2 câu trả lời
Xuân Quỳnh là người con của vùng đất Hà Thành. Nữ sĩ là một trong những nhà thơ viết thơ tình hay nhất trước 1975, là nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên vừa tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Trong sáng tác của mình Xuân Quỳnh đã để lại cho bao nhiêu thế hệ rất nhiều tác phẩm hay và giàu ý nghĩa. Tiêu biểu là bài thơ “Sóng”, đây chính là tiếng thơ bày tỏ trực tiếp những khao khát sôi nổi, mãnh liệt mà chân thành, tự nhiên của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. Và nổi bật lên trong bài “Sóng” là viết về nỗi nhớ, sự thủy chung được thể hiện qua đoạn thơ sau:
“Con sóng dưới lòng sâu
…
Hướng về anh một phương”
Bài thơ “Sóng” là kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền-Thái Bình cuối năm 1967 và được đưa vào tập thơ “Hoa dọc chiến hào”- Tập thơ đầu tay của Xuân Quỳnh vào năm 1968. Những năm tháng mà khắp nơi trên đất nước này đều diễn ra “cuộc chia li màu đỏ”. Vậy nhưng Xuân Quỳnh không viết về những tình cảm lớn của con người Việt Nam thời kháng chiến mà người phụ nữ ấy viết về tình yêu. Vì thế bài thơ được xem là bông hoa lạ “nở dọc chiến hào” trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước.
Hình tượng xuyên suốt bài thơ vẫn là hình tượng “sóng”- sóng ở đây được Xuân Quỳnh gửi vào đó bằng cả tâm hồn người con gái khi đang yêu. Mượn sóng để nói đến người phụ nữ và tình yêu của họ. Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng là tiếng lòng riêng tư rất đỗi đời thường của Xuân Quỳnh. Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và dâng hiến trong tình yêu, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái. Nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh cái khát vọng rất đỗi chân tình, đời thường của con người đó được bộc bạch, mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ này, một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha, sôi nổi của một trái ttim phụ nữ đang rạo rực, đang khát khao yêu thương.
Tình yêu cũng như những con sóng, người ta chỉ nhìn thấy những con sóng trên mặt nước ngày đêm vỗ vào bờ nhưng sóng biển không chỉ có những con sóng hiện hữu mà chúng ta nhìn thấy mà còn có những con sóng âm ỉ dưới lòng đại dương âm thầm và mãnh liệt.
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
Cũng như sóng – tình yêu của người phụ nữ không chỉ được nhìn thấy qua vẻ bên ngoài mà còn là tận đáy sâu trong tâm hồn người phụ nữ mà chỉ những ai thật tinh tế nhạy cảm, có chiều sâu tâm tưởng mới có thể nhận ra những ẩn kín ấy trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Xuân Quỳnh khéo léo dùng phép nhân hóa để khẳng định dù con sóng trên mặt nước hay dưới lòng sâu thì vẫn luôn nhớ bờ thao thức, ngày đêm không ngủ:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Con sóng ngày đêm không ngủ bởi nỗi nhớ bờ hay chính là nỗi nhớ rạo rực, da diết của người con gái khi yêu? Nỗi nhớ ấy chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, cả trong những giấc mơ
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Trong tình yêu không chỉ không thể tìm ra ngọn nguồn của tình yêu mà nhiều khi có những điều phi lí của cuộc sống lại trở nên có lí trong tình yêu. Ngay cả trong giấc mơ mà vẫn còn thức để nhớ đến anh. Phải chăng tình yêu là như thế.Yêu là nhớ! Nỗi nhớ choán đầy, nồng nàn, da diết, mãnh liệt. Nhớ cả trong mơ cũng như khi còn thức, nỗi nhớ không chỉ chiếm lĩnh ý thức mà thấm sâu vào cả tiềm thức, yêu anh là nghĩ về anh, luôn luôn nghĩ về anh. Xuân Quỳnh đã diễn đạt nỗi nhớ thật độc đáo. Nỗi nhớ cứ tồn tại, hiện diện trong tâm hồn, nó không bao giờ lắng xuống là luôn trào dâng mãnh liệt, quay quắt không nguôi.
Người con gái khi yêu không chỉ táo bạo, mãnh liệt, dám thổ lộ, dám bày tỏ khát khao tình yêu mãnh liệt mà còn mang trong mình vẻ đẹp truyền thống của người con gái thủy chung, nghĩa tình.
