. Phân tích bi kịch của Vũ Nương để từ đó nêu nhận xét ngắn gọn về số phận và phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. giúp em với
1 câu trả lời
Mở bài:
Nguyễn Dữ sống trong gian đoạn loạn lạc ở thế kỉ XVI, người tỉnh Hải Dương, là học trò xuất sắc của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy học rộng, tài cao nhưng ông tránh vòng danh lợi, chỉ làm quan một năm rồi về sống ẩn dật ở quê nhà. Sáng tác của ông thể hiện cái nhìn rất tích cực đối với văn học dân gian. Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương trích từ Truyền kì mạn lục, thuộc thể loại truyền kì. Số phận bi kịch của nhân vật Vũ Nương có sức khái quát lớn. Đây không chỉ là câu chuyện về số phận thương tâm của một người phụ nữ mà còn là tấm lòng yêu thương trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp trong xã hội phong kiến bấy giờ.
Thân bài:
1. Trước hết, Vũ Nương là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết.
Vũ Nương tên là Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương. Nàng là người con gái “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Điều này cho thấy nàng có vẻ đẹp rất lí tưởng, xứng đáng có cho mình một hạnh phúc viên mãn, một cuộc đời tốt đẹp. Trương Sinh, một người con nhà hào phú, vì mến “dung hạnh” mà “ xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ”.
Biết tính chồng hay ghen, thế nên, trong cuộc sống vợ chồng, nàng hết mực “giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải thất hòa”. Không những nghĩa phu thê bền chặt mà đạo làm con nàng cũng hết sức chu toàn. Trái ngược với nàng, Trương Sinh lại là một người chồng bất hảo. Chàng tuy con nhà giàu nhưng lại ít học, tính tình đa nghi, độc đoán, đổi với vợ phòng ngừa quá sức ”. Ỷ vào gia thế, Trương Sinh tỏ ra xem thường vợ mình. Tính cách ấy tiềm ẩn những nguy cơ gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, dự báo bi kịch về sau mà nhân vật sẽ gây ra cho Vũ Nương.
2. Vũ Nương là người phụ nữ thủy chung, son sắt, một con dâu hiếu nghĩa vẹn toàn, một người mẹ tận tụy vì con:
Nguyễn Dữ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và tấm lòng trung trinh của người phụ nữ. Trước hết, ở nhân vật Vũ Nương ta nhận thấy, nàng là một người vợ hết mực thương chồng, sống trọn đạo vợ chồng. Lúc còn ở bên nhau, nàng toan lo mọi bề, tất cả đều chu toàn, cặn kẽ. Chiến tranh xảy ra chia cắt tình cảm gia đình. Ngày Trương Sinh lên đường, nàng rót chén rượu tiễn đưa, nói không trông mong vinh hiển mà chỉ cầu cho chồng được bình an trở về: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm, trở về quê cũ, chỉ xỉn ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ, một người phụ nữ khao khát cuộc sống gia đình bình yên.
Tình thương chồng của nàng còn thể hiện qua sự chia sẻ trước những nỗi vất vả, gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng cũng như niềm cảm thông cho cả nỗi niềm của bà mẹ xa con. Thay chồng, nàng làm mọi việc nhà chu toàn, giữ gìn tiết hạnh. Lại còn ngày đêm mong ngóng tin xa, mong ngày đoàn viên sum họp. Nỗi buồn nhớ của nàng khắc khoải triền miên, dài theo năm tháng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khỉ thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi,thì nỗi buồn góc bể chân trời không thế nào ngăn được. Tấm lòng sắc son ấy khẳng định, đối với Vũ Nương, nghĩa vợ chồng bao trùm lên các giá trị của cuộc đời nàng.
Vũ Nương còn là một con dâu hiếu thuận, lễ nghĩa, hết sức chu toàn. Nàng đã thay chồng gánh vác việc nhà, trọn đạo dâu con, tận tình chăm sóc mẹ già. Lúc nào nàng cũng dịu dàng, ân cần “lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn Những lúc bà yếu đau nàng lo lắng thuốc thang, cầu khấn thần phật. Đến khi mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo như đối với cha mẹ đẻ mình”. Phẩm hạnh tuyệt vời của nàng đã được chính mẹ chồng ghi nhận bằng những lời nói chân thành và vô cùng tốt đẹp: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giồng dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, trời xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Nàng là người mẹ đảm đang, tận tụy, một mình chu đáo nuôi con nhỏ. Sợ con buồn khi thiếu vắng cha, nàng đã chỉ bóng mình trên vách để nói với con đó là cha. Nào ai ngờ đó lại là khởi nguồn bi kịch cho nàng.
Vũ Nương là người giàu lòng tự trọng. Khi nàng bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Tuyệt vọng không cùng, Vũ Nương đành mượn dòng nước con sông Hoàng Giang sâu thẳm để rửa sạch tiếng nhuốc nhơ oan ức.
3. Bi kịch cuộc đời nhân vật Vũ Nương.
Vò võ chờ đợi bao năm, niềm vui vỡ oà khi Trương Sinh trở về. Cuộc đoàn viên mừng tủi nghẹn ngào. Thế nhưng, hạnh phúc chưa kịp hiện hình thì tai hoạ đã ập đến. Vốn đa nghi, cộng với tâm trạng không vui khi trở về nhà thì mẹ đã mất, nên khi nghe lời nói của đứa con thơ (một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi), chàng đã ngay lập tức “đinh ninh là vợ hư hỏng”, thất tiết với người khác. Trong chàng “mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Bởi thế, khi về đến nhà, chàng đã: “la um lên cho hả giận mặc cho: “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng” vẫn không cho Vũ Nương cơ hội để minh oan.
Vũ Nương không hiểu chuyện gì, nàng hết lời phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình khi nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trăng: “Cách biệt ba năm giữ gìn một Tô son điểm phân đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như chàng nói”. Nàng cầu xin chồng đừng nghi oan, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng mình “mắng nhiếc và đánh đuổi Những lời nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả những ngang trái của một đời phụ nữ: công lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích; hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất) tan vỡ, tình cảm vợ chồng không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa.
Thẳm sâu trong tâm khảm của nàng vẫn là ước muốn được đoàn viên, được quay trở về dù chỉ một lần với chồng con, với cuộc sống gia đình hạnh phúc ngày xưa. Cuộc hội ngộ cùng Phan Lang ở Thủy Cung đem lại cho Vũ Nương cơ hội trở về và giải oan. Vũ Nương ứa nước mắt mà nói rằng “Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nôi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”. Khi nghe Phan Lang nói về tình cảnh quê nhà, nàng “ứa nước mắt khóc… nàng cũng nhờ anh “nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở “. Thế nhưng, nàng chỉ trở về trong thoáng chốc để rồi ra đi mãi mãi”.
Hình ảnh người thiếu phụ Nam Xương hiện lên lần cuối cùng trong truyện đẹp như mơ. Lộng lẫy, khác xưa, Vũ Nương trở lại dương thế, rực rỡ, uy nghi nhưng xa vời ẩn lúc hiện với lời từ tạ ngậm ngùi: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Dù chàng có gọi thì nàng vẫn chỉ thấp thoáng ở giữa dòng sông rồi “trong chốc lát, bóng nàng loang loảng mờ nhạt dần mà biến đi mất”.
Vũ Nương không thể trở lại trần gian, thực ra đâu phải chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi và trần thế không còn chỗ nào cho người như nàng nương tựa. Đàn giải oan chỉ có thể khôi phục danh dự cho nàng chứ không thể làm sống lại tình xưa. Giữa Vũ Nương và Trương Sinh, dòng sông là nơi giải oan, nơi tái ngộ, nhưng không thể vượt qua.
Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh ki ảo, sắc thái bi đát vẫn nằm sau hình ảnh rực rỡ của truyền kì. Điều đó một lần nữa khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ thêm vào đoạn kết, đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và những giá trị mới. Phần này hoàn toàn là những tình tiết kì ảo, thể hiện tính chất truyền kì của truyện và tạo nên những giá trị thẩm mĩ mới mà truyện cổ tích chưa có.
Nhân dân đã có biết bao lời tỏ bày niềm xót xa đối với thân phận nhỏ bé, khổ đau, bất hạnh, không danh phận gì trong xã hội của người phụ nữ:
– Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Hay:
– Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Đó là một lời xưng hô nhỏ nhẹ, mềm mỏng, nữ tính, nhưng cũng có chút rụt rè, khiêm nhường của người ý thức được vị thế thấp hèn của mình trong xã hội. Họ co nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng không có quyền quyết định các các giá trị của mình. Số phận của họ hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội. Thật đáng thương thay.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Bánh trôi nước cũng đã có lời cảm thán đầy hẩm hiu:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
Cuộc đời chìm nổi truân chuyên phải chăng là kiếp đời mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải gánh lấy. Rắn” hay “nát”, hành phúc hay khổ đau là hoàn tòn do “tay kẻ nặn” chứ họ không có quyền lựa chọn, tự định đoạt hay tự quyết cuộc đời mình. Cuộc đời bất công đến thế nhưng họ vẫn quyết “giữ tấm lòng son”, sống trung trinh, thủy chung, không hề oán trách.
Ngợi ca phẩm chất tốt đẹp và bệnh vực người phụ nữ nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng đã đồng thời lên tiếng. Với tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ngợi ca, trân trọng nhan sắc, tài năng, phẩm hạnh của chị em Thúy Kiều như là những chuẩn mực, hình mẫu lí tưởng cho vẻ đẹp của con người mọi thời đại (Chị em Thúy Kiều). Nơi lầu xanh, tác giả đã khắc họa nỗi nhớ của Thúy Kiều đi liền với tình thương – một biểu hiện rất đáng trân trọng của đức hi sinh, lòng vị tha, chung thủy (Kiều ở lầu Ngưng Bích). Thiên tài Nguyễn Du cũng không quên gây ấn tượng cho người đọc với hình ảnh Thúy Kiều sống sâu nặng ân tình, sắc sảo, kiên quyết nhưng vẫn đầy khoan dung, độ lượng (Kiền hảo ân báo oán).
Bếp lửa của Bằng Việt lại xây dựng đầy cảm động hình ảnh người bà với tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la, sự chăm chút, thái độ bình tĩnh, vững lòng. Người bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu vượt qua mọi thử thách khốc liệt của chiến tranh.
Người phụ nữ đi qua chiến tranh được khắc họa trong Những ngôi sao xa xôi lại càng đẹp hơn trong hình ảnh các cô thanh niên xung phong sống có tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc được giao; anh dũng không sợ gian khổ, hi sinh; luôn trẻ trung, yêu đời; sống chan hòa, yêu thương nhau và luôn tin tưởng, lạc quan về thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Có lẽ vì vậy là không thể bỏ qua Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê trong những tác phẩm ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Những tác phẩm trên đã giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thìa hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong từng nhân vật.
Kết bài:
Với sự sáng tạo cao về khắc họa nhân vật Vũ Nương, cách kể chuyện lôi cuốn, xây dựng kết thúc truyện li kì, kết hợp cùng việc khai thác vốn văn học dân gian và sử dụng tinh tế những yếu tố kì ảo; Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã bày tỏ sự cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính bi kịch của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Hơn hết, tác phẩm đã khẳng định nét đẹp tâm hồn của họ, cất lên tiếng nói cho bao mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng mà họ hằng hi vọng. Chỉ với nội dung sâu sắc ấy, Chuyện người con gái Nam Xương đã đi vào quỹ đạo nhân văn chung của văn học dân tộc, tạo được sự cộng hưởng với nhiều tác phẩm viết về người phụ nữ cũng như kết nối bền chặt cùng tâm hồn người đọc bao thế hệ.
cho mik 5* và bình luận hay nhất nha