dàn ý diễn biến tâm trang của Liên trong Hai đứa trẻ ( không chép mạng )

1 câu trả lời

Thạch Lam (1910-1942), là một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, là con người có tính cách đôn hậu, điềm đạm và tinh tế thế nên các tác phẩm của ông cũng mang cái vẻ trong sáng, giản dị, thâm trầm và sâu sắc. Ông là nhà văn có biệt tài về truyện ngắn, với nội dung thường khai thác những vẻ đẹp của cuộc sống đời thường bình dị ở không gian phố huyện ven đô ngoại thành, vốn là không gian sống quen thuộc của nhà văn trong thời thơ ấu cơ cực, vất vả tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Những ngày tháng ấy đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ, trở thành một không gian nghệ thuật thường xuyên trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Thạch Lam. Về nghệ thuật, ông thường viết những “truyện không có chuyện”, mà sức hấp dẫn trong tác phẩm của ông là đến từ thế giới nội tâm phức tạp của con người, tác giả cố công đi tìm kiếm những vẻ đẹp tâm hồn với những cái xúc cảm mong manh, mơ hồ và tinh tế. Nét nghệ thuật độc đáo ấy đã khiến cho các tác phẩm của Thạch Lam tựa như những bài thơ trữ tình đượm buồn, dẫu là truyện đấy nhưng nó lại mang trong mình chất thơ vô cùng đậm đặc trong từng câu chữ. Hai đứa trẻ nằm trong tập truyện Nắng trong vườn (1938), là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất mang đầy đủ phong vị sáng tác truyện ngắn theo cách riêng biệt của Thạch Lam. Nội dung chính của tác phẩm là khung cảnh phố huyện và bức tranh tâm hồn của nhân vật Liên với những xúc cảm đặc biệt, sâu sắc nổi bật lên trên cái nền tàn tạ, tối tăm của phố huyện lúc chiều tàn và khi đêm xuống.

Đi vào tác phẩm, điều đầu tiên hiện lên trước mắt độc giả ấy là bức tranh phố huyện lúc chiều tàn, khung cảnh thiên nhiên bắt đầu bằng cái tâm trạng buồn man mác của cô bé Liên trong cái khoảnh khắc ngày tàn, từ đó bức tranh thiên nhiên bắt đầu hiện ra với cái vẻ u buồn, tàn tạ. Không hiểu là cảnh thấm vào hồn người hay là do hồn người lây nhuốm sang cảnh như cụ Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chỉ biết rằng cái buồn của cả người và cảnh rất cân đối và hòa quyện nhịp nhàng với nhau, tạo nên một cái màu truyện buồn man mác, buồn nên thơ. Ở trong tác phẩm Thạch Lam đã cảm nhận bức tranh thiên nhiên bằng cả thị giác và thính giác, cứ mỗi câu văn lại mở ra một cảnh mới, câu trước gọi câu sau. Khung cảnh chiều tàn đã được mở ra bằng các âm thanh từ nhỏ đến to dần, đó là “tiếng muỗi đã bắt đầu vo ve” trong cửa hàng hơi tối, xa hơn nữa là “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” và cuối cùng bao trùm cả không gian, báo hiệu chính thức cái thời khắc ngày tàn ấy là “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Tất cả những âm thanh ấy, dẫu có ồn ã, làm xáo động không gian đấy, thế nhưng khi cộng hưởng lại trong tác phẩm nó lại không mang đến cảm giác tươi vui náo nhiệt, mà ngược lại nó gợi ra một không gian rất tĩnh lặng, hoang vắng, mang cảm giác buồn man mác của buổi chiều tà. Điều này ít nhiều làm chúng ta liên tưởng đến bút pháp lấy động tả tĩnh trong thơ ca phương Đông, lấy cái động sắc nét để diễn tả cái tĩnh đang bao trùm lên tất thảy. Đó là những cảm nhận về thính giác, về thị giác Thạch Lam trước hết cảm nhận cảnh chiều tàn thông qua những hình ảnh và màu sắc rất đẹp, rất lãng mạn. Đó là cảnh tượng “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Hai gam màu đỏ rực, ánh hồng đều là những gam màu rực rỡ, sắc nét thông thường đại diện cho sự vui tươi, sáng sủa, thế nhưng trong trường hợp này chúng lại mang đến những xúc cảm hết sức ảm đạm, bởi những màu sắc ấy ở trong cảnh hoàng hôn chính là báo hiệu cho sự lụi tàn một một ngày, là ánh sáng cuối cùng lóe lên trước khi trời tối hẳn, trước khi cái màu đen của bóng tối chính thức bao trùm trên cảnh vật. Các cảm nhận của thị giác không chỉ dừng lại ở các hình ảnh và màu sắc mà nó còn hiện lên một cách rất nghệ thuật, mang phong cách hội họa thông qua đường nét mà tác giả quan sát một cách tỉ mỉ. Cảnh “Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”, mang đến một cảm giác ảm đạm, gợi ra những nhận thức rất rõ rệt về cái khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, nền trời thì hơi sáng bởi có ánh hoàng hôn, còn lũy tre làng thì tối lại in hằn rõ vệt trên nền trời, như một bức tranh độc đáo với gam màu tối tăm, gợi ra cảm giác ảm đạm, buồn bã vô cùng. 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm