phân tích đoạn 3 tây tiến dài hay ko chép mạng

2 câu trả lời

* Bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!

I, Dàn ý tham khảo

1, Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu về đoạn ba bài thơ "Tây Tiến"

2, Thân bài

a, Bốn câu thơ đầu: vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng của người chiến sĩ Tây Tiến

b, Bốn câu thơ cuối: nỗi nhớ về sự hi sinh của người lính Tây Tiến của tác giả Quang Dũng

3, Kết bài

- Tình cảm của em dành cho đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung

II, Bài văn tham khảo

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những người anh hùng vô danh, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kì lịch sử. Và “Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân  Pháp của dân tộc. Điều này được thể hiện rõ nét qua đoạn ba của bài thơ.

Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt –Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng địch. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến, cuối năm 1948 khi rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ “Tây Tiến”.

Đoạn thơ tô đậm vẻ đẹp độc đáo ở người lính Tây Tiến - vẻ đẹp bi tráng, lãng mạn và hào hoa. Trước hết là hai câu thơ đầu, Quang Dũng đã tập trung miêu tả dáng vẻ đầy bi tráng của những người lính Tây Tiến :

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.

Ra đi trong những ngày đầu của kháng chiến, những người lính Tây Tiến nói riêng và những anh bộ đội cụ Hồ nói chung phải chịu rất nhiều thiếu thốn về vật chất, lại phải hành quân suốt những đêm dài. Vì vậy, các anh thường bị mắc phải căn bệnh sốt rét nơi rừng thiêng nước độc. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều vần thơ ghi lại hiện thực đời sống chiến đấu của những người lính:

“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

                                             (Đồng chí – Chính Hữu)

Nhưng có lẽ chưa có vần thơ nào mà ấn tượng như vần thơ Quang Dũng với những hình ảnh độc đáo “không mọc tóc”, “xanh màu lá”. Theo lời kể của tác giả thời kì đó bộ đội ta phải cạo trọc đầu để đánh giáp lá cà và để dẽ dàng trong sinh hoạt. Nhưng nguyên do quan trọng hơn cả chính là hậu quả của những ngày hành quân vất vả, đói rét và những cơn sốt rét rừng. Hình ảnh “xanh màu lá” là một hình ảnh thơ gợi nhiều sự liên tưởng. Đó có thể là làn da xanh vàng vọt của người lính, đó cũng có thể là màu xanh của lá ngụy trang, của cánh rừng bạt ngàn.

Nhưng ẩn đằng sau cái tiều tụy bi thương là sự lẫm liệt mà ngang tàng của người lính Tây Tiến. Âm Hán Việt “đoàn binh” (không phải là “đoàn quân”) vừa tạo ra màu sắc trang trọng cho câu thơ, vừa gợi ra sự đông đúc, hào hùng vừa gợi ra sự uy nghi, lẫm liệt tựa như những tráng sĩ thuở xưa. Bi tráng còn ở cách diễn đạt độc đáo “không mọc tóc” của Quang Dũng giúp cho người đọc hình dung được tóc của người lính dường như không thèm mọc. Cái trạng thái bị động đã chuyển sang trạng thái chủ động. Vì thế mà cảm nhận được cái ngang tàng, ngạo nghễ như thách thức với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật. Hào hùng còn là ở cụm từ “dữ oai hùm”. Cảm giác như người lính Tây Tiến hiện lên với sự dữ dội, oai linh, uy nghi tựa như một chúa tể sơn lâm. Đọc ý thơ của Quang Dũng làm ta nhớ đến câu thơ của Phạm Ngũ Lão: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”.

Dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, người lính Tây Tiến không chỉ có vẻ đẹp bi tráng mà còn có vẻ đẹp lãng mạn:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

“Mắt trừng” là ánh mắt tha thiết gửi trao những giấc mộng về quê nhà từ bên kia biên giới xa xôi, đó cũng có thể là ánh mắt đau đáu, một ý chí sắt đá, một quyết tâm kiên cường, một khát vọng chiến thắng mãnh liệt của người lính Tây Tiến. Và có lẽ, câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” đã thể hiện rõ nhất vẻ đẹp lãng mạn của người lính. Những người lính Tây Tiến dù phải sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, giữa bom rơi đạn nổ, họ vẫn hướng về Hà Nội, vẫn hướng về những cô gái Hà thành duyên dáng, yêu kiều. Dường như đây là hướng về những nơi bình yên nhất, kí ức đẹp đẽ nhất về quê hương, bản quán. Đây là một câu thơ đẹp, nó tương đồng về cả hai vẻ mộng và mơ, nghĩa chung và tình riêng để tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt độc đáo của người lính Tây Tiến. Họ không chỉ hiện lên có ý chí chiến đấu, lòng quả cảm mà còn hiện lên hào hoa, lãng mạn nghệ sĩ. Đọc đến đây ta lại nhớ đến ý thơ của Chính Hữu:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Đây không phải là những câu thơ yếu đuối, mộng rớt hay tiểu tư sản mà nó toát lên một hào khí, một tinh thần mạnh mẽ, dám sống và dám yêu.

Nhớ về người lính, Quang Dũng nhớ về những hi sinh vừa chân thực, vừa cao cả:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường ra đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Khi viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, không có nhà thơ nói về sự hi sinh đẫm máu của những người lính nhưng Quang Dũng không hề né tránh hi sinh thậm chí là cả hi sinh khốc liệt: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Từ láy “rải rác” kết hợp cùng nghệ thuật đảo ngữ đã nhấn mạnh tính khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Hơn nữa, nhà thơ còn sử dụng các từ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ” vừa gợi ra sự trang trọng cho câu thơ vừa nhấn mạnh hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Đó là những người lính phải nằm lại ở nơi biên cương xa xôi, héo lánh, hoang lạnh. Sự ra đi ấy rất đơn độc. Quang Dũng nói về cái chết, nhưng đó lại là sự hi sinh cao cả và đẹp đẽ: “Chiến trường ra đi chẳng tiếc đời xanh”. “Đời xanh” là tuổi trẻ, là bao ước vọng đang đón chờ mỗi người phía trước. “Chiến trường” khốc liệt mà câu thơ nghe sao bình tĩnh quá, có chút ngạo nghễ khinh đời để rồi hai từ “ chẳng tiếc” mang vẻ bất cần cho “ đời xanh”. Tuổi trẻ ai chẳng cần cho mình khát vọng tình yêu, thanh xuân thơ mộng. Người lính Tây Tiến hiểu lắm, biết lắm vẻ đẹp của “đời xanh” nhưng chết cho tổ quốc chính là chết cho lí tưởng thiêng liêng. Đó chính là vẻ đẹp thời đại “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Biết rằng ra đi là không hẹn ngày trở lại nên những người lính Tây Tiến coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, vì vậy sự hi sinh của họ được hình dung trong tư thế của những chiến binh anh hùng:

 “Áo bào thay chiếu anh về đất

        Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Quang Dũng đã sử dụng hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hy sinh của người lính Tây Tiến. Nhà thơ từng trải lòng về câu thơ trên “Sự thật khi người lính ngã xuống không có được mảnh vải liệm. Nói áo bào là nói theo cách của thơ xưa để an ủi những người đã nằm xuống”. Sự khắc nghiệt của chiến trường, sự khó khăn gian khổ trong chiến đấu, vậy mà khi ngã xuống câu thơ sao mà nghe nhẹ nhàng đến vậy. Không phải là ngã xuống, không phải là chết mà đơn giản là “anh về đất”. Mỗi chúng ta ai chẳng sinh ra từ đất mẹ Xi –ta, ai chẳng từ luống cày mà lớn lên. Vậy nên giờ đây các anh chỉ là đang ngủ một giấc thật dài, thật bình yên bên đất mẹ dịu dàng và ấm áp. Câu thơ với biện pháp nói giảm nói tránh đã tạo cho câu thơ bi mà không lụy ý, thơ mang đến một cảm giác vĩnh hằng, là thế giới của:

“Những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

      Những buổi ngày xưa vọng nói về”

                                                   (Nguyễn Đình Thi)

Khép lại đoạn thơ là hình ảnh "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Địa danh sông Mã được lặp lạitạo nên một kết cấu trùng lặp. Sông Mã gắn bó với từng chặng đường hành quânvà có mặt ngay cả trong giờ khắc người lính hi sinh. Bên cạnh đó, nghệ thuật nhân hoá kếthợp động từ mạnh trong ý thơ "gầm lên khúc độc hành" vừa tái hiện cảm xúc đau đớn, giận dữ của dòng sông Mã trước sự ra đi của người lính Tây Tiến. Dường như sông Mã thay lời đất nước cất lên lời tiễn biệt với người lính. Nói đến đây ta lại nhớ đến một nhận xét khá tinh tế của nhà thơ Vũ Quần Phương khi cho rằng cái âm vang của sông Mã chính là âm vang rung chuyển và ngự trị cả một vùng thiên nhiên đất trời được sinh ra từ những mất mát câm lặng của con người.

Khép lại bài thơ, âm hưởng bi tráng, hào hùng và lãng mạn đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Quang Dũng quả thực đã vô cùng thành công về đề tài viết về người lính khi sáng tác xong bài thơ Tây Tiến. Dư âm nỗi nhớ vẫn loang loang đâu đây, là tiếng gọi trìu mến của quá khứ, về một thời Tây Tiến oanh liệt.

Có thể nói, nếu chọn năm tác giả tiêu biểu của giai đoạn văn học thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, có thể không có Quang Dũng nhưng nếu chọn năm bài thơ tiêu biểu, nhất định Tây Tiến phải được nhắc tên, đứng ở hàng danh dự. Đọc Tây Tiến, chúng ta sống lại một thời lửa cháy cùng đoàn quân lừng tiếng đã đi vào lịch sử, chúng ta có thể quên một Số câu thơ trong bài, nhưng không thê quên được hình ảnh đoàn quân ấy:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành!

Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới hiện lên qua nét vẽ gián tiếp - nói đến gian khổ, hi sinh và địa bàn hoạt động - thì ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi. Đã thành khuôn sáo khi đề cập đến sự can trường của các chiến binh. Ở đây, ta tưởng như gặp một mô-típ như thế:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng

Nhưng trước hết, đây là những câu thơ tả thực - thực một cách trần trụi: chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. “Quân xanh” ở đây có thể hiểu là xanh màu áo, xanh lá ngụy trang và xanh làn da vì thiếu máu. Những hình ảnh rất thực đó, vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Mười bốn chữ thơ mà chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Đoàn quân của một thuở “xếp bút nghiêng lên đường chinh chiến” của các chàng trai Hà Nội kiêu hùng, hào hoa.
Vì vậy, khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi đi những tình cảm lãng mạn:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

“Mộng” và “mơ” cùa người lính được gửi về hai phương trời: biên cương, nơi còn đầy bóng giặc - mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu - mơ những bóng dáng thân yêu. “Dáng kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để thối chí nản lòng. Vậy mà một thời, câu thơ “đẹp một cách lãng mạn” này đã khiến cho tác giả của nó và chính bài thơ phải “trải bao gió dập, sóng dồn”.
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi tránh phải những mất mát, hi sinh.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây, âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được Cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng và cao cả hơn sự hi sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi "mồ viễn xứ" của những người con "chết xa nhà". Nhưng các chiến sĩ ta nhìn thấy với đôi mắt bình thản, bởi họ đã chấp nhận điều đó. Một trong những động cơ thôi thúc họ lên đường là hình ảnh người anh hùng da ngựa bọc thây mà họ tiếp nhận được trong văn chương sách vở. Một niềm đam mê trong sáng pha chút lãng mạn.
Hai câu thơ cuối tiếp tục âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến.

Áo bào thay chiếu anh về đất.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hai câu mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo bình thường nhưng sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh “anh về đất”? “Anh về đất” là hóa thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Tiếng gầm của sông Mã về xuôi như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi.
Trước đây, khi nhắc đến những dòng thơ này, người ta chỉ thấy những biểu hiện nào là “mộng rớt”, “buồn rơi” ... nhưng thời gian đã khiến chúng ta nhìn đúng hơn vào bản chất, có thời đại ấy mới có văn chương ấy.
Tây Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm