2 câu trả lời
Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc là một cuộc nổi dậy được khởi phát bởi phong trào Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo tiến hành chống lại nhà Thanh. Đây là một trong số những cuộc nổi dậy lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại, và là cuộc nổi dậy đẫm máu nhất thế kỷ XIX. Cuộc nổi dậy này cũng lại một trong số những cuộc chiến lớn nhất thế giới ở thế kỷ XIX. Nó cũng được coi là nội chiến Trung Quốc của thế kỷ XIX.
Sự bùng nổ của cuộc chiến này khởi phát từ việc giới chức Mãn Thanh tìm cách giải tán hội quán Phục Chúa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo. Hồng Tú Toàn, vốn cho rằng mình là truyền nhân của Chúa Giê-su, đã sử dụng hành động của chính quyền Mãn Thanh để dấy phong trào. Phong trào vốn là một phong trào mang tính dân tộc chủ nghĩa, tôn giáo và chính trị.
Cuộc chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và các thế lực đối kháng được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 19 ở Trung Quốc. Theo thống kê không chính thức nó đã tước đi sinh mạng của hơn 20 triệu người, bao gồm thường dân và quan quân, nhưng cũng có nguồn cho rằng số người chết lên đến khoảng 50 triệu người. Sau cuộc chiến chống lại Thái Bình Thiên Quốc, nhà Thanh đã kiệt quệ và đành phải chứng kiến các nước phương Tây xâm chiếm những vùng đất duyên hải, áp đặt các đặc quyền thương mại trên đất Trung Hoa
Dân cùng, tài lực tận, nguyên nhân không xẩy ra trong sớm tối ; nhưng chiến tranh nha phiến là giai đoạn tột cùng sức chịu đựng. Quảng Ðông, Chiết Giang, Giang Tô là những chiến trường chủ yếu. Tại Quảng Ðông, quyên lương hướng từ thương nhân, quan lại bắt lính, đòi lương, ngày ngày cấp bách ; dân chúng Chiết Giang nửa số lưu ly, không cung cấp nổi lương và nhân lực ; tỉnh Giang Tô phải gánh vác nặng nề. Sau chiến tranh cứ nạp 1 thạch lương, phụ thu thêm 3 thạch ; thuế đinh, thuế điền, 1 lạng bạc thu thêm 4,5 ngàn đồng tiền. Sự đóng góp nặng nề của dân đương nhiên do bởi khoản tiền bồi thường cho người Anh, lần thứ nhất 600 vạn nguyên, lấy từ ngân khố các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang ; số còn lại 1.500 vạn nguyên, thì 8/10 lấy từ các tỉnh.
Về phương diện chính trị, sau chiến tranh nha phiến uy tín chính phủ hoàn toàn táng thất, nhưng dân lại vùng lên. Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh nhận định rằng “ Quan sợ ngoại Di, ngoại Di sợ trăm họ ” “ Dân có thể làm sợ cái người mà quan sợ, thì dần dần dân sẽ coi thường nắm quan trong tay ; ngoại hoạn tuy bớt nhưng nội hoạn sẽ dấy lên.”
Rõ ràng sau chiến tranh nha phiến nội loạn đã xẩy ra không ngớt. Năm 1843 đặc biệt xẩy ra tại các tỉnh Quảng Ðông [Guangdong], Quảng Tây [Guangxi], Hồ Nam [Hunan] ; như Thiên Ðịa hội tại huyện Hương Sơn, Quảng Ðông ; dân đói nổi dậy tại Vũ Xương [Wugang], Hồ Nam. Kế đó các mối loạn khác xẩy ra liên tục hàng năm, như vụ dân bị mất mùa đói khát nổi loạn tại Quảng Tây ; Lý Nguyên Phát, Lôi Tái Hạo nổi dậy tại Tân Ninh [Xinning, Hồ Nam] ; tại Quảng Đông, bọn Trương Gia Phúc mang đồ đảng mấy ngàn cướp phá bốn phương. Đến năm 1850 Thiên Ðịa hội hoạt động mạnh tại tỉnh Quảng Ðông, vây thành Triệu Khánh, đánh bại quan quân tại lộ phía bắc, xâm nhập tỉnh Quảng Tây ; trong 11 phủ của tỉnh này có 8 phủ bị Thiên Ðịa hội chiếm cứ, đó cũng là lúc Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn chính thức cử sự.