Nêu diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

1 câu trả lời

Chào em em tham khảo gợi ý:

- Cuộc gặp gỡ với thị Nở (cuộc tình và trận ốm) đã thức tỉnh phần người bấy lâu nay bị vùi lấp ở Chí để hắn trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Chính sự quan tâm, chăm sóc của thị đã giúp Chí Phèo cởi bỏ cái vỏ “quỷ dữ” để sống lại làm người, khao khát hoàn lương, lương thiện.

- Diễn biến tâm lí, tình cảm của Chí:

+ Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ:

+) Bắt đầu là tỉnh rượu: kể từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Lần đầu tiên hắn nhận thức về cái không gian của mình - căn lều “ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng” và lắng nghe những âm thanh hằng ngày của cuộc sống “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ”. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Chí không chỉ nghe thấy mà còn cảm nhận, cảm xúc “vui vẻ quá” và hình dung, phán đoán cảnh “một người đà bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về”. Lòng Chí bâng khuâng, Chí tự nhận thức được tâm trạng của chính mình, thấy “lòng mơ hồ buồn”.

+) Sau đấy là tỉnh ngộ: Khi tỉnh táo, Chí Phèo đã “ngộ” - nhận thức, nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước hết, hắn “nao nao buồn” nhớ về những ngày “rất xa xôi”, nhớ một thời hắn đã từng mơ ước “có một gia đình nho nhỏ…”. Đấy là quá khứ, còn hiện tại? Chí thấy hiện tại của mình thật đáng buồn bởi “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời” và “cơ thể” thì “đã hư hỏng nhiều”. Tương lai đối với Chí còn đáng buồn hơn, không chỉ buồn mà còn lo sợ bởi hắn đã “trông thấy trước” quá nhiều điều bất hạnh: “tuổi già”, “đói rét” và “ốm đau”, nhất là sự “cô độc”. Sau những tháng ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình.

→ Như vậy, với sự trở lại của khả năng nhận thức ngoại giới và nhận thức chính mình (lí trí) cùng những tình cảm, cảm xúc rất con người, Chí đang thức tỉnh và bắt đầu hồi sinh để trở về kiếp người.

+ Từ ngạc nhiên, xúc động tới khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc

+) Đúng lúc Chí đang “vẩn vơ nghĩ mãi” thì thị Nở mang “một nồi cháo hành còn nóng nguyên” vào. Việc làm này của thị khiến hắn hết sức “ngạc nhiên” rồi từ chỗ “ngạc nhiên”, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt” (xúc động). Bởi vì một lẽ hết sức đơn giản, đây là lần đầu tiên “hắn được một người đàn bà cho”, “đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà”, mà “đàn bà” - trong ý niệm của hắn về bà ba - chỉ đem đến cho hắn sự nhục nhã, đau đớn. Nay thì khác, thị Nở không chỉ đem cháo đến cho hắn mà còn múc ra bát và “giục hắn ăn đi cho nóng”. Hắn “húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa”. Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy của thị Nở đã khiến Chí “ăn năn”, “thầy lòng thành trẻ con” và “muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Lúc này, hắn hiền lành đến khó tin: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?”. Cái “bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi” đã trỗi dậy mạnh mẽ, Chí Phèo đã sống đúng với con người thật của mình, trở lại nguyên tính của anh canh điều ngày xưa.

+) Từ xúc động, ăn năn, hồi tỉnh, Chí mong muốn được trở lại làm người, làm một người dân hiền lành, lương thiện ở làng Vũ Đại: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! [...] Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. 

+) Cùng với mong ước cháy bỏng được làm người lương thiện, Chí khao khát hạnh phúc và một mái ấm gia đình: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?” - “cứ thế này là thế nào?” Là cứ được ăn cháo hành, được sống bên cạnh thị Nở, được thị quan tâm, chăm sóc, yêu thương, được làm nũng với thị… được như thế thì “thích nhỉ” - tức là sung sướng, còn hạnh phúc nào bằng. “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” - tức là về sống chung một nhà, hình thành một mái ấm gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Câu nói này giống như một lời cầu hôn của Chí đối với thị Nở - một lời cầu hôn rất canh điền - chất phác, giản dị. 

- Giá trị nhân đạo: Nam Cao khẳng định sức sống bất diệt của “thiên lương”. Lương thiện, khao khát hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người, không thế lực bạo tàn nào có thể hủy diệt. Ngay cả khi con người bị tha hóa, đẩy vào con đường lưu manh thì cái bản tính ấy chỉ tạm thời chìm xuống chứ không biến mất, nó giống như ngọn lửa vẫn đang âm thầm cháy dưới lớp tro tàn nguội lạnh để đến khi gặp trận gió của tình yêu thương thổi tới sẽ bùng cháy một cách mãnh liệt. Từ đây, nhà văn kêu gọi chúng ta hãy tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người, hãy cùng nhau xây đắp phần “người” trong mỗi cá nhân ngày càng bền vững và mạnh mẽ. 

- Bài học: Sống trên đời cần có sự quan tâm, chia sẻ và tình cảm yêu thương giữa con người với con người. “Sống trên đời rất cần có một tấm lòng - dù chẳng để làm gì, dù để gió cuốn bay đi” (Trịnh Công Sơn). Chính tình yêu và tình thương sẽ giảm bớt thù hận, gìn giữ và nuôi dưỡng nhân tính, thậm chí có sức mạnh cảm hóa con người. Nếu xem L. A-ra-gông - tiểu thuyết gia, thi gia nổi tiếng của nước Pháp - tái sinh từ đôi mắt và tình yêu của En-xa thì cũng có thể xem Chí Phèo của Nam Cao tái sinh từ bát cháo hành - bát cháo của tình yêu thương của thị Nở. 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm