới tâm hồn, tình cảm của người cầm bút. Đó cũng là thứ văn chương mà khi gấp lại, người đọc vẫn bâng khuâng mãi khôn nguôi. Và thi phẩm “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương và "Thương vợ" của Tú Xương là một kiểu văn chương như thế. Nó khiến ta xúc động nghẹn ngào trước những tâm sự đắng cay của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến.

Trước hết, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với những giá trị nhân cách cao đẹp qua bài thơ Tự tình. Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ không ngủ, ngồi một mình cô độc giữa đêm khuya:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Đêm khuya là khoảng thời gian lúc vạn vật chìm trong giấc ngủ, cũng là khoảng thời gian đặc biệt để con người đối diện với chính mình, để suy tư, trăn trở. Câu thơ gợi cho ta nhớ đến hình ảnh người chinh phụ mòn mỏi chờ chồng trong đêm khuya vắng:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

Trống canh dồn làm cho không gian trở nên quạnh vắng và không gian ấy làm con người trở nên cô đơn. Sự dồn dập của tiếng trống cầm canh hay cũng chính là sự cảm nhận về nhịp đi gấp gáp của thời gian. Trong sự dồn dập của tiếng trống, ta cảm nhận được sự rối bời, hốt hoảng của nhân vật trữ tình trước bước đi của thời gian. “Văng vẳng” là âm thanh từ xa vọng lại gợi nên một không gian tĩnh vắng khiến hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, cô đơn.

Nỗi niềm buồn tủi chán chường ấy đã được thi sĩ trực tiếp miêu tả qua những từ ngữ gây ấn tượng mạnh:

“Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Cách sử dụng nghệ thuật đảo ngữ đưa từ “trơ” lên đầu câu thơ để nhấn mạnh sự tủi hổ, bẽ bàng của nhân vật trữ tình. Nhịp thơ 1/3/3 như đay nghiến, mỉa mai cho số phận hẩm hiu. Đặt “cái hồng nhan” bên cạnh “nước non” ta phần nào thấy được sự đối lập giữa một bên nhỏ bé, một bên bao la rộng lớn; một bên yếu ớt, một bên bao phủ choáng ngợp bốn phương. Tuy nhiên, sự đối lập ở đây không những không làm cho hình ảnh hồng nhan bị che khuất, bị lu mờ mà trái lại, nó càng tô dậm cho mối sầu vạn kỉ. Chữ “trơ” còn hàm chứa trong đó sự thách thức. Ta từng bắt gặp chữ “trơ” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.”

Không những thế, “trơ” ở đây còn có nghĩa là chai lì. Đó là sự bướng bỉnh, ngang sức ngang tàng với cuộc đời, với nước non, hay đó cũng chính là bản lĩnh của người phụ nữ họ Hồ.

Cụm từ “cái hồng nhan” là một kết hợp từ rất độc đáo. “Hồng nhan” là một từ Hán Việt” mang sắc thái rất trang trọng, chỉ vẻ đẹp cũng như giá trị của người phụ nữ. Nhưng ở đây “hồng nhan” lại đi liền với từ “cái”- từ chỉ sự vật nhỏ bé, vô tri vô giác. Ý thơ gọi lên sự rẻ rúng về giá trị của người phụ nữ. Xuân Hương cất lên tiếng than cho thân phận má đào trong xã hội xưa, góp thêm một tiếng nói vào  trào lưu văn học cuối thế kỉ XVIII.

