Phân tích khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính Tây Tiến qua đoạn thơ: " Sông mã xa rồi Tây Tiến ơi ..................….....…................... Mai Châu mùa em thơm nếp xôi " Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
1 câu trả lời
** Em tham khảo dàn ý và bài viết dưới đây nhé **
* Dàn ý
A. Mở Bài
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
- Khái quát nội dung 14 câu thơ đầu.
- Dẫn dắt vấn đề
B. Thân bài
1. Khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc
a. Hai câu thơ mở đầu:
“ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.”
- Câu 1: nhắc tới 2 danh từ – điểm về, nơi đến của nỗi nhớ.
+ Hình ảnh “Sông Mã”: con sông gắn với đời lính => như gợi thức nỗi nhớ ùa về trong tâm hồn nhà thơ.
+ Tây Tiến: Đoàn binh.
+ Ngắt nhịp 4/3.
=> Câu thơ đầu với tiếng gọi đầu tiên là tiếng gọi đồng đội.
- Câu 2: Điệp từ "nhớ” (2 lần), từ láy "chơi vơi”, điệp âm "ơi” ( 3 lần) => Tạo tính nhạc, hình tượng hoá nỗi nhớ.
+ Nhớ rừng núi: Không gian mênh mông của miền Tây.
+ Nhớ “chơi vơi” ( 2 thanh bằng, nhẹ, lan toả) => gợi cảm giác nỗi nhớ vô hình, vô lượng, không thể đo đếm, nhớ mơ hồ, đầy ám ảnh, nỗi nhớ luôn lơ lửng, ăm ắp khôn nguôi.
=> Cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ, bài thơ là nỗi nhớ.
b. Bức tranh thiên nhiên vừa dữ dội, hoang vu, hiểm trở vừa thơ mộng, trữ tình của núi rừng
* Bức tranh thiên nhiên dữ dội, hoang vu, hiểm trở:
+ BPNT liệt kê nhắc tới một loạt các địa danh ở miền Tây ấn tượng, khó quên trong đời lính.
+ Sương rừng: ở Sài Khao, Mường Lát: tên đất lạ lẫm, gợi 1 vùng xa xôi, hẻo lánh, bản làng, vùng đất người lính đã đi qua.
> Sương lấp đoàn quân mỏi => Sương rừng mờ ảo, phủ dày đặc che kín như vùi lấp cả đoàn quân/ Màn sương mờ của kỉ niệm – nỗi nhớ thương.
> Đoàn quân mỏi => gợi một cuộc hành quân dãi dầu đầy gian khổ của những người lính Tây Tiến.
+ Dốc núi, vực sâu (ba câu thơ tiếp)
> NT sử dụng nhiều từ láy: "khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút”
> Điệp từ: “dốc”
=> Diễn tả sự hiểm trở với những con đường quanh co, gập ghềnh, đứt đoạn của núi rừng Tây Bắc.
> NT nhân hoá “súng ngửi trời”, phép đảo "hun hút cồn mây”
=> Nhấn mạnh cảm giác hoang vắng, trống trải nơi người lính đi qua chưa một dấu chân người. Đây là cách nói tinh nghịch, súng trở nên có hồn.
> NT tương phản, điệp từ "ngàn thước”: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
=> Câu thơ như bẻ gãy làm đôi làm cho người đọc như thấy được rất rõ chiều cao của núi, độ cao chót vót của dốc, sâu hun hút của vực. Con đường gập khúc đột ngột, hiểm trở, hun hút.
=> Sử dụng từ láy giàu chất tạo hình, gợi tả, gợi cảm; những câu thơ toàn thanh trắc đã phác hoạ một bức tranh hoành tráng với tất cả sự hiểm trở và dữ dội, hoang vu và heo hút của núi rừng miền Tây (thi trung hữu hoạ).
+ Núi rừng qua nét vẽ ấn tượng:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
> NT nhân hoá: "Thác gầm, cọp trêu”
=> Gợi tả dữ dội, hoang sơ, bí hiểm và đầy đe dọa của núi rừng miền Tây.
> Thanh: 2 thanh trắc âm vực cao "thác", "thét”; 2 thanh nặng âm vực thấp "hịch", "cọp”.
=> Sự de doạ nặng nề của thú dữ ở vùng thấp tối .
> Từ láy "chiều chiều, đêm đêm”
=> Tuần hoàn, lặp lại, vĩnh hằng của thời gian.
=> Núi rừng miền Tây là nơi ngự trị muôn đời của sức mạnh thiên nhiên dữ dội, bí hiểm.
* Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình
+ Hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” là hoa của thiên nhiên hay con người? Chỉ biết rằng nó gợi một cảm giác nhẹ nhàng, êm ả, đẩy lùi nỗi nhọc nhằn của người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân.
+ Mưa rừng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
> NT: Tất cả âm tiết là thanh bằng, thanh không, âm mở (chữ cái tận cùng là nguyên âm); ẩn dụ "khơi” – biển mưa.
=> Không gian mênh mông chìm trong mưa nguồn suối lũ.
+ Cơm lên khói, mùa em thơm nếp xôi
+ Mùa em: mùa lúa chín; liên tưởng xao xuyến nồng nàn trước nụ cười rạng rỡ, ánh mát sóng sánh từ tình người miền Tây.
+ “Nhà ai”: vừa phiếm chỉ, vừa nghi vấn.
=> Người lính dừng chân nghỉ ngơi ở thung lũng mưa, đưa mắt nhìn và thấy ngôi nhà thấp thoáng. Hình ảnh mang cảm giác chạnh lòng nhớ vể gia đình, người thân; ấm áp, yên bình như được an ủi trên đường hành quân của chàng lính xa nhà.
2. Hình ảnh người lính Tây Tiến đi hành quân:
- Hồn nhiên, tinh nghịch: súng ngửi trời, cọp trêu người (chất lính).
- Kí ức về người lính trên đường hành quân:
“ Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.”
+ Anh bạn: gọi đồng đội tình cảm thân thiết, gắn bó.
+ Từ láy dãi dầu: vất vả, khó khăn, nhọc nhằn mà người lính phải đối mặt, vượt qua trên đường hành quân.
+ Không bước nữa, bỏ quên đời: Có thể hiểu là nghỉ ngơi buông mình vào giấc ngủ vô tư lự trẻ trung / có thể hiểu kiệt sức – xót xa / có thể hiểu là cái chết nhẹ nhõm quên đời.
=> Nổi bật chất bi tráng, thể hiện vẻ đẹp ngang tàng, anh dũng, ngạo nghễ, bi mà không luỵ, tinh nghịch bông đùa với cái chết, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
C. Kết Bài
- Đánh giá chung
- Nêu cảm nghĩ
** Bài viết tham khảo
Cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, nhà thơ Quang Dũng đã viết bài thơ “Tây Tiến”. Bài thơ ra đời khi những cảm xúc, kí ức của tác giả về những ngày chiến đấu ở binh đoàn Tây Tiến còn chưa xa, còn nóng bỏng trong tâm trí nhà thơ. Ban đầu, nhà thơ đặt tên là: “Nhớ Tây Tiến”, lần sau in lại ông bỏ từ “nhớ” đi, bởi từ “nhớ” ở đầu đề bài thơ là thừa. Không cần dùng từ “nhớ” bởi Tây Tiến ngay từ những câu thơ đầu tiên đã thấy hiển hiện một nỗi nhớ da diết khắc khoải như có hình có khối trong lòng người. Tình cảm ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần để ngòi bút Quang Dũng đi vào miêu tả, tái hiện lại chặng đường hành quân gian khổ của người lính trong binh đoàn Tây Tiến.
Bài thơ “Tây Tiến” có thể chia làm ba phần chính, tái hiện những mảng màu khác nhau trong bức tranh về đời sống chiến đấu của người lính. Đoạn trích nói trên ở phần đầu tác phẩm vẽ nên cảnh hiểm trở, hoang sơ mà hùng vĩ nên thơ của núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân đầy gian khổ của người lính.
Mở đầu bài thơ “Tây Tiến” là một tiếng gọi thiết tha, cất lên từ miền xa thẳm của nỗi nhớ trong kí ức, dòng chảy cảm xúc như được khơi mạch bắt đầu từ tiếng gọi ấy:
“Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.”
Kỉ niệm sống dậy, tràn ngập trong tâm hồn nhà thơ nỗi niềm bâng khuâng nhớ tiếc; nhớ tiếc những tháng ngày hành quân cùng binh đoàn Tây Tiến giữa miền đất Tây Bắc kì vĩ. Nhớ tiếc cái quá khứ chia xa, nhưng giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Câu thơ thứ hai có điệp từ “nhớ” như để tô đậm, khắc sâu, gia tăng sắc thái, ý nghĩa cho nhau. Từ "nhớ" thứ nhất hướng về một đối tượng cụ thể (núi rừng). Từ “nhớ” thứ hai chỉ tính chất nhớ của nỗi lòng. Trước Quang Dũng đã có nhiều người viết hay, viết nhiều về nỗi nhớ: như nhớ bồi hồi, bồn chồn nhớ đôi mắt, nhớ tiếng…
Nhưng có lẽ trạng thái "chơi vơi", thì hình như là sáng tạo táo bạo, độc đáo của Quang Dũng. Với từ “chơi vơi”, một từ láy vừa gợi cảm, vừa gợi hình, nỗi nhớ như bỗng có hình dáng chông chênh, bồng bềnh bồng bềnh trong không gian bao la, trong thời gian xa thẳm, bâng khuâng, lửng lơ mà lưu luyến đầy ắp nhớ thương gợi cho người đọc một ấn tượng rất thú vị. Hai câu thơ đều được kết bằng âm “ơi”, là âm mở khiến cho lời thơ như lan tỏa mênh mang, như tiếng gọi thiết tha, như chiều sâu nỗi nhớ da diết pha lẫn tiếc nuối.
Từ nỗi nhớ chơi vơi, mạch cảm xúc của bài thơ như tuôn chảy dưới ngòi bút của Quang Dũng, tái hiện sinh động khung cảnh núi rừng miền Tây hiểm trở, dữ dội hoang sơ, mà giàu chất thơ và con đường hành quân đầy gian khổ của người lính:
“ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Những địa danh Sài Khao, Mường Lát…đi vào trong lời thơ gợi cái hoang vu xứ lạ. Người lính Tây Tiến đi trong màn sương dữ dội, dày đặc. Sương như lấp cả Sài Khao hay lấp đoàn quân mỏi đang đi. Câu thơ trên đọng lại ở chữ “mỏi” như hơi thở nặng nhọc của con người, thì câu thơ dưới, cảm giác mệt mỏi được xóa đi bởi những hình ảnh đẹp lung linh như trong cõi mộng: “Hoa về trong đêm hơi”. Đây là hình ảnh đầy sáng tạo, một hình ảnh thơ mang đậm tâm hồn một thi nhân. Nó xuất phát từ hiện thực cuộc sống là đoàn người đi phải đốt đuốc trong đêm Tây Bắc mịt mù sương núi. Nhưng với con mắt lãng mạn tinh tế, bằng hàng loạt thanh bằng,Quang Dũng đã nâng thực tế đó lên thành hình ảnh diễn tả trạng thái lâng lâng như sương, như hương, như hoa như hồn người. Thật là một câu thơ rất tài hoa, lãng mạn.
Tiếp tục cảm hứng lãng mạn tài hoa ấy, khung cảnh núi rừng miền Tây với thác lũ mưa nguồn cùng con đường hành quân cheo leo trên dốc núi, trong sương mờ, bên vực thẳm cứ lần lượt hiện ra như một cuốn phim màu quay chậm, theo bước chân hành quân của người lính:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai pha luông mưa xa khơi.”
Miền Tây Tổ quốc xa xôi với đủ núi cao vực thẳm dường như sống dậy trước mắt người đọc. Bốn câu thơ sử dụng nhiều tính từ là từ láy rất tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút...cùng với các điệp từ, điệp ngữ, tiết tấu nhịp điệu, âm thanh...tất cả như để nhấn mạnh hơn sự hiểm trở, dữ dội, hoang vu, heo hút, điệp trùng và độ cao ngất trời của núi rừng miền Tây Tổ quốc. Dường như dốc nọ nối tiếp dốc kia gập ghềnh thăm thẳm để thử thách lòng nhẫn nại dũng cảm, can trường của người lính. Câu thơ như bẻ đôi gây cảm giác hai sườn núi vút lên đổ xuống gần như thẳng đứng. Thiên nhiên chênh vênh dựng đứng là lời thách thức bước chân chinh phục của người lính Tây Tiến. Và trên nền khung cảnh thiên nhiên ấy, chi tiết “súng ngửi trời” như đưa tư thế người lính vượt lên trên sự heo hút hiểm trở của núi rừng. Hai chữ “ngửi trời” được dùng rất tự nhiên, độc đáo và cũng thật khỏe khoắn tinh nghịch. Nhất là từ “ngửi” tạo được một hình ảnh nhân hóa. Mũi súng như đang ngửi để thăm dò, nhận biết, thưởng thức cái hương vị của mây trời. Nhờ đó mà thiên nhiên trở nên gần gũi với con người và người lính được nâng lên một tư thế rất đỗi tự hào. Đó là tư thế chiến thắng của những con người tươi trẻ lạc quan yêu đời trước thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoành tráng. Đúng như Tố Hữu đã viết:
“Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”
Giọng thơ gân guốc hào hùng bởi rất nhiều thanh trắc bỗng dịu đi tha thiết bâng khuâng bởi câu thơ kết toàn thanh bằng, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Âm hưởng nhịp nhàng, nhè nhẹ của những thanh bằng cộng với cách ngắt nhịp câu thơ 2-2-3 như kéo dài âm điệu mượt mà trong lời thơ, vẽ ra một không gian mênh mang, bao la. Không gian ấy được thu vào tầm mắt người lính Tây Tiến từ một thế đứng rất “lính”. Người lính đã nhìn lên, nhìn xuống, đến đây như dừng chân bên dốc núi phóng tầm mắt nhìn ngang ra xa để thấy nhà ai đó thấp thoáng, ẩn hiện sau một không gian mịt mùng, sương rừng mưa núi.
Vừa tiếp nối mạch cảm xúc về thiên nhiên Tây Bắc vừa làm nổi rõ hình ảnh người lính:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Tây Băc dữ dội hoang sơ không chỉ được mở ra theo chiều không gian, theo những địa danh xứ lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch…mà còn được khám phá ở cả chiều dài thời gian. “Chiều chiều”, “đêm đêm” là những điệp từ nhấn mạnh cái hoang vu, dữ dội và cái uy lực ghê rợn của thiên nhiên, dường như chỉ có thác gầm và cọp hú ngự trị ngày đêm.
Trên nền thiên nhiên kì vĩ hoang dã, nỗi nhớ của nhà thơ với đồng đội của mình trở nên day dứt, trầm lắng đi, khi nghĩ đến những người bạn đã “bỏ quên đời” giữa chặng đường hành quân gian khổ:
“Anh bạn giãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Không nên hiểu câu thơ theo ý nghĩa người lính mệt mỏi gục lên súng mũ quên hết thảy sự đời. Hiểu như thế e làm mất đi vẻ hào hùng, khí phách đẫm chất bi tráng của người lính nổi bật trên nền núi rừng hiểm trở. Ở đây Quang Dũng miêu tả cái chết của đồng đội như một sự xả thân cho lí tưởng. Người lính chết mà vẫn cầm chắc tay súng, chết trong tư thế lên đường, tư thế hành quân. Đây là hình ảnh vừa bi vừa hùng làm tỏa sáng vẻ đẹp lí tưởng của người lính. Khắc họa sự hi sinh của người chiến sĩ trong tư thế chiến đấu là hình ảnh được nhiều nhà thơ xây dựng, ngợi ca. Đó là người lính trong thơ Chính Hữu:
“Bạn ta đó chết trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng
Chân lưng chừng nửa bước xung phong”
Đó là hình ảnh giải phóng quân hiên ngang trong thơ Lê Anh Xuân:
“Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đàng hoàng nổ súng tiến công”
Giữa những kỉ niệm đầy gian nan khổ ải, đoạn thơ Quang Dũng khép lại bằng những kỉ niệm ấm áp, vút cao như một tiếng hát vui:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp sôi”.
Âm điệu đang căng thẳng bi thương, bỗng chuyển sang êm ả thanh bình. Nhớ về Tây Tiến, nhà thơ không thể quên tình cảm quân dân trong những tháng ngày hành quân dãi dầu gian khổ. Trên con đường gian lao, một hôm nào đó người lính đã dừng chân ở một bản làng giữa rừng sâu. Nơi đây, các anh đã được đồng bào, đặc biệt là các cô gái: Mèo, Mán, Mường… xinh đẹp như những bông hoa rừng đón tiếp niềm nở bằng những bữa cơm nếp xôi mà khói hương từ đấy cứ thơm ngát mỗi bước quân hành. Đúng như nhà thơ Quang Huy đã viết:
“Buổi anh đi em hơ tàu chuối ngự
Nắm xôi rền thơm mãi giữa hàng quân.”
Câu thơ của Quang Dũng có từ “ôi” để gợi lên nỗi nhớ, “nhớ ôi” như tiếng nói hoài niệm, sao xuyến cháy bỏng trong trái tim nhà thơ. Bữa cơm đầu lên khói tỏa lan mùi nếp xôi gợi nhớ tới không khí gia đình đầm ấm, xua tan đi cảm giác heo hút trống vắng ở tâm hồn những người chiến sĩ còn rất trẻ. Cách nói của Quang Dũng trong câu thơ rất lạ, không phải Mai Châu nhà em mà là “Mai Châu mùa em”. “Mùa” ở đây phải chăng là mùa của nỗi nhớ về những tấm lòng thơm thảo, của kỉ niệm một mốc thời gian đã trở thành dấu ấn in sâu trong trái tim người chiến sĩ. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:
“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”