Kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường thân yêu
2 câu trả lời
Giờ náo nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
Một mái trường với hàng cây xanh rợp bóng và những con đường học sinh sớm tối đi về đã trở thành kỷ niệm khó quên của bao lớp người xưa nay. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mái trường là “ngôi nhà thứ hai” của mỗi con người. Bởi ở ngôi trường đó chúng ta không chỉ được tiếp nhận tri thức, được rèn luyện đạo đức, mà nó còn là nơi gieo mầm ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực và hơn nữa, nó cho ta cảm nhận được tình thương yêu, đùm bọc giữa thầy trò, bạn bè. Và với tôi, ngôi nhà thứ hai của tôi mang tên trường thpt giao thủy b.
Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường, dù có thể đó là mái trường nho nhỏ nơi miền quê. Và trường tôi cũng vậy. Nhắc đến quê hương Giao Thủy, hẳn mọi người sẽ nhớ đến ngay một vùng quê trù phú, có bề dày lịch sử văn hóa và có truyền thống hiếu học, trong đó có một địa chỉ đã và đang nhận được sự tin yêu của nhân dân địa phương. Đó là trường THPT Giao Thủy B. Trải qua 45 xây dựng và trưởng thành, các thế hệ giáo viên, học sinh nơi đây đã đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên dựng xây một nền tảng thành tích, trở thành một địa chỉ tin cậy về chất lượng giáo dục. Ai mà chẳng yêu quý mái trường nơi mình học tập, tôi cũng vậy. Nhưng không chỉ là sự yêu quý, gắn bó, trong tôi còn là cả sự tự hào về mái trường THPT THPT Giao Thủy B..., về những thành tích của trường trong suốt 45 năm qua.
Trường tôi trước đây được thành lập năm 1973 đúng thời điểm Hiệp định Pari được kí kết, đưa cuộc chiến tranh thần thánh chống Mĩ cứu nước của dân tộc đi vào giai đoạn quyết liệt
Khi mới thành lập, trường được xây trên một khu đồi cát bồi hoang vu đầy dứa dại với tên gọi là Trường cấp III Xuân Thủy. Năm học đầu tiên trường có 2 lớp 9, do một số học sinh cấp 3 Giao Thủy và cấp 3 Xuân Trường chuyển về cùng với 6 lớp 8 tuyển mới với tổng số học sinh là 376 em và 26 đồng chí CBGV. Chưa có lớp học, thầy trò phải học nhờ tại các nhà kho HTX thuộc xã Giao Thịnh, rồi sau đó chuyển về học nhờ tại trường cấp 2 xã Giao Yến.
Tháng 2-1974, chiến dịch san ủi mặt bằng của đoàn thanh niên lao động huyện Xuân Thủy được tiến hành đã biến cả một cồn cát khổng lồ thành bãi đất bằng để xây dựng trường học. Khẩu hiệu “một tay cầm bút, một tay cầm cuốc” được phát động và trong 3 năm sáng dạy và học, chiều thi đua san lấp, ngôi trường đã được dựng xây và tạo dựng được 8 khu phòng học, khu văn phòng, khu tập thể nhà ở CBGV toàn bằng chất liệu phi lao, kèo tre vách đất, mái rạ phục vụ cho 2 lớp 10, 6 lớp 9, và 6 lớp 8 với tổng số 597 học sinh chính thức bước vào khai giảng năm học mới 1974-1975.
Năm học 1974-1975, năm học đầu tiên miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên CNXH. UBND tỉnh Nam Hà quyết định cho nhà trường thực hiện dự án xây dựng 16 phòng học, 3 phòng thí nghiệm và một hệ thống phòng học, 3 phòng thí nghiệm và 1 hệ thống phòng họp, phòng làm việc của CBGV theo quy mô nhà cấp 4, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 1977-1978.
Từ một ngôi trường cấp III chỉ vẻn vẹn có 8 khu phòng học thì đến nay, cơ sở vật chất của trường ngày càng được kiên cố, hoàn thiện: Khu nhà hiệu bộ có đầy đủ phòng chức năng, khu phòng học gồm 3 dãy nhà cao tầng với 36 phòng học, nhà đa chức năng rộng hơn 1000 m2 . Các phòng thực hành môn Tin học, ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học cho học sinh thực hành đều được quan tâm đầu tư. Sân trường, sân thể dục được bố trí hợp lý đáp ứng yêu cầu rèn luyện cho học sinh học các môn thể dục. Với bề dày thành tích và sự đầu tư gần như đồng bộ năm 2017, nhà trường đã được công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia, được đánh giá kiểm định chất lượng cấp độ 3. Các tổ chức đảng, đoàn thể với các phong trào thi đua thiết thực như “Dạy tốt”, “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Tuổi trẻ thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt vì ngày mai lập nghiệp” là mục tiêu để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh luôn gắng sức thi đua đóng góp vào thành tích chung của nhà trường.
Quy mô đào tạo rất nhanh, từ khoá học đầu tiên 1974- 1975 khai giảng chỉ với 597 học sinh, trải qua 45 khoá học nay lên tới gần 2000 học sinh cho cả 3 khối 10, 11 và 12.
45 năm là cả chặng đường dài mà các thế hệ giáo viên và học sinh trường THPT Giao Thủy B không ngừng phấn đấu, nỗ lực để xây dựng trường hoàn thiện, có được những thành tích rất đáng tự hào như: huân chương lao động hạng ba năm 2003; năm 2010 trường được công nhận là trường chuẩn Quốc gia; năm 2018 trường được đánh giá đạt “tiêu chuẩn giáo dục cấp độ 03” và đặc biệt là ngày 10 và 11/11/2018 vừa qua, trường đã tổ chức kỉ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận cờ thi đua của bộ GD-ĐT.
Có được những kết quả tốt đẹp như thế công sức lớn nhất phải kể đến các thầy cô giáo nơi đây- những người đã đem con chữ truyền dạy cho bao thế hệ học trò. các thầy cô đều là những người có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt là lòng nhiệt tình, tâm huyết, tình yêu đối với nghề dạy học cao quý. được vinh dự học tập dưới mái trường này, tôi không chỉ được học bài học tri thức mà còn học được rất nhiều bài học đạo đức từ các thầy cô. Mặc dù bề ngoài trông thầy cô có vẻ nghiêm khắc nhưng tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô đối với học sinh, sự tâm huyết dồn vào những bài giảng để mong chúng tôi có thể hiểu bài một cách tốt nhất. Thật đúng là:
“Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
"Muốn qua sông phải lụy đò"
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ... “
(Người lái đò)
Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta, đưa ta đến với cuộc đời này thì thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai đã dạy cho ta kiến thức, truyền đạt cho ta biết bao điều hay lẽ phải về kĩ năng sống, giúp ta nên người. Quả đúng như lời thơ, có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải trải qua những ngày tháng học sinh, ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Thầy cô - những người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với mỗi lứa học sinh của mình. Làm sao có thể lớn lên, có thể trưởng thành mà không có thầy cô ở bên dạy dỗ, dẫn đưa. Thầy cô giống như những cây chỉ nam, những ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm thấy hướng khi đi lầm đường, lạc lối. Qua những bài giảng của thầy cô, tôi hiểu được rằng yêu thương không nhất thiết phải thể hiện ra bằng những lời nói hoa mĩ mà nó có thể được thể hiện bằng những hành động âm thầm không phô trương, tô vẽ. Nếu như người kỹ sư vui mừng khi nhìn thấy cây cầu mà mình mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa trĩu bông thì người giáo viên hạnh phúc khi nhìn thấy học trò đang trưởng thành, lớn lên. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng em trước những vấp ngã của cuộc đời. Mặc cho người ta ngập chìm trong những lo toan, tính toán chuyện cơm áo lợi danh, chuyện bán mua cả tình cảm, cả trí tuệ:
Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy
dõi theo bước em trong cuộc đời …
Lời bài hát đã nói lên hết những gì cần nói.Thầy cô với những ước mơ, những yêu nghề cháy bỏng luôn thực hiện thiên trách của mình là dạy dỗ học sinh nên người.Tiếng thầy cô giảng bài hăng say trên lớp vẫn văng vẳng đâu đây. Rồi là những nụ cười khi thấy những đứa học sinh của mình đạt điểm cao, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, đang dần trưởng thành theo năm tháng. Rồi là những giọt nước mắt đượm buồn khi thấy học sinh của mình bị điểm kém, không nghe lời. rong suốt quãng đường dài giữa hai mùa hạ, người giáo viên có đủ thì giờ để đưa học sinh của mình đến bờ bên kia. Cô giáo được xem là người mẹ hiền và tập thể giáo viên cũng là gia đình của mỗi thầy giáo, cô giáo. Gia đình này giúp cho mỗi người làm công tác giáo dục thêm gắn bó với nơi mình đang làm việc. Và một cách tự nhiên từ đáy lòng mình, mỗi giáo viên đã gọi ngôi trường mình đang giảng dạy là "mái trường của tôi ".Mái trường của tôi" là tình cảm, là tấm lòng, là niềm tin của mỗi giáo viên gửi vào nơi mà mình gắn bó bao năm tháng! "Mái trường của tôi"cũng là tiếng nói tự hào về những công việc đã làm được của nhà trường để góp phần làm cho quê hương thêm tươi đẹp.
Một năm học đã trôi qua mà tôi cảm giác như tất cả mọi kỷ niệm mới chỉ diễn ra ở ngày hôm qua, kỷ niệm về cái ngày đầu tiên đi học tại mái trường này lại ùa về trong tôi. Có người nói rằng, kỷ niệm ngày đầu tiên bước vào lớp 1 là kỷ niệm khó quên nhất trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng đối với tôi, ngày đầu tiên đi học tại mái trường THPT Giao Thủy B mới là kỷ niệm tôi không bao giờ có thể quên. Vì sao ư? Vì ngày vào lớp 1 đã diễn ra quá lâu để tôi có thể nhớ trọn vẹn cảm giác rụt rè, bỡ ngỡ, còn kỷ niệm ngày đầu vào lớp 10 lại quá sâu sắc và đặc biệt. Đó là niềm vui khi biết mình đỗ vào mái trường này, niềm háo hức mong chờ từng ngày để được đi khai giảng, hồi hộp khi khoác lên mình chiếc áo trắng có in lôgô, phù hiệu của trường. Ngày trước khi còn học cấp II, mỗi khi bắt gặp các anh chị mặc áo có in lôgô Trường THPT GTB, trong tôi dâng lên một cảm xúc vô cùng ngưỡng mộ, tôi hiểu họ đều phải nỗ lực rất nhiều để được học tập ở mái trường này. Với tôi, khi mặc đồng phục nhà trường, trong tôi chưa bao giờ nguôi cảm xúc tự hào. Lôgô không chỉ là biểu tượng của một ngôi trường mà nó còn chứa rất nhiều ý nghĩa. Lôgô trường tôi có màu sắc tươi tắn, thanh nhã, hài hoà với màu sắc chủ đạo là màu xanh- màu hoà bình, màu của những ước mơ và Giao Thủy B sẽ là nơi ươm mầm những ước mơ ấy. Nổi bật trên nền xanh là hình ảnh ngọn đuốc và quyển vở- biểu tượng của niềm tin, gợi những khát khao chinh phục những đỉnh cao tri thức của lớp lớp thế hệ học sinh nhà trường.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bây giờ tôi đã là học sinh lớp 11. Chỉ hai năm nữa thôi, tôi sẽ phải rời xa chiếc ghế nhà trường để bước vào đại học- bước vào cuoccj đời của các cô cậu sinh viên, phải xa cha mẹ, xa những người bạn thân quen, xa quê hương giao thủy thân thương. Tôi biết mình chẳng thể nắm giữ nổi thời gian nhưng tôi vẫn ước thời gian có thể trôi chậm lại để tôi có thể lưu giữ thêm nhiều kỷ niệm tại mái trường này. Nhớ về hành lang sau nhà đa năng- nơi luôn là điểm hẹn lý tưởng để tránh nắng, tránh nóng trong những giờ học thể dục của học sinh. Tôi yêu lắm sân trường này, mỗi khoảng đất, mỗi chiếc ghế đá đều in dấu những kỷ niệm đẹp của tôi cùng các bạn. Nhớ về những phòng học, những dãy hành lang luôn tràn đầy tiếng cười của các bạn học sinh, nhớ về sân trường mà giờ ra chơi, luôn có những tốp học sinh bước trên đó.Nhớ về ngày kỉ niệm 45 năm thành lập trường rất nhiều các hoạt động thi đua đã được phát động như: Thi đua dạy tốt, học tốt; thi đua hái hoa điểm 10 dành tặng thầy cô, Tôi cùng các bạn luôn cố gắng thi đua xây dựng bài. Nhớ đén khi xuân sang, nhà trường tổ chức hoạt động trồng cây ,lớp tôi cũng tham gia vào buổi trồng cây của nhà trường, dù nắng chói chang nhưng tôi vẫn thấy nụ cười rạng rỡ của các bạn học sinh. Từng cây phi lao được trồng lên, rôi nay mai cây sẽ lớn, sẽ góp một phần nhỏ vào huhvuy, . Và có lẽ cũng giống tôi, ở đâu đó tận sâu trong đáy lòng những người con của mái nhà THPT Giao Thủy B... đều dành cho trường vị trí lớn trong trái tim. Để rồi đây có lẽ từng nhành cây, ngọn cỏ nơi sân trường, từng khu giảng đường cũng trở nên thân thuộc, đáng yêu và mái mãi in đậm trong trí nhớ của những thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường này. Biết rồi ai cũng sẽ phải lớn, phòng học sớm muộn cũng sẽ dành cho các em khoá sau nhưng có lẽ ai cũng không muốn rời xa thời nô đùa nghịch ngợm này.
Có những lúc tôi nghĩ về 5 năm sau, 10 năm sau khi tôi quay trở lại thì trường trông sẽ khác như thế nào? Chắc chắn là cảm giác vừa lạ, vừa quen. Lạ vì qua từng ấy năm, trường sẽ có những thay đổi như cơ sở hạ tầng khang trang hơn chẳng hạn. Còn quen vì đó là nơi tôi đã gắn bó suốt ba năm trời, làm sao dễ quên nơi mà tôi coi như ngôi nhà thứ hai vậy. Tôi thoáng tưởng tượng ra mình khi đã ra trường, trở thành cựu học sinh GTB. Có lẽ mỗi khi đi trên đường nhìn từng tốp học sinh mang phù hiệu THPT GTB, tôi lại bắt gặp hình ảnh mình trong số đó, sẽ lại nhớ về quãng thời gian học tập dưới mái trường này, sẽ có thói quen hỏi thăm về trường, quan tâm tới những đổi thay nơi đây. Tôi nhớ có một lần tôi khoe với các anh chị cựu học sinh về lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường, họ tỏ ra nuối tiếc, ghen tị và nói tôi thật là may mắn vì có cơ hội được dự một sự kiện trọng đại như thế, không chỉ là các anh chị cựu học sinh mà còn cả các em lớp 8, lớp 9 học ở các trường trung học cơ sở, khi được nghe về lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường THPT Giao Thủy B... cũng tỏ ra nuối tiếc vì không có cơ hội tham dự sự kiện long trọng như thế. Các em nói với tôi rằng, dù có hối tiếc nhưng sẽ càng phải cố gắng hơn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để có thể đỗ vào THPT Giao Thủy B..., với các em đó chính là niềm mong ước lớn nhất lúc này. Nghe được những lời tâm sự của mọi người, tôi càng cảm thấy mình thật may mắn vì lễ kỷ niệm không chỉ là dấu mốc đặc biệt chứng minh cho chặng đường 45 xây dựng và phát triển của THPT Giao Thủy B... mà nó còn khơi dậy thêm cho chúng tôi tình yêu đối với mái trường này, sẽ cho tôi cơ hội có những kỷ niệm đẹp bên thầy cô, bạn bè.
Trên sân trưòng, những cây xanh lớn dần theo năm tháng. Thành tích cũng không thể chợt đến trong ngày một, ngày hai… Thành tích của ngày mai được làm nên từ các buổi lên lớp ngày hôm nay. Thành quả ngày hôm nay giúp chúng ta nhìn rõ hơn mục tiêu phấn đấu cho ngày sau. Tôi nói riêng cũng như từng thế hệ học sinh đã và đang trưởng thành từ mái trường THPT Giao Thủy B sẽ mãi nhớ về trường như một bến đỗ bình an, một điểm tựa tinh thần vững chắc để bước tiếp trên đường đời đầy gian nan, thử thách.
Một lớp học trò nữa sắp ra trường, những người thầy cô vẫn âm thầm là “ người đưa đò sang sông”, dẫu có niềm vui hay nỗi buồn thì “ bến đỗ” có tên THPT THPT Giao Thủy B luôn là miền ký ức rất đẹp trong ký ức học sinh. Chắc chắn rằng mai sau, mai sau nữa thì THPT Giao Thủy B... vẫn mãi trong trái tim tôi.