Trong hoàn cảnh khổ đau, kiếp người tưởng như đã hóa đá, nhà thơ đã tìm đến rượu để quên đi nhưng bất lực.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Càng tìm kiếm điểm tựa, sự đồng cảm thì càng thất vọng. Như thách thức số phận, nữ sĩ muốn “mượn rượu giải sầu”. Mượn rượu giải sầu dưới ánh trăng vốn là hình ảnh quen thuộc trong thi ca. Cụm từ “say lại tỉnh” như một vòng luẩn quẩn không lối thoát mà Xuân Hương bị cuốn vào. Chẳng biết tình yêu mà nhà thơ nhận được bao nhiêu mà giờ đây hương tình lẫn men rượu hòa vào nhau, khiến người con gái lúc say lúc tỉnh. Rốt cuộc là say tình hay say rượu? Là tỉnh, hay mê? Dường như cuộc đời người phụ nữ chỉ chìm đắm trong chuỗi ngày tẻ nhạt cùng với tâm trạng u uất. Câu thơ chợt khiến ta nhớ đến Thúy Kiều đáng thương, nàng cũng từng bị giam cầm trong chuỗi thời gian vô vị ấy:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Hai con người, hai thân phận khác nhau nhưng lại cùng chung một hoàn cảnh. Rượu hồng giải quyết được gì? Để rồi người phụ nữ bất hạnh ấy lại phải tìm đến trăng nhưng đau đớn thay đó lại là một vầng trăng lạnh, một vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Tìm đến trăng để khao khát sự đồng cảm mãnh liệt nhưng trăng lại chiếu soi vào cuộc đời bà khiến nữ sĩ thấy hình ảnh chính mình ở trong đó. Hình ảnh vầng trăng “khuyết chưa tròn” có lẽ là hình ảnh ẩn dụ hơn là hình ảnh tả thực. Trăng thường gợi tả kỉ niệm, gợi sự viên mãn, hạnh phúc lứa đôi. Bao cuộc tình thủy chung, nồng thắm đều diễn ra dưới ánh trăng:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song.”

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở câu thơ tạo nên sự đồng cảm giữa con người với thiên nhiên. Tuối xuân của con người đã trôi qua nhưng tình duyên vẫn không trọn vẹn. Thế mới nói, mượn rượu tiêu sầu, sầu thêm sầu; mượn cảnh tả tình, tình càng đau. Có lẽ, đó chính là tâm trạng của Xuân Hương lúc bấy giờ.

Nhưng dù có xót xa, thất vọng, chán chường đến mức nào, thì Hồ Xuân Hương vẫn là một người phụ nữ đầy bản lĩnh. Và sự đau khổ ấy càng khiến cho nữ sĩ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Nghệ thuật đảo ngữ đưa động từ mạnh “xiên, đâm” lên đầu câu thơ diễn tả sự ngang ngạnh, bướng bỉnh, phá phách của thiên nhiên. Đám rêu mềm yếu mà cũng không mềm yếu, chúng bứt phá khỏi lớp đất dày. Đá dù mấy hòn nhưng cũng muốn đâm toạc chân mây. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi khao khát bứt phá giới hạn của người phụ nữ, muốn xé toạc cái thành kiến của xã hội để tự khẳng định mình. Tính cách này còn được nữ sĩ thể hiện ở một bài thơ khác:

“Giơ tay với thử trời cao thấp

Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài.”

Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ luận còn làm nổi bật sự vùng lên, phá ngang của thân phận đất đá cỏ cây, cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Nữ sĩ như đang vạch đất vạch trời để hờn oán, cũng diễn tả nỗi bất công của người phụ nữ. Qua đó ta thấy được một Hồ Xuân Hương mang khát vọng hạnh phúc mãnh liệt.

Đến hai câu cuối bài thơ, cả nỗi đau trần thế như dồn tụ lại đáy lòng một người đàn bà cô đơn, khao khát được sống trong hạnh phúc, được làm vợ, làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Nhưng hồng nhan thì bạc mệnh! Đêm càng về khuya, người phụ nữ ấy không thể nào ngủ được:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.”

“Ngán” ở đây là chán ngán, là ngán ngẩm. Nữ sĩ đã mệt mỏi trước thân phận éo le, bẽ bàng, muốn buông bỏ. Nghệ thuật lặp từ được sử dụng hiệu quả trong câu thơ. Từ “xuân” được đặt trong câu thơ mang hai ý nghĩa: mùa xuân và tuối xuân. Mùa xuân của đất trời theo tuần hoàn lặp lại, còn đối với người phụ nữ, tuối xuân sẽ mãi ra đi. Trong tình cảnh này, lòng người càng thêm chán ngán. Thêm một mùa xuân là lại thêm một nỗi buồn lớn hơn:

“Ngày xuân tuổi hạc càng cao

Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng.”

(Nguyễn Khuyến)

Hay trong thơ của mình, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng từng viết:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thẳm lại.”

Thời gian luôn là nỗi ám ảnh trong thơ Hồ Xuân Hương. Vì vậy, đây là lần thứ ba bà nói đến thời gian. Bởi lúc này, tuổi xuân của nữ sĩ đã trôi xa nhưng hạnh phúc vẫn xa vời, vẫn ngoài tầm tay với, vẫn chưa một lần tròn trịa viên mãn. Và Xuân Hương đã cảm nhận sự chảy trôi của thời gian với bao xót xa tiếc nuối.

Câu thơ cuối với thủ pháp nghệ thuật tăng tiến được sử dụng rất tài tình nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. Mảnh tình đã bé lại còn phải “san sẻ” cho nên cái nhận được lại càng ít ỏi. Còn một “tí” rồi lại “con con” cho nên càng xót xa tội nghiệp. Âm điệu, nhịp điệu câu thơ giống như một tiếng thở dài buông xuôi. Và đằng sau tiếng thở dài ngao ngán ấy là niềm ao ước mãnh liệt của nhân vật trữ tình về tình yêu và hạnh phúc. Hai câu thơ có thể được viết lên từ tâm trạng của một người gặp nhiều trắc trở, éo le trong tình duyên. Hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần chồng mất sớm. Câu thơ là tâm trạng cũng như cảnh ngộ của nữ sĩ, càng khao khát hạnh phúc, càng thất vọng; mơ ước càng lớn, hiện thực càng mong manh.

Không chỉ vậy, người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến còn biết chăm lo cho gia đình mà không quản nắng mưa. Điều đó đã được Tú Xương thể hiện thành công qua tác phẩm "Thương vợ"

Mở đầu tác phẩm, Tú Xương giới thiệu về hoàn cảnh và công việc mưu sinh của bà Tú, qua đó bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người vợ tảo tần sớm mai của mình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dần dần mở ra với bức tranh toàn cảnh đầy nỗi khó nhọc, lo toan của bà Tú. Ông Tú tỏ lòng thương vợ bắt đầu bằng sự tính công. Có thời gian cụ thể: “quanh năm”; không gian cụ thể: “mom sông” càng làm nổi bật lên sự lam lũ, vất vả quần quật của bà Tú. Nơi buôn bán để kiếm miếng cơm manh áo của bà Tú là “mom sông”- là một chỗ đất nhô ra ở bờ sông, nơi ít người qua lại, sóng nước gập ghềnh gợi sự cheo leo, chênh vênh, nhiều bất trắc. Thế nhưng “quanh năm” nghĩa là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác như một vòng tuần hoàn khép kín, dù ngày nắng hay mưa,ốm đau hay khỏe mạnh bà Tú lại quẩy quang gánh ra nơi “mom sông” ấy để buôn bán. Và điều cảm động, đáng để khâm phục bà Tú là nhịp độ làm việc không ngừng nghỉ tai một nơi làm ăn, buôn bán khó khăn nhưng không phải chỉ để nuôi thân mà “Nuôi đủ năm con với một chồng’. Đâu còn thấy hình ảnh:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Mà trái lại đó là loại chồng: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm”, loại chồng “Thưng đấu nhờ lưng một mẹ mày”. Người chồng là trụ cột của gia đình, gánh vác việc nặng nhọc để cưu mang cuộc sống cho vợ con vậy mà ở đây, trong câu thơ này ông Tú cảm thấy mình như một người “thừa”, một kẻ vô dụng, một đứa con dại phải nuôi. Tú Xương kể công vợ bằng cách tự “xếp hàng” cùng các con để đếm. Số từ “năm, một” cho thấy bà Tú nuôi ông cũng ngang với nuôi năm đứa con, thậm chí còn vất vả hơn, bởi ông Tú không chỉ ăn no uống say, mặc lành mặc ấm mà còn phải diện đẹp, tiêu pha, phải đầy đủ cho các thú phong tình. Liên từ “với” tạo nên thế cân  bằng giữa ông và năm đứa con. Ta thấy sự mỉa mai, chế giễu chính mình của Tú Xương: mình cũng trở thành gánh nặng của vợ. Cách dùng từ “nuôi đủ” rất độc đáo. Nuôi đủ là không thiếu không thừa, càng làm bật lên sự vất vả tần tảo của bà Tú. Có thể nói, bà Tú “nuôi đủ” cho Tế Xương không chỉ chu toàn cho ông “chăn ấm, nêm êm” mà còn lo cho ông đủ thứ cao sang tốn kém khác để khiến ông phải nở mày nở mặt vì suy cho cùng, Tế Xương vẫn là một tú tài, là người có chí thi cử công danh:

“Biết thuốc lá, biết chè tàu,
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.”

Hay:

“Hôm qua anh đến chơi đây,
Giày “giôn” anh dận, “ô Tây” anh cầm.”

Hai câu đề mở đầu thi phẩm tuy chỉ gói gọn trong mười bốn chữ nhưng đã thể hiện được tất cả những đức tính cao đẹp nơi bà Tú với sự chịu thương chịu khó, tần tảo không quảng nắng mưa để chu toàn mọi việc trong gia đình. Qua đó còn thể hiện sự biết ơn, trân trọng, ngưỡng mộ của Tú Xương dành cho vợ.

Thấu hiểu được những nỗi lo toan, vất vả của người vợ vĩ đại của mình, Tú Xương liên tưởng đến hình ảnh con cò năm xưa để cực tả nỗi khổ tâm mà bà Tú đang trải qua trong hai câu thực:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Hình ảnh con cò trong lời thơ của Tú Xương gợi đến hình ảnh quen thuộc, thường gắn với số phận, cảnh ngộ của người phụ nữ trong những câu ca dao xưa:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.”

Hay

“Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.”

Từ cái cò, con cò trong ca dao đã trở thành “thân cò” trong thơ Tú Xương. “Thân cò” chất chứa sự cảm thông, chia sẻ truớc nỗi  đau thân phận. Hơn thế nữa, thân cò không chỉ rợn ngợp, bé nhỏ trước bờ sông heo hút hay trong đêm tối mênh mông mà còn heo hút rợn ngợp trước cả hai chiều không gian và thời gian. Bởi “quãng vắng” là chỉ không gian nhưng “khi quãng vắng” lại hàm chứa cả thời gian. Nghệ thuật đối “khi quãng vắng- buổi đò đông” nhấn mạnh hơn vào nỗi vất vả, cực nhọc, gian truân của bà Tú. Bà Tú tuy xuất thân là “con gái nhà dòng” nhưng cũng phong trần, lấm láp như ai, ngày ngày lặn lội, bươn chải để nuôi chồng nuôi con.

Nếu như câu thơ thứ ba gợi nỗi cực nhọc đơn chiếc thì câu thơ thứ tư lại là sự vật lộn đầy cam go của bà Tú giữa thời buổi mua bán đông đúc:

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Một lần nữa, biện pháp nghệ thuật đảo ngữ lại được sử dụng trong lời thơ của Tú Xương. Đưa từ láy “lặn lội” và “eo sèo” lên đầu câu thơ giúp người đọc như nghe rõ được âm thanh của tiếng bước chân lội nước trong không gian vắng lặng cũng như tiếng kì kèo tranh mua tranh bán của buổi đò đông. Càng thương hơn bởi âm h ưởng nức nở dội về từ câu ca dao xưa:

“Con ơi nhớ lấy câu này

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.”

Bằng cách đảo những từ láy hô ứng vừa giàu tính tạo hình vừa giàu tính biểu cảm “lặn lội”, “eo sèo” lên đầu câu thơ kết hợp với hai hình ảnh đối nhau rất chỉnh “khi quãng vắng”– “buổi đò đông”, hình tượng người vợ đã hiện lên với tất cả niềm tự hào của nhà thơ.

Đến với những câu thơ tiếp theo, Tú Xương như nhập vai vào chủ thể trữ tình nhằm mượn lời tâm sự của vợ để ngầm ca ngợi những công lao âm thầm vì chồng vì con mà bà Tú đang gồng gánh trên vai:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.”

Theo quan niệm phong kiến xưa, “duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức thiêng liêng về mối quan hệ vợ chồng do trời định sẵn, xuất phát từ số phận, từ sợi chỉ hồng của ông Tơ bà Nguyệt:

“Kiếp người sao mãi long đong,
Ông tơ bà Nguyệt chỉ hồng se duyên”

Thế nhưng khi đi vào lời thơ của một bậc thức giả dày dặn kinh nghiệm như Tú Xương, định nghĩa đó dường như đã đánh mất đi tính chất quyền quý của mình mà trở nên nặng nề vô cùng như một lời than thở khi “duyên” thì chỉ có một mà “nợ” lại hai:

“Một duyên, hai nợ, ba tình,
Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh”.

