đọc 2 đoạn thơ sau trong bài thơ việt bắc của tố hữu đoạn 1 " Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lữa ngừoi thương đi về Đoạn 2 Quân đi điệp điệp trung trung Ánh sao đầu sinh bạn cùng mũ nan Dân công bỏ đuốc từng đoàn Bước chân núi đá muôn tàn lữa bay Anh chị hãy cảm nhận 2 đoạn thơ để thấy được " Việc Băcs vừa là bản tình ca vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến . Từ đó hãy nêu nhận xét về nội dung thơ chữ tình chính trị của tố hữu

2 câu trả lời

I, Dàn ý tham khảo

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Tố Hữu

+ Năm sinh - năm mất

+ Quê quán

+ Phong cách sáng tác

+ Tác phẩm tiêu biểu

- Giới thiệu tác phẩm: Việt Bắc

+ Xuất xứ

+ Nội dung

+ Nghệ thuật

- Giới thiệu hai đoạn thơ

2, Thân bài

* Lí luận về thơ

a, Việt Bắc là bản tình ca

- Được thể hiện rõ nét qua đoạn 1

+ Trước hết hai câu thơ đầu là những cảm xúc nhớ thương đậm chất lãng mạn của nhà thơ Tố Hữu với quê hương Việt Bắc

+ Hai câu thơ cuối là nỗi nhớ thương cụ thể mà vẫn đong đầy, da diết:

“Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

=> Chỉ với bốn câu thơ trên, dễ dàng nhận thấy rằng Tố Hữu đã gắn bó với mọi không gian của Việt Bắc, từ không gian lãng mạn, hẹn hò đến không gian bình dị trong sinh hoạt đời thường và đến cả những không gian kháng chiến. Thế mới thấy Việt Bắc thực sự là máu thịt, là một phần đời sống của người kháng chiến.

b, Việt Bắc là bản hùng ca 

- Được thể hiện rõ nét qua đoạn 2

+ Hai câu thơ mở đầu là sức mạnh của đoàn vệ quốc quân:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

+ Hai câu thơ cuối là sức mạnh của đoàn dân công

=> Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi vừa giàu chất lãng mạn tạo âm hưởng anh hùng ca trong những vần thơ lục bát. Tố Hữu không chỉ làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy niềm vui của đất nước, niềm vui tự hào về đất nước và nhân dân, niềm biết ơn cách mạng của mỗi chúng ta.

3, Kết bài

- Tình cảm của em dành cho bài thơ

II, Bài văn tham khảo

Tố Hữu đã từng nói :Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca đã trào ra bao nỗi nhớ thương vô vàn. “Việt Bắc” chính là những rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Trong bài thơ, tác gải đã tái hiện những ngày tháng kháng chiến gian khổ và sức mạnh hào hùng của quân dân Việt Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai đoạn thơ sau "Nhờ gì như..." và "Quân đi..."

 Nếu như tác phẩm tự sự thường phản ánh tư tưởng, tình cảm của tác giả thông qua việc tái hiện khách quan hiện thực đời sống thông qua tình huống truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết…thì thơ ca đi vào phản ánh thế giới tâm hồn con người trước rung cảm tinh tế sâu sắc, trước cuộc sống muôn màu. Vì thế Lê Qúy Đôn nói: “thơ ca khởi phát từ lòng người”. Có thể nói, bài thơ “Việt Bắc” cũng như hai đoạn thơ trên đã thể hiện rõ nét điều đó. “Việt Bắc” là một trong những tác phẩm phản ánh cụ thể phong cách thơ của Tố Hữu, đó là khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn, giọng điệu tâm tình ngọt ngào tha thiết, tính dân tộc đậm đà. Bài thơ được viết vào tháng mười năm 1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc – thủ đô gió ngàn của dân tộc trở về Hà Nội. Tác phẩm được xem là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Đoạn thơ “Việt Bắc” đã thể hiện nỗi nhớ thiên nhiên của người ra đi. Trước hết hai câu thơ đầu là những cảm xúc nhớ thương đậm chất lãng mạn của nhà thơ Tố Hữu với quê hương Việt Bắc:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

Nếu Quang Dũng gọi tên cảm xúc nhớ thương của mình là “nhớ chơi vơi” thì Tố Hữu lại gọi miền nhớ của mình là “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Nỗi nhớ người yêu vốn là một nỗi nhớ thường trực. Nỗi nhớ ấy khó có thể nguôi ngoai, vơi cạn thậm chí có khi nhớ đến khắc khoải, đau đáu như đứng trước đống lửa, như ngồi đống than, có khi nhớ đến phi lý “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Nhưng với Tố Hữu, nỗi nhớ thương lại được bộc lộ một cách bình dị nhưng cũng đầy ám ảnh qua nghệ thuật so sánh lãng mạn “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Một dòng thơ mà từ “nhớ” được lặp lại hai lần như một lời nghi vấn, một lời cảm thán khiến câu thơ vang lên thật tha thiết, ngọt ngào. Nhưng đó không phải là nỗi nhớ thương của tình yêu đôi lứa mà là nỗi nhớ thương của người cán bộ kháng chiến với đồng bào Việt Bắc. Cái tài tình của Tố Hữu là đã mượn cái ngọt ngào, nồng nàn của tình yêu đôi lứa để cảm hóa một cách sâu sắc tình quân dân, tình kháng chiến. Từ đó nỗi nhớ quân dân bỗng thành nỗi nhớ người yêu. Nhờ thế mà câu chuyện chính trị, cách mạng trở nên thật ngọt ngào, da diết và lay động.

Và trong cái ngọt ngào tha thiết ấy, cảnh vật Việt Bắc trong nỗi nhớ của Tố Hữu cũng thấm đẫm hương vị tình yêu lãng mạn “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”. Câu thơ được gợi mở ra bởi hai hình ảnh chấm phá đặc biệt. Ánh trăng bàng bạc huyền ảo thấp thoáng đầu núi, là nắng chiều nhạt nhòa tỏa khắp lưng nương, lưng núi. Hơn nữa, hai hình ảnh thơ ấy lại được hòa quyện với hai thời điểm, hai không gian khác nhau. Một không gian thấm đẫm chất lãng mạn của đêm trăng tựa như một lời hẹn hò tình tứ, một không gian lao động bình dị trên nương rẫy. Đó cũng chính là sự hài hòa giữa nghĩa chung và tình riêng, giữa nghĩa vụ và tình yêu đôi lứa. Đây chính là đặc điểm chung của tình yêu trong thơ ca kháng chiến chống Pháp, khi tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình yêu cách mạng.

Hai câu thơ cuối là nỗi nhớ thương cụ thể mà vẫn đong đầy, da diết:

“Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

Nếu hai câu thơ đầu là nỗi nhớ chung chung mơ mộng thì ở hai câu thơ này Tố Hữu lại “nhớ từng”. Tức là nỗi nhớ thật cụ thể, tường tận không bỏ sót. Phải gắn bó với Việt Bắc, coi Việt Bắc là tâm hồn, là một phần của đời sống của chính mình, Tố Hữu mới có thể nhớ thương chân thành rạch ròi và đằm thắm đến vậy. Bên cạnh đó, chúng ta lại có một cảm giác trong từ “nhớ từng” ấy, Tố Hữu như nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. Và từ nỗi nhớ ấy, không gian Việt Bắc lại một lần nữa hiện lên thật đẹp qua hình ảnh “bản khói cùng sương”. Vẫn là những bản làng quen thuộc bình dị nhưng không còn là “hắt hiu lau xám” mà là một không gian thật thơ mộng, lãng mạn trong làn sương khói hư ảo, bảng lảng như vương quyện trong núi trong rừng và cả trong miền kí ức của người ra đi. Đọc đến đây ta chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:

“Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương”

Ở câu thơ cuối, không gian Việt Bắc lại được chuyển sang một không gian ấm áp bình yên “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”. Thơ Tố Hữu vốn bình dị từ ngôn ngữ đến hình ảnh và “bếp lửa” là một hình ảnh như vậy. Cũng đã từng có nhà thơ nhớ đến tha thiết cái bếp trong kí ức tuổi thơ của mình:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”

Nhưng trong câu thơ của Tố Hữu hình ảnh “bếp lửa” lại gắn liền với miền kí ức kháng chiến, gắn liền với những nghĩa tình cách mạng. Hình ảnh “bếp lửa” vừa như làm ấm lòng người kháng chiến xa nhà vừa như làm ấm làm sáng lên không gian núi rừng về đêm. Nhờ thế mà cả con người và không gian đều trở nên thật ấm áp, nồng nàn. Câu thơ còn trở nên tha thiết hơn khi con người xuất hiện và còn được Tố Hữu gọi là “người thương”. “Người thương” có thể là hình ảnh của cô gái nuôi quân giữa chiến khu Việt Bắc, cũng có thể là những người dân Việt Bắc nói chung. Nhưng với cách nói này, thực sự chứa chan biết bao tình cảm yêu thương nồng đượm, biết bao nồng nàn tha thiết mà người kháng chiến dành cho người dân Việt Bắc. Đặc biệt hơn là khi hai hình ảnh “bếp lửa” và “người thương” được kết hợp bên cạnh từ chỉ thời gian “sớm khuya” như gợi tả thật tinh tế, khéo léo sự tần tảo đảm đang của con người Việt Bắc.

Nếu đoạn một tái hiện nỗi nhớ của người ra đi thì đoạn hai lại là bức tranh hào hùng, hoành tráng với khí thế ra trận sục sôi. Hai câu thơ mở đầu là sức mạnh của đoàn vệ quốc quân:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Một câu thơ có hai từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” đặt cạnh nhau như tái hiện chân thực cảnh đoàn quân ra trận. Đoàn quân ấy gây ấn tượng về một sự đông đảo lớn mạnh khổng lồ, nối dài trên khắp nẻo mọi con đường Việt Bắc. Đoàn quân ấy như là hiện thân sống động cho tinh thần đoàn kết, khí thế quyết chiến quyết thắng trước mọi kẻ thù. Hình ảnh đoàn quân ra trận đã được cảm hứng lãng mạn tạo nên tầm vóc vũ trụ bởi hình ảnh “ánh sao đầu súng”, một hình ảnh thơ rất lãng mạn. Đó là hình ảnh những người lính trong đêm hành quân. Đi dưới trời sao, ánh sao trời soi vào đầu súng thép ánh lên lấp lánh, cũng có thể hiểu là những ngôi sao trên mũ người chiến sĩ ánh lên dưới sao trời. Có lẽ vì vậy mà ta thấy cả đất trời đang hành quân cùng người lính ra trận. Ánh sao ấy cũng là biểu tượng cho ánh sáng lí tưởng, cho niềm tin tất thắng.

Quang Dũng cũng có cách nói tương tự “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.  Nhưng khác với Tố Hữu, hình ảnh “súng ngửi trời” của Quang Dũng là cách nói thậm xưng, hình ảnh nhân hóa độc đáo vừa đậm chất hiện thực vừa mang nét hài hước đậm chất lính. Đồng thời gợi vẻ tinh nghịch, chất lãng mạn bay bổng, chất lính ngang tàng như thách thức cùng gian khổ của người lính Tây Tiến.

Hơn thế nữa, hình ảnh thơ lãng mạn “ánh sao đầu súng” lại được kết hợp với hình ảnh hiện thực “bạn cùng mũ nan”. Đó là hình ảnh chiếc mũ quen thuộc của các anh vệ quốc quân, chiếc mũ che mưa che nắng theo sát từng chặng đường kháng chiến gian khổ mà hào hùng. Sự kết hợp giữa hai hình ảnh lãng mạn và hiện thực cùng cách ngắt nhịp 4/4 đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa, cộng  hưởng, một vẻ đẹp vừa chân thực vừa lí tưởng.

Trong bức tranh tổng hợp về sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến, Tố Hữu đã khái quát thêm một sức mạnh. Đó là sức mạnh của đoàn dân công, những con người đã cùng quân đội ta làm nên trang sử vàng cho dân tộc:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”

Dân công là những người đi mở đường, xẻ núi, tải lương thực,… phục vụ chiến trường. Họ đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Điều đặc biệt ở đây là tác giả không viết “từng đoàn dân công đỏ đuốc” mà lại sử dụng biện pháp đảo ngữ mở đầu cho câu thơ là hai chữ “dân công” và kết câu là “từng đoàn”. Chính cấu trúc này đã gợi ra sự đông đảo, trùng điệp vô tận của những đoàn dân công với bó đuốc đỏ trong tay. Từng đoàn từng đoàn nối nhau vượt núi băng sông tiếp tế cho chiến trường. Họ cũng giống như những người chiến sĩ nơi tiền tuyến, những nam nữ dân công cũng ra trận với đầy khí thế, sức mạnh. Để rồi sang câu sau, Tố Hữu đi vào cụ thể hơn cái sức mạnh, khí thế hừng hực của đoàn quân viện trợ. Câu thơ “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” đã khắc họa sức mạnh như vũ bão với những bước chân mạnh mẽ, vững trãi chả khác nào những đợt sóng trào dâng vô tận của đoàn dân công. "Nát đá" được viết theo phép đảo ngữ, từ dùng rất bạo khoẻ vừa gợi lên được những gánh hàng rất nặng vừa nói lên bước chân đầy sức mạnh tiến công của họ. Qua đó, nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lí tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của người nông dân lao động.Có thể nói hình ảnh “bước chân nát đá” được hiện lên với bút pháp cường điệu quả thực là một hình ảnh thật đẹp. Bên cạnh đó, nhà thơ còn khắc họa hình ảnh thơ “muôn tàn lửa bay” giàu chất chất tạo hình, gợi tả, gợi cảm. Đây là một hình ảnh thơ đa nghĩa. Đó là lửa của đuốc đang bay, hay là ánh lửa từ trái tim của những anh, chị dân công hoả tuyến. Câu thơ ‘Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay’ sự kết hợp kì diệu giữa hình ảnh thực và những liên tưởng lãng mạn bay bổng vừa làm sống dậy nguồn sức mạnh to lớn của một dân tộc, vừa thần thoại hoá sức mạnh của con người, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bước chân của họ là bước chân của những con người đội đá va trời, rung chuyển càn khôn, đạp bằng mọi gian nguy làm nên chiến thắng kì diệu khiến thế giới phải khâm phục. Ta cũng đã từng bắt gặp sức mạnh này trong những câu thơ khác của Tố Hữu:

“Chiến sĩ anh hùng đầu nung lửa sắt

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặt bàn chân của một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi lầy bùn”

Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi vừa giàu chất lãng mạn tạo âm hưởng anh hùng ca trong những vần thơ lục bát. Tố Hữu không chỉ làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy niềm vui của đất nước, niềm vui tự hào về đất nước và nhân dân, niềm biết ơn cách mạng của mỗi chúng ta.

Bài thơ là khúc ca ân nghĩa, là hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu về chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước, từ đó mà hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhớ tâm nguyện thuỷ chung. Viết về nghĩa tình dân tộc và hướng về đồng bào mình, Tố Hữu đã phát huy được hình thức nghệ thuật mang tính dân tộc, trong đó nổi bật là cách sử dụng thể thơ lục bát và ngôn ngữ thơ đậm sắc thái dân gian. Có thể coi Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.

Tố Hữu, một cái tên không hề xa lạ với bạn đọc yêu thơ . Qủa thật là vậy, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định Tố Hữu đã và sẽ luôn là ngọn cờ tiên phong tiêu biểu cho nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ gắn bó chặt chẽ với nhau, sự hòa hợp giữa chất trữ tình và chính trị được ẩn hiện qua từng tác phẩm mà nổi bật nhất là bài Việt Bắc.Đây là bài thơ ghi lại những tình cảm sâu nặng, những nỗi nhớ da diết của một người cán bộ vế xuôi với con người thiên nhiên Tây Bắc. Đoạn thơ sau đã thể hiện sự nhớ nhung của tác giả với cảnh, người cùng cuộc kháng chiến:

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bàn khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cây ngọt bùi”

Việt Bắc là căn cứ cách Mạng, là đầu não của cuộc kháng chiến chống pháp. Thiên nhiên và đồng bào Việt Bắc đã cưu mang, che chở cho Đảng và Chính phủ suốt 15 năm trời. Bài thơ VIệT BắC được sáng tác vào khoảng thời gian tháng 10/1954, là lúc các cơ quan Trung ương của Đảng và chính phủ rời khỏi Tây Bắc để trởi về Hà Nội. Đây là một bài thơ dài ghi lại tình cảm lưu luyến của cán bộ và nhân dân và cũng là lời khẳng định tình cảm thủy chug của người cán bộ về xuôi với Việt Bắc, với cuộc kháng chiến, với cách mạng. Đoạn trích trên nằm ở khổ ba của phần I bài thơ nói về những kỷ niệm cùng nỗi nhớ với thiên nhiên con người Việt Bắc.

Một nỗi nhớ da diết, không nguôi được tác gỉa hình dung thật lạ

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

Một chữ “gì” hàm chứa biết bao điều, phải chăng đó chính là nỗi nhớ thiên nhiên, với nhân dân cùng quãng thời gian kháng chiến đầy ấp kỷ niệm. Nhớ “như nhớ người yêu”, hình ảnh so sánh thật đầy ý nghĩa, nỗi nhớ sao thật dai dẳng triền miên, luôn thường trực trong tâm trí. Một khung cảnh hiện ra đã hoàn toàn khẳng định đối tượng được nhớ đến - Việt Bắc:”Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” rồi sau đó là những hình ảnh miêu tả không gian thơ mộng đậm chất núi rừng Việt Bắc

“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

Hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc được liệt kê đến từng chi tiết. Rõ ràng tác giả vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm cùng khung cảnh Việt Bắc. “Người thương”, hai chữ thôi nhưng chứa đựng biết bao ân tình. Đây chính là những con người VIệT BắC đã cưu mang, che chở cho cán bộ trong suốt một quãng thời gian dài gian khó. “Bếp lửa” – hình ảnh của một gia đình ấm cúng thường thấy, Phải chăng tác giả đã xem nơi đây như là gia đình thứ hai của mình.Vần chân “sương” và “người thương” làm cho giọng điệu câu văn trở nên da diết, diễn tả một nỗi nhớ bịnh rịnh, lưu luyến, không muốn rời xa. Vẫn tiếp tục là nỗi nhớ, nhưng dường như ngày càng sâu đậm hơn với những tên gọi địa danh gắn liền với quá khứ cách mạng mà tác giả từng trãi qua:

“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”

Dù là một nơi nhỏ trong chốn núi rừng Việt Bắc bao la, nhưng dường như trong ký ức của tác giả nó cũng trở nên quan trọng, không bao giờ có thể quên.Một sự khẳng định chắc chắn…không bao giờ có thể quên:

“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi”

Dù bản thân có đi xa, dù có ở nơi chốn nào thì vẫn sẽ luôn nhớ về “mình”. Ngôn từ xưng hô thật giản dị mà thân thương. “Mình” cùng “ta” nào có thể quên được những “đắng cay ngọt bùi” đã trải qua. Hình ảnh ẩn dụ “đắng cay” chính là những khó nhọc, gian nan mà nhân dân cùng cán bộ đã phải trải qua trong suốt thời kỳ kháng chiến, còn niềm vui chiến thắng không gì khác chính là “ngọt bùi”. Từng nỗi nhớ như tràn ngập trong tâm hồn Tố Hữu biểu hiện cho một tình cảm sâu nặng tựa như nỗi tương tư đến “người thương”. Điệp từ “nhớ” được lặp đi lặp lại càng khắc sâu hơn sự nhớ nhung ngghìn trùng tha thiết của tác giả đối với Việt Bắc.

Cả đoạn thơ mang đậm màu sắc dân tộc, thể hiện rõ hồn thơ của Tố Hữu. Điệp từ “nhớ” cùng lối so sánh đặc biệt để bộc lộ một cảm xúc thương nhớ dạt dào.Cách gieo vần, sử dụng tài tình thể thơ lục bát đã làm cho đoạn thơ mang âm điệu ngọt ngào, êm ái. Việc liệt kê một loạt những hình ảh cùng địa danh của Việt Bắc đã khắc họa thật sâu nỗi niềm thương nhớ của một người chiến sĩ – thi sĩ đối với quê hương thứ hai của mình.

Đoạn thơ trên chính là bản tình ca về lòng chung thủy sắt son, chính là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của những người VNtrong kháng chiến. Với những câu thơ dạt dào cảm xúc, Tố Hữu đã thể hiện thành công tình cảm của người cán bộ dành cho thiên nhiên, nhân dân Việt Bắc không chỉ là tìh cảm công dân xã hội mà còn là sự sâu nặng như tình yêu lứa đôi. Nhờ vậy Việt Bắc đã trở thành thành phần tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

Bằng những vần thơ đậm chất dân tộc, nỗi nhớ cùng tình cảm chugn thủy sắt son giữa người cán bộ với nhân dân, thiên nhiên Việt Bắc cùng cuộc kháng chiến được khắc họa rõ nét. Thật hiển nhiên, Tố Hữu xứng đáng trở thành ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm