I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích dưới đây: Chúng ta thường tự nhủ mình không hề phán xét mà chỉ quan sát người khác thôi. Nhưng đó chẳng khác nào một lời nói dối. Tập trung chú ý vào thất bại, sự hèn hạ của người khác đồng nghĩa với việc ta đang thổi phồng chúng lên quá mức, từ đó, làm tổn thương họ. Tất nhiên, điều ngược lại cũng có tác dụng tương tự. Nếu lựa chọn nhìn vào điểm tốt vốn dĩ luôn tồn tại trong người khác, chúng ta sẽ củng cố thêm điểm tốt ấy cho họ, cho bản thân chúng ta cũng như cho cả cộng đồng; chúng ta sẽ giúp những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé nhất, lan tỏa khắp nơi. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn nhìn vào điểm tốt trong mọi người. Đó là lối tư duy ta nên rèn luyện vì lợi ích của xã hội. Thật may mắn vì chúng ta có thể cảm nhận được lợi ích của sự chuyển biến này ngay lập tức. Đôi khi ta cần phải quyết định lại; nhưng mỗi khi lựa chọn nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác, thay vì chú tâm vào khuyết điểm, chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên tốt bụng hơn, khoan dung hơn. Và điều đó sẽ tiếp sức cho hy vọng. Sự tự tin, hạnh phúc và lòng nhiệt thành của ta càng tăng lên bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy thanh thản bấy nhiêu. Một vài người còn tin rằng, khi nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác là chúng ta đã làm trọn ý nguyện của Thượng đế, bởi lẽ đó chính là cách Thượng đế nhìn nhận con người. Dù ý tưởng này phù hợp với niềm tin của bạn hay không cũng chẳng quan trọng. Lời khuyên mấu chốt tôi muốn đề cập ở đây là cần ý thức được rằng, tâm trạng của mình sẽ thay đổi khi ta cư xử hòa nhã và nhiệt tình với mọi người xung quanh, thay vì hạ thấp họ bằng phán xét. Bạn nên biết con người luôn cảm nhận được sự phán xét dù họ có thể không nhìn thấy hay nghe thấy. Nói một cách đơn giản, thái độ phán xét khiến thế giới của chúng ta nhỏ hẹp. Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung. (Theo Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay - Karen Casey, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Tác hại của việc “phán xét” người khác được tác giả đề cập đến trong đoạn trích là gì? Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả: “Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung.” Câu 3. Nêu một tác hại của việc phán xét người khác mà anh/chị đã gặp trong cuộc sống? Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị? Vì sao?
1 câu trả lời
Em tham khảo nhé
Câu 1
Tác hại của việc “phán xét” người khác được tác giả đề cập đến trong đoạn trích là làm tổn thương họ, và thái độ phán xét khiến thế giới của chúng ta nhỏ hẹp.
Câu 2
“Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung” có nghĩa là với tấm lòng bao dung, độ lượng chúng ta sẽ nhìn nhận khuyết điểm của người khác một cách nhẹ nhàng hơn, không chỉ trích, lên án họ. Đồng thời còn động viên họ để họ không ngừng cố gắng và đem lại sức mạnh lan tỏa lơn, khiến cho cả cộng đồng tin tưởng và yêu thương nhau nhiều hơn. Từ đó sẽ làm thay đổi tư duy của mọi người.
Câu 3
Đó là việc phán xét về ngoại hình, về cách ăn mặc của người khác. Từ đó, khiến họ trở nên tự ti, mặc cảm với xã hội
Câu 4
Đó là thông điệp về việc nên sống có lòng bao dung. Bởi lẽ lòng bao dung sẽ khiến chúng ta sống vị tha, nhìn nhận người khác một cách công bằng và nhẹ nhàng hơn, thay vì phán xét họ