Bên cạnh đó, cách sử dụng hai thành ngữ xưa song song với nhau “Một duyên hai nợ”- “năm nắng mười mưa” vừa đối nhau về từ: một- hai, năm- mười, vừa đối nhau về ý, không những khiến cho nhạc thơ bỗng trầm lắng trước nỗi khổ tâm chồng chất ngày một dâng lên theo cấp số nhân mà còn thể hiện rất rõ tài năng văn chương điêu luyện của thi sĩ. Có thể nói, dẫu có khó khăn muôn trùng, chông gai trước mắt, “nợ” nghiêng về mình nhưng bà Tú chưa một lần chùn bước mà chỉ gật đầu nhẫn nhục cho qua. Quả là một người mẹ, người vợ giàu đức hi sinh!

Từ việc pha trộn lời thơ đan xen những thành ngữ cùng với các phép đảo ngữ được sử dụng rất tinh tế, nhà thơ Tú Xương đã khắc họa thành công tấm chân dung một người vợ kết tinh đầy đủ đức hi sinh, sự nhẫn nại, sự tần tảo chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Qua đó, ông còn ngầm ý bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến người vợ thân thương của mình khi bà đã quên đi cái tôi mà gánh vác hết mọi trách nhiệm của một trụ cột trong gia đình. Thật vậy:

“Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.”

“Thơ là tiếng lòng”. Và tiếng lòng cả Tú Xương đã được ông bộc lộ rõ nhất qua hai câu thơ kết. Vì quá thương vợ, quá thương cho phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột, Tú Xương tự trách bản thân mình và thông qua đó cũng nói lên tiếng chửi vừa đắng cay vừa phẫn nộ cho định kiến khắt khe “trọng nam khinh nữ” đã biến ông thành một kẻ vô tích sự :

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dường như có sự chuyển biến đột ngột khi giờ đây, Tú Xương không còn “ẩn mình” sau những vần thơ để tán dương vợ nữa mà ông đã chịu xuất hiện để nói thay cho sự oán trách chồng, trách phận của bà Tú. “Cha mẹ thói đời” thật là một cách nói có phần thô cứng, nhưng lại rất phù hợp với phong cách thơ ca trào phùng của thi sĩ. Đó là sự giận đời, hận đời vì cái xã hội “Tây tàu lố lăng” lúc bấy giờ không cho phép ông san sẻ gánh nặng gia đình cùng vợ. Không phải lần này ông Tú mới chửi như thế. Trong bài “Gặp người ăn xin”, ông cũng từng cất tiếng chửi:

“Người đói ta đây cũng chẳng no

Cha thằng nào có tiếc không cho.”

Tú Xương chửi đời nhưng cũng tự chửi mình, tự chửi cái thói sĩ diện của một đấng nam nhi đang trên đường công danh, thói gia trưởng chỉ biết ngồi than vãn sự đời. Tú xương coi mình như kẻ vô tâm, “ăn ở bạc” với vợ con, luôn luôn “hờ hững” trong trách nhiệm và vai trò của một kẻ làm cha, làm chồng. Nhưng nguyên nhân đằng sau chính là xã hội lem luốc kia đã đẩy ông vào bước đường cùng khiến cho người vợ vốn thuộc dòng dõi cao quý phải chịu khổ. Đau đớn thay:

“Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ”

(Văn tế sống vợ – Trần Tế Xương)

Hai câu thơ khép lại tác phẩm là lời tự rủa mát mình của Tú Xương nhưng lại mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc góp phần khẳng định tình cảm của ông đối với bà Tú là vô bờ bến. Người chồng ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng không hề ở bạc, hờ hững mà rất chu đáo, luôn dõi theo từng bước đi của bà trên đường đời và đặc biệt là luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vợ. Thi phẩm kết thúc thật bất ngờ: vừa thấm đượm cái bi, cái bất hạnh trong niềm riêng của tác giả, lại vừa dí dỏm, hài hước.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm