Phân tích cảnh chia tay trong hội đạp thanh qua hai câu thơ “Dưới cầu nước chảy trong veo, Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”

2 câu trả lời

Truyện Kiều của thi hào dân tộc Nguyễn Du là một công trình nghệ thuật bằng thơ lục bát chứa chan tinh thần nhân đạo. Thiên diễm tình của “người quốc sắc, kẻ thiên tài với bao tình tiết đẹp đẽ, cảm động gieo vào lòng ta bao ấn tượng khó phai mờ. Có không ít vần thơ, câu thơ tả cảnh lung linh sắc màu chẳng khác nào mảnh trời xanh rủ bóng xuống hồn ta trên những nẻo đường nắng lửa. Thiên nhiên trong Truyện Kiều đẹp lắm, đọc qua một lần đâu dễ quên? Và đây là hai câu Kiều cho ta nhiều thú vị văn chương:

... Dưới cầu nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Cái buổi chiều tà Thanh minh ấy, hình ảnh “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” đã làm cho Kim Trọng hào hoa “chập chờn cơn tỉnh cơn mê’... Cuộc chia tay không một lời hẹn ước mà sao đằm thắm nghĩa tình? “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy’ (Thế Lữ) đã được thi hào Nguyễn Du ghi lại một cách thần tình:

Bóng tà như giục cơn buồn,

Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.

Rất tế nhị và thanh tao, cái giây phút rạo rực trái tim Kim - Kiều dự cảm một tình yêu đắm say chớm nở, khiến Nguyễn Du đồng cảm viết nên những vần thơ tình tuyệt bút.

Cuộc chia tay trong hội đạp thanh đâu dễ quên? Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du nâng cao cảm xúc nghệ thuật. Thời gian trôi nhanh, không gian trở nên trong sáng, tĩnh lặng. Hình ảnh chọn lọc, cụ thể nhưng xiết bao gợi cảm: chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh, dòng nước trong veo lững lờ, cành liễu thiết tha trong bóng chiều nhạt... Cành đơn sơ mà xinh xắn như bức tranh thuỷ mạc - chứng nhân cho một mối tình đẹp đang nảy nở.

Cảnh vật đẹp và thơ mộng quá! Thiên nhiên như mang nặng tình người. Dòng nước trong veo chảy dưới cầu như tình cảm trong sáng của lòng người. Nhà thơ không hề nói đến gió mà có gió thổi:

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Hình ảnh ẩn dụ “tơ liễu” và từ láy “thướt tha” gợi tả lá liễu, cành liễu dài và mém bay trước làn gió nhẹ, mang theo bao tình ý xôn xao. Ngoại cảnh hoà nhập rong tâm cảnh, biểu hiện nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến, thiết tha của Thuý Kiều và Kim Trọng.

Hai câu thơ lục bát được viết theo cấu trúc “bình đối” không gian hai chiều: “dưới cầu” và “bên cầu”, có màu xanh “trong veo” của dòng nước chảy, có dáng “tơ liễu” bay “thướt tha” trong bóng chiều xuân, cảnh vật cân xứng, hài hoà và rất hữu tình. Hai câu thơ lục bát tả cảnh đẹp như một bức tranh của một danh hoạ được vẽ bằng những đường nét tinh tế, tươi tắn, gam màu nhẹ hoà hợp tạo cảm xúc thơ mộng: màu xanh của dòng nước trong veo, màu vàng nhạt của bóng chiều tà mùa xuân, màu xanh lục của liễu, đường nét của “dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”, của dòng nước “nao nao” uốn lượn quanh co... Ngòi bút của thi nhân tả ít mà gợi nhiều. Cảnh vật thanh tao, sống động, ấp ủ hồn người. Ngoại cảnh như đang xao xuyến rung động trước nỗi niềm bâng khuâng, man mác của lứa đôi. Cảnh vật in dấu tâm sự và tình cảm; một tình yêu đẹp mới chớm nở trong lòng “người quốc sắc, kẻ thiên tài”.

Từ việc hiểu xuất xứ để Nguyễn Du khắc hoạ được hai câu thơ,giáo viên cảm nhận,phân tích làm sáng tỏ: Bức tranh thuỷ mặc-chứng minh cho một mối tình đẹp đang nẩy nở:

-Thông qua nghệ thuật miêu tả: hình ảnh ẩn dụ “ tơ liễu”,từ láy “thướt tha”làm cho ngoại cảnh hoà nhập với tâm cảnh. Đặc biệt hai câu thơ lục bát viết theo cấu trúc “bình đối” không gian hai chiều: dưới cầu, bên cầu, trong veo. tơ liễu, thướt tha... tả ít mà gợi nhiều.

-Cảnh vật thanh tao, sống động ấp ủ hồn người. Ngoại cảnh như đang xao xuyến, rung rinh trước nỗi niềm bâng khuâng,mang mác của lứa đôi : một tình yêu đẹp mới chớm nở trong lòng “người quốc sắc, kẻ thiên tài ”