Phân tích diễn biến tâm trạng Mị qua 3 đoạn văn sau "Lần lần,mấy năm qua,mấy năm sau......đến bao giờ chết thì thôi" "Ngày tết mị cũng uống rượu.......mị muốn đi chơi" "Đám than đã vạc hẳn lửa.........ở đây thì chết mất" Làm giúp mk vs mấy bạn ơi
1 câu trả lời
I, Dàn ý tham khảo
1, Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Tô Hoài
+ Năm sinh - năm mất
+ Quê quán
+ Phong cách sáng tác
+ Tác phẩm tiêu biểu
- Giới thiệu tác phẩm: Vợ chồng A Phủ
+ Xuất xứ
+ Nội dung
+ Nghệ thuật
- Giới thiệu chung về diễn biến tâm trạng Mị qua ba đoạn văn
2, Thân bài
a, Khái quát về nhân vật Mị
b, Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đoạn văn thứ nhất
c, Phân tích đoạn 1
- Đoạn văn thứ nhất đã tập trung khắc họa nỗi thống khổ đọa đầy về thể xác lẫn tinh thần của Mị ở nhà thống lí.
- Với ngòi bút hiện thực, lối kể chuyện nhẹ nhàng mà tinh tế, hấp dẫn, Tô Hoài đã khắc họa nổi bật bi kịch đau khổ, bất hạnh của Mị. Đây cũng là số phận tiêu biểu cho những người phụ nữ, những người lao động trên miền núi Tây Bắc.
=> Tô Hoài đã vén màn bí ẩn để giúp cho bạn đọc miền xuôi vừa am hiểu, vừa thêm gần gũi, gắn bó với cuộc sống, con người Tây Bắc. Ta nhận ra số phận, cuộc đời của Mị rất gần gũi, quen thuộc như biết bao những số phận cảnh đời trên văn đàn miền xuôi.
d, Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đoạn văn thứ hai
e, Phân tích đoạn 2
- Đoạn văn thứ hai tập trung đi vào diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân với sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
+ Trong đêm tình mùa xuân, người ta bắt đầu thấy Mị phản kháng trở lại “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”.
+ Trong Mị thức dậy với những kí ức trong quá khứ đẹp đẽ “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi, Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.
=> Điều này chứng tỏ Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị không còn sống một cách bất động, vô hồn ở nhà thống lí. Mị đã khẳng định sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn.
f, Tóm tắt hoàn cảnh dẫn đến đoạn văn thứ ba
h, Phân tích đoạn 3
- Đoạn văn thứ ba đã thể hiện những thay đổi trong tâm trạng của Mị khi nhìn A Phủ bị trói.
+ Tưởng như những nỗi đau đớn, đày đọa về thể xác và tâm hồn đã khiến cho Mị trở nên thờ ơ và vô cảm nhưng Mị đã khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng khi cô cởi trói cho A Phủ.
+ Hành động cởi trói ấy thực sự là hành động đầy bất ngờ và đột ngột.
3, Kết bài
- Khẳng định giá trị của tác phẩm
- Tình cảm của em dành cho nhân vật
II, Bài văn tham khảo
Tô Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám. Ông là một người có vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. “Vợ chồng A Phủ” là một trong ba tác phẩm được in trong tập truyện Tây Bắc – tác phẩm được giải Nhất giải thưởng hội Văn nghệ Việt Nam từ 1954 – 1955. Đó là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào Tây Bắc năm 1952. Trong truyện ngắn này, nhà văn Tô Hoài đã khắc họa thành công diễn biến tâm trạng Mị. Điều này được thể hiện rõ qua ba đoạn văn sau "Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau......đến bao giờ chết thì thôi", "Ngày tết mị cũng uống rượu.......mị muốn đi chơi", "Đám than đã vạc hẳn lửa.........ở đây thì chết mất".
Mị vốn là một cô gái vùng cao trẻ trung, xinh đẹp và tài hoa nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà Thống Lí Pá Tra. Vì vậy, Mị phải từ bỏ tuổi thanh xuân, phải sống một cuộc sống bị đọa đày về cả thể xác và tinh thần. Mị đã từng muốn tìm đến cái chết với nắm lá ngón trong tay nhưng Mị không thể chết. Nếu Mị chết, cha Mị sẽ khổ, sẽ không thể trả được món nợ cho nhà Thống Lí. Mị đành chấp nhận quay trở lại nhà Thống Lí để làm con dâu gạt nợ, sống kiếp đời nô lệ, tủi nhục, bất hạnh.
Đoạn văn thứ nhất đã tập trung khắc họa nỗi thống khổ đọa đầy về thể xác lẫn tinh thần của Mị ở nhà thống lí. Trước hết là những đọa đầy về tinh thần. Những đau khổ đã bao mòn tâm hồn của Mị, cô trở thành người đàn bà nhẫn nhục, chịu đựng, buông xuôi, bỏ mặc cuộc đời “Lần lần…tự tử nữa”. Mị không còn khả năng đấu tranh nữa, với Mị, cuộc sống chỉ còn là sự tồn tại. Mị định sống cuộc sống như vậy cho đến chết. Mới đầu, làm dâu nhà thống lí, Mị không khuất phục, Mị cũng đã từng nuôi ý định tự vẫn. Còn giờ đây, Mị không buồn nghĩ đến cái chết nữa. Đây là một tình tiết khám phá xuất sắc về nội tâm nhân vật của tác giả. Bởi vì khi con người nghĩ về cái chết, tức là họ còn tha thiết được sống, được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khi không còn buồn nghĩ đến nó nữa thì đây là sự buông thả số phận cho định mệnh mà không còn ý niệm về sự tồn tại của mình. Hơn thế nữa, Mị còn tưởng mình là con trâu con ngựa. Hai từ “trâu ngựa” không phải chỉ là nói theo nghĩa bóng, mà là theo nghĩa đen. Mị về làm dâu chỉ có vùi vào việc cả đêm lẫn ngày. Như một linh hồn chết, “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa”. Dần dần, Mị sống như thế cũng thành quen với cái khổ, cái nhục, thích nghi với đời sống nô lệ. Mị sống như cái máy, như một thực thể không ý thức về mình. Với cô, cuộc sống không còn ý nghĩa nữa, tất cả chỉ còn là màn sương mờ đục. Cụm từ chỉ thời gian “lần lần”, “mấy năm qua”, “mấy năm sau” đã nhấn mạnh trình tự luân hồi của thời gian chậm rãi, đều đặn. Lý giải cho thái độ này của cô là “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Chữ “quen” mang đến cho người đọc biết bao chua xót, đắng cay, thương cảm. Thậm chí, Mị chỉ nhớ đi nhớ lại, làm đi làm lại những việc nối tiếp nhau. Nói là Mị nhớ nhưng không phải là những rung cảm, cảm xúc bình thường ở một con người bình thường. Mị chỉ nhớ một cách máy móc những gì diễn ra theo một thói quen với sự lặp lại quẩn quanh. Mị nhớ một cách vô hồn vô cảm tựa như một vòng tròn tù túng không lối thoát.
Hơn thế nữa, Mị còn bị đày đọa về thể xác. Cô phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng, không một ngày nghỉ ngơi “Tết xong thì lên…”. Mị làm việc quần quật suốt ngày suốt tháng suốt năm suốt đời như thế. Dù làm dâu nhà giàu nhưng đó chỉ là danh nghĩa chứ thực chất Mị là một nô lệ, lao động khổ sai. Mị như bị cướp đoạt công sức một cách tàn nhẫn: con ngựa con trâu có lúc, đêm đến nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ còn đàn bà con gái trong nhà này thì vùi vào làm việc. Cuộc sống của Mị giờ đây chỉ “mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng đi làm đi làm lại” cực khổ và vất vả, thậm chí còn chẳng bằng con trâu con ngựa. Con trâu con ngựa còn được nghỉ ngơi, đằng này đàn bà con gái phải làm việc cả đêm lẫn ngày. Việc so sánh con người với con vật của tác giả đã thể hiện sự tủi cực cùng nỗi đau của một kiếp người. Với đoạn văn trên (chi tiết “Mị không muốn chết”) là bằng chứng để tố cáo tội ác của giai cấp thống trị miền núi đã bào mòn tâm hồn con người.
Với ngòi bút hiện thực, lối kể chuyện nhẹ nhàng mà tinh tế, hấp dẫn, Tô Hoài đã khắc họa nổi bật bi kịch đau khổ, bất hạnh của Mị. Đây cũng là số phận tiêu biểu cho những người phụ nữ, những người lao động trên miền núi Tây Bắc. Tô Hoài đã vén màn bí ẩn để giúp cho bạn đọc miền xuôi vừa am hiểu, vừa thêm gần gũi, gắn bó với cuộc sống, con người Tây Bắc. Ta nhận ra số phận, cuộc đời của Mị rất gần gũi, quen thuộc như biết bao những số phận cảnh đời trên văn đàn miền xuôi. Qua số phận đau khổ, bất hạnh của Mị, Tô Hoài đã khẳng định sự đồng cảm, quan tâm sâu sắc đến số phận đau thương của những người lao động vùng cao Tây Bắc. Đồng thời, tác giả cũng tố cáo, lên án đanh thép tội ác dã man của chế độ phong kiến miền núi Tây Bắc. Chúng đã chà đạp, áp bức bóc lột những người phụ nữ, những người lao động vùng cao. Phản ánh về hiện thực này, Tô Hoài còn muốn kêu gọi phong trào du kích, phong trào cách mạng cần mau chóng giải phóng cho những con người lao động vùng cao Tây Bắc. Đây là thiên chức cao cả, sứ mệnh cao đẹp trong sáng tác của Tô Hoài.
Đoạn văn thứ hai tập trung đi vào diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân với sức sống tiềm tàng mãnh liệt.Trong đêm tình mùa xuân, người ta bắt đầu thấy Mị phản kháng trở lại “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Đó là cách uống của người thưởng xuân? Chắc chắn không phải vậy. Uống rượu thưởng xuân phải uống từ từ từng bát một, nhấm nhá, nhấm nháp để tận hưởng và đón nhận hương vị xuân. Đó là cách uống của người khát rượu, thèm rượu? Không đúng, đã từ lâu Mị chẳng thèm khát gì. Tô Hoài viết: “Ngày Tết Mị cũng uống rượu”, mọi người uống, Mị cũng uống. Mị uống theo thói quen ngày xuân của người Mèo. Cách uống ừng ực từng bát ấy giống như giống như Mị uống cho bõ tức, cho nuốt hận tủi hờn. Nhà văn đã chứng tỏ là nhà văn am hiểu về tâm lý, tính cách của người dân vùng cao Tây Bắc. Bên cạnh đó, Mị còn tìm lại được những cái rung động cảm xúc bình thường ở một con người bình thường. Trong Mị thức dậy với những kí ức trong quá khứ đẹp đẽ “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi, Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Điều này chứng tỏ Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị không còn sống một cách bất động, vô hồn ở nhà thống lí. Mị đã khẳng định sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn.
Mị như lãng quên hiện tại. Người ta hát mà Mị không nghe, người ta nhảy mà Mị không thấy, rượu tan lúc nào Mị cũng chẳng hay. Từ quá khứ trở về với thực tại, Mị càng thấm thía về cuộc đời bất hạnh của mình. “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi”. Tuy nhiên, khi ý thức về sự bất hạnh của cuộc đời, Mị lại thấy lòng mình “phơi phới trở lại”. Đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. “Mị nhận ra mình còn trẻ lắm và muốn đi chơi”, muốn bước ra ngoài cái ranh giới của căn buồng kín mít đã vây hãm cuộc đời Mị. Tô Hoài đã sử dụng liên tiếp các câu văn ngắn để nhấn mạnh một sự thay đổi đang diễn ra mãnh liệt trong suy nghĩ, tâm trạng của Mị. Mị ý thức được giá trị và khát vọng của cuộc đời để được sống hạnh phúc, tốt đẹp. Đây là những suy nghĩ rất tích cực, là minh chứng sống động để khẳng định sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Càng ý thức được giá trị bản thân và càng hiểu được hiện thực tăm tối đời mình, Mị lại càng khát khao sống. Mà đỉnh cao của điều đó là lúc Mị nghĩ đến cái chết “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Mị muốn chết không phải vì chán sống mà đó là biểu hiện của lòng ham sống và khát khao được sống tốt đẹp. Suy nghĩ của Mị tuy tiêu cực nhưng lại là biểu hiểu sâu sắc của sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
Tô Hoài đã chứng tỏ là cây bút bậc thầy trong nghệ thuật xây dựng khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật. Nhà văn đã đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để Mị tự độc thoại nội tâm và khẳng định thuyết phục về sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Nhà văn như hóa thân vào nhân vật để tạo nên “tiếng nói bên trong” thuyết phục, khách quan. Tô Hoài cũng chứng tỏ là nhà văn rất am hiểu về bản sắc văn hóa phong tục, về tính cách, tình cảm của những người phụ nữ, những người lao động vùng núi Tây Bắc. Từ đó, nhà văn đã ca ngợi được sức sống mãnh liệt trong tâm hồn họ. Tô Hoài còn muốn khẳng định con người Việt Nam trên mọi miền đất nước dù ở bất cứ nơi đâu vẫn mang một sức sống mãnh liệt cao đẹp.
Đoạn văn thứ ba đã thể hiện những thay đổi trong tâm trạng của Mị khi nhìn A Phủ bị trói. Tưởng như những nỗi đau đớn, đày đọa về thể xác và tâm hồn đã khiến cho Mị trở nên thờ ơ và vô cảm nhưng Mị đã khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng khi cô cởi trói cho A Phủ. Hành động cởi trói ấy thực sự là hành động đầy bất ngờ và đột ngột. Nó bất ngờ và đột ngột là khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, Mị đã có một thái độ dửng dưng, không chút động lòng. Đối diện với một con người đang đứng trên bờ vực cái chết, Mị vẫn thản nhiên "thổi lửa, hơ tay”. Mị còn tự nghĩ A Phủ nếu là “cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Mị hoàn toàn vô cảm, thờ ơ trước cảnh A Phủ bị trói. Đây cũng là một diễn biến tâm lí bình thường, hợp lí. Nó hợp lí là bởi Mị đã ở lâu trong khổ đau, đã chịu bao đày đọa về thể xác và tinh thần. Cái cuộc sống ở nhà thống lí Pá Tra đã làm bào mòn đi tâm hồn Mị. Mị đã bị tê liệt đi mọi cảm xúc, ý thức, nhận thức, Mị trở nên vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của chính mình và cả nỗi đau của người khác. Hơn thế nữa, cảnh trói người, đánh người cũng chẳng còn là xa lạ ở nhà thống lí Pá Tra. Nó diễn ra một cách thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ. Cuộc sống của những con người ở nhà thống lí đầy cơ cực, đắng cay và đày đọa. Chính vì vậy họ chẳng còn có thể đồng cảm, quan tâm đến người khác. Thậm chí Mị còn đặt ra giả thiết nếu A Phủ trốn được thì Mị sẽ phải chịu trói thay cho A Phủ. Mị đã tự suy xét cho tình cảnh của mình nếu cha con nhà thống lí biết được A Phủ đã trốn thoát. Mị sẽ phải thế chỗ cho A Phủ và Mị sẽ “phải chết trên cái cọc ấy”. Có ai có thể dũng cảm đối mặt với cái chết. Khi tính mạng bị đe dọa, mấy ai có thể nghĩ cho người khác hay họ sẽ chỉ lo lắng cho chính bản thân mình làm sao để có thể sống sót, làm sao để không bị liên lụy. Đây là phản ứng hết sức bình thường của con người.Và ngay cả sau khi đã cởi trói cho A Phủ, Mị vẫn “đứng lặng trong bóng tối”. Không ai ngờ Mị sẽ cắt dây cởi trói cho A Phủ và chính bản thân Mị cũng vậy. Nó chỉ là một hành động nhất thời bộc phát mà chẳng có chút suy tính, nghĩ ngợi. Chính vì vậy mà nó mang đầy yếu tố bất ngờ và đột ngột.
Thật cảm ơn nhà văn Tô Hoài đã đưa đến cho chúng ta một áng văn hay tuyệt diệu như thế này!