Liên hệ lí tưởng sống của tuổi trẻ thời đại ngày nay qua 3 khổ thơ cuối "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"-Phạm Tiến Duật

2 câu trả lời

DÀN Ý:

1 Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu nội dung 3 khổ cuối

2 Thân bài:

* Hoàn cảnh sáng tác: 

* Khổ 5: Vẻ đẹp lạc quan, yêu đời của người lính

- Niềm vui sum họp sau mưa bom đạn của kẻ thù.

- cái nắm tay, cái bắt tay của người lính

- “nắm lấy bàn tay” - “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi"

* Khổ thơ thứ 6: Tình đồng chí, đồng đội gắn bó, yêu thương.

- Lúc cắm trại, các anh trò chuyện, ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái, nhường nhịn nhau như anh em ruột thịt: chung bát,chung đũa, mắc võng chông chênh...

-  Điệp từ “lại đi”:  gợi tả nhịp sống chiến đấu và hành quân của tiểu đội xe không kính mà không một sức mạnh đạn bom nào có thể ngăn cản nổi. 

* Khổ thơ cuối: Ý chí chiến đấu vì miền Nam, thống nhất đất nước
- thể hiện ý chí sắt đá của những người lính
- Hai câu đầu dồn dập những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống

- hai câu cuối là vẻ đẹp của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ: trẻ trung, lạc quan, dù hiểm nguy nhưng vẫn sẵn lòng

- trái tim: một chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định, chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ... mà là con người- con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường dũng cảm

* Liên tưởng với lý tưởng sống hiện nay của thanh niên

- Bình luận:

Lí tưởng sống sẽ là động lực giúp bạn vươn lên trong cuộc sống.

+ Lí tưởng sống cao đẹp là điều kiện để con người sống có ý nghĩa; giúp con người hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách.
- những tấm gương sống theo lí tưởng cao đẹp:

3. Kết bài: 

- Tổng kết lại vấn đề

BÀI LÀM:

     Việt Nam ta đã trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, bom đạn, chết chóc. Ngày nay ta được sống trong thời kỳ hòa bình là do công lao to lớn của những người lính. Đã có rất nhiều bài thơ nói về họ - nhưng con người như những vì sao sáng lóa của dân tộc. Tiêu biểu cho thời kì chống Mĩ cứu nước là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Qua hình ảnh những chiếc xe không kính, Bài thơ đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt nam. Ba khổ thơ cuối lại càng khắc họa được những vẻ đẹp tiêu biểu của họ: những con người đoàn kết, lạc quan và giàu lòng yêu nước.

    Bài thơ được viết năm 1969, in trong tập "Vầng trăng - Quầng lửa". Được viết  khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khắc họa hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính, qua đó để làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ với tư thế, tinh thần hiên ngang mà bất khuất. 

    Ở 3 khổ thơ cuối , người lính lái xe được gợi ra cũng chính từ hình ảnh những chiếc xe không có kính:

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vở rồi

     “Từ trong bom rơi” có nghĩa là từ trong ác liệt, từ trong cái chết trở về. Vượt qua tuyến lửa, bom rơi, những chiếc xe bỗng tụ nhau thành tiểu đội thật kỳ khôi, thú vị. Chữ “họp” gợi sự đoàn tụ, sự bảo toàn. Có lẽ vì sự yêu thương lẫn nhau nên họ đã vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ để trở về bên nhau. Và cái “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi “ mới thật tự hào, sảng khoái biết bao! Cái bắt tay đó như là sự chia sẻ, cảm thông lẫn nhau của người lính. Cái bắt tay ấy như lời hẹn chiến thắng, như truyền sức mạnh, như truyền sự tự tin và hào khí tuổi trẻ. Nhà thơ Chính Hữu cũng đã từng cho thấy sức mạnh của tình đồng chí trong bài thơ “Đồng chí”. Hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của người lính xưa chính là sự thầm lặng sẻ chia cảnh ngộ và cùng chung lí tưởng sống.

     Chân dung tâm hồn của người lính lái xe được gợi ra trên những phẩm chất tốt đẹp. Họ -những con người từ nhiều phương trời, nhiều miền quê, nhưng trong thử thách, họ gắn với nhau thành ruột thịt:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi lại đi trời xanh thêm

      Sau mỗi trận mưa bom bão đạn cùng với những chiếc xe bị tàn phá nặng nề hơn, họ lại gặp nhau trong những phút dừng chân ngắn ngủi. Lúc đấy họ thật đẹp về tâm hồn và tình cảm. Chữ “bếp”, hình ảnh “bát đũa”,”chiếc võng”...đều là những gì thân thiết trong ngôi nhà của ông bà, cha mẹ ở hậu phương, làm cho hai chữ “gia đình” ẩm cả khổ thơ tiền tuyến. Trong tâm hồn họ, trời như xanh thêm chứa chan hi vọng lạc quan dào dạt. Điệp từ “lại đi” được lặp lại hai lần gợi tả nhịp sống chiến đấu và hành quân của tiểu đội xe không kính mà không một sức mạnh đạn bom nào có thể ngăn cản nổi. Sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại trong một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang – tư thế của người chiến thắng. Ta lại nhớ đến truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê cũng kể về tình đồng đội mà thắm thiết hơn cả tình chị em của ba cô thanh niên xung phong. Có thể nói trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã có sự phát hiện thật mới mẻ về tình cảm của người lính, của một thế hệ người Việt Nam, với đời sống tình cảm biết bao mới lạ và sâu sắc.

Cuối bài thơ, tác giả đưa ra một ý tưởng thật bất ngờ - đó là "trái tim cầm lái"

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim

     Điệp ngữ “không có” lặp lại ba lần như nhân lên hết những cái khó khăn, khốc liệt của chiến tranh. Không có kính, không đèn, không có cả mui. Thế nhưng, xe vẫn bon bon lăn bánh trên con đường ấy, bất chấp tất cả mọi hiểm nguy.  "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước", câu thơ đã phần nào lột tả ý chí chiến đấu vì miền Nam, vì Tổ quốc của những người lính lái xe quả cảm. Chữ “Vẫn chạy” sao mà gan góc, mà ý chí, mà bướng bỉnh và ngoan cường! Tất cả những khó khăn, gian khổ không hề gì, chỉ cần có những trái tim nồng cháy của những con người hóa vĩ đại trong tim dân tộc

     Lí tưởng sống của thanh niên Việt Nam trong những giai đoạn cách mạng vừa qua là sống chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn lý tưởng sống của thanh niên hiện nay là phát triển đất nước. Người trẻ hiện nay đang được sống trong thời hòa binhg, họ ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đói với non sông. Lí tưởng sống cao đẹp là điều kiện để con người sống có ý nghĩa; giúp con người hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách. Như những học sinh sinh viên khoác trên mình bộ áo xanh tình nguyện đi giúp đỡ người nông thôn xây dựng nhà cửa. Hay những anh lính biển ngày đêm canh gác vì tương lai của đất nước. Thế hệ ngày nay có những trách nhiệm, những xứ mệnh, những vinh quang và thách thức của mình.  Bước chân sang thế kỉ XXI,  mỗi người trẻ tuổi chúng ta cần nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện, luôn mang trong mình một trái tim tự hào về dân tộc ta.

    Tóm lại hình ảnh những chiếc xe không kính với trái tim nồng nàn tình yêu quê hương đất nước bon bon làm nhiệm vụ sẽ luôn là một hình ảnh đẹp trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Đọc xong bài thơ, ta càng hiểu hơn về các chiến sĩ lái xe, về lòng dũng cảm, tư thế hiên ngang bất khuất của họ. Chiến tranh đã qua đi nhưng họ sẽ sống mãi với dân tộc.

Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ trong những năm chống Mĩ. Thơ ông tập trung thể hiện thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thi phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" sáng tác năm 1969, nằm trong chùm thơ Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ và được đưa vào tập thơ "Vầng trăng quầng lửa" của tác giả. Bài thơ mà điển hình là ba khổ thơ cuối đã khắc họa hiện thực khốc liệt của chiến tranh nhưng qua đó làm nổi bật lên hình tượng người lính với bao phẩm chất cao đẹp.

Sau những chặng đường dây mưa bom bão đạn đây gió bụi, mưa tuôn, người lính lái xe vẫn có giây phút bình yên:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi."

Hình ảnh "Những chiếc xe từ trong bom rơi" gợi nên qua thử cái ý những chiếc xe gan góc, những chiếc xe đã qua thử thách. Vượt qua những đoạn đường "bom giật, bom rung", những chiếc xe lại được quây quần bên nhau thành "tiểu đội" - đơn vị nhỏ nhất trong quân ngũ (gồm 12 người). Tiểu đội xe không kính là mười hai chiếc xe và cứ như thế có biết bao nhiêu tiểu đội trên đường ra trận, kể sao cho hết? Suốt dọc đường vào Nam, tất cả những người lính lái xe gặp nhau dù chỉ trong giây phút nhưng đều là bè bạn "Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới". Mặt khác con đường đi tới là đường chính nghĩa, càng đi càng gặp nhiều bạn bè.

Bên cạnh đó, giây phút gặp nhau ấy thật thú vị qua cái "Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi" - một cử chỉ thật thân thiện, cảm động. Có biết bao nhiêu điều muốn nói trong cái bắt tay ấy. Đó là niềm vui trong họ vừa thoát khỏi chặng đường hiểm nguy gian khó. Họ động viên nhau dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn quyết tâm cầm chắc vô lăng để đưa xe về đến đích. Chỉ một cái bắt tay qua cửa kính vỡ rồi cũng đủ để họ san sẻ cho nhau, cảm hiểu lẫn nhau giữa những người đồng chí, đồng đội chung một chiến hào, chưng một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Cái bắt tay qua ô cửa kính là sự bù đắp tinh thần cho sự thiếu thốn về vật chất.

Người lính trên đường ra trận còn có chung những điểm tựa và tình cảm, tâm hồn, sinh hoạt. Chúng ta hãy nghe Phạm Tiến Duật kể về những cái chung ấy:

"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm."

Bếp Hoàng Cầm - hình ảnh quen thuộc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ là tín hiệu của sự sum vầy, hội ngộ sau chặng đường hành quân vất vả. Ngọn lửa ấm áp như nối kết tấm lòng người chiến sĩ với nhau. Tất cả là một gia đình ấm cúng, chan chứa yêu thương. Phạm Tiến Duật đã đưa ra một khái niệm gia đình thật lạ, thật giản đơn: "chung bát đũa" là tiêu chuẩn. Câu thơ toát lên tình đời, tình người gắn bó keo sơn. Họ có chung bát đũa, chung mâm cơm, chung bếp lửa, chung ánh sao trời, chung gió bụi, mưa tuôn, chung một con đường hành quân, một chiến hào, một nhiệm vụ. Những tình cảm ấy chỉ có những người lính cách mạng mới được thưởng thức và nếm trải. Nó thật bình thường nhưng cũng thật cao đẹp thiêng liêng. Câu thơ đẹp về tình cảm, cách nhìn, cách nghĩ của người chiến sĩ. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tình đồng chí đã trở thành sức mạnh vô giá, giúp người lính trụ vững nơi chiến trường bom đạn, giành chiến thắng trước quân thù.

Sau một bữa cơm sum họp thân mật, một vài câu chuyện thân tình, những người lính trẻ lại tiếp tục lên đường: "Lại đi , lại đi trời xanh thêm". Hình ảnh "Trời xanh" là một nét vẽ rất tài hoa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Nó không chỉ biểu tượng cho sự sống mà còn biểu tượng cho tự do, hòa bình, chứa chan hi vọng chiến công lớn đang chờ. Người chiến sĩ lái xe chính là tự do của nhân loại. Họ chiến đấu để giành lại trời xanh. Chính vì thế dù gian khó hiểm nguy đến đâu, họ cũng vẫn quyết tâm lái xe bon bon về phía trước. Đây không phải là một mệnh lệnh khô khan, là nhiệm vụ đơn thuần mà là tinh thần, là ý chí, là tình cảm của người lính luôn hướng trái tim về miền Nam ruột thịt.

Khổ thơ kết, hình ảnh thơ được lặp lại những chiếc xe không kính. Nhưng từ đây để làm nổi bật vẻ đẹp của người lính lái xe:

"Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim."

Giờ đây những chiếc xe ấy không chỉ mất kính mà lại không đèn, không mui, thùng xe có xước. Chiếc xe đã biến dạng hoàn toàn. Người lính xế lại chất chồng khó khăn. Sự gian khổ nơi chiến trường ngày càng nâng lên gấp bội lần nhưng không thể làm chùn bước những đoàn xe nối đuôi nhau ngày đêm tiến về phía trước. Nguyên nhân nào mà những chiếc xe tàn dạng ấy vẫn băng băng chạy như vũ bão? Nhà thơ đã lí giải: "Chỉ cần trong xe có một trái tim". Câu thơ dồn dập cứng cáp hẳn lên như nhịp chạy của những chiếc xe không kính. Từ hàng loạt những cái không có ở trên , nhà thơ khẳng định một cái có, đó là "một trái tim". Trái tim là một hoán dụ nghệ thuật tu từ chỉ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Trái tim ấy dạt dào tình yêu Tổ quốc như máu thịt, như mẹ cha, như vợ như chồng ... Trái tim ấy luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mĩ bạo tàn. Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực, chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi.

Đằng sau những ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lý thời đại của chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, quyết thắng. Có thể coi câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó là nhãn tự, là con mắt thơ, bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe thời chống Mĩ.

Với một chất liệu hiện thực độc đáo, giọng thơ ngang tàng, khẩu khí trẻ trung, nhịp điệu biến hóa linh hoạt: khi thì như lời hội thoại, khi thì như khúc văn xuôi phù hợp với nhịp hành quân của đoàn xe trên đường ra tuyến lửa. Qua đây, có thể khẳng định rằng, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là một trong những thi phẩm tiêu biểu viết về thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên của dân tộc. Các anh đã dệt nên những bản tình ca bất hủ cho đất nước.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu : “Không chỉ học ở trường lớp, chúng ta còn có thể học hỏi từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống, dưới nhiều hình thức. Học là việc cả đời, chẳng bao giờ kết thúc, ngay cả khi bạn đã đạt được nhiều bằng cấp. Đối với một số người, việc học kéo dài liên tục và suốt đời, không hề có một giới hạn nào cho sự học hỏi. Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nhà văn Conrad Squies luôn tâm niệm: “Học hỏi giống như sự hình thành các cơ bắp trong lĩnh vực kiến thức, tạo nền tảng cho sự thông thái, khôn ngoan”. Và dĩ nhiên, để thành công trong cuộc sống, để sống bình an trong một thế giới đầy biến động như hiện nay thì bạn cần phải trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm sống, để nâng cao những kỹ năng làm việc của bản thân mình.” (Theo Cho đi là còn mãi – Azim Jamal & Harvey McKinnon, biên dịch : Huế Phương, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, tr. 67) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Xác định biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích. Câu 3. Em có đồng tình với quan niệm của tác giả :“Học là việc cả đời, chẳng bao giờ kết thúc, ngay cả khi bạn đã đạt được nhiều bằng cấp.” ? Vì sao? Câu 4. Em hiểu thế nào về ý kiến : “Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng.”

3 lượt xem
2 đáp án
21 giờ trước