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Điệp từ “dẫu”như khẳng định bao nhiêu thử thách, khó khăn phải vượt qua dù không gian mở rộng đa chiều với phương bắc và phương nam đầy xa cách. Nhưng Xuân Quỳnh có cách thể hiện thật đặc biệt. Theo lẽ thường người ta thường nói ngược Bắc, xuôi Nam vậy nhưng Xuân Quỳnh lại diễn tả thật đặc biệt xuôi Bắc, ngược Nam như muốn tô đậm những trắc trở trong cuộc sống, những khó khăn trong tình yêu nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, dù điều gì xảy ra thì người con gái ấy vẫn mãi thủy chung, hướng về người con trai với tình yêu trọn vẹn, duy nhất. Chính tình yêu mãnh liệt ấy như là một động lực để nhà thơ tin tưởng vào tình yêu của chính mình như con sóng kia mãi vỗ vào bờ.
Đoạn thơ trên trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, tác giả không chỉ thành công ở nội dung mà còn thành công ở mặt nghệ thuật trong việc sử dụng thể thơ năm chữ truyền thống, cách ngắt nhịp gieo vần độc đáo, giàu sức liên tưởng, xây dựng hình tượng ẩn dụ, giọng thơ tha thiết
Qua đoạn thơ Xuân Quỳnh đã khắc họa về nỗi nhớ mãnh liệt và lời thề thủy chung tuyệt đối trong tình yêu dù đi đâu về đâu vẫn hướng về người mình thương nhớ, chờ đợi. Đồng thời nữ sĩ còn thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu được thể hiện qua hình tượng sóng. Tình yêu tha thiết nồng nàn đầy khát vọng vượt lên trên giới hạn của đời người. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã để lại trong lòng bạn đọc một dấu ấn sâu sắc, khó phai nhòa. Trong biển lớn tình yêu cuộc đời hôm nay đã có biết bao con sóng tới bờ và tìm về bờ . Tình yêu vẫn luôn luôn là đề tài hấp dẫn với mọi lứa tuổi để mọi người đi tìm lời giải đáp cho ẩn số tình yêu trong một hành trình tìm kiếm không mệt mỏi. sống là được yêu, yêu là sống hết mình với cuộc đời vốn rất nhiều yêu thương này.
"Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương"
Ở khổ thơ này ta nhận thấy rõ được tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ, cái sâu sắc và bao la của nỗi nhớ luôn được tâm hồn đang yêu soi vào sóng để diễn tả. Tình yêu đó tràn đầy cả tầng sâu và bề rộng, chiếm lĩnh trọn cả ngày lẫn đêm.
"Sóng trên mặt nước" là biểu hiện nỗi nhớ khi thương, còn "con sóng trên mặt nước" là nỗi nhớ âm thầm lắng sâu trong cõi lòng và ngay cả lúc giận dỗi vẫn nhớ đến anh. Hai câu thơ "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức" cho ta thấy rõ được tấm lòng đang yêu của cô gái, đó là thứ tình yêu trong sáng và mãnh liệt. "Em" nhớ đến "anh" ngay khi cả trong mơ, cho dù bàn chân có đang "xuôi về phương Bắc" hay "ngược về phương Nam" thì trái tim vẫn chỉ có một hướng duy nhất là "anh". Có thể thấy đây là một nỗi nhớ da diết nhưng cũng không kém phần táo bạo, say đắm của khát vọng tình yêu. Đoạn thơ trên vừa là tiếng nói của người phụ nữ trong nỗi nhớ được viết với thủ pháp nghệ thuật của bàn tay nghệ sĩ tay hoa, cái nỗi nhớ ấy được thể hiện bằng hình tượng gián tiếp chưa đủ mà còn được biểu hiện trực tiếp bằng trái tim không thể kìm nén nổi mà tự thốt thành lời.
Để nhấn mạnh thêm tính đa dạng, sâu thẳm của nỗi nhớ tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa, nhân hóa "sóng" và "bờ" như một con người mà cụ thể ở đây là "em" và "anh". Biện pháp đối lập "dưới lòng sâu" - "trên mặt nước" tăng thêm sự khoảng cách của nỗi nhớ giữa hai người đang yêu. Nỗi nhớ đó trở thành tình cảm thường trực trong "trái tim bé nhỏ".