Phần I: Đọc - hiểu. Đọc đoạn trích sau Có mấy ai nhận ra ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kì hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đẽn cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc. Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiểu thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào môi thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này? Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! (Trích Hạt giống tâm hồn, NXB Văn học, 2012) Rồi trả lời các câu hỏi: Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ. Câu 2: Xác định và nêu hiểu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong đoạn văn: "Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiểu thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào môi thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?". Câu 3: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: "Khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống" không? Vì sao? (Viết đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 câu). Phần II: Làm văn. Câu 4: Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: "Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn". Câu 5: Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người Vợ Nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân (Ngữ Văn 12 tập 2 NXB Giáo Dục 2017). Từ đó, liên hệ với nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (Ngữ Văn 11 tập 1 NXB Giáo Dục).

1 câu trả lời

I/. Đọc - hiểu.

   Câu 1: - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

              - Phong cách ngôn ngữ: Chính luận.

   Câu 2:

       "Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, màu thu hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi đến chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới cảm thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?".

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích:

+, Điệp cấu trúc: Đừng đợi...hay...

- Tác dụng: Nhấn mạnh và khẳng định hạnh phúc là thứ luôn hiện hữu xung quanh chúng ta vì vậy hãy luôn tận hưởng nó mà không cần chờ đợi điều gì.

  Câu 3: - Em đồng tình với ý kiến: "khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chính ta đang sống".

- Vì: +, Được sống là điều quý giá nhất.

        +, Khoảnh khắc hiện tại là thứ luôn hiện hữu, ta cần phải sống trọn vẹn với nó.

        +, Hiện tại qua đi rồi sẽ không thể trở lại được.

II/. Làm văn.

   Câu 4:

     Trong cuộc hiện nay, con người chúng ta thường hay mong ước về một phép màu hay một niềm hạnh phúc sẽ đến với mình mà không cần phải nỗ lực hành động để có được. Nhưng thực sự đó chỉ là ảo giác, ảo tưởng bởi "Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn".Phép màu là một cách thức phương pháp bất ngờ do một thế lực siêu nhiên nào đó. Còn hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống. Thực chất câu nói muốn khẳng định, con người phải biết nỗ lực vươn lên tìm cơ hội và tự đem đến hạnh phúc cho bản thân mình. Hạnh phúc là điều giản giản dị nhưng không phải ai cũng có thể đứng một chỗ mà có được. Chỉ khi con người biết nỗ lực cố gắng thì mới có hạnh phúc và niềm hạnh phúc ấy mới thực sự có ý nghĩa. Trong thực tế cuộc sống chẳng phải Nick Vujicic là tấm gương của con người biết vượt lên nghịch cảnh để trở thành người Hạnh phúc đó sao? Mỗi người trong chúng ta cần phải biết phê phán những con người sống thụ động, ỉ lại, tẻ nhạt… không chịu nỗ lực vượt lên trên nghịch cảnh để tự tìm hạnh phúc cho mình. Đồng thời chúng ta cần tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể xã hội để tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc, có như vậy cuộc sống của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa.

    Câu 5: 

        Nhà văn Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. “Vợ nhặt” là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc họa thành công vẻ đẹp phẩm hạnh của nhân vật người vợ nhặt, một người phụ nữ nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị, biết hướng tới tương lai tươi đẹp.

        Tác phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”.

        Viết về “Vợ nhặt”, Kim Lân không chỉ dừng lại ở phản ánh chân thực nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn tiến lên một bước nữa nhằm khắc họa nét đẹp tâm hồn người lao động, đặc biệt là người phụ nữ.

        Ở đầu tác phẩm, nhưng vẻ đẹp của người vợ nhặt bị che khuất bởi những con số không tròn trĩnh: không quê quán, không nghề nghiệp, không cả một cái tên, không nhan sắc, không lòng tự trọng. Cuộc sống đói khổ càng tô đậm sự xấu xí của thị: “Áo quần tả tơi như tổ đỉa”, người “gầy sọp”, “trên cái khuôn mặt xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Khi nghe tiếng hò của Tràng, thị “lon ton chạy theo” đẩy xe thóc cùng, hôm sau lại “sầm sập chạy đến”, “cong cớn” đứng trước mặt anh ta để đòi “nợ” rồi “cắm đầu ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc”. Giữa sự lựa chọn nghiệt ngã: hoặc chết đói để giữ sĩ diện, hoặc bỏ lòng tự trọng sang một bên để bám víu lấy sự sống, thị đã chọn cách thứ hai.

      Song, qua tiến trình của câu chuyện, con người thực sự của nhân vật người vợ nhặt dần hiện ra dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân. Thị “rón rén, e thẹn, đầu cúi xuống, chân bước díu vào nhau” khi đi qua xóm ngụ cư, trên đường về nhà Tràng. Ở đây, ta chỉ thấy một cô gái hiền hậu, biết ý tứ và ngượng ngùng một cách thật dễ thương chứ không còn cái “cong cớn” vô duyên lúc trước. Buổi sáng sau khi về làm vợ Tràng, thị dậy sớm, quét tước dọn dẹp, nấu cơm và cư xử, nói năng đúng mực, khiến ngay cả Tràng cũng ngạc nhiên vì sự thay đổi ấy. Thị đã trở thành người vợ đảm, người con dâu biết lo toan việc nhà. Phải chăng, đây mới chính là bản chất tốt đẹp của con người vợ nhặt? Ngay cả trong chi tiết theo không Tràng về làm vợ của thị, nếu xét kĩ, ta sẽ thấy hành động ấy thực chất xuất phát từ khao khát tình yêu, hạnh phúc và tổ ấm gia đình cháy bỏng của những người nông dân bình dị. Tóm lại, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt với những vẻ đẹp tâm hồn đáng được trân trọng và ngợi ca.

      Ta có thể thấy Kim Lân rất thấu hiểu tình cảnh tội nghiệp, cực chẳng đã của người vợ nhặt. Hoàn cảnh xô đẩy chị có lúc thành ra kẻ trơ tráo, cong cớn nhưng bản chất thật của thị không phải như vậy. Ẩn sâu trong tâm hồn chị vẫn là người con gái giàu lòng tự trọng.- Nét đẹp bên trong của người vợ nhặt còn thể hiện qua một chi tiết rất nhỏ. Trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, khi mẹ chồng đưa cho bát chè cám, hai mắt thị đã tối sầm lại nhưng thị vẫn điềm nhiên và vào miệng. Đây là một chi tiết rất đắt, thể hiện sự tinh tế trong nhận thức và sự khéo léo trong cách cư xử của người đàn bà tưởng như vô học đó. Chị hiểu ra cơ sự của mẹ con Tràng nhưng chị không muốn làm mất đi niềm vui của người mẹ chồng già nua tội nghiệp.

      Người vợ nhặt của Tràng còn là một người phụ nữ thông minh, thức thời, là tác nhân quan trọng để làm thay đổi tình cảm, nhận thức của Tràng. Chị không chỉ đem đến tình yêu, hạnh phúc cho người đàn ông nghèo mà còn khai thông cho cái đầu ngờ nghệch của anh qua câu chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật, chia cho người đói…Chính thị cũng là người giúp cho Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ chọn.

      Có thể nói, thị không chỉ ham sống mà còn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc. Đến với Tràng tuy vội vã nhưng là một quyết định đúng đắn. Thị đã thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống tối tăm của gia đình Tràng. Dẫu sống trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng thị vẫn ngời lên nét đẹp tâm hồn đáng quý, khao khát được sống và được hạnh phúc, luôn hướng về tương lai với niềm tin vào cuộc sống.

    “Chí Phèo” ( 1941 )là truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao cho hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Sự xuất hiện của Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu “ma chê quỷ hờn”, kì diệu thay, lại là nguồn sáng duy nhất đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo để đánh thức, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo.

      Chính bàn tay ân cần của Thị Nở cùng với tình yêu của thị đã khơi dậy trong Chí phần người. Bát cháo hành chính là liều thuốc giải độc, góp phần thức tỉnh phần người trong con quỷ dữ. Ăn cháo hành, hắn thấm thía khát khao hạnh phúc, khát khao lương thiện. Năm ngày đêm bên Thị Nở là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Chí. Hắn “thèm lương thiện và khát khao làm hòa với mọi người”. Từ một con quỷ dữ, nhờ Thị Nở, đúng hơn là nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, thô kệch, xấu xí,…nhưng cũng đủ để làm sống dậy bản tính người nơi Chí Phèo.

      Qua miêu tả số phận khổ đau của các nhân vật và phát hiện ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn họ, các tác giả đã đề cập đến sức mạnh của tình yêu thương. Qua hai nhân vật người vợ nhặt và Thị Nở, ta thấy đối lập với vẻ ngoài xấu xí là một vẻ đẹp tiềm ẩn – vẻ đẹp của tình người. Tình yêu thương có sức mạnh to lớn, nó giúp người khác vững tin hơn trong cuộc sống, nó cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt. Tình yêu thương chân thành của Thị Nở đã chạm đến trái tim cằn khô sỏi đá của Chí Phèo, và thức dậy trong hắn những giây phút người nhất. Tình yêu thương của người vợ nhặt đã làm cho Tràng thay đổi.

      Bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, bằng tình yêu thương dành cho những con người lao động, Kim Lân và Nam Cao đã khám phá, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp của các nhân vật.

      Đồng cảm với những số phận bất hạnh, đồng tình với ước mơ nguyện vọng chính đáng của con người và khát khao đổi thay số phận cho họ.

      “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Mang trong mình nét độc đáo riêng của thời đại, “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” đã đạt được những giá trị tư tưởng sâu sắc. Hai truyện ngắn đều thể hiện lòng thương yêu mãnh liệt của các nhà văn đối với con người, tình cảm trân trọng những giá trị tâm hồn đáng quý của các nhân vật. Nét đẹp của hai tác phẩm mãi mãi là bài ca về tình người, tình đời và khát vọng sống cao đẹp.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm