Phân tích đoạn thơ thứ nhất trong bài thơ tây tiến của Quang Dũng
1 câu trả lời
Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng mang đậm vẻ đẹp hào hoa, phong nhã của thanh niên trí thức hà thành. “Tây Tiến’ là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của Quang Dũng, bài thơ là nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng không kém phần hào hùng của binh đoàn Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy được thể hiện rõ nét ngay trong khổ đầu tiên của bài thơ.
Mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã bộc lộ cảm xúc trào dâng trong tâm hồn khi nhớ về Tây Tiến – nhớ về rừng núi, nhớ dòng sông Mã thân thương và những tháng ngày đã qua:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
“Sông Mã” là một địa danh, tên của một con sông gắn liền với địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến mà còn trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng cho những tháng ngày chiến đấu gian khổ, nhân chứng lịch sử chứng kiến bao vui buồn, được mất của người lính Tây Tiến. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” là lời cảm thán, là tiếng gọi tha thiết, chân thành gợi cảm giác gần gũi, thân thương.
Điệp từ “nhớ” đã tạo sự hô ứng giữa câu thơ thứ nhất với câu thơ thứ hai thể hiện tình yêu, sự gắn bó của người lính Tây Tiến đối với dòng sông Mã và núi rừng miền Tây. Tính từ “chơi vơi” đã tạo nên sắc thái đặc biệt cho động từ nhớ khi khắc sâu hơn nỗi nhớ cồn cào, da diết cuộn dâng như dòng thác lũ trong tâm hồn của nhà thơ.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Ở hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ Quang Dũng đã đưa người đọc về những cuộc hành quân đầy gian khổ, thử thách mà những người lính trong binh đoàn Tây Tiến đã từng trải qua. Nhà thơ đã liệt kê hàng loạt những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch…không chỉ mở ra địa bàn hoạt động rộng lớn của binh đoàn mà còn thể hiện đầy sống động về sự hoang dã, xa xôi nơi thâm sơn cùng cốc nhưng cũng gắn bó và đầy ắp những kỉ niệm của người lính
. Những cuộc hành quân mỏi mệt có thể lấy đi sức lực về thể chất của người lính nhưng thế giới tinh thần của họ luôn dạt dào, lạc quan. Hoa là biểu tượng cho cái đẹp, sự xuất hiện của hình ảnh “hoa về trong đêm hơi” đã làm cho bức tranh thơ dường như đã đẩy lùi ấn tượng về sự mỏi mệt, suy kiệt của những cuộc hành quân, làm cho bức tranh thơ đẹp và lãng mạn hơn.
“Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
“Khúc khuỷu”,”thăm thẳm” vừa gợi ra địa hình hiểm trở với những con đường gấp khúc nơi hiểm nguy luôn rình rập mà còn gợi ra cái rộng lớn, thăm thẳm không thấy đáy của vực thẳm. “Ngàn thước” được điệp lại hai lần mở ra không gian cao rộng ngút mắt đầy hiểm trở. Con đường hành quân ra trận của những người lính Tây Tiến đầy rãy những gian khổ, địa hình chốn thâm sơn cùng cốc không chỉ thử thách sức lực, giới hạn chịu đựng của con người mà còn là thước đo cho sự quyết tâm, tinh thần ý chí chiến đấu của những người lính.
Cùng với khung cảnh hiểm trở của con đường hành quân là vẻ đẹp đầy trữ tình của núi rừng “ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Nét đặc sắc trong bài thơ này chính là chất hiện thực kết hợp với màu sắc lãng mạn, trữ tình làm cho hình ảnh người lính vẫn mạnh mẽ, kiên cường như những người anh hùng sử thi nhưng cũng thật gần gũi với tâm hồn mộng mơ, lãng mạn đặc trưng của tuổi trẻ.
Hai khổ thơ đầu của bài thơ Tây Tiến không chỉ thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ về binh đoàn Tây Tiến, rừng núi Tây Bắc hiểm trở mà còn gợi ra bao ấn tượng về những cuộc hành quân xuyên đêm, cùng với đó là tinh thần lạc quan, lãng mạn của những người lính Tây Tiến.